Huỳnh Thục Vy - Không khí Giáng sinh đang tràn ngập khắp địa cầu. Các thành phố lớn trên thế giới trong những đêm trước Noel đã được trang hoàng lộng lẫy: Stockholm lung linh với cây thông Noel cao 36m, Lisbon sặc sỡ với quả cầu khổng lồ, đại lộ Champs Elysees Paris sáng bừng trong hàng ngàn bóng đèn rực rỡ. Khắp nơi người ta hân hoan đón chào thêm một mùa mua sắm- vui chơi mới lại đến.
Mặc cho những khốn đốn kinh tế và những bế tắc về chủ quyền quốc gia, ở các thành phố lớn của Việt Nam như Sài Gòn, Đà Nẵng, Hà Nội, khung cảnh Noel cũng không kém tưng bừng. Rồi sẽ có những tiệc tùng tụ hội… những cây thông Noel lớn được dựng lên, những hang đá đẹp rực rỡ đã được bài trí sang trọng trong những gia đình khá giả.
Quả tình tôi không có ấn tượng đặc biệt với những rộn ràng, xa hoa đó. Những chốn ồn ào hoang phí như nhà hàng, tiệc tùng, lễ hội đối với tôi là những thứ xa lạ. Tất nhiên giàu có và hưởng thụ không có gì là xấu, hơn nữa nó còn là một quyền chính đáng với sự lao động tương xứng. Nhưng là một cô gái sinh ra trên một miền quê nghèo của một đất nước bất hạnh với những bất công vẫn diễn ra hằng ngày, tôi luôn có cái cảm giác ngậm ngùi vô cớ đối với những xa hoa lễ lạt. Khung cảnh vui chơi tốn kém đó dường như đối lập một cách tàn nhẫn với những mảnh đời cô đơn, nghèo khó, thiếu mặc đói ăn trên khắp đất nước này. Sự đối lập đó làm rỉ máu những trái tim biết rung cảm trước nỗi đau của đồng loại.
Chúng ta kỷ niệm ngày Chúa cứu thế sinh ra đời. Nhưng không giống như cách chúng ta đang mừng đón, ngày xưa Chúa Jesus đã khởi đầu Công cuộc ởtrần gian của Ngài bằng việc sinh ra trong một máng cỏ tồi tàn ở Bethlehem. Và như chúng ta đã biết, Kitô giáo lúc sơ khởi đã là tôn giáo của những người nô lệ bần cùng, đau khổ, trước khi nó trở thành quốc giáo của Đế chế La Mã. Tượng Chúa đã ở trong những túp lều rách nát của những nô lệ châu Âu trước khi hiện diện ở Roma trong những vương cung Thánh đường tráng lệ.
Một thông điệp “Yêu Thương và Hòa Giải” được đem đến với nhân loại từ một Người Thanh Niên xuất thân bần hàn rồi chấp nhận cái chết đau đớn trên Thập Giá chắc phải để lại trong chúng ta điều gì đó hơn là những thú vui phù phiếm chứ?! Dù không cổ vũ cho sự khó nghèo, cũng không coi thường sự giàu có, nhưng sự hiện diện của chúng ta trong cuộc đời này phải mang ý nghĩa gì đó thiêng liêng hơn là hưởng thụ chứ?!
Mỗi dịp Giáng sinh về, bên cạnh những niềm vui sum họp, ký ức về câu chuyện “Cô Bé Bán Diêm” vẫn như là tiếng chuông ngân lên nhắc nhở chúng ta về trách nhiệm với cộng đồng, đặc biệt là những người kém may mắn. “Cô bé bán diêm” của Andersen hôm nay chính là mỗi một người dân quê tôi trong những ngôi nhà tồi tàn trên sườn núi rét mướt ở Bắc Trà My, vì họ đã rời bỏ những ngôi nhà nứt đổ do động đất Sông Tranh 2. “Cô bé bán diêm” của Đan Mạch ngày xưa, ngày hôm nay đang hiện diện trong những bà con dân oan mất đất, mất nhà, phải chịu cái giá rét của Hà Nội mà đi đòi Công lý (dù Công lý từ lâu không có mặt trên xứ sở này). “Cô bé bán diêm” ấy đang là những tù nhân lương tâm trong nhà tù Cộng sản ở vùng xa xôi, hẻo lánh. Cô bé cũng hiện diện trong những nông dân bỏ con thơ, mẹ già, từ quê lên thành phố làm công nhân trong các nhà máy bóc lột, cuối năm không có tiền về quê…
Mùa Giáng Sinh, mùa của lòng nhân ái, xin tất cả chúng ta hãy dành cho những người cùng khổ, tù đày trên đất nước này một chỗ khiêm tốn trong tim; để chúng ta còn biết thổn thức, âu lo; để bên những dạ tiệc linh đình, chúng ta còn nhận thức sống động rằng, trong cái đất nước đầy bất công đau khổ này, sự may mắn mà chúng ta đang có được đã không đến với đại đa số người khác.
Một mùa Noel và một năm mới nữa lại đến trong những sự kiện đáng đau buồn của đất nước, xin cầu chúc cho chúng ta, dù là Phật tử hay Kitô hữu, biết sống để làm nhân chứng cho những giá trị mà chúng ta tôn thờ, biết sống như các Ngài đang sống trong chúng ta, biết sống như một Thái Tử rời bỏ cung vàng điện ngọc và như một vị Vua không ngồi trên ngai vàng thế gian.
Xin kính chúc cô chú bác anh chị em, cùng quý độc giả một mùa Giáng sinh an lành và một Năm mới với nhiều thắng duyên.
Buôn Hồ ngày 16 tháng 12 năm 2012
© Huỳnh Thục Vy
© Đàn Chim Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét