Pages

Thứ Năm, 15 tháng 12, 2011

Cô dâu Việt ở Đài Loan

Thanhnien – Phóng viên Lệ Chi, Ban Quốc tế Báo Thanh Niên, đã có chuyến đi Đài Bắc tìm hiểu về đời sống của những cô dâu Việt, từ nơi đô thị đến vùng núi xa xôi, hẻo lánh…
Hơn 40.000 cô dâu Việt đang sinh sống tại Đài Loan với rất nhiều cảnh ngộ khác nhau. Một số tạm hài lòng với cuộc sống ổn định, êm đềm, nhưng cũng không ít người vẫn phải sống trong nước mắt.
Tôi gắng chờ chị Lê Thị Bích Vĩ (33 tuổi), làm dâu gần 9 năm ở khu vực Tam Hiệp, đường Đại Đồng, vùng đô thị mới Đài Bắc Mới (trước là huyện Đài Bắc), tan giờ làm công nhân điện lạnh trong tiết trời mưa rét. Thường cứ sau giờ làm, chị lại hối hả đón cô con gái 8 tuổi đi học về và nấu nướng cho hai cậu con riêng của chồng lớn lộc ngộc. Vì vậy, chị dành cho tôi cuộc trò chuyện hơn 1 giờ đồng hồ ngay bên lề đường, vì “sợ gia đình chồng phát hiện sẽ la mắng”.


Chị Bích tự sắm chiếc xe máy này sau 1 năm dành dụm từ việc dán thùng giấy – Ảnh: Nguyễn Lệ Chi
Chị Bích (tên gọi thân mật của chị Bích Vĩ) chỉ là một trong những số phận đau đớn cho kiếp cô dâu Việt nơi đất khách. Gốc người Kiên Giang, bố mẹ làm nghề nông, gia cảnh quá nghèo, chị Bích nhắm mắt nhận lời lấy chồng Đài Loan làm nghề lái xe tải qua một công ty môi giới, với mong ước gầy dựng được một cuộc sống bình dị, đủ ăn, đủ mặc. Thế nhưng, khi vừa đặt chân về làm dâu, cuộc đời chị đã rơi vào địa ngục. Hoàn cảnh thương tâm của chị khiến gần 20 cô dâu Việt sống quanh đó ai cũng phải xót xa.
Bị đánh để… mẹ chồng vui!

” Đến khi sinh con gái, hai mẹ con em càng bị gia đình chồng hắt hủi. Em nằm một mình trong bệnh viện khóc ròng, không hiểu tiếng và cũng không một ai chăm sóc, phải tự mình lê từ lầu nọ sang lầu kia bệnh viện cho con bú. Không có một xu mua quần áo sơ sinh cho con, em phải đi xin quần áo cũ của con cái những cô dâu Việt khác.”
Chị Lê Thị Bích Vĩ, 33 tuổi, làm dâu ở Đài Loan
Giọng nghẹn ngào, chị Bích thuật lại những trận đòn thừa sống thiếu chết bởi người chồng vũ phu. Sau 9 năm chung sống với chồng, trong đó có 8 năm sống chung với gia đình nhà chồng, chị không thể nhớ nổi mình đã chịu bao nhiêu trận đòn của cả chồng và người nhà chồng. “Cho tới giờ, em cũng không hiểu tại sao em bị đánh, em đã làm gì sai?”, chị Bích nói. Bởi bất kể lúc nào và đang làm gì, chỉ cần mẹ chồng phàn nàn, chị lập tức bị chồng đánh tàn nhẫn cho… mẹ vui (!?). Có lần, chị đang tắm trên lầu, chồng chạy xồng xộc lên nhà, tông cửa đấm đá chị túi bụi, khiến chị hoảng loạn vì không rõ lý do. Có lần, chị vừa từ Việt Nam trở về sau chuyến thăm gia đình, chưa kịp mở va li ra, chị đã bị chồng đánh tới mức phải leo lên mái nhà, nhảy liên tiếp sang các mái nhà hàng xóm chạy trốn.Lần nặng nhất, khi chị đang mang bầu 6 tháng, người chồng tàn nhẫn đưa chị lên núi, đấm đá vào bụng vợ tới mức ra huyết, nhưng vẫn không cho vợ đi cấp cứu, thậm chí còn thách thức: “Tao đánh mày trên núi, xem có ai bênh mày không? Vì ở dưới núi, có người Việt tới bênh mày!”. Chị đau đớn ngất đi, những tưởng mất đứa con trong bụng. Chỉ đến khi bà dì chồng xin mãi, chị mới được đưa xuống núi, đến bệnh viện.
Chị tủi thân kể lại lần bị em gái chồng đánh ngay trước mặt chồng và mẹ chồng nhưng không hề có ai bênh vực, chỉ với lý do chị không chịu đưa tiền cho chồng đi ăn chơi. Chị uất ức bỏ lên phòng khóc vẫn bị em chồng cầm dao rượt theo, chém chảy máu chân. Sau khi chị chạy thoát thân ra khỏi nhà, tới được đồn công an trình báo thì mặt mày đã xanh lét vì đau và mất máu quá nhiều. Lần đó, chị phải khâu 6 mũi, vẫn còn vết sẹo trên chân, nhưng bị gia đình chồng đổ lỗi là chị hỗn láo với mẹ chồng nên bị chồng đánh.
Tháng 7 vừa qua, chị vừa bị chồng đánh nứt xương chân vì “dám đi chùa trong khi má chồng không… thích”!
3 lần bỏ đi và tự tử không thành
8 năm sống cùng gia đình chồng là 8 năm chị không được tự ý ra khỏi cửa, mọi ăn uống sinh hoạt đều do má chồng quyết định. Khi chị có bầu cũng không được đưa đi khám thai, không được ăn uống tẩm bổ, thậm chí còn bị bắt phá thai để ở vậy nuôi 2 cậu con riêng của chồng với vợ trước.
Do chị không chịu phá thai, chồng chị bỏ ra ngoài ngang nhiên sống với bồ nhí, chỉ sau 2 tháng chị vừa về làm dâu. “Đến khi sinh con gái, hai mẹ con em càng bị gia đình chồng hắt hủi. Em nằm một mình trong bệnh viện khóc ròng, không hiểu tiếng và cũng không một ai chăm sóc, phải tự mình lê từ lầu nọ sang lầu kia bệnh viện cho con bú. Không có một xu mua quần áo sơ sinh cho con, em phải đi xin quần áo cũ của con cái những cô dâu Việt khác”, chị Bích kể trong tiếng nấc. Chán nản và tuyệt vọng, không biết số phận mình tiếp theo sẽ ra sao, chị từng muốn bỏ về Việt Nam nhiều lần nhưng hộ chiếu lại bị mẹ chồng cất kỹ và cũng không có tiền về.

Hơn 40.000 cô dâu Việt ở Đài Loan
Theo số liệu thống kê của Bộ Nội chính và Cục Di dân Đài Loan, tính tới tháng 2.2011, số cô dâu Việt ở vùng đô thị mới Đài Bắc là 14.209 người, ở TP.Cao Hùng: 9.860 người, ở TP.Đài Bắc: 4.513 người, ở TP.Đài Trung: 8.642 người, ở TP.Đài Nam: 6.651 người. Tuy nhiên, theo một số website Đài Loan đăng tải thì con số này lớn hơn rất nhiều.
Liên tiếp bị đánh đập và phải ở trong nhà, luôn phải dè chừng không dám làm điều gì trái ý mẹ chồng, chị Bích có những lúc tưởng không thể chịu đựng nổi, đã 3 lần bỏ nhà đi tìm đường về nước, thậm chí từng leo lên núi định gieo mình tự vẫn. Nhưng rồi nghĩ thương con gái nhỏ vốn bị ghét bỏ ruồng rẫy ngay chính trong gia đình chồng, chị lại cắn răng trở về “địa ngục”. “Nó là con gái, nhà chồng không thương nó, bỏ nó tội nghiệp lắm”, chị nói trong nước mắt.Do chồng bỏ đi ra ngoài sống biền biệt, không thèm đoái hoài, cũng không hề đưa tiền cho vợ, mọi chi phí sinh hoạt nuôi 2 con riêng của chồng cùng con đẻ đổ hết lên vai chị, chị Bích lần hồi sinh sống bằng nhiều nghề: nhận đồ gia công vải tại nhà, phụ bán đồ ăn sáng với mức lương 100 Đài tệ/giờ, dán thùng giấy cũng với mức lương đó, và gần đây nhất là xin được làm công nhân tại một công ty điện lạnh với mức lương 23.000 Đài tệ/tháng.
Chấp nhận lấy chồng xa xứ, những tưởng tìm được chốn nương tựa thì nay chị Bích lại phải trần mình đi làm tự nuôi thân, nuôi con mình và con chồng. Mọi ăn uống chi tiêu sinh hoạt, học hành của 3 đứa con đều do chị một tay gánh vác. Bữa nào không kịp đóng tiền học cho con chồng, chị lại bị mẹ chồng la mắng thậm tệ. Chưa hết, người chồng vô trách nhiệm thấy vợ đi làm thì quay sang nã tiền vợ. Mỗi lần chị không chịu đưa tiền cho chồng xài, chồng chị lập tức đánh đứa con chung với lời đe dọa: “Mày không cho tao tiền, tao sẽ đánh con mày!”. Xót con, chị đành nhắm mắt đưa số tiền vất vả mới kiếm được…
Mọi nhọc nhằn đau đớn bất công mà chị phải trải qua gần 9 năm, chị luôn dằn lại trong lòng, không dám nói một lời cho con gái biết vì sợ con còn quá nhỏ, không muốn gây ấn tượng xấu cho con về bố và bà nội. Chị cũng không dám hé răng kể cho bố mẹ và các em ở Việt Nam nghe, sợ mọi người đau buồn.
Đã hơn 1 năm nay, chị không biết chồng ở đâu, làm gì, thu nhập bao nhiêu. Do mẹ chồng mới chuyển sang nhà mới ở nên cuộc sống của mẹ con chị Bích hơn 1 năm qua mới dễ thở hơn một chút. Chị vẫn phải làm cật lực hằng ngày và sống vì con, gắng nuôi con lớn với hy vọng có thể về Việt Nam. “Giờ em cũng không biết làm sao nữa. Thôi cứ nghĩ duy tâm theo nhà Phật là kiếp trước mình thiếu nợ người ta, kiếp này phải trả lại”, chị bùi ngùi nói.
Dõi theo chị Bích co ro trong làn mưa vội vã đi về vì sợ mẹ chồng sang kiểm tra và la mắng, lòng tôi không khỏi xót xa cho một kiếp người. Đợi tới khi con gái chị khôn lớn tự nuôi thân được để chị yên tâm dứt áo về nước thì cuộc đời chị cũng gần bước sang tuổi xế chiều.

Nguyễn Lệ Chi




Cô dâu Việt ở Đài Loan - Kỳ 2: Tan vỡ ước mơ đổi đời

Khác xa với mơ ước đổi đời, sau khi lấy chồng xứ Đài, rất nhiều cô dâu Việt bị gia đình chồng và cả gia đình mình trút lên vai gánh nặng.

Nhọc lòng nuôi con chồng
Mỗi lần chị Thúy Hằng và con cái về nước đều có chồng đi theo để lo giữ vợ
Ở đường Đại Đồng, Tam Hiệp, vùng đô thị mới Đài Bắc có tới gần 20 cô dâu Việt. Trong đó không ít cô sau khi sang Đài Loan mới biết chồng lấy mình chủ yếu để có người chăm sóc cho các con riêng với vợ trước. Chồng và gia đình chồng không muốn cô dâu Việt sinh thêm con vì sợ thêm gánh nặng. Mọi việc nội trợ trong nhà đều do các cô dâu Việt đảm nhận. Những cô dâu Việt như Hồng, Lan, Trân, Bích, Tuyền... ở cùng xóm đều lấy phải những người chồng đã có con riêng nên không được chồng cho sinh con. Thậm chí, tiền lương mà họ tự kiếm được cũng đều bị mẹ chồng giữ hết. Chăm sóc con chồng không tốt sẽ luôn bị mẹ chồng la mắng. Một số người chán nản đã ly dị sau một thời gian sống trong cảnh con ở và mất quyền làm mẹ.
Chị Bích (đã nêu trong bài trước) cho biết dù mẹ chồng dọn sang nhà mới hơn 1 năm nay, nhưng bà luôn sang kiểm tra xem chị cho 2 con riêng của chồng ăn uống ra sao, và luôn la mắng vì cho rằng chị không chăm sóc chúng đầy đủ, không yêu thương con chồng như con mình, dù chị phải nặng gánh kinh tế cả gia đình hơn 1 năm qua. Điều khiến chị đau lòng hơn là dẫu hết lòng chăm sóc 2 cậu con chồng gần 9 năm, khi chị bị ức hiếp thì hai cậu bé chỉ im lặng làm ngơ.
Lệ thuộc về kinh tế
Giỏi nhẫn nhịn
Theo Đào Duyên Hải - một cô dâu Việt ở Đài Loan, đồng thời là đội trưởng một đội tình nguyện cư dân mới của vùng đô thị mới Đài Bắc, trong những câu trắc nghiệm về cách xử lý khi bị chồng và nhà chồng ngược đãi của các cô dâu Việt do tổ chức này điều tra, phần lớn câu trả lời đều chọn đáp án là: nhẫn nhịn. Một số cô dâu do không chịu đựng nổi thì bỏ nhà, ra ngoài sinh sống, nhưng sau khi được chồng tới năn nỉ và bày tỏ sự hối cải thì lại mềm lòng và quay về gia đình vì con cái. Tuy nhiên cũng chỉ được một thời gian rồi đâu lại hoàn đấy
.
Phần lớn các ông chồng của các cô dâu Việt đều xuất thân từ tầng lớp lao động, như: công nhân cầu đường, lái xe tải, thợ cơ khí, thợ sơn sửa nhà cửa, nông dân... và hầu hết không có trình độ học vấn cao, có người chưa học hết tiểu học. Đa phần họ lấy vợ Việt qua các công ty môi giới hôn nhân. Sau khi họ tốn khoảng 10.000 USD cho công ty môi giới, người vợ Việt của họ chỉ được công ty trả vỏn vẹn 2 triệu đồng tiền Việt sau khi đã trừ hết tiền cưới, giấy tờ thủ tục đăng ký kết hôn... Vì vậy, phần lớn cô dâu Việt lên đường sang xứ Đài với hai bàn tay trắng và phụ thuộc hoàn toàn vào người chồng. Tuy nhiên, rất nhiều cô dâu Việt không được chồng và nhà chồng cho phép ra ngoài đi làm với nhiều lý do: chủ yếu lấy vợ về để chăm sóc cho con cái riêng của chồng, cần người nội trợ; hoặc sợ vợ đi ra ngoài quen người khác mà bỏ mình...
Chị Nhã Tú, 32 tuổi (quê Đồng Nai), đã có 2 mặt con, nhưng ở nhà nội trợ 13 năm nay, phụ thuộc kinh tế hoàn toàn vào chồng. Chị muốn chi tiêu gì, dù nhỏ nhất cũng đều phải xin chồng. Chị Nguyễn Thị Thúy Hằng, 28 tuổi (quê Tây Ninh), cho biết tuy đã sinh 2 con và sống ở Đài Loan hơn 7 năm, chồng chị - một công nhân điện nước hơn chị 19 tuổi - vẫn không cho vợ đi làm vì quá ghen. Hằng ngày, chồng cho chị tiền ăn sáng, còn lại mọi chi tiêu trong gia đình đều do mẹ chồng mua. Chị không được cầm tiền, cần mua gì thì xin chồng. Tương tự, chị Phan Ngọc Huyền, 36 tuổi, giáo viên mẫu giáo người Vĩnh Long, cũng không được ông chồng vốn làm nghề trang trí ngoại thất cho đi làm dù hai người đã chung sống 11 năm và có 3 mặt con. Chị đành yên phận ở nhà nội trợ, chăm sóc con cái, tuyệt nhiên không biết thu nhập của chồng mình, bởi mọi chi tiêu gia đình đều do chồng đích thân quản lý.
Bị ngược đãi
Do phần lớn cô dâu Việt lấy chồng xứ Đài qua đường môi giới hôn nhân hoặc mai mối từ những người quen biết nên rất nhiều người bị rơi vào cảnh bị người nhà chồng hoặc chính chồng mỉa mai là người “được mua về” và “lấy chồng vì tiền”. Do hôn nhân xuất phát không từ tình yêu đích thực nên cuộc sống giữa họ luôn gặp trục trặc và đầy mâu thuẫn. Từ những bất đồng ngôn ngữ ban đầu, đặc biệt khi sinh hoạt chung trong gia đình nhà chồng, các cô dâu Việt thường bị các bà mẹ chồng ghét bỏ, la mắng và bị chồng đánh đập mỗi khi không hài lòng. Tuy nhiên, do đã có con chung và xuất phát từ tính nhẫn nhịn của phụ nữ Việt, rất nhiều cô im lặng chịu đựng, không tố cáo với cảnh sát về chuyện bị ngược đãi. Khi về nước thăm gia đình, họ cũng không dám nói sự thật hoặc chỉ kể một phần, phần vì để gia đình không lo lắng, phần vì sĩ diện.
Nhiều cô dâu Việt muốn bỏ về nước để thoát khỏi cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc nhưng phần lớn họ đều không nỡ rời bỏ con mình, do ly dị xong, họ sẽ bị mất quyền nuôi con bởi không có công ăn việc làm và kinh tế ổn định. Tuy vậy, cũng có một số trường hợp do không thể chịu đựng nổi, sau nhiều lần hòa giải không được, cũng quyết tâm dứt áo ly dị, bỏ về Việt Nam, để lại con cho chồng. Chị Nguyễn Thị Thu Hằng, 32 tuổi (quê Cần Thơ), sang Đài Loan sinh sống được 7 năm, thì mấy năm phải chăm sóc phục dịch người chồng bị bệnh gan rất vất vả. Nhưng cuối cùng mẹ chồng vẫn đuổi chị đi, không cho ở chung vì không thích chị. Chồng chị bất lực không dám bênh vực do cuộc sống hiện tại hoàn toàn phải nương tựa vào mẹ. Vậy là sau 7 năm làm dâu xứ người, chị Hằng lại quay về xuất phát điểm ban đầu: không tiền bạc, không con cái, không chồng và giờ tự kiếm việc nuôi thân.
Nguyễn Lệ Chi


Cô dâu Việt ở Đài Loan - Kỳ 3: Vừa làm vợ vừa làm chồng
Những tưởng lấy chồng sẽ tìm được nơi nương tựa, nhưng thực tế không ít cô dâu Việt vẫn phải quần quật làm việc để nuôi mình và gia đình.

Trụ cột gia đình
Cuộc trò chuyện với chị Đặng Thị Xuân Diễm (quê Đồng Tháp) được thực hiện ở ngoài hiên trước cửa nhà chị, khi chị vẫn đang gia công hàng nhận về nhà. Sở dĩ phải tranh thủ làm việc như vậy vì gia đình chị có tới 3 đứa con, con út năm nay 8 tuổi. Chị Diễm đùa rằng cộng thêm anh chồng nông dân là đủ 4 đứa con mà chị phải chăm lo. Nhà chị Diễm rất nghèo, chồng chị làm nông, trồng măng và rau trên núi, thu nhập của chồng chỉ khoảng 20.000 Đài tệ/tháng (khoảng 14 triệu đồng). Bán lại măng cho người thu mua chỉ được 50 Đài tệ/600 gr. Do sinh con liên tiếp, chị Diễm đành ở nhà nội trợ, phải nhận đủ các loại hàng về gia công tại nhà, thu nhập chừng 15.000 Đài tệ/tháng, rất chật vật để lo kinh tế cho cả gia đình. Thấy vợ tần tảo chịu khó, cũng có khả năng kiếm được tiền, chồng chị đã đẩy phần lớn trách nhiệm chi tiêu trong gia đình cho vợ như tiền học hành của con cái, tiền ăn uống, sinh hoạt cho cả gia đình... Mọi thu nhập của chồng, chị không được giữ, cũng không được hỏi tới. “Giờ hỏi tài khoản của chồng có bao nhiêu tiền, mình chịu đấy!”, chị Diễm thành thật.
Không muốn bị lệ thuộc về kinh tế
Nhiều cô dâu khác cho biết, do xác định lấy chồng để gầy dựng một mái ấm, các cô đều mong mỏi được sớm đi làm để phụ giúp chồng chăm lo gia đình, mặt khác cũng tự chủ, không bị lệ thuộc về kinh tế, có thể phụ giúp cho gia đình bố mẹ, anh chị em ở quê. Cũng có không ít họ hàng, người thân ở Việt Nam không biết được các cô dâu Việt sinh sống ở xứ Đài vất vả ra sao, vẫn liên tục xin tiền và nhờ vả, khiến các cô lại phải nai lưng ra làm vừa để phụ lo gia đình riêng, vừa tằn tiện giúp người thân.
Chị Diễm tâm sự nhờ tằn tiện nên cuộc sống gia đình hiện cũng đủ ăn, như rau phần lớn đều là do nhà tự trồng trên núi. Đồ ăn thì nhiều bữa mấy chị em đồng hương người Việt thương tình san sẻ bớt cho nhau. Nhà nào khá hơn một chút thì bữa nào nấu món gì cũng bớt cho nhà kia một ít.
Xung quanh xóm chị Diễm cũng có vài cô dâu Việt khác, làm rất vất vả cũng chỉ đủ chi tiêu qua ngày do ai nấy oằn gánh gia đình. Mấy chị em đồng hương xứ người chỉ biết thương cảm nhau, động viên nhau, nhiều lúc khóc lóc tâm sự với nhau mỗi khi buồn chuyện gia đình. Niềm an ủi giải trí duy nhất của các chị là chuyền tay nhau mấy cuốn sách tiếng Việt hiếm hoi.
Chị Diễm sống ở huyện Đài Bắc đã 11 năm, tuy không phải chịu cảnh mẹ chồng, nàng dâu nhưng gia đình cũng không mấy êm thấm. Chồng chị luôn mang tư tưởng vợ lấy mình vì tiền nên nhiều bữa cũng tiếng nặng, tiếng nhẹ, nhiều bữa không nói chuyện với vợ, làm chị lại giọt ngắn giọt dài. Cũng may các con đều ngoan ngoãn và chịu khó học tập. Chị Diễm bộc bạch, do trình độ văn hóa của chồng quá thấp, chưa hết tiểu học, nên chị chịu khó đi học lại từ lớp 1 theo chương trình giáo dục tiểu học của Đài Loan, tới nay đã tốt nghiệp cấp 1, trình độ học vấn cao hơn chồng nên chịu trách nhiệm dạy dỗ con cái. Nhìn đám con chị quây quần hỏi bài mẹ sau khi đi học về, khung cảnh gia đình mới thấy ấm áp lên đôi chút.
Thấy tôi giới thiệu là người Việt Nam sang, chồng chị không mấy mặn mà, cũng không chịu cho chụp hình lẫn phỏng vấn. Ông cứ lặng lẽ ra ngồi một góc làm việc. Cô con gái cả của chị ngượng ngùng không chịu cho chụp hình. Cậu con út cũng xấu hổ núp sau lưng mẹ. Tất cả 3 đứa con chị đều không biết tiếng Việt bởi mẹ nó đâu còn thời gian dạy. Làm việc quần quật để lo kinh tế gia đình, lại phải chạy đua học thêm các buổi tối để đủ kiến thức hướng dẫn bài vở cho con cái, cùng việc đảm đương mọi việc nội trợ gia đình, đã vắt kiệt sức của chị. Nhìn mặt chị lúc nào cũng thấy buồn rười rượi.
Lúc chia tay, giọng chị Diễm chùng xuống: “Khi nào ở Việt Nam có nhiều chính sách đảm bảo cho đời sống người nông dân được đủ ăn đủ mặc, mình và nhiều cô dâu Việt khác cũng ôm con về nước sinh sống thôi”.

Vừa lao động kiếm tiền, chị Diễm vừa dạy con học - Ảnh: Nguyễn Lệ Chi
Chia sẻ gánh nặng kinh tế
Tất cả các cô dâu Việt mà tôi từng tiếp xúc phần lớn đều sinh sống tại Đài Loan khá lâu năm. Vài năm đầu, họ đều phải ở nhà và sinh con, chấp nhận làm nội trợ và đi học tiếng Hoa. Qua vài năm chung sống, những cặp vợ chồng nào dần dần hiểu được nhau thì chịu thông cảm tính cách và cùng chia sẻ trách nhiệm kinh tế gia đình. Chị M.Linh, 30 tuổi, sống ở khu vực Đào Viên đã 10 năm qua, cho biết hiện chị đang làm công nhân, lương tháng ổn định khoảng 20.000 Đài tệ. Chồng chị làm công nhân điện lạnh với mức lương 50.000 Đài tệ/tháng. “Em phải đi làm để phụ giúp kinh tế cùng chồng. Muốn 2 con được học hành tử tế, có học thêm tiếng Anh, được sinh hoạt đầy đủ, cuộc sống gia đình tươm tất một tí thì vợ cũng phải đi làm cùng chồng”, chị nói. Chị cũng cho biết để đủ nuôi hai con, chi phí sinh hoạt trong gia đình tiêu tốn khoảng 50.000 Đài tệ/tháng. Do làm việc chăm chỉ, gia đình chị mua được xe hơi. Và cứ chủ nhật hằng tuần, chồng lại chịu khó lái xe đưa vợ con tới lớp học dành riêng cho các bà vợ Việt ở tận huyện Đài Bắc để các cô dâu Việt được sinh hoạt, trò chuyện cho khuây khỏa nỗi nhớ nhà và trao đổi kinh nghiệm. Tuy nhiên, chị Linh cũng cho biết vợ chồng chị chỉ thực sự thông cảm với nhau trong thời gian gần đây. “Phần lớn các ông chồng xứ Đài vẫn không tin tưởng vợ, luôn cho rằng vợ lấy mình vì tiền và sẽ sẵn sàng bỏ mình để lấy người khác khá giả và trẻ trung hơn. Vì vậy không phải cô dâu nào cũng được đi làm ngay, chỉ sau khi đã chung sống với nhau nhiều năm và đã có con chung mới được đi làm. Có người sau cả chục năm vẫn chưa được chồng cho đi làm,” chị Linh tâm sự.
Chị Phạm Thu Trang, 32 tuổi (quê Đồng Tháp), cho biết chị cũng mới đi làm công nhân sản xuất đồ điện tử dù hồi ở Việt Nam từng học hết trung cấp kế toán và làm việc tại kho bạc nhà nước. Do thu nhập lái taxi của chồng chị không đủ cho cả gia đình và hai đứa con nhỏ đang tuổi ăn học, nên chị cương quyết vận động cho mình đi làm.
Nguyễn Lệ Chi


Cô dâu Việt ở Đài Loan - Kỳ 4: Góa phụ không an phận

Dẫu trải qua nhiều thăng trầm, một phụ nữ Việt vẫn giữ được sự lạc quan và khát vọng vươn lên, cống hiến cho xã hội và là một điểm sáng thành công hiếm hoi trong bức tranh các cô dâu Việt tại xứ Đài.
Đào Duyên Hải chụp hình cùng lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu (hai người ở giữa) tại một điểm vận động bầu cử ngày 19.11 Ảnh: Nguyễn Lệ Chi
Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng
Nhờ một người bạn nhà văn mau mắn, tôi liên hệ được với Đào Duyên Hải và được cô nhiệt tình đội mưa tới khách sạn đưa đi tham dự một số hoạt động xã hội sôi nổi liên quan tới cô dâu Việt Nam. Cô cũng là 1 trong 2 cô dâu Việt hiếm hoi được mời chụp hình với lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu trong tư cách đại diện cho những người di dân mới tại một điểm vận động bầu cử của ông tại Vùng đô thị mới Đài Bắc vào ngày 19.11 vừa qua.
Chúng tôi đổi rất nhiều trạm tàu điện ngầm và xe buýt, mất hơn tiếng đồng hồ mới đến được địa điểm công viên nơi tổ chức cuộc vận động bầu cử của đảng cầm quyền KMT (Quốc dân đảng) dưới trời mưa tầm tã. Hải cũng chính là cô dâu Việt được mời dạy lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu và Thị trưởng TP.Đài Bắc gói bánh chưng Việt Nam vào tháng 5 vừa qua. Cô khoe sau hơn chục phút loay hoay, cuối cùng vị lãnh đạo Đài Loan cũng gói xong, ông thở phào sung sướng và thừa nhận gói bánh chưng Việt Nam khó quá.
Hải nói thêm, chính sách mới của ông Mã Anh Cửu đã giúp đỡ rất nhiều cho những người di dân mới (trong đó có cô dâu Việt) như chỉ cần sinh sống ở Đài Loan đủ 3 năm là các cô dâu nước ngoài được quyền làm chứng minh thư, mà không cần chồng hoặc nhà chồng cho phép, trong khi chính sách cũ là các cô dâu chỉ được nhập quốc tịch khi được nhà chồng chấp thuận bảo lãnh với số tiền bảo lãnh là 5 triệu Đài tệ. Điều này đã khiến các cô dâu Việt tự chủ hơn, và bảo đảm được quyền lợi cho mình, không còn bị lệ thuộc vào nhà chồng hoặc dẫu bị chồng bỏ, vẫn có thể đàng hoàng ở lại Đài Loan sinh sống, làm việc.
Ngoài ra, các cô dâu nước ngoài cũng được hưởng nhiều quyền lợi như học tiểu học không mất tiền, hỗ trợ chi phí sinh hoạt, xây dựng các trạm hỗ trợ người di dân mới để học tiếng, tìm hiểu phong tục tập quán người bản xứ, kịp thời chia sẻ thông tin và giúp đỡ những cô dâu nước ngoài khỏi bạo lực gia đình…
Sở dĩ Hải được chọn là gương mặt tiêu biểu đại diện cho các cô dâu Việt như vậy vì cô rất hoạt bát, xông xáo, đặc biệt rất tích cực tham gia các hoạt động xã hội vì cộng đồng, nhất là chương trình giúp ích cho cô dâu Việt, như: đi về các miền núi tuyên truyền chương trình chống bạo lực gia đình; làm tình nguyện viên không lương cho hai đồn cảnh sát để phiên dịch giúp cho các cô dâu Việt khi có việc cần cảnh sát trợ giúp… Cũng nhờ công việc này, cô được tiếp xúc với nhiều hoàn cảnh cô dâu Việt và các cô dâu nước ngoài khác khá bất hạnh, để từ đó lại càng tự nhận thấy mình cần nỗ lực hơn nữa để giúp thêm nhiều người có hoàn cảnh khổ hơn.
Có đêm sau khi nghe một cú điện thoại khóc kêu cứu của một cô dâu khác, Hải lao ra khỏi nhà lúc 3 giờ sáng, một mình phóng xe máy tới nhà cô dâu đó, lấy tang chứng bị bạo hành tình dục giấu đi, để cô này có đủ bằng chứng ly dị, thoát khỏi ông chồng có vấn đề về thần kinh. Hải cho biết cô tích cực tham gia các hoạt động xã hội như vậy nhằm khẳng định vị trí và khả năng của cô dâu Việt trong xã hội Đài Loan, và cũng để chứng tỏ mục đích lấy chồng xứ Đài của cô dâu Việt không phải lúc nào cũng vì tiền.
Truân chuyên dặm trường

Hãnh diện về tà áo dài
Khác với nhiều cô dâu Việt khác khi ra đường không muốn mặc áo dài, không nói tiếng Việt để lộ ra mình là người Việt Nam, nhằm tránh những con mắt tò mò, dò xét của một số người có cái nhìn phiến diện về cô dâu nước ngoài, Hải luôn tranh thủ mặc bộ áo dài truyền thống ở mọi lúc mọi nơi, trên xe buýt, trên tàu điện ngầm, trong lớp học, trên sân khấu, trong những hoạt động xã hội… “Áo dài Việt Nam đẹp lắm, tội gì mà không khoe, vả lại em muốn cho mọi người ở Đài Loan đều thấy cô dâu Việt sống ở đây vẫn tự tin và tự hào về quê hương mình”, Hải thổ lộ.
Trên chặng đường đi tàu điện ngầm dài lê thê, Hải tâm sự rất nhiều về cuộc đời đầy thăng trầm của mình.
Hải mang tiếng lấy chồng Đài Loan đã 11 năm qua nhưng thời gian chung sống vỏn vẹn chưa đầy 2 tháng, giờ cô vẫn đang sống trong cảnh góa chồng. Do thời gian đầu mới lấy nhau, ngôn ngữ bất đồng gây hiểu lầm, khiến chồng cô nảy sinh ghen tuông tới mức Hải không chịu đựng nổi phải bỏ về nước chỉ 2 tháng sau ngày cưới. “Suốt 5 năm đó, cả chồng và gia đình chồng, em đều không hề liên lạc. Em rất muốn làm thủ tục ly dị nhưng cũng không biết phải làm cách nào vì không nhớ địa chỉ, không có số điện thoại, không biết tiếng Hoa để hỏi”, Hải kể.
Mãi tới 5 năm sau, khi gia đình chồng gọi điện sang Việt Nam thông báo chồng cô sắp mất vì ốm nặng, cô liền thu xếp sang thăm chồng lần cuối, vì nghĩ rằng một ngày cũng nên nghĩa vợ chồng. Thế nhưng sau khi vừa vội vã để sang kịp nhìn mặt chồng lần cuối, cô đã bất ngờ khi hay tin chồng đã qua đời được hai tháng và vẫn để ở nhà xác, chỉ chờ cô sang tới Đài Loan là phát tang. “Có lẽ người Đài Loan vẫn mang nặng tư tưởng truyền thống là khi chết phải có vợ đưa tiễn chồng nên mới gọi em sang. Em cũng làm cho trọn nghĩa vợ chồng, nhất nhất nghi lễ cúng tuần, cúng 49 ngày…, nhà chồng nói gì, bảo làm gì, em đều làm theo cả. Cứ thế dần dần mà ở lại Đài Loan từ bữa đó tới nay đã 6 năm rồi”. Từ chỗ bị gia đình chồng ngờ vực vì mục đích lấy chồng vì tiền, từng bị gọi điện báo cảnh sát vì sợ cô đòi chia gia sản của chồng, tới nay gia đình chồng đã phải thán phục về đức tính cần cù, chịu khó, sự thông minh và tính cương nghị vượt khó của Hải.
Từ một người không biết một chữ cắn đôi tiếng Hoa, giờ đây cô đã có thể nói làu làu sau 6 năm sinh sống và làm việc ở xứ người và đã thử sức với rất nhiều nghề.
Thoạt đầu, cô lên núi phụ bán hàng ăn cho gia đình anh chồng. Rồi cô vừa đi học vừa đi bán hoa quả thuê cho một công ty xuất khẩu đông lạnh với mức giá 70 Đài tệ/giờ (khoảng 50.000 đồng). Tiếp đó, cô trực điện thoại cho một công ty điện tín với mức lương trung bình là 15.000 Đài tệ/tháng. Không hài lòng với mức lương này, cô tự gọi điện tới ngân hàng, đề nghị làm một công việc chưa từng có trong tiền lệ là hướng dẫn các thủ tục gửi tiền về nước cho người Việt do cảm thấy nhiều cô dâu Việt rất lúng túng mỗi khi ra ngân hàng gửi tiền về quê. Cô làm công việc này hơn 1 năm với mức lương 33.000 Đài tệ/tháng, đi tới nhiều trường tiểu học để phát tờ rơi quảng cáo về dịch vụ này cho nhiều cô dâu Việt được biết. Không chịu an phận, Hải tiếp tục nhận làm việc phát thẻ điện thoại miễn phí cho một công ty điện thoại với mức lương 100 Đài tệ nếu phát được 200 thẻ. Công việc bận tới nỗi cô phải thuê thêm 2 sinh viên Việt Nam đang du học ở đây làm thêm ngoài giờ.
Ước mơ của Hải trong tương lai là đi học đại học chuyên ngành xã hội học để giúp được nhiều người, mở một tờ báo tiếng Việt phục vụ cho cộng đồng người Việt tại đây.
Nguyễn Lệ Chi

Không có nhận xét nào: