BBC - Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào thúc giục hải quân nước ông sẵn sàng chiến đấu và hiện đại hóa để "đóng góp nhiều hơn cho an ninh quốc gia và hòa bình thế giới".
Theo trang web chính phủ Trung Quốc, ông Hồ Cẩm Đào nói chuyện với Quân ủy Trung ương, cơ quan lãnh đạo tập thể của Đảng Cộng sản về quân sự để bàn về tăng cường vũ trang và phát triển hải quân.
Ông Hồ được dẫn lời nói hải quân cần "tăng tốc chuyển hóa và hiện đại hóa mãnh liệt, chuẩn bị cho đấu tranh quân sự để đóng góp nhiều hơn cho an ninh quốc gia và hòa bình thế giới".
Cuối tháng 11, Trung Quốc cho hay sẽ tiến hành tập trận hải quân ở Thái Bình Dương, sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định Mỹ sẽ tăng cường sức mạnh ở Thái Bình Dương.
Bộ Quốc phòng ở Bắc Kinh nói cuộc tập trận không nhắm vào ai, nhưng loan báo đưa ra trong bối cảnh vẫn có căng thẳng vì tranh chấp lãnh hải trong vùng.
Trung Quốc đang xây dựng hạm đội tàu ngầm để mở rộng các hoạt động hải quân
Ngày mai thứ Tư, thứ trưởng quốc phòng Mỹ Michelle Flournoy sẽ có cuộc họp tại Bắc Kinh.
Đầu năm nay, Lầu Năm Góc nói Bắc Kinh ngày càng đầu tư nhiều cho hải quân để có thể mở rộng phạm vi hoạt động ra bên ngoài Thái Bình Dương.
Giới quan sát gần đây cũng chú ý việc hàng không mẫu hạm đầu tiên của Trung Quốc chạy thử lần hai vào tuần trước.
Con tàu dài 300 mét, tu bổ từ một tàu cũ của Liên Xô cũ, lần đầu tiên ra mắt hồi tháng Tám, khiến một số quan sát viên lo ngại về tiềm lực hải quân của Trung Quốc.
Trung Quốc chỉ xác nhận sự tồn tại của hàng không mẫu hạm vào năm nay và khẳng định con tàu không phải là đe dọa cho các nước láng giềng.
Nhưng Nhật Bản và Hoa Kỳ đã kêu gọi Bắc Kinh giải thích vì sao nước này lại cần có hàng không mẫu hạm.
'Cần sự minh bạch'
Tổng thống Aquino của Philippines thăm một chiến hạm mới mua về tại cảng Manila
Vấn đề minh bạch hoạt động hải quân trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông đang thu hút sự chú ý của các nhà quan sát.
Nói với BBC Việt ngữ hôm nay, một chuyên gia của Indonesia tiết lộ Trung Quốc có 27 tàu chiến, Đài Loan 26, Malaysia có hai, và Philippines có một tàu hoạt động ở Biển Đông.
Giám đốc điều hành Trung tâm Dân chủ, Ngoại giao và Quốc phòng Indonesia, Teuku Rezasyah, cho biết ông được xem ảnh vệ tinh hồi giữa tháng 11 năm nay có hình ảnh của 27 tàu hải quân Trung Quốc loại hiện đại đang hoạt động ở khu vực Biển Đông.
Hình ảnh mà ông Rezasyah biết được thông qua một hội nghị bàn tròn tổ chức ở Jakarta, Indonesia có sự tham gia của các chuyên gia an ninh của châu Âu.
Ông cho biết, với công nghệ kỹ thuật hiện đại qua vệ tinh, việc xác định các hoạt động hải quân và sự hiện diện của nó là hoàn toàn có thể tin cậy.
Hình ảnh mà vệ tinh ghi được còn cho thấy sự hiện diện hải quân trong khu vực tranh chấp này bao gồm với hai tàu chiến của Malaysia, một của Philippines và 26 tàu của Đài Loan.
Vị chuyên gia này nói: “Các nước cần thể hiện sự minh bạch với nhau trong hoạt động của mình để từ đó, có thể ngăn chặn đe doạ an ninh đến từ các quốc gia láng giềng.”
Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Brunei, Việt Nam và Đài Loan tuyên bố chủ quyền lãnh thổ chồng chéo ở Biển Đông, nơi được ước tính có dầu và khí đốt tự nhiên chiếm đến 17,7 tỷ tấn.
Các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông được cho là một trong các lỵ́ do khiến Hoa Kỳ thông qua kế hoạch triển khai 2.500 lính thuỷ quân lục chiến tại Darwin, Úc, chỉ cách Indonesia 820 km.
Hành động này được cho là nhằm đối phó với sức mạnh tăng lên của Trung Quốc về hải quân trong vùng.
Báo Jakarta Post dẫn lời một nguồn giấu tên nói Mỹ cũng đã đề nghị Indonesia giúp đỡ “nếu có gì xấu xảy ra tại Biển Đông”.
*
Chủ tịch Hồ Cẩm Đào kêu gọi hải quân Trung Quốc sẵn sàng chiến đấu
Thanh Phương (RFI) - Theo Tân Hoa Xã, trong một bài diễn văn đọc ngày hôm nay, 06/12/2011, trước Quân ủy Trung ương, chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã kêu gọi hải quân Trung Quốc “sẳn sàng chiến đấu” và đẩy mạnh hiện đại hóa để “bảo vệ an ninh quốc gia và hòa bình thế giới”.
Ông Hồ Cẩm Đào đưa ra lời kêu gọi như trên trước các ủy viên Quân ủy Trung ương, với sự hiện diện của phó chủ tịch Tập Cận Bình, nhân vật được coi là sẽ kế nhiệm ông Hồ Cẩm Đào sau này.
Tuyên bố của ông Hồ Cẩm Đào được đưa ra vào lúc mà những tham vọng trên biển của Trung Quốc đang gây lo ngại cho các nước láng giềng và Hoa Kỳ.
Ảnh - Reuters
Ngay sau khi tổng thống Barack Obama vừa kết thúc chuyến công du châu Á Thái Bình Dương và tăng cường hiện diện quân sự của Mỹ ở Úc, quân đội Trung Quốc vào cuối tháng 11 đã loan báo mở các cuộc tập trận ở Tây Thái Bình Dương, trong bối cảnh căng thẳng giữa Bắc Kinh với các nước láng giềng do tranh chấp chủ quyền biển đảo.
Vào tháng trước, thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã từng lên tiếng cảnh cáo về sự can thiệp của “ các thế lực bên ngoài” vào những tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, nơi mà Bắc Kinh khẳng định chủ quyền gần như toàn bộ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét