Một nhà nghiên cứu Trung Quốc nói Bắc Kinh đang có quả bom nợ trong khi hãng đánh giá tín dụng Moody's lo ngại về nợ xấu ở Trung Quốc.
Moody's nói nợ xấu mà các chính quyền địa phương Trung Quốc đang giữ ở mức tồi tệ hơn lúc đầu họ ước tính.
Các ngân hàng Trung Quốc đã cho các chính quyền địa phương vay 8.500 tỷ nhân dân tệ (1.300 tỷ đô la Mỹ) trong năm 2010 để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên Moody nói số nợ thực tế có thể lên tới 12.000 tỷ nhân dân tệ (1.835 tỷ đô la).
Hãng này nói nợ xấu có thể ở mức từ 8% tới 10% tổng số nợ.
Đại diện của hãng, bà Trương Nghị, phó giám đốc Moody's tại Trung Quốc nói: "Khi so sánh số liệu của Cục Kiểm toán Quốc gia với báo cáo của các cơ quan quản lý ngân hàng, chúng tôi thấy rằng Cục Kiểm toán có thể đã thống kê thiếu số nợ mà các chính phủ địa phương vay của ngân hàng."
Bà Trương giải thích rằng do các khoản nợ này không thuộc phạm vi quản lý của Cục Kiểm toán Quốc gia, chúng không được Cục Kiểm toán tính là nợ thực của chính quyền địa phương.
"Điều này cho thấy các khoản nợ này dễ bị kê khai không đầy đủ và có thể là những khoản dễ thành nợ không trả được nhất," bà Zhang nói thêm.
Moody cảnh báo triển vọng của ngành ngân hàng Trung Quốc có thể sẽ chuyển sang tiêu cực vì các khoản vay của chính quyền địa phương quá lớn.
Bom nợ
Một chuyên gia về Trung Quốc tại Hoa Kỳ, GS Minxin Pei (Bùi Mẫn Hân) gần đây cũng nói nếu tính cả nợ của các chính quyền địa phương và chi phí tái cấp vốn cho ngân hàng quốc doanh cũng như trái phiếu mà các ngân hàng này phát hành bên cạnh trái phiếu đường sắt, tổng số nợ của Trung Quốc chiếm 70-80% tổng sản phẩm quốc nội GDP, tức gần bằng mức nợ công của Hoa Kỳ và Anh chứ không phải chỉ dưới 20% GDP như công bố.
Ông Bùi Mẫn Hân viết trên trang Bấm The Diplomat rằng Trung Quốc đang đi theo quỹ đạo không bền vững nhất là khi nền kinh tế sẽ tăng trưởng chậm lại trong thập niên tới.
Bắc Kinh luôn sẵn sàng giải cứu và đây là điều mà các quan chức chính quyền địa phương đều biết.
Tiến sỹ Bùi Mẫn Hân
Ông Hân nói nếu cuộc khủng hoảng của phương Tây do người tiêu dùng vay nợ quá mức gây ra thì những khoản vay mà các chính quyền địa phương đổ vào phát triển hạ tầng cũng có thể tạo ra sự phát triển bong bóng tương tự.
Theo các dữ liệu mà chuyên gia này đưa ra, các dự án cơ sở hạ tầng mà chính quyền địa phương đầu tư vào chỉ có thể tạo ra lợi nhuận để trả 30% các khoản vay.
Trong khi đó đất đai mà chính quyền địa phương thế chấp để vay vốn đang có giá trị bấp bênh do thị trường địa ốc có thể suy sụp.
Chính vì vậy, ông Hân nói, có nhiều khả năng các chính quyền địa phương sẽ không trả được nợ, mà đa số sẽ tới hạn phải trả trong hai năm tới đây, và chính quyền trung ương sẽ phải giải cứu.
Và khi Bắc Kinh phải cấp tiền cho chính quyền địa phương để trả nợ thì số tiền họ có để đầu tư vào nền kinh tế sẽ giảm xuống, khiến cho mức tăng trưởng sẽ lại càng có nguy cơ giảm đi trong thời gian tới.
Tác giả Bùi Mẫn Hân kết thúc bài viết trên The Diplomat: "Thực tế mà nói các khoản mà những cơ quan chính phủ [Trung Quốc] vay ngân hàng là tiền chùa - Đây là những khoản vay mà không cần phải trả lại ngay cả khi những khoản vay này thành nợ xấu.
"Bắc Kinh luôn sẵn sàng giải cứu và đây là điều mà các quan chức chính quyền địa phương đều biết.
"Nhưng chúng ta cũng biết điều gì sẽ xảy ra khi người ta tiêu tiền chùa."
Nguồn BBC.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét