Pages

Thứ Sáu, 2 tháng 12, 2011

Áp lực đòi Lào đình hoãn dự án thủy điện Xayaburi tăng mạnh

Con đường dẫn đến khu vực xây đập Xayaburi tại vùng Thượng Lào
Con đường dẫn đến khu vực xây đập Xayaburi tại vùng Thượng Lào
Bangkok Post
Trọng Nghĩa
 
Ngày 07/12/2011, hội nghị các bộ trưởng của Ủy hội Sông Mêkông dự kiến ​​sẽ diễn ra ở Siem Reap. Trong chương trình nghị sự có việc quyết định về dự án đập thủy điện Xayaburi mà Lào muốn xây dựng trên dòng chính sông Mêkông. Trước nhiều nguồn tin cho thấy có nhiều khả năng là đèn xanh sẽ được bật, áp lực đã gia tăng trên Lào và Thái Lan đòi đình hoãn đề án này.
Sức ép mới nhất đến từ các hiệp hội, tổ chức bảo vệ môi trường. Ngày 30/11/2011 vừa qua, tổ chức Sông ngòi Quốc tế International Rivers, trụ sở tại Hoa Kỳ, đã chính thức chuyển lên chính phủ Lào và Thái Lan một bản kiến nghị kêu gọi Vientiane và Bangkok hủy bỏ dự án bị cho là sẽ tác hại nghiêm trọng đến tương lai vùng hạ nguồn sông Mêkông. Bản kiến nghị này đã được hơn 22.000 người từ hơn 100 quốc gia ký tên.

Kiến nghị của xã hội công dân nói trên đã được đưa ra đúng một ngày sau khi Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, hôm 29/11/11 đã nhất trí thông qua một nghị quyết kêu gọi các nước trong vùng lưu vực sông Mêkông tăng gia nỗ lực bảo vệ dòng sông, và đình hoãn việc xây dựng các đập thủy điện dọc theo dòng chảy chính của con sông. Nghị quyết này do chính Thượng nghị sĩ Jim Webb, chủ tịch tiểu ban Đông Á Thái Bình Dương của Thượng viện Mỹ đề xuất.
Xayaburi là đập thủy điện đầu tiên trong số 11 con đập mà các nước hạ nguồn sông Mêkông muốn xây dựng trên dòng chính con sông. Trị giá khoảng 3,5 tỷ đô la, con đập này do chính quyền Lào, kết hợp với một tập đoàn Thái Lan xây dựng, và khi hoàn thành, nguồn điện sẽ được bán cho Thái Lan.
Tuy nhiên, dự án Xayaburi đã gặp phải phản ứng chống đối của mọi người do tác hại tiềm tàng của nó đối với môi trường cũng như đời sống của hàng triệu con người sinh sống phía dưới, cụ thể là cư dân tại Cam Bốt và vùng Đồng bằng Sông Cửu Long ở miền Nam Việt Nam.
Việt Nam đã chính thức yêu cầu Lào trì hoãn công cuộc xây dựng đập Xayaburi trong vòng 10 năm – chờ nghiên cứu thấu đáo ảnh hưởng đối với môi trường và đời sống. Cam Bốt cũng lên tiếng tỏ thái độ dè dặt. Cuộc họp của Ủy hội Sông Mêkông, tập hợp 4 nước Việt Nam, Lào, Cam Bốt và Thái Lan hồi tháng 4/2011 đã dời việc quyết định về dự án này qua hội nghị vào tuần tới.
Thế nhưng, trong những ngày qua, hai tác nhân chính trong công trình Xayaburi là Lào và Thái Lan đều bắn tin cho biết là họ sẽ bật đèn xanh cho công trình này. Theo nhật báo Thái Lan Bangkok Post số đề ngày 01/12/2011, chính bộ trưởng bộ Tài nguyên và Môi trường Thái Lan đã cho biết là nước ông sẽ không chống lại dự án của Lào. Theo nhân vật này : « Lào có quyền xây dựng con đập này vì nó nằm trên lãnh thổ của họ. Chúng tôi sẽ không chống lại. Thế nhưng, nếu sau này xẩy ra các tác hại về môi trường, chính quyền Lào phải nhận lãnh trách nhiệm ».
Tuyên bố trên đây đã bị đánh giá là vô trách nhiệm, vì nếu để xẩy ra tác hại, rồi mới quy trách nhiệm, thì không thể nào cứu chữa các tổn thất.
Về phần mình, chính phủ Lào cũng tỏ quyết tâm xúc tiến dự án Xayaburi. Ý định này được thể hiện rõ khi Vientiane cho công bố một bản báo cáo thẩm định tác động môi trường mà họ đã đặt hàng, sau khi vấp phải thái độ phản đối của các láng giềng, cho rằng Lào chưa nghiên cứu đầy đủ ảnh hưởng của công trình này.
Bản báo cáo do công ty Thụy Sĩ Poeyry Energy thực hiện đã kết luận rằng con đập không gây ra tác hại đáng kể nào. Tuy nhiên, giới bảo vệ mội trường đã tố cáo tính chất sơ sài của công trình nghiên cứu, thậm chí còn nêu bật mối liên hệ chặt chẽ của công ty tư vấn Thụy Sĩ với chính quyền Lào, cũng như với nhà thầu Thái Lan chịu trách nhiệm xây dựng đập Xayaburi.
Theo các nhà quan sát, trước các luận điểm thiếu sức thuyết phục của cả Lào lẫn Thái Lan trong việc biện minh cho công trình Xayaburi, trong những ngày tới đây, chắc hẳn là áp lực trên Bangkok và Vientiane sẽ gia tăng, đặc biệt là từ phía Việt Nam, nước quan ngại nhiều nhất vì sẽ bị tổn hại hơn cả nếu các con đập trên dòng chính sông Mêkông được xây dựng.
Ngoài việc gây sức ép trực tiếp, các nhà quan sát không loại trừ khả năng Việt Nam nhờ các quốc gia tài trợ cho vùng hạ nguồn sông Mêkông như Hoa Kỳ, Nhật Bản, hay Úc góp sức tạo áp lực.

Không có nhận xét nào: