Pages

Thứ Sáu, 21 tháng 12, 2012

Hoàng Sa – Cần hành động hơn là cần chứng cớ


Icon_Biển Đông_Đường Lưỡi Bò1
Trích :Ngày nay, dù hải đảo Hoàng Sa hay Trường Sa ở giữa biển Đông xa xôi, mọi người chúng ta là con Hồng cháu Lạc ở trong nước hay nước ngoài đều phải có nghĩa vụ thiêng liêng là “nhớ lấy lại Hoàng Sa” cho kỳ được, bất cứ với giá nào và bất cứ lúc nào.
Vương LiêmTrích từ newvietart
Từ chỗ Hoàng Sa bị chiếm đóng trái phép, ngang nhiên xây dựng các cơ sở hạ tầng, gọi thầu khai thác mỏ dầu, khuếch trương du lịch, chuyển vận nhiều tàu đánh bắt cá từ nhiều năm nay nhằm thách thức Việt Nam và các quốc gia láng diềng… tới mới đây nước bạn lại in bản đồ đường “lưỡi bò” trên Visa cố tình coi thường cả thế giới.

HSTS
Tất cả các động thái cố tình biến Hoàng Sa và biển Đông thành tài sản riêng của quốc gia mình, nước bạn không phải không biết nơi đây thuộc chủ quyền của Việt Nam và nhiều quốc gia bạn. Nước bạn, một mặt không hề đưa ra bất cứ chứng cớ nào về Hoàng Sa và biển Đông thuộc đất nước mình, mặt khác lại liên tiếp có hành động chiếm đóng lâu dài để khai thác mọi tiềm năng ở đây. Họ không nói, không giải thích, không đòi hỏi chủ quyền nhưng cứ làm như vết dầu loang.
Còn chúng ta, nay đưa ra bằng cớ này, mai đưa ra chứng cứ khác, nào là bản đồ xưa, tài liệu cũ, nào là cột mốc cũ … và mời hết người này tới người kia để xác nhận chủ quyền Hoàng Sa là của Việt Nam. Các tư liệu và chứng cớ vừa qua chúng ta trưng bày cho thế giới biết là rất cần thiết nhưng chưa thiết thực bằng cần có giải pháp, hành động để hải đảo và vùng biển này là của Việt Nam, chúng ta có chủ quyền và có quyền lấy lại, chiếm giữ bằng cách này hay cách khác. Đến lúc chúng ta không cần nói nữa mà cứ làm cho ra lẽ, hành động cụ thể, thiết thực để mỗi một ngày nắm giữ được một phần nào miếng đất thiêng của Tổ quốc nằm trong vùng biển thuộc Việt Nam từ bao đời nay.
Hành động đó là gì ? Tùy theo từng việc làm, miễn sao nói lên và chứng tỏ Việt Nam có chủ quyền ở đó, cái đó là của Việt Nam, dù chưa chiếm lại được nhưng vẫn là của chúng ta. Hành động đơn giản và hợp pháp, hợp lý nhất là đặt cột mốc hay dựng bia đánh dấu ở đâu đó, trên biển hay trên đất liền để cho thấy “vật thể’ thiêng liêng lịch sử này là tượng trưng cho Hoàng Sa, là của Việt Nam không sớm thì muộn người dân Việt Nam đến sinh sống ở đó. Lịch sử đã chứng minh. Hai mươi năm, Việt Nam vẫn đầy lùi quân đội Mỹ và chư hầu ra khỏi đất nước (thông qua một hiệp định Paris). Một trăm năm, Việt Nam vẫn giành được độc lập và toàn vẹn lãnh thổ (thông qua một hiệp định Genève) và 1.000 năm Bắc thuộc, Đại Việt vẫn được tự chủ, độc lập và đất nước không còn sự chiếm đóng của triều đình phong kiến phương Bắc (thông qua trận đánh lẫy lừng trên sông Bạch Đằng do anh hùng Ngô Quyền thống suất dân quân). Từ đó, nước Đại Việt bắt đầu xây dựng đất nước độc lập, tự do, quân chủ, phong kiến lần lượt trải qua các triều đại Ngô, Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê, Nguyễn…Thêm vào đó, Nhà Trần kháng chiến thắng lợi cả ba cuộc xâm lăng tàn bạo của Nguyên Mông. Bình Định Vương Lê Lợi đất Lam Sơn khởi nghĩa quét sạch quân nhà Minh xâm lược trong 10 năm. Vua Quang Trung Nguyễn Huệ với tước hiệu Bắc Bình Vương đã tốc hành đem quân ra Bắc đánh đuổi quân nhà Thanh chiếm đóng chưa đầy một tháng ra khỏi biên giới phía Bắc. Trước âm mưu “Hoa quân nhập Việt” Tạm ước 6/3/1946 của Chính phủ VNDCCH còn non trẻ đã buộc gần một triệu quân Tưởng rút khỏi miền Bắc, tránh khỏi họa chiếm đóng lâu dài hợp pháp của quân nước ngoài. Chiến tranh biên giới Việt – Trung năm 1979-1980 đẫm máu nhưng chỉ trong chưa đầy hai năm ngắn ngủi, dân quân Việt Nam anh hùng đã kết thúc thắng lợi, bảo vệ vững chắc Tổ quốc của con Lạc cháu Hồng.
Hoàng Sa bị chiếm đóng trước ngày chiến thắng 30/4/1975 tới nay, tròn 40 năm (1972-2012)… không phải là thời gian chết đi mà là thời gian sống mãi với đất nước anh hùng, dân tộc luôn chiến thắng giành độc lập chủ quyền, sẽ có một ngày sạch bóng quân xâm lược trên hải đảo và vùng biển Đông, dù tới 50 năm hay 100 năm sau nữa.
Hoàng Sa là một huyện đảo thuộc tỉnh Quảng Nam. Đó là một hành động đúng đắn thể hiện chủ quyền của Nhà nước khi quy lập huyện đảo này. Bản đồ hành chính Việt Nam phải được vẽ lại có đường ranh giới khoanh vùng từ đất liền tới hải đảo cũng như quần đảo Trường Sa phải có đường ranh giới trên biển khoanh lại kéo dài từ biển Nha Trang ra tới đó. Ban đồ hành chính – du lịch này cho thấy rõ tỉnh Quảng Nam có huyện Hoàng Sa và tỉnh Khánh Hòa có quần đảo Trường Sa để nhắc nhở người dân trong nước phải nhớ để lấy lại và khách nuớc ngoài thấy để cùng nhìn nhận. Cũng như vậy, chúng ta khoanh vùng biển tỉnh Kiên Giang có Phú Quốc và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có Côn đảo. Nói chung, bản đồ Việt Nam được vẽ lại có đường biên giới trên đất liền giáp các nước bạn ở phái Bắc, phía Tây và Tây Nam, đường bờ biền cong hình chữ S từ Móng Cái tới mũi Cà Mau và đường biên giới trên biển ăn ra tới Hoàng Sa, Trường Sa và luôn cả Côn đảo, Phú quốc, Thổ châu trên biền Đông và vịnh Thái Lan. Từ đó, cho thấy vùng đất biển của nước Việt Nam rộng lớn và giàu đẹp là đường nào !
Hành động kế đến là kêu gọi nhân dân đóng góp quỹ xây dựng bia đá ở đảo Lý Sơn hay trên bờ biền Quảng Nam cạnh QL 1A có ghi Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, có thể khắc thêm hàng chữ “Nhớ đòi lại Hoàng Sa”. Bản đồ mới này còn cần phải được trưng bày như tấm quảng cáo lớn bằng điện tử với nhiều màu sắc ở những nơi đông người qua lại trogn các thành phố lớn như Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt và thành phố Hồ Chí Minh.
Ngay bây giờ, chúng ta nên phát động cuộc tuyên truyền, vận động để làm việc này thay vì cứ đi tìm chứng cớ chủ quyền xa xưa. Chúng ta phải khẳng định từ xưa tới nay : Hoàng Sa là của Việt Nam, chớ không ai khác. Nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”. Hôm nay bị mất tạm thời thì ngày mai nhất định phải lấy lại cho kỳ được, “dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn” (Hồ Chí Minh – tháng 8/1945).
Tháng 10 năm 1954, trước khi về tiếp quản thủ đô Hà Nội, nói chuyện với Đại đoàn tiên phong trước đền Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh (tỉnh Vĩnh Phú), Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Các vua Hùng có công mở nước, Bác cháu ta phải giữ lấy nước”.
Ngày nay, dù hải đảo Hoàng Sa hay Trường Sa ở giữa biển Đông xa xôi, mọi người chúng ta là con Hồng cháu Lạc ở trong nước hay nước ngoài đều phải có nghĩa vụ thiêng liêng là “nhớ lấy lại Hoàng Sa” cho kỳ được, bất cứ với giá nào và bất cứ lúc nào.

Không có nhận xét nào: