Chuyến đi Phương Nam những ngày cuối năm của ông Tập Cận Bình kết thúc một năm quan hệ đầy giông bão giữa hai nước Việt - Trung, từng được gọi là "anh em hàng xóm môi hở răng lạnh", nhưng bằng mặt mà chẳng bao giờ bằng lòng.
Đỉnh điểm của chuyện căng thẳng diễn ra vào mùa hè khi Bắc Kinh chủ trương thực địa hóa chủ nghĩa bá quyền ở Biển Đông bằng việc cắt cáp tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý được quy định theo Công ước Quốc tế về biển năm 1982.Đó là giọt nước làm tràn ly và là cái cớ để những người chủ trương bài Trung ở Việt Nam tiến hành một loạt các cuộc xuống đường tuần hành phản đối chủ nghĩa bá quyền Bắc Kinh.
Cuộc xuống đường kéo dài vài tháng liền làm cho chính quyền Hà Nội lung túng.
Sau một loạt các cuộc gặp kín hai bên giữa Hà Nội và Bắc Kinh, những người Việt Nam xuống đường vào các buổi sáng Chủ Nhật để bày tỏ thái độ chống Trung Quốc đã bị đàn áp để thỏa mãn yêu cầu của Bắc Kinh.
Nhân sỹ, trí thức, nhà báo… đều bị bắt, tra khảo hay thậm chí bị đưa vào trại phục hồi nhân phẩm cũng như lao động cải tạo mà không cần xét xử.
Nhưng dường như thế cũng không đủ làm thỏa lòng “Thiên Triều”.
Thái độ của ai?
Và nhìn vào chuyến đi và những gì Bắc Kinh làm trong chuyến đi của ông Tập tới Việt Nam cũng có thể thấy rõ thái độ của Bắc Kinh với Hà Nội.
Trước tiên, phải nói đến trong chuyến thăm này chính là vụ cờ sáu sao – lục hồng tinh.
Theo truyền thống, quần chúng nhân dân được huy động vẫy cờ hoa ở sân bay hay đường phố trước Phủ Chủ Tịch mỗi khi diễn ra lễ đón nguyên thủ quốc gia Trung Quốc tới Việt Nam.
Đón ông Tập lần này, Truyền hình Nhà Nước Việt Nam và truyền thông Trung Quốc phát đi thì các cháu thiếu nhi Hà Nội vẫy cờ hai nước, hoa chào đón trong sân Phủ Chủ Tịch khi xe đưa ông Tập tiến vào nơi Phó Chủ Tịch Nước Nguyễn Thị Doan và Thường Trực Ban Bí Thư Lê Hồng Anh đang chờ sẵn.
Nhưng dư luận trong và ngoài nước bức xúc chính là việc các cháu thiếu nhi vẫy cờ Trung Quốc 6 sao chứ không phải cờ 5 sao chính thống.
Nói thêm đôi chút về cờ 5 sao và 6 sao. Cờ 5 sao là một ngôi sao lớn và bốn ngôi sao nhỏ xung quanh biểu tượng cho Trung Hoa lục địa ở giữa và các khu tự trị xung quanh đó là Nội Mông, Mãn Châu, Tân Cương và Tây Tạng.
Có cách giải thích đó là bốn dân tộc Mông, Mãn, Hồi và Tạng quây xung quanh dân tộc Hán.
Cờ 6 sao là cờ có một ngôi sao lớn và 5 ngôi sao nhỏ.
Một số giải thích rằng, lần đầu tiên được người Pakistan sử dụng để đón ông Hồ Cẩm Đào.
Nó được Pakistan giải thích rằng họ muốn là ngôi sao thứ 6 của Trung Quốc để thể hiện sự hàm ơn Trung Quốc trong việc giúp đỡ chống lại Ấn Độ.
Một số quan chức ở Việt Nam giải thích rằng Trung Quốc thích thú về điều đó và họ muốn sử dụng nó trong quan hệ đối ngoại và rằng Trung Quốc muốn các nước hiểu rằng ngôi sao thứ 6 chính là Đài Loan, một phần không thể tách rời của Trung Quốc.
Nhưng với người Việt Nam bài Trung Hoa thì không nghĩ vậy.
Sự cố cờ 6 sao đã từng xảy ra hồi tháng 10 khi Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng thăm Trung Quốc, Truyền Hình Nhà Nước Việt Nam trong bản tin của mình đã sử dụng hình ảnh cờ Trung Quốc 6 sao.
Không một ai có trách nhiệm ở Việt Nam lên tiếng về điều đó. Nay sự cố xảy ra, người ngoài càng có lý hơn để khẳng định cho những suy nghĩ của mình về sự ám chỉ ngôi sao thứ 6 là Việt Nam.
Cho dù Bấm Người Phát Ngôn Bộ Ngoại Giao Việt Nam đã lên tiếng trấn an, thừa nhận sự cố và cho rằng đó chỉ là sơ suất kỹ thuật và người chịu trách nhiệm đã bị kỷ luật nhưng nó dường như không làm nguôi ngoai sự tức giận của dư luận.
Dư luận được định hướng hiểu rằng lỗi kỹ thuật ở đây là do bộ phận lễ tân ngoại giao khi in ấn đã in sai mẫu cờ chính thống 5 sao – cờ ngũ hồng tinh.
Dư luận thì luôn muốn biết rõ hơn về sự cố, rằng lỗi kỹ thuật đó là như thế nào? Cờ được in ở Việt Nam hay do chính Trung Quốc mang đến? Ai là người chịu trách nhiệm và đã bị kỷ luật.
Nếu chỉ là lỗi in ấn ở Việt Nam và người phụ trách in ấn lại không thuộc chính xác mẫu cờ Trung Quốc thì điều đó thật nhẹ nhàng.
Nhưng nó không phải đơn giản như thế. Có nguồn tin gần gũi cho tôi hay cờ đó do phía Trung Quốc mang sang phát cho Việt Nam.
Tất nhiên sự chủ quan, ấu trĩ không kiểm tra kỹ nên đã để các cháu thiếu nhi sử dụng. Người phụ trách không kiểm tra nên phải trả giá và nó cũng có thể hiểu là lỗi kỹ thuật.
Cà vạt mỏ neo và màu hải quân
Theo một nguồn tin có được thì những gì ông Tập nói với lãnh đạo Việt Nam trong các cuộc tiếp xúc thì ông luôn nhắc lại rằng điều ông nói chính là ý nguyên thủ.
Vậy đó là ý ông Hồ Cẩm Đào muốn nói với Hà Nội hay nên hiểu là ông Tập đã là nguyên thủ quốc gia?
Điều gì đi nữa thì những gì diễn ra chính là điều mà Bắc Kinh cư xử với Hà Nội.
Ngày làm việc đầu tiên, ông Tập đã được tiếp đón bởi tất cả những người đứng đầu hệ thống chính trị ở Việt Nam.
Trừ Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng bận công cán Miến Điện.
Nhưng sức lan tỏa chuyến thăm của ông Tập ở Hà Nội lan tỏa đến tận Naypyitaw.
Một nguồn tin ngoại giao Miến Điện cho biết, ông Dũng đã không thể làm gì cho dù mọi thứ dường như đã an bài và người Miến đã không ký kết một hợp đồng làm ăn nào với Việt Nam trong chuyến này.
Thủ tướng Dũng thừa hiểu sự thật bại này có bàn tay nào đằng sau.
Ngày thứ hai làm việc tại Hà Nội, ông Tập đã được ông Dũng tiếp tại Dinh Thủ Tướng.
Tiếp xúc với ông Dũng, ông Tập diện một chiếc cà vạt với họa tiết hoa văn là những chiếc mỏ neo, ám chỉ việc con tàu Trung Quốc đang thả neo nơi này.
Khi tiếp ông Tập, ông Dũng cũng diện một chiếc cà vạt màu xanh hải quân và hình ảnh Hải quân Nhân dân Việt Nam anh dũng bảo vệ tổ quốc được treo đầy đường phố Hà Nội.
Cùng cái bắt tay và ôm hôn thắm thiết đồng chí anh em, hai cà vạt chạm nhau nhưng liệu "Hải quân Việt Nam" có dám đụng chạm tới “mỏ neo Trung Quốc”?
Và như vậy đã rõ, ông Tập đang thể hiện tinh thần Đại Hán với Hà Nội như thế nào trước khi chính thức trở thành người đứng đầu Đảng Cộng Sản và Nhà Nước Trung Quốc trong năm tới.
Dư luận đã rõ, liệu những người có trách nhiệm ở Hà Nội có rõ?
Mặc dù ông Tập mang cho Hà Nội vay 200 triệu đô la cùng với 100 triệu của năm 2010 để tài trợ cho các dự án công nghiệp ở Việt Nam nhưng chuyến thăm không khác gì một cái tát, dù tát yêu nhưng cũng đủ làm cho Hà Nội đỏ đom đóm mắt.
Bài viết thể hiện cách hành văn và quan điểm riêng của Lã Ba Không, bút hiệu của một cây viết tại Việt Nam. Các bạn muốn chia sẻ ý kiến xin vào trang Bấm Facebook của BBC Tiếng Việt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét