Pages

Thứ Năm, 8 tháng 12, 2011

Hai mươi năm nhìn lại ngày Liên Xô cáo chung vào tháng 12/1991

Ông Mikhail Gorbachev trong cuộc họp  báo ngày 17/08/2011 tại Matxcơva
Ông Mikhail Gorbachev trong cuộc họp báo ngày 17/08/2011 tại Matxcơva
REUTERS
Tú Anh

Ngày 8/12/1991, Tổng thống Nga Boris Yelsin ký với Ukraina và Belarus giấy khai tử Cộng hòa Liên bang Xô Viết. Hai tuần sau, ngày 25/12/1991, Tổng thống Liên Xô, Mikhail Gorbachev từ chức và lá cờ đỏ búa liềm trên nóc điện Kremlin bị hạ xuống. Đế chế cộng sản tồn tại được 70 năm thì tiêu vong, kéo vào mộ phần một thời kỳ chiến tranh lạnh giữa Matxcơva và Tây phương.
Vào thời điểm này, 20 năm trước, 15 nước cộng hòa Xô-viết lần đầu tiên được độc lập. Trước đó hai năm, bức tường Berlin sụp đổ, hàng loạt các quốc gia Đông Âu trong khối Varsava giành lại được chủ quyền. Chính sách Perestroika và Glasnost của nhà cải cách Mikhail Gorbachev, nắm ghế Tổng bí thư đảng Cộng sản Liên Xô từ năm 1985, là một ngọn gió mới mở cánh cửa tự do cho một vùng lãnh thổ bao la từng được gọi tên là « quần đảo ngục tù ».

Liên Xô tan rã một cách bất ngờ và êm thấm, nhưng bản thân nước Nga bị mất đi vị thế đại cường.
Những năm tiếp theo được ghi dấu bằng hệ thống hạ tầng bị xuống cấp, những cuộc xung đột địa phương làm hàng trăm người chết.Tadjikistan biến thành chiến trường chống hồi giáo. Armenia và Azerbaijan giành nhau vùng Thượng Karabackh. Nước Nga hai lần gởi quân sang đánh Tchetnia. Tháng 8/2008, một chiến dịch quân sự tranh giành ảnh hưởng đã diễn ra trên một phần lãnh thổ của Georgia, mà Nga gọi là Gruzia.
Sau khi chế độ cộng sản sụp đổ, nước Nga trải qua một thời gian hy vọng, nhưng sau đó là những thất vọng.
Giá dầu khí, nguồn ngoại tệ chính của Nga, bị tụt giá trên thị trường vào thời điểm nhà nước cần tiền để chuyển đổi kinh tế.
Tổng thống Yelsin cùng với ban lãnh đạo gồm các chuyên gia trẻ đầy nhiệt tình tiến hành một chính sách cải cách mạnh dạn đã không phản ứng kịp với những hệ quả kinh tế thị trường. Ngân sách cạn kiệt trong lúc giá cả leo thang.
Chế độ bao cấp và thiếu thốn nhường chỗ cho một giai cấp đặc quyền đặc lợi, bên cạnh hàng triệu nhân dân đang lâm vào tình cảnh nghèo khó.
Quốc hội, vẫn do các đại biểu cũ thuộc loại « đảng cử dân bầu » nắm giữ, đã gây sức ép buộc Thủ tướng Gaidar từ chức nhường chỗ cho một quan chức của chế độ cộng sản cũ Victor Tchernomyrdin.
Nước Nga bước vào thời kỳ chia chác giữa giới cầm quyền và doanh nghiệp. Hàng loạt vụ đấu thầu mờ ám đã đưa những ngành kinh tế béo bở nhất là dầu khí, quặng mỏ vào tay một thiểu số doanh nhân có « bảo kê ».
Hậu quả là vào năm 1998, trong lúc thiểu số đặc quyền phô trương sự giàu sang, thì nước Nga tuyên bố phá sản.
Nhìn lại 20 năm trước, những nguyên nhân nào đã làm Liên Xô phải tan rã và vì sao các biện pháp cải cách do Thủ tướng Gaidar tiến hành trong những năm tiếp theo đã không mang lại kết quả mong muốn ?
RFI đặt câu hỏi với ông Nguyễn Minh Cần, nhà báo và cũng là một chứng nhân, tại Matxcơva.
Nhà báo Nguyễn Minh Cần (Matxcơva)
08/12/2011

« Đế chế Putin » - 20 năm sau ngày Liên Xô sụp đổ
Năm 1999, giá dầu lên lại, vận may cho trung tá mật vụ Vladimir Putin, vừa được bổ nhiệm thủ tướng. Tuy vậy, dù tăng trưởng kinh tế phục hồi, nhưng chính quyền Putin hẹn tới hẹn lui, rồi thất hẹn không cải cách được cấu trúc kinh tế. Đến năm 2009, một lần nữa Nga bị tác động mạnh vì khủng hoảng thế giới.
Uy tín của đảng cầm quyền Nước Nga Thống Nhất do Putin xây dựng từ 10 năm nay với tham vọng trường tồn đã bị sụp đổ qua cuộc bầu cử hôm 04/12/2011, chỉ được hơn 49%.
Dù sử dụng các biện pháp phản dân chủ như trấn áp đối lập, sách nhiễu báo chí độc lập, và huy động bộ máy công quyền phục vụ cho đảng, chỉ tiêu 75% phiếu không đạt được mà còn mất 15 điểm so với kết quả 4 năm trước.
Hơn bao giờ hết, đối lập Nga lên tinh thần và bày tỏ quyết tâm đương đầu lại « đế chế Putin ».

Không có nhận xét nào: