Bản tin RFI ghi rằng, nhân ngày lễ duyệt hạm đội truyền thống lần thứ 10, chính quyền New Delhi vào hôm Thứ Ba 20/12/2011, đã công khai biểu dương sức mạnh của lực lượng hải quân Ấn Độ. Tổng thống Ấn Độ Pratibha Patil đã thực hiện đúng nghi thức duyệt lực lượng hải quân tập hợp ngoài khơi thành phố Mumbai, huy động hơn 80 chiến hạm, và gần 50 phi cơ.
Theo ghi nhận của nhật báo Times of India, nhân dịp này, cả ba thành tố thể hiện sức mạnh của ngành hải quân Ấn Độ dưới biển, trên mặt biển và trên không đều được phô trương, với 81 chiến hạm tham gia buổi lễ, trong đó có tàu ngầm và tàu sân bay INS Viraat, bên cạnh 44 chiến đấu cơ.
Tờ báo nhận định : dù buổi lễ nặng phần hình thức, nhưng nền tảng chiến lược của sự kiện này rất rõ : Ấn Độ không muốn lúc nào cũng phải chạy đuổi theo Trung Quốc trong vùng Ấn Độ Dương, và muốn cho thấy rõ quyết tâm bảo vệ lợi ích địa lý chính trị của mình, trải dài từ eo biển Hormuz tới eo biển Malacca và có thể còn xa hơn nữa.
Trong bài phát biểu, Tổng thống Patil xác định rằng : «Hải quân Ấn Độ là một trong những lực lượng nhiều năng lực nhất trong khu vực và với các kế hoạch hiện đại hóa tốt, sẽ còn phát triển mạnh hơn nữa ».
Hải quân Ấn Độ hiện có 132 chiến hạm - bao gồm 50 tàu chiến đấu chủ lực - và 14 chiếc tàu ngầm tương đối cũ, 80 chiến đấu cơ, 122 trực thăng và 14 máy bay trinh sát không người lái. Lực lượng này sẽ có thêm một chiếc tàu sân bay, chiếc INS Vikramaditya mua lại của Nga, đang tu bổ và dự trù đưa vào hoạt động vào đầu năm 2013.
Hải quân Ấn Độ hiện đang đặt mua 49 chiến hạm và tầu ngầm mới, cùng với 45 chiến đấu cơ MIG-29K và 12 trinh sát cơ P-8I với tầm hoạt động rộng. Các phương tiện này, theo tờ báo, là nhằm ứng phó với việc Trung Quốc ngày càng bành trướng trong vùng Ấn Độ Dương, cũng như cho phép Ấn Độ bảo vệ các lợi ích kinh tế của mình ở phương xa.
Tờ báo dẫn chứng nhu cầu này bằng tình trạng đối đầu giữa New Delhi và Bắc Kinh tại Biển Đông, với sự kiện một tàu chiến Ấn Độ bị hải quân Trung Quốc đe dọa ngoài khơi Việt Nam.
RFI cũng nói thêm, “So với Trung Quốc, hải quân Ấn Độ còn thua kém về mặt các phương tiện chiến đấu trên mặt biển và dưới mặt nước, nhưng lại thực sự có kinh nghiệm trong việc thực hiện các chiến dịch xa bờ.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét