Nguyễn Quang A
““Các DNNN phải hoạt động trong khung pháp lý như bất cứ doanh nghiệp nào chứ không thể có khung pháp luật riêng cho chúng. Chúng và nhiều quan chức rất muốn có khung pháp lý riêng cho chúng, đấy là việc không được phép. … Đừng tạo ra sân chơi riêng cho các TĐKTNN (hay bất kể nhóm doanh nghiệp nào) vì việc đó đi ngược lại sự phát triển của đất nước”.”
Báo cáo “tổng kết về việc thí điểm thành lập tập đoàn kinh tế nhà nước” không tính Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Vinashin do không có số liệu?
Sáng 9/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, các Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, Vũ Văn Ninh đã đồng chủ trì Hội nghị sơ kết mô hình tập đoàn kinh tế Nhà nước. Tại Hội nghị này một thứ trưởng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) đã đọc báo cáo số 8511/BC-KHĐT được chuẩn bị ngày 8/12/2012. Báo cáo “tổng kết về việc thí điểm thành lập tập đoàn kinh tế nhà nước” dài hơn 10 trang có nêu một vài điểm tích cực và nhiều điểm tiêu cực trong hoạt động của các tập đoàn kinh tế nhà nước (TĐKTNN).
Theo báo cáo này hiện có 12 TĐKTNN đã được thành lập. Trong đó 11 TĐKTNN đang nắm giữa 30% tổng giá trị tài sản, 51% tổng số vốn chủ sở hữu và gần 40% lao động của khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Chỉ tính 11 TĐKTNN vì “không tính Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy (Vinashin) do không có số liệu (báo cáo chú thích).
Liệu Bộ Kế hoạch và Đầu tư có thể nói như vậy hay không? Nếu đúng là Bộ không có số liệu thì việc quản lý của Bộ thế nào? Và người ta có thể đặt hàng loạt câu hỏi khác về trách nhiệm, về năng lực của các cơ quan nhà nước.
Hãy thử ước tính xem nếu tính cả Vinashin thì các TĐKTNN nắm giữ bao nhiêu nguồn lực. Cách đơn giản nhất là coi Vinashin có mức trung bình về mọi thứ, khi đó các TĐKTNN đang nắm giữa khoảng 32,7% tổng giá trị tài sản, 55,6% tổng số vốn chủ sở hữu và gần 43,6% lao động của khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Lần lại các báo cáo trước đây về Vinashin cũng như về các TĐKTNN khác có thể cho ta ước lượng chính xác hơn song không cần thiết cho vài nhận xét sau.
Quy mô về tổng giá trị tài sản, tổng vốn chủ sở hữu cũng như lao động như trên khó có thể việc gọi thành lập các TĐKTNN là “thí điểm” được nữa! Đấy đã là một sự “tái cơ cấu” lớn của các DNNN, chứ không phải là thí điểm!
Báo cáo đưa ra 5 kiến nghị giải pháp: 1) tạm ngừng thí điểm; 2) đẩy mạnh tái cấu trúc TĐKTNN; 3) hoàn thiện khung pháp luật liên quan đến TĐKTNN; 4) đổi mới hoàn thiện hoạt động quản lý, giám sát của chủ sở hữu nhà nước; 5) cải thiện quản trị doanh nghiệp và minh bạch hóa.
Tôi không bình luận về 4 giải pháp mà tôi cho là tốt, mà chỉ muốn nói về kiến nghị giải pháp số 3. Các DNNN phải hoạt động trong khung pháp lý như bất cứ doanh nghiệp nào chứ không thể có khung pháp luật riêng cho chúng. Chúng và nhiều quan chức rất muốn có khung pháp lý riêng cho chúng, đấy là việc không được phép. Tuy nhiên, nhà nước với tư cách chủ sở hữu có thể có các quy định riêng của mình với tư cách chủ sở hữu (nhưng việc ấy đã có hay phải bao hàm trong kiến nghị số 4). Đừng tạo ra sân chơi riêng cho các TĐKTNN (hay bất kể nhóm doanh nghiệp nào) vì việc đó đi ngược lại sự phát triển của đất nước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét