Pages

Thứ Ba, 6 tháng 12, 2011

QUAN HỆ VIỆT NAM – TRUNG QUỐC TRONG VẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG

Tài liệu Tham khảo đặc biệt
Thứ ba, ngày 06/12/2011
TTXVN (Bắc Kinh 30/11)
Báo “Hải dương Trung Quốc” số ra gần đây đăng bài của tác giả Kinh Vĩnh Minh, Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu luật biển thuộc Ban nghiên cứu luật học, Viện khoa học xã hội Thượng Hải, phân tích ý nghĩa và xu hướng phát triển theo nhận thức chung đạt được giữa Trung Quốc và Việt Nam về triển vọng giải quyết vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông, nội dung bài viết như sau:
Bởi một số nước trong Hiệp hội các nước Đông Nam Á có hành động đơn phương và hoạt động khai thác song phương với quốc gia ngoài khu vực, đồng thời do nước lớn ngoài khu vực can dự nên vấn đề Nam Hải (Biển Đông) có chiều hướng phức tạp, ảnh hưởng nguy hại đến xu hướng hoà bình và an ninh của khu vực và quốc tế. Vấn đề Nam Hải liên quan đến việc bảo vệ lợi ích cốt lõi của Trung Quốc nên đối với Trung Quốc, đó là một trong những vấn đề quan trọng mà Trung Quốc phải có biện pháp và xử lý nghiêm túc, tích cực.

Đứng trước vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở Nam Hải, đặc biệt là quần đảo Nam Sa (Trường Sa), Trung Quốc nhất quán chủ trương các nước sử dụng phương pháp hoà bình để giải quyết, nếu không thể đi đến nhận thức chung thì cần xử lý theo nguyên tắc “gác lại tranh chấp, cùng khai thác”, cùng bảo vệ hoà bình và ổn định ở Nam Hải. Cần phải nói rằng những nguyên tắc và chủ trương nay là phù hợp với nguyên tắc và yêu cầu của quốc tế và khu vực, cũng phù hợp với xu hướng phát triển và đòi hỏi hiện thực của cộng đồng quốc tế. Đương nhiên, chính sách và lập trường nói trên cũng phù hợp với kinh nghiệm lịch sử và sự thực về việc giải quyết vấn đề biên giới trên đất liền giữa Trung Quốc và nước khác. Vì thế Trung Quốc tin chắc rằng sử dụng phương pháp hoà bình, trong đó bao gồm “gác lại tranh chấp cùng khai thác” là có thể giải quyết được tranh chấp lãnh thổ và lợi ích biển giữa Trung Quốc và nước khác. Từ đó Trung Quốc sẽ cố gắng hết mức để bảo vệ hoà bình, ổn định ở Nam Hải và xung quanh Nam Hải. Cần phải nói rằng chính sách và thái độ nói trên của Trung Quốc cần phải được nước khác lý giải và tiếp nhận để có thể thực thi, hay nói cách khác là Trung Quốc đã giữ thái độ kiềm chế, nghiêm chỉnh tuân thủ các nguyên tắc và quy chế liên quan, và cũng tính cả đến đòi hỏi lợi ích của các bên, mặc dù còn tồn tại khó khăn nhất định nhưng cần phải là phương hướng cố gắng, nhất là Trung Quốc và Việt Nam gần đây đã đạt được nhận thức chung và thoả thuận nguyên tắc chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển là phù hợp với lợi ích của đại đa số các quốc gia trong đó có Trung Quốc, cộng đồng quốc tế cần ủng hộ tích cực để thúc đẩy tiến trình hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm, tăng thêm nhận thức chung, tạo điều kiện và môi trươngà để ký kết biện pháp tạm thời và cuối cùng đi đến giải quyết vấn đề tranh chấp.
Điều cần phải nói rõ rằng nhận thức chung và thoả thuận nguyên tắc mà Trung Quốc và Việt Nam đạt được là phù hợp với luật quốc tế, trong đó bao gồm “Công ước Liên hợp quốc về luật biển”, và quy chế mang tính khu vực như “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông”, đó là một hình thức vận dụng và làm sâu sắc thêm các nguyên tắc và các quy phạm như vậy. Nội dung nhận thức chung và thoả thuận nguyên tắc giữa Trung Quốc và Việt Nam bao gồm “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc” (11/10/2011), “Tuyên bố chung Trung Quốc-Việt Nam” (15/10/2011). Căn cứ chủ yếu của những văn kiện nói trên là “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông”, Bản Hướng dẫn thực thi “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông” (20/7/2011). Ý nghĩa của nhận thức chung và Thoả thuận nguyên tắc Trung-Việt chủ yếu thể hiện qua mấy phương diện chính sau đây:
Thứ nhất, có lợi cho quan hệ hai nước phát triển lành mạnh và toàn diện. Quan hệ hai nước Trung-Việt phát triển toàn diện đòi hỏi phải có một môi trường hoà bình và hữu hảo, không nhắm vào những tranh chấp trên biển mà để ảnh hưởng đến đại cục phát triển quan hệ hai nước, có như vậy mới có thể thực hiện phương châm “láng giềng hữu nghị, họp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng đến tương lai” cũng như mục tiêu “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”. Vì thế nhận thức chugn và thoả thuận nguyên tắc đạt được là điều hết sức khẩn thiết.
Thứ hai, có lợi cho việc loại bỏ bất đồng và đối lập, tăng thêm tin cậy lẫn nhau. Việc hai nước tồn tại chủ trương đối lập nhau về vấn đề lãnh thổ ở các đảo thuộc quần đảo Nam Sa là sự thực không phải tranh cãi. Để đối phó với hiện trạng và thúc đẩy quan hệ phát triển, hai bên cần tích cực lắng nghe chủ trương của đối phương, tôn trọng sự thật lịch sử và lợi ích của đối phương, tránh có hành động và hoạt động đơn phương để có thể ngăn chặn tranh chấp và xung đột leo thang. Bởi thế hai nước cần tập dụng mặt bằng thương thảo, tích cực xử lý tốt vấn đề tranh cãi, bao gồm thông qua đàm phán tạo lập các phương án tạm thời mang tính quy chế, nhất là phải hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm (như môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, cứu hộ trên biển, giảm nhẹ thiên tai…), tạo điều kiện cùng khai thác ở vùng biển tranh chấp, tăng thêm độ tin cậy lẫn nhau, tạo bầu không khí tốt đẹp để cuối cùng đi đến giải quyết một cách hợp lý vấn đề tranh chấp.
Thứ ba, có lợi cho việc giải quyết vấn đề tranh chấp bằng biện pháp chính trị. Cả Trung Quốc và Việt Nam đều chưa có sự lựa chọn đối với điều 36 trong “Quy ước của Toà án quốc tế” để chấp nhận tuyên bố giải quyết tranh chấp theo quyền phán xử của Toà án quốc tế, Trung Quốc vào ngày 25/8/2006 lại trình lên Tổng thư ký Liên hợp quốc tuyên bố rằng văn bản loại bỏ vấn đề tranh chấp biên giới trên biển ra khỏi sự quản hạt của tư pháp, vì thế nếu không thể ký kết hiệp định trọng tài giữa hai nước thì hai nước sẽ không đủ điều kiện và cơ sở để giải quyết vấn đề tranh chấp biển bằng cách sử dụng luật pháp, mà chỉ có thể áp dụng phương pháp chính trị. Vì thế, trong “Thoả thuận về nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển” có nói rõ, về tranh chấp trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, hai bên sẽ thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị để giải quyết, nếu tranh chấp liên quan đến nước khác sẽ hiệp thương với bên tranh chấp khác. Nói cách khác, Trung Quốc và Việt Nam đạt được nhận thức chung và thoả thuận nguyên tắc giải quyết vấn đề trên biển là đã tiến thêm một bước đem lại sự đảm bảo chính trị để hai bên giải quyết vấn đề tranh chấp biển thông qua phương pháp đối thoại và hiệp thương song phương.
Thứ tư, có lợi cho nước khác tích cực học tập kinh nghiệm làm theo. Nếu Trung Quốc và Việt Nam giải quyết được vấn đề tranh chấp biên thông qua phương pháp đối thoại bình đẳng và hiệp thương hữu nghị, bao gồm việc ký kết phương án tạm thời – hay là quy chế cùng khai thác, thì không còn gì phải nghi ngờ, sẽ có thể đem lại kinh nghiệm tham khảo quan trọng để giải quyết vấn đề tranh chấp biển giữa các nước khác, cũng chứng tỏ thông qua nỗ lực chung giữa hai nước là có thể giải quyết được vấn đề tranh chấp giữa các nước hữu quan, củng cố lòng tin, có thể loại trừ việc nước lớn ngoài khu vực can dự vào giải quyết vấn đề Nam Hải, đồng thời loại bỏ nghi hoặc về việc Trung Quốc và các nước ASEAN không thể giải quyết được vấn đề tranh chấp biển.
Nói tóm lại, Trung Quốc và Việt Nam đạt được nhận thức chung và thoả thuận về những nguyên tắc chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển là đáng phải khẳng định, thành quả này sẽ phát huy vai trò quan trọng trong việc giữ gìn hoà bình và ổn định ở khu vực, bao gồm cả kinh nghiệm giải quyết vấn đề tranh chấp giữa các nước khác. Vì thế, cộng đồng quốc tế cần tích cực ủng hộ, khẳng định nỗ lực giải quyết vấn đề biển của hai nước chứ không phải phê bình hoặc chỉ trích. Tuy nhiên, dù Trung Quốc và Việt Nam đã đạt được nhận thức chung và thoả thuận nguyên tắc nhưng vẫn còn phải trải qua một tiến trình rất dài mới có thể đi đến giải quyết một cách hợp lý và dứt điểm vấn đề biển, trong đó bao gồm vấn đề tranh chấp lãnh thổ, đồng thời phải chú ý một số vấn đề sau:
Thứ nhất, hai bên cần có thành ý thực thi những nội dung được bao hàm trong nhận thức chung và thoả thuận nguyên tắc, thông qua phương pháp đối thoại và hiệp thương để loại bỏ bất đồng, tránh có hành động và hoạt động đơn phương, vì quốc gia thi hành nghĩa vụ bằng thành ý chính là một nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế.
Thứ hai, hai bên cần tích cực tận dụng diễn đàn đã tạo lập được, bao gồm cơ chế gặp gỡ định kỳ giữa các trưởng phái đoàn đàm phán song phương của chính phủ, cơ chế liên lạc đường dây nóng, từng bước đi đến thảo luận vấn đề khai thác chung nguồn tài nguyên biển, thực hiện mục tiêu cùng chia sẻ và tận hưởng nguồn tài nguyên.
Thứ ba, hai bên cần làm chủ được đại cục phát triển quan hệ hai nước, tránh vì vấn đề Nam Hải xử lý chưa thoả đáng và những sự việc không lường trước được mà để ảnh hưởng đến nỗ lực và tiến trình hợp tác xử lý các vấn đề biển, đặc biệt phải gạt bỏ sự hiểu lầm, tăng thêm độ hiểu biết về nhau, tích cực tuyên truyền những việc làm thành công trong hợp tác song phương, tránh bị trói chân trói tay và bị lôi cuốn bởi báo chí.
Việc hai nước đi đến nhận thức chung và thoả thuận nguyên tắc giải quyết vấn đề biển rõ ràng đã là sự đảm bảo chính trị quan trọng để giải quyết vấn đề tranh chấp biển. Vấn đề mấu chốt hiện nay là phải tích cực thực thi nghĩa vụ bằng thiện chí, thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực liên quan, bao gồm biện pháp đối thoại hiệp thương, nghiên cứu và giao lưu học thuật, nâng cao nhận thức chung, tiếp nhận những phương án và biện pháp dễ chấp nhận, giải quyết một cách hữu hiệu những tranh chấp biển đang tồn tại, phát triển toàn diện quan hệ song phương.
*
* *
TTXVN (Angiê 29/11)
Trong một bài viết nhan đề “Tranh cãi giữa Việt Nam và Trung Quốc – Kình địch giữa những người anh em thù địch và cuộc chơi toàn cầu” đăng trên tạp chí “Trung Hoa”, tác giả Francois Danjou đã phác hoạ sơ lược mối quan hệ Việt-Trung từ thời phong kiến đến thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, sự câu kết giữa Trung Quốc với Mỹ trước đây để chống phá cách mạng Việt Nam, những ý đồ và toan tính của Trung Quốc liên quan đến Biển Đông cũng như những thủ thuật của nước này nhằm trước mắt xoa dịu các nước có liên quan để thôn tính về lâu dài vùng biển này. Tác giả bài báo cũng đề cập đến vai trò của Mỹ trong việc giải quyết các vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Dưới đây là toàn văn bài viết trên.
Trong bầu không khí hoà dịu, xuất hiện khi Việt Nam rút quân khỏi Campuchia vào mùa Thu năm 1989, dần dần xấu đi trong những năm qua, mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, hai nước cộng sản ở châu Á, vốn là những người láng giềng và anh em thù địch, lại trở nên căng thẳng cao độ.
Tình hình căng thẳng, với các cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Việt Nam và các cuộc tập trận bắn đạn thật của hải quân Việt Nam ở gần bờ biển, trở lại sau khi Trung Quốc ngày càng công khai đòi hỏi chủ quyền một cách lố bịch đối với toàn bộ biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) có diện tích gần bằng Địa Trung Hải.
Tranh chấp này, giống như tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc ở biển Hoa Đông, từ những năm 1950 đã đầu độc mối quan hệ giữa phần lớn các nước ASEAN và Trung Quốc, đồng thời gây ra tình trạng căng thẳng với hậu quả tất yếu là thúc đẩy cuộc chạy đua vũ trang trong vùng, đồng thời hợp pháp hoá sự có mặt của Hải quân Mỹ ở vùng này.
Ảnh hưởng văn hoá, chính trị và kinh tế của Trung Quốc
Lịch sử trước đây trong quan hệ Việt Nam-Trung Quốc, tích tụ sau 15 thế kỷ Trung Hoa đô hộ miền Bắc Việt Nam – từ thời nhà Hán, bắt đầu từ năm 11 trước Công nguyên đến khi độc lập hoàn toàn vào đầu thế kỷ 15, tức 50 năm sau khi nhà Minh lên ngôi – vừa sôi động với nhiều cuộc nổi dậy chống lãnh chúa Trung Hoa vừa mang dấu ấn của người bảo hộ phương Bắc hùng mạnh về chính trị, văn hoá và kinh tế này.
Hình bóng của đế chế sau đó kéo dài đến tận thế kỷ 19 khi quân Pháp tiến vào Bắc Bộ vấp phải quân nhà Thanh và đội quân Cờ Đen, vốn là lính đánh thuê cho các đội quân Mãn Châu, sống sót sau cuộc nổi loạn của đội quân Thái Bình làm rung chuyển miền Nam Trung Quốc vào năm 1850.
Sau khi nhà Minh sụp đổ vào năm 1644, nhiều cuộc di dân sang Việt Nam xuất phát từ miền Nam Trung Quốc, không những tạo điều kiện cho mối quan hệ buôn bán với Phúc Kiến, Quảng Đông và Chiết Giang, mà còn giúp các quan lại và binh lính chạy trốn triều đình Mãn Châu, lập ra những vùng đất thực sự của Trung Quốc. Phong trào đó lan rộng hai thế kỷ sau đó đến mức khi người Pháp vào, những người di cư Trung Hoa và con cháu họ đã thâu tóm toàn bộ hoạt động thương mại của Việt Nam.
Ảnh hưởng kinh tế của các thương nhân Trung Quốc, với bán kính hoạt động vươn tới tận Xinhgapo, mở rộng không gì ngăn nổi, mặc dù bị hạn chế về hành chính và một số vụ việc nghiêm trọng đối với cộng đồng người Trung Hoa, chẳng hạn vào năm 1782 khi hơn 10.000 thực dân Trung Hoa bị tàn sát ở khu vực Sài Gòn.
Vào thế kỷ 20, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam lại mang tính chiến lược do Việt Nam có tham vọng kiểm soát toàn bộ đảo Đông Dương thông qua Đảng cộng sản Đông Dương. Đứng đằng sau đảng này từ năm 1949 là Mao Trạch Đông với sự hỗ trợ mạnh mẽ về hậu cần, yếu tố mang tính quyết định đối với thắng lợi trước Pháp và Mỹ.
Đoạn tuyệt
Nhưng sau khi Mỹ rút khỏi Việt Nam vào năm 1975, sự đoạn tuyệt giữa Bắc Kinh và Hà Nội diễn ra tương đối nhanh khi Hà Nội tiến vào Campuchia để đánh đuổi Khơme Đỏ, trong khi Đảng cộng sản Trung Quốc vẫn là đồng minh tin cậy nhất của Khơme Đỏ, và quyết định ở lại đây lâu dài, mặc dù tháng 2-3/1979 Trung Quốc tiến hành một cuộc tấn công ngắn ngày vào miền Bắc Việt Nam sau khi Đặng Tiểu Bình nhận được sự đồng ý ngầm của Jimmy Cater, lúc đó là Tổng thống Mỹ.
Cuộc xung đột này gây thiệt hại nặng nề đối với cả quân đội Trung Quốc, lúc đó vẫn chưa thực sự gượng dậy được sau cuộc Cách mạng văn hoá, lẫn Việt Nam vì lúc đó lực lượng chính quy đang đóng ở Campuchia. Đó cũng là bước khởi đầu của một thời kỳ căng thẳng kéo dài giữa Hà Nội và Bắc Kinh, cùng lúc với việc thời kỳ hoà dịu giữa phương Tây và Liên Xô chấm dứt sau khi quân đội Liên Xô xâm lược Ápganixtan ngày 25/12/1979.
Việt Nam bị cô lập và cấm vận quốc tế với sự đồng tình của Mỹ và Trung Quốc, sau khi hai nước này bình thường hoá quan hệ năm 1979, một trong những năm tháng đen tối nhất trong lịch sử quan hệ giữa Bắc Kinh và Hà Nội. Việt Nam liền quay sang Liên Xô, nước đang ở trong tình trạng Chiến tranh Lạnh với Mỹ và bất đồng nghiêm trọng với Trung Quốc từ năm 1962.
Cuối những năm 1980, Liên Xô cấp cho Việt Nam một khoản viện trợ kinh tế đáng kể, khoảng 20 tỷ USD – tương đương với khoảng 35% tổng viện trợ của Liên Xô cho thế giới thứ ba – cộng với quyền được tiếp cận với công nghệ quân sự hiện đại, với tổng giá trị lên tới gần 10 tỷ USD.
Cam kết của Matxcơva đáp ứng đề nghị của Hà Nội sau đó trở thành hiện thực mang tính biểu tượng với việc Hà Nội cho Hải quân Liên Xô sử dụng miễn phí cảng Cam Ranh để triển khai hơn 20 tàu chiến, kể cả tàu ngầm. Sự hợp tác đó chấm dứt năm 2002 khi Việt Nam đòi một khoản tiền 300 triệu USD/năm.
Ở Biển Nam Trung Hoa, thời kỳ căng thẳng cao độ giữa Việt Nam và người láng giềng hùng mạnh phương Bắc lên tới đỉnh điểm vào tháng 3/1988 khi Trung Quốc tấn công các đảo Johnson Reef (Gạc Ma) – trong quần đảo Trường Sa – lúc đó do Hải quân Việt Nam chiếm giữ, nhưng cũng bị Đài Loan, Philíppin, Malaixia, Brunây và Inđônêxia đòi chủ quyền.
Vụ đụng độ làm 64 lính hải quân Việt Nam được trang bị nghèo nàn thiệt mạng, xảy ra sau một quá trình lấn chiếm dần dần bắt đầu từ năm 1947, khi Đài Loan của Tưởng Giới Thạch chiếm phần Tây quần đảo Hoàng Sa, đều cách đảo Hải Nam và bờ biển Việt Nam 350 km, cũng như đảo Itu Aba (hay Thái Bình theo cách gọi của Trung Quốc), đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa, cách Vũng Tàu 800 km về phía Đông và đảo Hải Nam 900 km về phía Nam.
Hải quân Trung Quốc đã hành động để kết thúc cuộc chinh phục phần Đông quần đảo Hoàng Sa vào năm 1974, giai đoạn cuối cuộc xung đột Đông Dương lần thứ hai, bằng cách tận dụng lợi thế có được do sự suy yếu của Nam Việt Nam lúc đó đang kiểm soát quần đảo sau khi kế thừa phần lãnh thổ này từ thực dân Pháp.
Lắng dịu mong manh
Thảm kịch Thiên An Môn vào tháng 6/1989 – sự kiện làm cho Trung Quốc mất ổn định và buộc nước này phải tạm thời không đưa ra yêu sách trong một thời gian – cộng với sự sụp đổ của Liên Xô và trước đó là Gorbachev gây sức ép đòi Việt Nam phải rút quân khỏi Campuchia, là ba sự kiện lớn giúp làm giảm căng thẳng giữa Hà Nội và Bắc Kinh trong một thời gian.
Thời kỳ tiếp theo, được đánh dấu bằng tình hình lắng dịu trong quan hệ với tất cả các nước láng giềng, Bắc Kinh lại không ngồi yên trong vấn đề Biển Nam Trung Hoa. Tháng 5/1992, “Luật về lãnh hải và các vùng biển kể với Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa”, sau đó được bổ sung vào tháng 5/1996, đưa ra đường cơ sở được gọi là “đường 9 đoạn” hình chữ U biến Biển Nam Trung Hoa thành biển nội địa của Trung Quốc bằng cách sử dụng thuật ngữ “ vùng liền kề” với các quần đảo mà Trung Quốc tự nhận là của mình.
Cùng lúc đó, Bắc Kinh đột ngột gây ra tình trạng căng thẳng trong một thời gian ngắn khi cấp cho công ty dầu mỏ Crestone của Mỹ giấy phép thăm dò trong vùng Vanguard Bank (bãi Tư Chính), nằm ở cực Nam biển Nam Trung Hoa, mặc dù vùng này nằm cách bờ biển Trung Quốc 1.200 km, ở giữa Brunây và Việt Nam.
Năm 1994, Trung Quốc lại gây ra một vụ khiêu khích nữa ở bãi đá Mischeef (cách Palawan 250 km về phía Tây) khi quân đội nước này thiết lập căn cứ ở giữa một vùng mà Philíppin cũng đòi chủ quyền, khiến Manila phải chính thức lên tiếng phản đối.
Nếu đúng là ý đồ của Trung Quốc đối với toàn bộ biển Nam Trung Hoa xuất phát từ nhãn quan vua chúa đối với vị thế của mình trong vùng, một kiểu thừa kế lịch sử, thì việc thăm dò, bắt đầu từ cách đây 20 năm, cho thấy cái được mất về nguồn dầu khí ở một vùng có nhu cầu tăng gấp bội. Nhu cầu đó giờ đây lại được minh chứng bằng sự có mặt của nhiều công ty thăm dò và khai thác “ở ngoài khơi” có ý định khẳng định lợi ích của mình trong một mớ chằng chịt không rõ ràng những kình địch về lãnh thổ, nơi giấy phép thăm dò được cấp mà không có sự phối hợp thường dẫn đến va chạm.
Mặc dù đã có “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông” trong đó có nhắc đến các đạo luật về biển, tự do hàng hải và trách nhiệm giải quyết bất đồng bằng đối thoại, được ký tháng 11/2002 giữa Trung Quốc và 10 nước ASEAN, thời kỳ sau đó vẫn là một chuỗi dài các vụ va chạm, cùng với tình hình căng thẳng dần trở lại do những ý đồ của Trung Quốc.
Căng thẳng trở lại
Vụ việc đầu tiên của cuộc khủng hoảng công khai đang diễn ra hiện nay, đã xảy ra tại hội nghị diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) vào tháng 7/2010 tại Hà Nội. Sau khi Ngoại trưởng Mỹ, Hillary Clinton, đề nghị để Mỹ hỗ trợ giải quyết các cuộc tranh cãi về chủ quyền giữa Trung Quốc và Việt Nam, Bắc Kinh đã trả lời cộc lốc rằng không được can thiệp vào mói quan hệ song phương giữa các nước trong vùng.
Ngoại trưởng Trung Quốc, Dương Khiết Trì, mất kiên nhẫn và không kiềm chế được mà chỉ vào người đồng cấp Xinhgapo và nói với một lập luận cho thấy rõ ràng chiến lược của Bắc Kinh đối với vùng này: “Trung Quốc là một nước lớn, còn các nước khác là nước nhỏ. Đó là sự thật”. Cùng lúc đó, một quan chức Bộ ngoại giao, có thể do thiếu thận trọng, đã khẳng định lại rằng “biển Nam Trung Hoa thuộc lợi ích sống còn của Trung Quốc, cũng như Tây Tạng và Đài Loan”.
Năm 2010 qua đi với tình trạng căng thẳng với Nhật Bản, nước giam giữ một thuyền trưởng tàu đánh cá Trung Quốc bị bắt trong khu vực đảo Sekaku (Điếu Ngư), một quần đảo nằm trong biển Hoa Đông, mà cả Tokyo và Bắc Kinh đều nhận chủ quyền. Tiếp theo đó là phản kháng liên tiếp của Trung Quốc, không kể trước đó đã được đưa ra tại ARF hồi tháng 7, về sự có mặt của tàu chiến Mỹ ở các biển Hoa Đông và Hoa Nam (Biển Đông).
Cuối cùng là mối quan hệ Việt Nam-Trung Quốc xấu đi do các vụ bắt giữ ngư dân Việt Nam, những người thường là nạn nhân của các vụ bắn súng của lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc và thường bị giữ ở Trung Quốc và bị đòi tiền chuộc. Thêm vào đó là các vụ khai thác dầu mỏ mà cả hai bên đều phản đối ở quần đảo Trường Sa, thậm chí cả trong vịnh Bắc Bộ, mặc dù giữa hai nước năm 2000 đã ký một hiệp định phân chia lãnh hải.
Đúng là Bắc Kinh thường xuyên nói mình bị thiệt hại, song Bộ Ngoại giao nước này chưa bao giờ thành công trong việc làm cho người khác tin họ bị tổn thất như cách mà Hà Nội vẫn làm, kể cả trong các cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao lẫn trong báo chí trong nước và quốc tế. Kết quả là căng thẳng gia tăng đến mức Hà Nội đã xích lại gần với Mỹ đồng thời nhanh chóng tăng cường năng lực quân sự.
Từ năm 2003, 12 tàu chiến Mỹ đã ghé vào Việt Nam, trong đó riêng năm 2010 là 2 tàu. Các chuyến thăm của tàu chiến diễn ra thường xuyên và cấp tập, nhiều hơn rõ rệt số chuyến thăm của tàu chiến Trung Quốc mặc dù hai nước năm 2005 đã ký một thoả thuận về tiến hành tuần tra chung trong vịnh Bắc Bộ để tránh va chạm ở các vùng đánh ca. Nhưng quảng bá ngoại giao đã khiến cho các chiến dịch đó không còn hiệu quả trong thực hiện nữa.
Trang thiết bị quân sự vẫn được Nga, vốn là kênh quen thuộc của Việt Nam, cung cấp. Tháng 12/2009, Hà Nội mua 6 tàu ngầm lớp Kilo trị giá 2 tỷ USD máy bay chiến đấu SU-30 MKK trị giá 600 triệu USD. Thêm vào đó là 4 tàu hộ về Gepard đặt hàng vào các năm 2006 và 2010, trang bị 8 tên lửa siêu thanh chống hạm SS-N-25.
Bắc Kinh đổi giọng
Bề ngoài, cuộc khủng hoảng đang diễn ra xuất phát từ cùng những nguyên nhân như các cuộc khủng hoảng trước – phản đối quyền thăm dò và khai thác ở các vùng biển có tranh chấp, tàu của lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc quấy nhiễu tàu khảo sát địa chấn của Việt Nam và bị phía Việt Nam cáo buộc cắt cáp thăm dò, nhưng phía Trung Quốc bác bỏ. Dù không có người chết, song vụ việc đó dường như là kết tinh của một loạt dài các vụ đụng độ mà Việt Nam coi là lấn chiếm không thể chấp nhận được đối với không gian biển của mình.
Căng thẳng tạm lắng xuống sau một loạt các vụ va chạm kèm theo việc một tờ báo quân đội của Hà Nội nhắc lại lệnh tổng động viên và các cuộc tập trận bắn đạn thật vào ngày 13/6/2011 của Hải quân Việt Nam ở ngoài khơi bờ biển nước này, trong khi một cuộc tập trận chung với Mỹ được dự kiến diễn ra cũng ở vùng đó vào tháng sau đó.
Nhưng ngày 14/6, Bắc Kinh, vì muốn làm dịu tình hình, thông báo “Trung Quốc sẽ không sử dụng vũ lực hay đe doạ” và khích lệ tất cả các bên” can dự hơn nữa để gìn giữ hoà bình và ổn định trong vùng”. Các nước ven biển Nam Trung Hoa, được trấn an phần nào, đứng quan sát các vụ va chạm giữa những người anh em thù địch liên tiếp đưa ra tuyên bố hợp pháp hoá vai trò trọng tài của Mỹ, song Bắc Kinh, vốn từ lâu đã rất khó chịu trước sự có mặt quá lộ liễu của tàu chiến Mỹ, hoàn toàn bác bỏ.
Ngày 15/6, tờ “Nhân dân nhật báo” yêu cầu “các bên thứ ba, kể cả Mỹ, tránh xa các bất đồng giữa Trung Quốc và một vài nước láng giềng của họ, về vấn đề phân chia tài nguyên ở biển Nam Trung Hoa”. Cũng ngày hôm đó, một bài báo khác phân tích tình hình căng thẳng thông qua lăng kính kình địch chiến lược giữa Bắc Kinh và Oasinhtơn vốn bị cáo buộc kích động căng thẳng liên quan đến các vấn đề trên.
Đồng thời với việc tăng cường sự có mặt của Hải quân, Mỹ thường xuyên nhắc lại Công ước Liên hợp quốc về luật biển và nguyên tắc tự do hàng hải trong các vùng biển quốc tế, nơi 1/3 lượng hàng hoá của thế giới đi qua. Nhưng vì muốn tránh đối đầu trực tiếp với Bắc Kinh nên Mỹ thận trọng không kích động các bên thương lượng về phần chia vùng biển và tài nguyên.
Dù có thương lượng hay không thì ở một vùng nơi mỗi bên đều hiểu rõ rằng nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình hình căng thẳng và có thể nghiêm trọng hơn, là kế hoạch của Bắc Kinh, bất chấp mọi lôgích lịch sử hay lãnh thổ, thôn tính toàn bộ biển Nam Trung Hoa, vi phạm nghiêm trọng Công ước Liên hợp quốc về luật biển. Lập trường chính thức đó được Bắc Kinh nhắc đi nhắc lại nhiều lần khiến các nước trong vùng rất lo ngại, nhưng không được nước nào thừa nhận, cả ở Liên hợp quốc lẫn trong vùng. Hơn nữa, lập trường đó còn làm dấy lên những ý kiến trái chiều ở ngay trong Trung Quốc.
Tháng 7/2010, Đại Vị, một nhà nghiên cứu nổi tiếng thuộc Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế đương đại trực thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc, viết trên tờ “Global Times” một bài báo được tờ “China Daily” bằng tiếng Anh đăng lại ngày 2/8/2010, trong đó có đoạn: “Khi xử lý các vấn đề lãnh thổ – thường được gắn với lợi ích sống còn – không hiếm khi các nước chấp nhận một lập trường thoả hiệp, thậm chí, đôi khi các cường quốc chấp nhận từ bỏ một số vùng lãnh thổ bị tranh chấp. Điều đó có nghĩa là không phải là thế mà các cường quốc đó hy sinh lợi ích sông còn của mình”.
Vấn đề này mới đây được Chu Phong, giáo sư quan hệ quốc tế tại trường Đại học Bắc Kinh, nhắc lại, với ý nói rằng quyết tâm của Bộ chính trị không phải là không thể lay chuyển được: “Không phải chính sách của Đảng coi biển Nam Trung Hoa thuộc “lợi ích sống còn” của Trung Quốc, mà vấn đề là một lời cải chính chính thức có thể bị coi là sự lùi bước của các nhà lãnh đạo và điều đó có thể sẽ thổi bùng lên tâm lý dân tộc chủ nghĩa trong nhân dân”.
*
* *
Theo tạp chí “Phát thanh”, nhân Hội nghị cấp cao ASEAN vừa diễn ra tại Bali (Inđônêxia) Thủ tướng Trung Quốc, Ôn Gia Bảo đã cảnh báo mọi ý đồ can thiệp vào các cuộc xung đột ở biển Nam Trung Hoa (Biển Đông).
Đây là bức thông điệp được ngầm gửi cho Mỹ. Bắc Kinh và Oasinhtơn đã va chạm nhau trong vấn đề đồng nhân dân tệ. Sau đó, Bắc Kinh đã nhấn thêm khi cảnh báo Mỹ về lợi ích của nước này trong cuộc khủng hoảng chính trị ở biển Nam Trung Hoa. Oasinhtơn bày tỏ rõ ràng ý định đưa vấn đề này vào các cuộc thương lượng đa phương, song giải pháp đó hoàn toàn không được Bắc Kinh chấp nhận. Theo Trung Quốc, các thế lực bên ngoài không được sử dụng bất kỳ lý do nào để can thiệp vào tranh chấp giữa họ và các nước láng giềng ở biển Nam Trung Hoa, nơi nhiều quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Bắc Kinh lại càng chĩa mũi nhọn vào Mỹ hơn nữa khi nước này chưa bao giờ lưỡng lự trong việc tổ chức tập trận quân sự ở vùng biển này, như hồi tháng 7/2011, cùng với quân đội Việt Nam và Philíppin. Thủ tướng Ôn Gia Bảo dành phần đầu trong hội nghị để cảnh báo Mỹ, còn báo chí chính thức của Trung Quốc thực hiện nốt phần còn lại: nhật báo tiếng Anh “Global Times” có ý nói rằng tất cả các nước trong vùng ủng hộ Mỹ sẽ phải gánh chịu hậu quả của hành động đó về phương diện kinh tế.
Cuộc xung đột về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa giữa Việt Nam và Trung Quốc, với vụ gần đây nhất là vào tháng 6/2011 khi tàu Trung Quốc cắt cáp thăm dò địa chấn của tàu Việt Nam, cho thấy tương đối rõ ràng tình hình trong vùng vì cách đó không xa là quần đảo Trường Sa cũng được nhiều nước đòi chủ quyền. Tình hình xung quanh các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là những vấn đề thuộc loại phức tạp nhất. Hai quần đảo này – cũng bị Philíppin, Malaixia, Brunây hay thậm chí Đài Loan đòi chủ quyền. Mùa Thu năm 2010, một cuộc khủng hoảng ngoại giao đã nổ ra giữa Nhật Bản và Trung Quốc liên quan đến quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hiện do Nhật Bản kiểm soát.
Tranh chấp xảy ra ở nhiều vùng, trong đó một phần lớn liên quan đến các đảo không có người ở thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở biển Nam Trung Hoa. Các cuộc xung đột lãnh thổ vừa có tính chất chiến lược vừa mang tính chất kinh tế vì dưới lòng biển có nhiều tài nguyên, chẳng hạn dầu mỏ và khí đốt mà Việt Nam đang tìm kiếm ở gần quần đảo Hoàng Sa.
Tranh chấp với Việt Nam do tham vọng địa chính trị của Trung Quốc
Xung đột về chủ quyền giữa Việt Nam và Trung Quốc liên quan đến nhiều nhóm đảo ở biển Nam Trung Hoa. Nhà phân tích Nikolas Jucha của tạp chí “Phát thanh” cho rằng xung đột về biển giữa Việt Nam và Trung Quốc có thể là hậu quả của những tham vọng địa chiến lược của Trung Quốc. Chuyên gia Nicolas Jucha đặt câu hỏi: Cuộc khủng hoảng đó sẽ đi đến đâu? Khi Hà Nội thách thức Bắc Kinh, biển Nam Trung Hoa liệu có bùng nổ không?
Trung tuần tháng 6/2011, Hà Nội đã quyết định thách thức Bắc Kinh bằng cách tiến hành tập trận bắn đạn thật ở vùng biển tranh chấp trong biển Nam Trung Hoa. Trong khi các cuộc biểu tình chống Trung Quốc nổ ra liên tiếp ở Việt Nam, dường như Chính phủ Việt Nam cũng thuận theo tình cảm của dân chúng. Về phía Trung Quốc, vẫn chưa có biểu tình chống Việt Nam cho dù chủ đề này được thảo luận rộng rãi trên truyền hình hay Internet.
Theo ông Jean-Vincent Brisset, Giám đốc nghiên cứu thuộc Viện quan hệ quốc tế và chiến lược Pháp (IRIS) và chuyên gia về các vấn đề chiến lược ở châu Á, Trung Quốc “coi mọi hoạt động trong những vùng mà họ đòi chủ quyền là một sự thách thức”, từ đó có thể hiểu là các cuộc tập trận của Việt Nam đã làm cho tình hình xấu đi. Đối với chuyên gia người Pháp này, phản ứng của Trung Quốc – nhất là khi mới xảy ra tranh chấp – là tương đối quá mức cần thiết vì Bắc Kinh tự cho mình có quyền tự do mà họ không muốn nước khác được hưởng.
Các cuộc xung đột lợi ích kéo dài từ hơn một nửa thế kỷ nay, một cuộc xung đột đã nổ ra giữa Việt Nam và Trung Quốc vào năm 1974, được ghi nhận dưới cái tên “Trận chiến quần đảo Hoàng Sa”. Ngoài một vấn đề quan trọng liên quan đến chủ quyền quốc gia mà nhiều nước không muốn có bất kỳ một thoả hiệp nào, tình hình hiện đang lâm vào ngõ cụt do tiềm năng dồi dào về dầu mỏ và khí đốt ở dưới đáy biển.
Được hỏi liệu Trung Quốc, nước có chi phí quốc phòng tăng mạnh trong những năm gần đây, có khả năng sử dụng vũ lực không, Jean-Vincent Brisset không muốn trả lời thẳng. Theo ông, chắc chắn là Trung Quốc hơn hẳn Việt Nam về trang thiết bị, nhưng khả năng tác chiến hiện nay của quân đội Trung Quốc không chắc bằng của Việt Nam. Về phương diện quốc tế, việc Bắc Kinh sử dụng vũ lực dường như là không thích hợp vì trong vấn đề này, Bắc Kinh tuyên truyền theo hướng “hoà bình” và những yêu sách của nước này lại “không có cơ sở”. Việc các cuộc xung đột về biển nổ ra liên tiếp – tháng 10/2010 Trung Quốc và Nhật Bản lạnh nhạt với nhau – có thể khiến người ta nghĩ rằng hiện nay Bắc Kinh đang thực hiện chiến lược uy hiếp trong vùng.
Cho đến nay, Oasinhtơn mới chỉ đề nghị thương lượng và giải quyết xung đột bằng biện pháp hoà bình. Một lập trường rất “theo kiểu Trung Quốc” nhưng lại không được Trung Quốc chấp nhận vì nước này hoàn toàn không muốn thương lượng liên quan đến chủ quyền ở biển Nam Trung Hoa.
ASEAN lo ngại về người láng giềng phương Bắc
Tình hình xung đột ở biển Nam Trung Hoa liên quan đến yêu sách lãnh thổ dường như chưa thể lắng dịu khi Việt Nam tập trận hải quân quy mô lớn trong khi Philíppin đề nghị đổi tên biển này thành biển Tây Philíppin. Việt Nam và Philíppin có thể trông cậy vào sự ủng hộ của Mỹ, nước sẽ gia tăng sự có mặt về hải quân trong vùng để đóng vai trò trung gian hoà giải.
Trung Quốc cho rằng họ có chủ quyền đối với vùng này từ hàng nghìn năm trước và tuyên bố sẵn sàng hợp tác song phương trong khi các nước khác đòi thương lượng phải được tiến hành dưới sự chủ trì của ASEAN. Khi Bắc Kinh cho rằng họ bảo vệ lợi ích của chủ quyền của mình, các nước láng giềng lo ngại trước tham vọng của Bắc Kinh trong vùng.
Ở vùng nay, Trung Quốc hiện nay xem ra là cường quốc chính và là nước duy nhất có khả năng bảo đảm bá quyền bằng sức mạnh trên biển của mình. Đây là một sự cân bằng lực lượng mà chỉ có sự can dự về quân sự của Mỹ mới có khả năng cân bằng. Vấn đề đối với Bắc Kinh là các nước ASEAN bắt đầu lo ngại người láng giềng khổng lồ này và những tham vọng của y, đồng thời càng nhìn nhận Mỹ như một sự ứng cứu.
Cho đến nay, Trung Quốc đã sử dụng – và đã thành công – chiến lược chia rẽ các nước đối thoại, tránh các cuộc thảo luận đa phương với các bên đối thoại hợp nhất chống lại mình. Nhưng nếu làm quá mức, chiến lược này có thể tạo cho Mỹ tính hợp pháp để gia tăng ảnh hưởng của mình trong vùng.
Xung đột trở lại vùng quan hệ Trung-Ấn
Căng thẳng liên quan đến các cuộc xung đột lãnh thổ phức tạp giữa Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam ở biển Nam Trung Hoa đã tăng thêm một nấc với việc Việt Nam và Ấn Độ cùng tiến hành thăm dò dầu khí, điều mà Trung Quốc cho là xâm phạm chủ quyền của mình. Ấn Độ và Việt Nam đã ký với nhau một hiệp định cùng tìm kiếm dầu mỏ và khí đốt ở biển Nam Trung Hoa và cũng quyết định xích lại gần nhau trong lĩnh vực quân sự.
Các cuộc xung đột này không chỉ mang tính chất lãnh thổ mà còn liên quan đến vấn đề năng lượng vì ở vùng này đặc biệt giàu tài nguyên năng lượng. Mặc dù Trung Quốc đã nhiều lần cảnh báo, các công ty của Ấn Độ vẫn quyết định hợp tác với Việt Nam để tiến hành tìm kiếm nguồn năng lượng mới. Đầu tư lớn nhất là của tổ hợp ONGC Videsh Limited, vào khoảng 2,25 tỷ USD, để tìm mỏ dầu và khí đốt mới.
Ngoại trưởng Việt Nam, Phạm Bình Minh, nói rằng nước ông hoàn toàn ủng hộ công ty này của Ấn Độ. Về phần mình, người đồng cấp Ấn Độ, S.M.Krishna, cho rằng các dự án thăm dò dầu khí đó hoàn toàn không phải là vi phạm luật quốc tế và sự phản đối của Trung Quốc hoàn toàn không dựa trên cơ sở hợp pháp nào. Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hồng Lỗi, nhắc đi nhắc lại rằng những dự án như vậy mà không được sự cho chấp thuận của Trung Quốc là “bất hợp pháp”. Một số chuyên gia cho rằng căng thẳng giữa Trung Quốc và Ấn Độ có thể sẽ dẫn đến bùng nổ về quân sự.
Tình hình trong vùng là cực kỳ phức tạp. Mỹ dĩ nhiên có lợi ích khi cần ổn định mối quan hệ với Trung Quốc, đồng thời cũng có thoả thuận không chính thức với Ấn Độ về vấn đề an ninh. Pakixtan, nước có mối quan hệ đặc biệt căng thẳng với Ấn Độ, lại là một đồng minh gần gũi với Bắc Kinh. Trung Quốc có xung đột lãnh thổ với Việt Nam, Philíppin, Đài Loan, Malaixia và Brunây. Tuy đều nói với giọng điệu gay gắt, song tất cả các bên có liên quan dường như sẽ nỗ lực tránh để xung đột leo thang có thể sẽ gây ra tác động trên quy mô lớn./.

Không có nhận xét nào: