Trong một bản phúc trình năm 2011 về tình trạng cầm tù các cây bút trên thế giới được công bố hôm nay, 8-12-2011, Ủy ban Bảo vệ các nhà báo (CPJ) có trụ sở tại New York đã liệt kê Việt Nam vào danh sách các nước bắt giam nhiều nhà báo nhất.
Theo tổ chức CPJ, con số nhà báo, phóng viên bị các chính phủ bỏ tù trong năm 2011 đã tăng hơn 20% lên mức cao nhất kể từ giữa thập niên 1990. Theo con số bản phúc trình đưa ra, có tổng cộng 179 phóng viên, nhà báo và cây bút hiện đang bị giam cầm trên thế giới, tăng 34 người so với năm ngoái.
Iran là nước có nhiều nhà báo bị bỏ tù nhất, với 42 người. Kế đến là các nước Eritrea (28 người), Trung Quốc (27 người), Burma (12 người) và Việt Nam là nước thứ 5 với ít nhất là 9 người, con số được CPJ kiểm chứng tính đến thời điểm này.
Danh sách những người cầm bút bị giam cầm ở Việt Nam, gồm các nhà báo tự do và blogger, được CPJ liệt kê trong phúc trình 2011, có ông Nguyễn Văn Hải, tức Điếu Cày; cô Phạm Thanh Nghiên, ông Phạm Minh Hoàng, ông Phan Thanh Hải, tức Anh Ba Sài Gòn; ông Lữ Văn Bảy; và nhóm thanh niên Công giáo Paulus Lê Sơn, Hồ Đức Hòa, Đặng Xuân Diệu và Nguyễn Văn Duyệt.
Riềng trường hợp ông Nguyễn Văn Hải, tức blogger Điếu Cày, một cây viết trong nhóm CLB Nhà báo tự do, từng biểu tình chống Trung Quốc hồi năm 2008 và sau đó bị bắt tù vì cho là đã “trốn thuế”, đã đang bị giam giữ biệt tích từ bấy lâu nay, gia đình không có liên lạc tin tức gì.
Mới hôm qua, có tin ông Nguyễn Văn Hải đã được đưa vào một bệnh viện tại Sài Gòn, và gia đình bạn hữu ông đang tìm cách liên lạc kiểm chứng.
Được biết, trong thời gian qua gia đình ông Hải đã gửi rất nhiều đơn yêu cầu, khiếu nại…, cũng như trực tiếp đến cơ quan thăm hỏi về tình trạng sức khoẻ của ông, nhưng tất cả né tránh không trả lời, và viện cớ là “cơ quan an ninh điều tra chưa làm việc xong”.
Qua cuộc trả lời phỏng vấn với mới đây trên đài RFA, bà Dương thị Tân, vợ cũ của ông Nguyễn Văn Hải, cho rằng việc giam giữ kéo dài từng ấy năm tháng mà điều tra vẫn không ra, vẫn giữ người, điều này “chắc chắn là vi phạm điều 120 Bộ Luật Tố tụng Hình sự Việt Nam.” Bà cho biết đã có đọc kỹ “người tạm giam, tạm giữ vẫn được nhận quà tiếp tế của thân nhân”. Bà khẳng định “Như thế họ vi phạm; thế rồi quá thời hạn tạm giam, tạm giữ họ cũng không thông báo cho gia đình biết còn giam giữ bao lâu. Rồi quá thời hạn đó cũng không đưa ra xét xử. Ngoài một thông báo để ngày 21 tháng 10 năm 2010 đến nay, gia đình tôi cũng không hề biết ông Hải đang bị giam giữ nơi đâu, tội danh gì, điều tra về tội gì, có tội hay không và hiện còn sống hay đã chết.”
Tương tự, trường hợp cô Phạm Thanh Nghiên, người bị bắt hồi tháng 9/2008 vì dám đứng lên chống Trung Quốc xâm chiếm biển đảo Việt Nam, bị kết án tù bốn năm, cộng thêm ba năm quản chế cho đến nay hầu như không có chi tiết gì về tình trạng giam giữ, cũng như sức khỏe ra sao không ai biết.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét