Tài liệu Tham khảo đặc biệt - TTXVN (Hồng Kông 1/12)
(Bài của Phó Giáo sư Thẩm Húc Huy – Chủ nhiệm Khoa Quan hệ đối ngoại Học viện Giáo dục Hồng Công đăng trên “Minh báo” số ra ngày 22 và 23 tháng 11).
Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, ngày càng có nhiều dấu hiệu về sự xuất hiện một cuộc chiến tranh lạnh mới giữa Trung Quốc và Mỹ. Mấy tháng gần đây, những động thái của Ngoại trưởng Mỹ đã thực sự chứng minh giả thiết nói trên, thể hiện một đại chiến lược hoàn toàn theo chủ nghĩa hiện thực. Đối với Bắc Kinh, đây là thách thức nghiêm trọng nhất kể từ sau thời kỳ Chiến tranh Lạnh, cho thấy “thời kỳ cơ hội chiến lược” 10 năm (dành cho Trung Quốc) kể từ sau sự kiện 11/9 đã chấm dứt.
Sự điều chỉnh của bất kỳ chính sách quy mô lớn nào tự nhiên đều phải trải qua sự cân nhắc, nung nấu của nội bộ. Thời gian đầu khi Tổng thống Obama nhậm chức, tuy đã lấy “sự thay đổi” làm cương lĩnh chính trị, nhưng vẫn luôn cẩn thận xử lý các mối quan hệ với nhân viên ngoại giao, quân sự của nhiệm kỳ trước, nên đã bảo đảm được tính kế tục.
Ví như tiếp tục bổ nhiệm Robert Gate – người của đảng Cộng hoà – làm Bộ trưởng Quốc phòng; cố vấn an ninh quốc gia của Obama – James Jones – cũng là người mà hai đảng có thể chấp nhận và đã từng được cựu Ngoại trưởng Rice nhiều lần đề cử vào nội các… Êkíp này không tương đồng lắm với chiến lược ngoại giao của Hillary Clinton, cho đến khi Thomas Donilon (người luôn chủ trương tăng cường bố trí tại châu Á – Thái Bình Dương) trở thành cố vấn an ninh quốc gia, Panetta của đảng Dân chủ kế nhiệm ghế Bộ trưởng Quốc phòng, thì “con đường quay trở lại châu Á – Thái Bình Dương” mới nhận được sự phối hợp toàn lực. Con đường này đã đảm bảo duy trì được thực lực và chi phí quân sự sau khi rút khỏi Irắc , nó đã phản hồi được sự bất mãn của các doanh nghiệp đối với thương mại Trung – Mỹ, có được sự ủng hộ nhất trí của giới ngoại giao (trừ những người theo chủ nghĩa bảo thủ mới), đây cũng là bậc thang đi xuống tốt nhất cho quá trình “hoàn thành nhiệm vụ ở Trung Đông”. Có thể tin rằng nếu có sự thay đổi chính đảng cầm quyền, chiến lược này cũng khó bị xoay chuyển. Chiến lược đó bao gồm 4 điểm sau:
1. Phức tạp hoá các diễn đàn đa phương đối chói lại “diễn biến hoà bình kiểu Trung Quốc”
Các khẩu hiệu ngoại giao “trỗi dậy hoà bình”, “phát triển hoà bình” hay là “xã hội hài hoà” của Trung Quốc hiện nay đều không thể xoá bỏ mối lo lắng của Mỹ, ngược lại còn bị cho rằng Trung Quốc đang truyền bá rộng rãi “thuyết diễn biến hoà bình” của họ, cũng chính là Bắc Kinh có chủ định truyền bá hình thái ý thức “mô hình Trung Quốc” thông qua việc mở rộng giao lưu kinh tế với các nước (tuy rằn Ôn Gia Bảo đã nhiều lần phủ nhận), từ đó tăng cường sức ảnh hưởng ở các nơi. Obama đang hy vọng đồng thời với việc tăng cường hợp tác kinh tế với Trung Quốc, chủ động chế ngự sự thâm nhập của “mô hình Trung Quốc”, vì thế những vấn đề phi kinh tế như tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và các nước láng giềng, mâu thuẫn xã hội của Hoa kiều ở các nước… đều được Mỹ khuyến khích đưa ra thảo luận trên các diễn đàn kinh tế.
Trước đây, “thuyết về mối đe doạ từ Trung Quốc” từng xuất hiện ở Đông Nam Á, và Trung Quốc từng giải thích rằng sự tăng cường năng lực quân sự của họ trợ giúp cho hoà bình khu vực và lấy ví dụ chứng minh rằng bản thân Trung Quốc thực sự có tham gia tiến trình hoà bình thế giới, từ đó chứng minh rằng không nên lẫn lộn giữa vấn đề kinh tế và địa chính trị. Lần này, Mỹ lại cố ý để hai vấn đề này móc nối lại với nhau tại Hội nghị cấp cao Đông Á. Trước đây, khi luôn áp dụng chủ nghĩa đơn phương, Mỹ thấy những diễn đàn khu vực đa phương này không phải là nơi tham gia có hiệu quả, thậm chí còn bị Trung Quốc nhân sơ hở tiến vào; song Mỹ nay lại muốn thâm nhập vào những diễn đàn đa phương này, chủ trương sử dụng diễn đàn này thảo luận “mọi vấn đề” nhằm tránh để nó trở thành diễn đàn “diễn biến hoà bình kiểu Trung Quốc”. Mười năm qua, Trung Quốc đã dùng danh nghĩa hợp tác kinh tế để dụng nên không ít diễn đàn kiểu này, ví như diễn đàn hợp tác hữu nghị Trung Quốc – châu Phi, diễn đàn hợp tác kinh tế thương mại Trung Quốc và các nước láng giềng Bồ Đào Nha… và đã có những hiệu quả rất lớn. Tin rằng các diễn đàn này sẽ đều bị Mỹ sắp đặt để các nước hữu hảo từng bước chính trị hoá.
2. Móc nối kinh tế – quân sự đối chọi lại phân tách kinh tế – quân sự
Ngoài việc “phức tạp hoá” các diễn đàn đa phương, một sách lược khác của Mỹ là tăng cường chuyển giao các vũ khí quân sự tiên tiến cho các nước và khu vực trọng điểm, một lần nữa dùng “chiếc gậy” này để lôi kéo họ quay trở về vũ đài kinh tế do Mỹ chủ đạo, đặc biệt là Việt Nam, Philíppin và Đài Loan. Dưới tác động của sách lược này, ở một loạt nước xung quanh Trung Quốc đã xuất hiệ chiến lược “kinh tế dựa Trung Quốc, quân sự dựa Mỹ”, đây quả thực là kiến nghị mà Lý Quang Diệu của Xinhgapo từng đưa ra nhiều năm trước với hy vọng giữ Mỹ ở lại châu Á – Thái Bình Dương. Tư duy của Lý Quang Diệu thật ngẫu nhiên trùng hợp với khẩu hiệu mà Hồng Công lựa chọn, đó là “ăn của chính quyền, bỏ phiếu cho dân chủ”. Tuy nhiên, Mỹ lại cách Đông Nam Á quá xa, Oasinhttơn chỉ có thể giúp đỡ một đồng minh về mặt quân sự để nước nhỏ có chỗ dựa vào. Do lực lượng phòng vệ Nhật Bản luôn khó khăn khi đảm trách vai trò này, nên hiện nay dường như Oasinhtơn đã phân cho Ôxtrâylia giữ vai trò “người phát ngôn” của Mỹ tại khu vực.
Gần mười năm qua, Ôxtrâylia tích cực đề xuất “Xa rời phương Tây, hội nhập châu Á”, tự coi mình là nước lớn ở châu Á – Thái Bình Dương, khi Timor Leste độc lập, Ôxtrâylia đã bắt đầu tích cực đảm trách công tác an ninh khu vực. Tin rằng Ôxtrâylia sẽ từng bước tăng cường tham gia các cuộc tập trận chung với các nước Đông Nam Á, làm hậu thuẫn cho tranh chấp chủ quyền ở Trường Sa hoặc Hoàng Sa. Phái diều hâu ở Trung Quốc vốn kiến nghị sớm xuất binh thu phục một vài đảo mà Việt Nam, Philíppin đang chiếm giữ để cảnh cáo thị uy, nhưng khi có vai trò mới của Oxtraylia, có sự ám chỉ mạnh mẽ của Hillary trong diễn giải biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) là “biển Tây Philíppin” thì kiến nghị đó càng trở nên mạo hiểm. Đáng chú ý là, Mỹ cũng đang lôi kéo các nước khác tham gia hệ thống quân sự dự bị, ví như gần đây Obama lại khuyên Malaixia gia nhập Sáng kiến An ninh chống phổ biến vũ khí huỷ diệt (PSI)…
3. Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TTP) đối chọi lại khu vực mậu dịch tự do Đông Á.
Sau sự kiện 11/9, Mỹ luôn mặc định để Trung Quốc đảm trách vai trò nước lớn ở khu vực Đông Á, nhưng sau đó đã phát hiện sức ảnh hưởng của Trung Quốc không còn giới hạn trong khu vực này nên đã quyết định trợ giúp những đối thủ diễn đàn đa phương mở rộng ảnh hưởng ra toàn cầu. Tại hội nghị thượng đỉnh APEC, Mỹ đã thúc đẩy thành lập TPP, mới nghe thì rất to tát, nhưng ngưỡng của thương mại tự do lại quá cao, kỳ thực không dễ dàng mở rộng thực hiện. Tập đoàn nông nghiệp của Nhật Bản đã cực lực phản đối gia nhập TPP, thậm chí còn cho rằng đây là âm mưu của Mỹ, dùng danh nghĩa bao vây Trung Quốc để “tiêu hoá” Nhật Bản. Nhưng theo khách hàng, việc này đã nâng cao năng lực mặc cả của Nhật Bản, khiến Nhật Bản càng có thêm quyền chủ đạo lớn hơn trong đàm phán hiệp định thương mại tự do với Trung Quốc và Hàn Quốc.
Cùng lý đó, sau này, Trung Quốc tiến hành đàm phán song phương với bất kỳ nước nào, nước đó đều có thể quay sang TPP “hỏi giá” rồi quay lại “mặc cả” với Trung Quốc, điều này nhằm triệt tiêu sách lược xây dựng các diễn đàn đa phương có hiệu quả những năm qua của Trung Quốc. Nếu như Mỹ đưa ra toàn bộ những yêu cầu gia nhập TPP mà Trung Quốc không thể đạt được, sau đó biến nó thành “sách tham khảo” cho các thực thể kinh tế không đáng để ý như Brunây, Xinhgapo, Niu Dilân, cho dù ảnh hưởng thực tế như thế nào thì đều đã phá hoại sự sắp xếp của Trung Quốc.
4. Lôi kéo toàn diện các nước xung quanh Trung Quốc đối chọi lại sự dung dưỡng sân sau Trung Quốc.
Trước kia Mỹ từng dựa vào Trung Quốc để trao đổi, giao lưu với các nước mà Trung Quốc có sức ảnh hưởng truyền thống như Bắc Triều Tiên, Mianma và Pakixtan, nhưng điều này lại khiến những nước này trở thành nước chư hầu “hợp pháp” của Trung Quốc khiến Mỹ bắt đầu bất an. Đặc biệt, Trung Quốc mấy năm gần đây có bước đột phá về mặt này, ví như Neepan kể từ sau khi phái Maoít lên nắm quyền đã trở nên rất thân Trung Quốc, hiện tượng Trung Quốc hoá các địa phương ở biên giới nước này cũng vô cùng rõ rệt. Vì thế, chính sách của Obama đã chuyển thành nỗ lực lôi kéo các nước bên cạnh Trung Quốc, bỏ qua những vấn đề nhân quyền, hy vọng họ tạo thành áp lực đối với biên giới Trung Quốc, đây là sách lược điển hình của chủ nghĩa hiện thực, là cách mà những người theo chủ nghĩa bảo thủ mới như Bush con không áp dụng.
Ví dụ rõ ràng nhất là Việt Nam – nước về danh nghĩa vẫn là nước cộng sản – cũng được tham gia TPP, đây là điều Bắc Kinh khó chấp nhận nhất; tiếp đó là Mianma – nước đã từng là trọng điểm công kích của Mỹ. Các tổ chức quốc tế tuy phổ biến không công nhận sự cải cách của Chính quyền quân sự Mianma là “thực sự dân chủ”, song Mỹ đã có những động thái rõ ràng thể hiện muốn phá băng; còn cả nước tự xưng là chiến hữu đáng tin cậy của Trung Quốc là Bắc Triều Tiên, chính quyền của họ còn tàn khốc hơn Iran rất nhiều, Oasinhtơn tuy vẫn tăng cường diễn tập quân sự với Hàn Quốc, song giới ngoại giao lại luôn kỳ vọng tranh thủ Bình Nhưỡng kiềm chế Bắc Kinh, vì thế Mỹ không có kế hoạch tiêu diệt chính quyền dòng họ Kim giống như đã từng làm đối với Saddam Hussein. Đối với những nước láng giềng của Trung Quốc, lập trường lý tưởng nhất là tấm gương Mông Cổ mà Mỹ dựng lên: những năm gần đây, Mỹ đã thúc đẩy “Quỹ thách thức Thiên niên kỷ”, móc nối viện trợ nước nghèo và hình thái ý thức với nhau, Mông Cổ và Philíppin là những nước tiếp nhận lượng lớn viện trợ của Mỹ. Muốn các đồng minh ở sân sau của Trung Quốc không phản chiến, Mỹ cần duy trì và thắt chặt mối “hữu nghị” này, tuy cái giá của cơ hội tăng lên, song Bắc Kinh cũng không còn sức lực để đi tới sân sau của Mỹ nữa./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét