Pages

Chủ Nhật, 25 tháng 12, 2011

Bắc Triều Tiên sẽ đi về đâu?

Tác giả: Yoon Young-kwan – Người dịch: Nguyễn Tâm

SEOUL – Theo truyền hình nhà nước Bắc Triều Tiên, cơn đau tim cướp đi sinh mạng của lãnh tụ Kim Jong-il hôm 17 tháng 12 là “vì sự căng thẳng khắc nghiệt về thể chất cũng như tinh thần do làm việc quá sức”. Bản tin này ngay lập tức gieo một câu hỏi trong đầu tôi: nếu chúng ta chấp nhận kết quả chẩn đoán của chế độ Bắc Triều Tiên, tại sao ông Kim cần phải làm việc hết sức, bất chấp sức khỏe yếu kém của mình? Trong ý nghĩa nào đó, cái chết bất ngờ của ông ta dường như tượng trưng cho sự cô quạnh của một nhà lãnh đạo tuyệt vọng khi đương đầu với vô vàn thách thức.
Với góc nhìn dưới sự soi sáng này, một câu hỏi quan trọng hơn: liệu người con trai thiếu kinh nghiệm của ông Kim, “Người thừa kế vĩ đại” mới hai mươi mấy tuổi đầu Kim Jong-un, sẽ có thể củng cố quyền lực, và bằng cách nào lèo lái một đất nước thoát ra khỏi tình cảnh khốn cùng hay không. Cho đến nay, quá trình kế vị ở Bình Nhưỡng có vẻ đang diễn tiến theo một khuôn mẫu trật tự. Nhưng, không kể hình thức bên ngoài, một vài chính thể độc tài, ngoại trừ chế độ Hitler, Stalin, và Mao, từ trước đến nay vẫn bám giữ thành trì quyền lực nội tộc muôn đời. Bắc Triều Tiên cũng không là ngoại lệ đối với quy luật này.

Tính chính đáng của việc Kim Jong-un lên nắm quyền là chưa vững chắc, bất chấp Kim Jong-un có cha và ông nội, từng đứng đầu triều đại cai trị liên tục Bắc Triều Tiên từ hồi lập quốc. “Người thừa kế vĩ đại” chỉ có hai năm thực tập trên chính trường, so với 14 năm mà người cha [Kim Jong-il] đã trải qua thời gian tôi luyện dưới sự dìu dắt trực tiếp của người ông Kim Nhật Thành. Tất nhiên, người em gái của Kim Jong-il, Kim Kyung-hee cùng người em rể, Jang Seong-taek, sẽ đảm đương vai trò nhiếp chính, cả hai sẽ đóng vai đỡ đầu cho “Người thừa kế vĩ đại”, dùng uy quyền tập hợp, huy động quân đội đứng vào hàng ngũ thân cận để phò tá “vương triều” nhà Kim.
Nhưng không rõ bà Kim Kyung-hee và ông Jang sẽ trung thành, ủng hộ Kim Jong-un đến mức nào, và được bao lâu. Thậm chí, họ có thể cố gắng thay thế Kim Jong-un bằng cách giành quyền lực về phần mình.
Một thách thức khác có thể đến từ giới lãnh đạo cấp cao của Bắc Triều Tiên, đặc biệt trong giới quân đội. Ai vẫn còn trung thành với Kim Jong-un, người nhỏ hơn họ đến 40-50 tuổi?
Tin cho hay, một số sĩ quan quân đội cao cấp âm thầm chỉ trích sự thất bại của Kim Jong-il trong việc giải quyết mối quan hệ giữa Bắc Triều Tiên với Mỹ, Nhật. Họ muốn Bắc Triều Tiên có thể cải thiện quan hệ với Mỹ trong khi vẫn duy trì vũ khí hạt nhân, để đổi lấy việc không phát triển tên lửa tầm xa. Xét cho cùng, nếu Pakistan làm được, vì sao Bắc Triều Tiên lại không thể?
Nếu điều đó xảy ra, các khoản trợ giúp kinh tế từ Mỹ và Nhật sẽ tuôn chảy vào Bắc Triều Tiên, giúp chế độ này có thể quản lý nền kinh tế đang kiệt quệ tốt hơn mà không cần phải tiến hành cải cách, điều mà giới quân sự hình như xem đó là điều nguy hiểm. Thay vào đó, với nền kinh tế, đặc biệt trong sản xuất lương thực, tiếp tục trong tình trạng kém hiệu quả, có lẽ tới một phần ba đất nước đang sống ở mức thiếu đói, hoặc có thể tệ hơn. Liệu nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể làm tốt hơn?
Trong giai đoạn đầu của quá trình kế vị đầy bấp bênh này, Trung Quốc, như mong đợi, đã ra sức yểm trợ cho chế độ Bắc Triều Tiên nhằm đảm bảo ổn định tình hình của quốc gia láng giềng có trang bị vũ khí hạt nhân này. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã gửi một thông điệp mạnh mẽ bày tỏ sự ủng hộ đối với Kim Jong-un, và cổ vũ nhân dân Bắc Triều Tiên đoàn kết, thống nhất dưới sự lãnh đạo của vị lãnh tụ mới.
Nhưng yếu tố chính từ bên ngoài nhằm đảm bảo sự chuyển giao lãnh đạo một cách hòa bình sẽ là chính sách của Hàn Quốc và Mỹ, những quốc gia phải quyết định liệu họ có thể làm việc với miền Bắc dưới thời hậu Kim Jong-il hay không. Họ sẽ chờ xem những gì xảy ra cho vị tân lãnh đạo, và vì thế tiếp tục chính sách “kiên nhẫn chiến lược”, tập trung chủ yếu vào giải trừ vũ khí hạt nhân, không đá động gì đến những lĩnh vực khác cho đến khi nào miền Bắc có động thái trước. Trong trường hợp đó, Bắc Triều Tiên sẽ dần dần trở nên mất ổn định, mặc dù có sự hỗ trợ của Trung Quốc, vì kinh tế suy sụp sẽ làm xói mòn sự lãnh đạo gần như chính thống của Bắc Triều Tiên.
Hay Hàn Quốc và Mỹ sẽ tận dụng thời cơ Kim Jong-il qua đời để đưa ra sáng kiến, chính sách mới? Nếu họ có thể triển khai một khung chính sách hai mặt nhằm mục đích tạo điều kiện cho công cuộc cải cách kinh tế diễn ra bên trong Bắc Triều Tiên, trong khi vẫn tiếp tục duy trì áp lực quốc tế nhằm giải trừ vũ khí hạt nhân, lúc đó sự can dự mang tính xây dựng mới có thể khả thi.
Hỡi ôi, năm tới là năm bầu cử tại Hàn Quốc và Mỹ. Trong bầu không khí nóng bỏng của mùa chính trị cao điểm, các chính phủ đương nhiệm sẽ không dễ dàng theo đuổi những chính sách táo bạo nhưng đầy rủi ro. Đây là giai đoạn khó khăn nhất của nền dân chủ, và đó là lý do năm tới có thể là giai đoạn kém ổn định nhất, thậm chí nguy hiểm trong hàng thập niên qua đối với bán đảo Triều Tiên và khu vực.
Điều gì xảy đến nếu sự việc không đi theo đúng hướng? Chẳng hạn, nếu Kim Jong-un không củng cố được quyền lực, nhận thấy tình hình chính trị trong nước ngày càng tồi tệ hơn do đấu tranh quyền lực ở cấp chóp bu, hoặc do sự bất mãn trong dân chúng, và thấy rằng môi trường bên ngoài, đặc biệt là Hàn Quốc và Mỹ có thái độ thù địch hơn? Trong trường hợp đó, Kim III có thể chộp lấy cơ hội khiêu khích dưới một hình thức nào đó, như người cha đã từng làm bằng những vụ tấn công rời rạc nhắm vào Hàn Quốc trong những năm gần đây.
Nếu mọi việc trở nên tồi tệ hơn nữa, thế giới, dù có thích Bắc Triều Tiên hay không, cũng phải được chuẩn bị để giải quyết – thậm chí đối đầu – một kịch bản trong đó triều đại Kim, gắn liền với nó là nhà nước Bắc Triều Tiên, đi đến “sụp đổ”. Đáng tiếc, khi nhìn lại tình trạng thiếu chuẩn bị hiện nay về phương diện điều phối các nỗ lực quốc tế, chúng ta sẽ thấy có sự bối rối, hiểu nhầm và phản ứng thái quá giữa Hàn Quốc, Mỹ và Trung Quốc đối với hành động của một số “diễn viên”. Do vậy, đây là lúc cả ba cường quốc [Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc], cùng với Nhật và Nga trở lại như thời gian trước đây, tức là bắt đầu tiến hành đàm phán [sáu bên], và cùng nhau lên kế hoạch xa hơn. Một Bắc Triều Tiên hỗn loạn và suy sụp sẽ không có lợi cho bất cứ ai.
Tác giả: Yoon Young-kwan, cựu Ngoại trưởng Hàn Quốc giai đoạn 2003-2004, hiện là Giáo sư về Quan hệ Quốc tế tại Đại học Quốc gia Seoul.
Nguồn: Project Syndicate

Không có nhận xét nào: