Pages

Thứ Tư, 21 tháng 12, 2011

Dư luận xã hội ở Trung Quốc định hình chính sách đối ngoại hay ngược lại?

Chủ tịch Quân ủy TW Trung Quốc Hồ Cẩm ĐàoYun SunBrookings
(Cộng tác viên của Trung tâm Bắc Á, viện Brookings, Washington)
Phạm Gia Minh dịch

Những năm gần đây “dư luận xã hội” đã được chính thức công nhận như một sức mạnh có ảnh hưởng lên chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Ví dụ như các nhà phân tích trong và ngoài nước cho rằng thái độ quyết đoán của Bắc Kinh trong các mối quan hệ quốc tế là phản ứng của chính phủ trước chủ nghĩa dân tộc đang dâng cao trong nước. Lý lẽ của số đông các nhà phân tích nằm ở luận điểm cho rằng sự biểu lộ của chủ nghĩa dân tộc Trung Hoa ngày càng ồn ào và thường xuyên hơn đã buộc Bắc Kinh hoặc phải đứng lên chống lại “những thế lực thù địch bên ngoài” hoặc là sẽ tự đánh mất tính chính danh trong con mắt người dân của mình.
Rất nhiều ví dụ phong phú về động thái này đã được ghi nhận, chẳng hạn như sự đáp trả không thỏa hiệp của chính phủ đối với việc Hoa Kỳ bán vũ khí cho Đài Loan, tranh cãi với Nhật Bản về lãnh hải quanh đảo Điếu Ngư hay còn gọi là Senkaku và gần đây nhất là hành vi “gây hấn” chống lại các quốc gia ASEAN có tuyên bố chủ quyền ở vùng biển Nam Trung Hoa (Biển Đông – ND). Có vẻ như thường xuyên hơn trước, đặc biệt trong các cuộc hội đàm riêng tư, lãnh đạo Trung Quốc và các học giả dường như đang chơi con bài “dư luận xã hội” để thanh minh cho các động thái không được nhiều người ửng hộ trong chính sách đối ngoại.

Lập luận kiểu này thoạt nhìn có vẻ hợp lý. Dư luận xã hội hay cái mà vẫn được hiểu là nguyện vọng của đa số hay ít nhất cũng là thành phần cốt yếu của xã hội có thể là yếu tố quyết định rất mạnh mẽ chính sách ngoại giao của quốc gia. Ở các nước dân chủ chính phủ phải tôn trọng dư luận xã hội, bởi lẽ nếu làm sai đi, cái giá phải trả về mặt chính trị sẽ rất đắt.. Tuy vậy, trong một đất nước như Trung Quốc, nơi mà chính phủ có những phương tiện mang tính then chốt để có thể định hình dư luận xã hội trong khi quần chúng lại bị hạn chế sở hữu các phương tiện để thể hiện quan điểm chính trị của mình thì cũng cần phải thận trọng nghiên cứu mối quan hệ giữa chính sách đối ngoại và dư luận xã hội để xác định mức độ mà dư luận xã hội có ảnh hưởng tới các quyết định đối ngoại, hoặc ngược lại chính phủ đã quyết đoán, ít ra thì cũng định hình chính sách đối ngoại để thúc đẩy đường lối chính trị đã được hoạch định.
Về các vấn đề chính sách đối ngoại, quần chúng Trung Quốc hoàn toàn dựa vào truyền thông chính thống để lấy thông tin hàng ngày, Đảng Cộng Sản Trung Quốc và chính phủ đóng vai trò trung tâm trong việc quyết định thông tin nào sẽ đưa ra cho công chúng. Ban tuyên huấn của Đảng Cộng Sản là trung tâm chính trị để giám sát tư tưởng và kiểm duyệt tin tức. Ban này có gần như toàn quyền quyết định về việc quần chúng sẽ đọc và xem gì thông qua việc kiểm soát các nguồn thông tin, ví dụ như Tân Hoa xã và Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV). Liên quan tới những vấn đề đối ngoại hiện nay có liên quan tới Trung Quốc, Bộ Ngoại giao và Tân Hoa xã cùng phối hợp quyết nội dung và giọng điệu của các bản tin để làm sao chúng đi đúng đường lối chính thống. Về các vấn đề chính sách đối ngoại quan trọng, chẳng hạn như những lĩnh vực quốc tế then chốt hoặc các chuyến đi của lãnh đạo cao cấp Trung Quốc, các cơ sở truyền thông trong nước được yêu cầu phải sử dụng các nội dung chính thức và đường lối chỉ đạo từ Tân Hoa xã. Ví dụ như vào tháng 1/2011 chính phủ đã một mực yêu cầu “toàn bộ hệ thống truyền thông trên cả nước phải sử dụng các báo cáo của Tân Hoa xã về sự nổi dậy ở Ai Cập. Tuyệt đối cấm dịch các bản tin nước ngoài” (1). Trong một vài trường hợp đặc biệt nhạy cảm, chẳng hạn như việc rắc rối trên Biển Đông (nguyên văn biển Nam Trung Hoa – ND) ngay cả chính Tân Hoa xã cũng được yêu cầu chỉ được sử dụng những báo cáo nhận thẳng từ Quốc vụ viện (State Council – ND).
Đối với đa số các vấn đề về chính sách đối ngoại, đường lối ngoại giao hiện nay của Trung Quốc đóng vai trò như văn bản chỉ đạo cho các hoạt động truyền thông. Ví dụ như các bản tin của truyền thông Trung Quốc về sự bất ổn bên trong Libya và Syria trong năm 2011 rất ít đề cập tới “thành tích” của chính quyền toàn trị, sự vi phạm nhân quyền hay nạn tham nhũng. Thay vào đó, theo đúng các nguyên tắc ngoại giao Trung Quốc, truyền thông Trung Quốc chủ yếu dành thời lượng để nêu bật các khía cạnh tiêu cực của tình trạng bất ổn và mối hiểm nguy phát sinh khi nước ngoài can thiệp. Các bản tin Trung Quốc về vụ khiêu khích của Bắc Triều Tiên năm 2010 lại cho một dẫn chứng khác. Nhằm tạo dựng dư luận xã hội trong nước về một Bắc Triều Tiên hữu nghị theo đúng chính sách của Trung Quốc về bán đảo Triều Tiên, truyền thông Trung Quốc khi đưa tin về vụ đắm tàu Hàn Quốc Cheonan xảy ra vào tháng 3/2010 đã chỉ hoàn toàn nhắm vào “ tính không kiểm chứng được” của những bằng chứng, vật chứng do cuộc điều tra quốc tế về vụ việc này đưa ra, đồng thời lại chú trọng tới những yếu tố khác không chỉ ra Bắc Triều Tiên là thủ phạm. Các báo cáo về vụ pháo kích lên đảo Yeonpyong vào tháng 11/2010 lại chỉ nêu sự kiện chủ yếu là “một cuộc đọ pháo” giữa Bắc và Nam Hàn mà lỗi là do Hoa Kỳ và Hàn Quốc châm ngòi leo thang gây căng thẳng. Ở Trung Quốc có ít người lại cho rằng Bắc Triều Tiên phải chịu trách nhiệm về vụ pháo kích đã gây ra những thiệt hại cho dân thường Hàn Quốc. Trong những trường hợp này, cách đưa tin của truyền thông đã được đường lối chính trị quyết trước nhằm mục đích định hướng dư luận xã hội.
Các nguồn thông tin khác như Internet hay những tổ chức truyền thông thương mại cũng được đặt dưới sự giám sát chặt chẽ của chính phủ. Thực tế là môi trường Internet ở Trung Quốc thuộc diện bị hạn chế bậc nhất thế giới. Những cơ quan chính phủ khác nhau bao gồm bộ công an, văn phòng thông tin thuộc ủy ban nhà nước và tổ chức mới thành lập mang tên văn phòng giám sát thông tin Internet nhà nước cùng thực hiện trọng trách điều hành Internet ở Trung Quốc. Mặc dù các cư dân mạng ở Trung Quốc hiểu biết về công nghệ và thường xuyên sử dụng các server proxy để truy cập các trang web bên ngoài “ Vạn lý Trường thành tường lửa” Trung Quốc, nhưng chính phủ luôn thích ứng rất nhanh nên đã phong tỏa hữu hiệu các nhà cung cấp dịch vụ giúp nở rộ của mạng cá nhân ảo (Virtual Private Network- VPN) ví dụ như Witopia. (tất nhiên nhiều người sử dụng Internet ở Trung Quốc đã vượt tường lửa không nhằm mục đích tìm kiếm các thông tin bằng tiếng Anh về các vấn đề đối ngoại mà thường xuyên hơn là chỉ để sử dụng các trang mạng xã hội như Facebook và Youtube.)
Truyền thông thương mại cũng không nằm ngoài sự kiểm duyệt và các ranh giới được đặt ra bởi hệ thống tuyên truyền mặc dù được hưởng chút ít quyền hành nhiều hơn truyền thông nhà nước thế nhưng cũng không có hoàn toàn tự do quyết định nội dung và giọng điệu của mình. Một ví dụ là cuộc phỏng vấn Tổng thống Obama do tờ Tuần báo Phương Nam thực hiện trong chuyến thăm Trung Quốc của ông vào tháng 11/2009. Ban tuyên huấn đã không chỉ soi xét tỷ mỷ và biên tập lại bài báo mà còn gây áp lực lên Tuần báo Phương Nam buộc phải rút nó từ trang nhất để chỉ được đăng tải trên trang hai trong lần xuất bản cuối cùng. Hơn thế nữa, ban này còn chỉ thị cấm truyền thông trong nước đăng lại bài báo đó dưới mọi hình thức nhằm kiểm soát hiệu quả việc lan truyền rộng rãi nội dung của cuộc phỏng vấn.(2)
Ý kiến của cộng đồng mạng ở Trung Quốc thường được nhận biết bởi những người quan sát, bao gồm cả một số nhà nghiên cứu nghiêm túc và được đánh giá là chỉ số then chốt của dư luận xã hội về các chính sách đối ngoại. Tuy nhiên,cũng giống như việc xuất bản trong hệ thống truyền thông có tổ chức, ý kiến được thể hiện trên Internet bởi các cá nhân cư dân mạng cũng bị chính phủ can thiệp và điều tiết.
Mức kiểm soát thứ nhất đó là chỉ thị của chính phủ đối với các trang web nhằm giám sát nội dung các bài viết đưa lên mạng, các diễn đàn, blog và micro-blog để sao không có những thông tin” có vấn đề”. Mức kiểm soát thứ hai là “lực lượng cảnh sát Internet” thuộc bộ công an giám sát nội dung các bài đưa lên mạng mà có thể truy cập được ở Trung Quốc để thường xuyên gỡ bỏ hoặc ngăn chặn những thông tin bị cho là nguy hiểm và không phù hợp. Sau đó là mức thứ ba, các thành viên “50 xu của đảng” hay những cư dân mạng được chính phủ chi tiền để đưa lên mạng những ý kiến ủng hộ chính quyền, hay tích cực thảo luận nhằm định hướng dư luận theo cách có lợi cho chính phủ.
Trong cấu trúc đó, đa số các cuộc thảo luận trên Internet ở Trung Quốc được soi xét kỹ lưỡng, đa phần được thông qua trước đó bởi chính phủ – kể cả những lời bình có tính chất kích động và phê phán mang màu sắc dân tộc chủ nghĩa đối với các chính sách đối ngoại. Một khi muốn, chính phủ đã có thể định hướng và gây ảnh hưởng lên nội dung của các cuộc tranh luận trong hàng ngũ cư dân mạng nhằm hạ giọng tình cảm dân tộc chủ nghĩa. Có một thực tế là chính phủ trong nhiều trường hợp không cần nêu lên vấn đề về năng lực thực hiện mà chỉ quan tâm đến các ý định của mình mà thôi.
Một ví dụ là việc Bắc Kinh đối phó với tuyên bố của Hoa Kỳ bán vũ khí cho Đài Loan và Tổng thống Obama gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma đầu năm 2010. Cả hai quyết định đã được truyền đạt tới Bắc Kinh mấy tháng trước đó khi Tổng thống Obama thăm Trung Quốc vào cuối năm 2009. Khi các quyết định này được công bố chính thức, Bắc Kinh đã đáp trả lại một cách dữ tợn. Những tuyên bố chính thức lỗ mãng đã được vỗ tay hoan hô vang dội bởi quần chúng bị kích động và trong một vài trường hợp quá khích đã có lời kêu gọi cấm vận các công ty Hoa Kỳ, thậm chí đối đầu quân sự với Mỹ.
Tuy nhiên, Bắc Kinh đã chọn một con đường khác để đối phó với quyết định của Obama nhằm ngăn chặn tổn thương nghiêm trọng trong quan hệ song phương giữa hai quốc gia. Theo Alan Romberg (nhà nghiên cứu có tên tuổi về Đài Loan – ND) thì “tuy chính phủ CHND Trung Hoa biết rằng việc bán vũ khí sẽ xảy ra và Đức Đạt lai Lạt ma sẽ tới thăm Nhà Trắng nhưng vẫn có thể tuyên bố sự phản đối mang tính nguyên tắc của mình trong khi định hướng dư luận quần chúng một cách ít gây gổ và sinh sự hơn. Điều này có thể hậu thuẫn cho sự ủng hộ mà Mỹ đã đưa ra về việc hòa giải giữa hai bên eo biển (đôi khi làm cho Đài Loan thấy bất an) và khẳng định lại việc Mỹ công nhận vùng Tây tạng là một phần của Trung Quốc.(3)
Thế nhưng thực tế Trung Quốc không hành động như vậy đã cho thấy một số điều. Bắc Kinh thích thú với cảm giác được thổi phồng về sức mạnh kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế và không cảm thấy cần phải kiềm chế lại trong khi Washington lại thách thức những lợi ích cốt lõi của Trung Quốc ở Đài Loan và Tây Tạng (4). Trung Quốc nhìn nhận dư luận xã hội như một công cụ hữu hiệu để cho Washington thấy rằng nhân dân Trung Quốc tức giận như thế nào và hậu quả kéo theo sau sẽ nghiêm trọng ra sao (5). Bắc Kinh có thể có lý khi nói rằng họ buộc phải hành động như vậy để đáp ứng tình cảm của quần chúng trong nước, thế nhưng tình cảm đó ít ra thì cũng chỉ là một phần của cái mà chính phủ đã tạo dựng ra từ đầu. Dư luận xã hội mang tính chất công cụ hơn là tính tự nhiên và nguyên trạng vốn có của nó trong trường hợp này.
Một ví dụ khác là Bắc Kinh đối phó với tình cảm chống Nhật sau vụ va chạm giữa tàu đánh cá Trung Quốc với hai tàu hàng Nhật bản vào tháng 10/2010 trên biển Đông Trung Hoa nơi mà Trung Quốc và Nhật còn có tranh chấp. Sau khi viên thuyền trưởng Trung Quốc bị bắt giữ và giam giữ ở Nhật, Bắc Kinh đã lên mặt trả đũa Tokyo để gây áp lực đòi thả viên thuyền trưởng. Từ việc hoãn cuộc đối thoại cấp bộ trưởng cho tới ngưng xuất khẩu đất hiếm sang Nhật, Bắc Kinh đã gứi đí một thông điệp kiên quyết và mang tính áp đặt. Ngay sau đó, các cuộc biểu tình đông người chống Nhật đã nổ ra trên nhiều thành phố ở Trung Quốc. Dư luận xã hội chống Nhật đã đạt một kỷ lục cao trong lịch sử cận đại, có tác dụng bổ sung và củng cố cho quan điểm dữ dằn của chính phủ. Một vài nhà phân tích Trung Quốc còn bình luận rằng “chính phủ của chúng ta phải trả lời hoặc là tính chính danh của nó sẽ bị thách thức”(6).
Tuy vậy, sự kiện các cuộc biểu tình chống Nhật được phép tổ chức ít ra đã cho thấy một sự thỏa thuận ngầm với chính phủ khi thấy cần xả van an toàn cho sự tức giận của tình cảm dân tộc bị dồn nén. Theo Shi Yinnhong, một học giả danh tiếng về quan hệ quốc tế tại đại học Nhân dân thì “nếu như chính phủ chủ ý phản đối hoặc kiên quyết không muốn các cuộc biểu tình thì đã chẳng có gì xảy ra”(7).
Ngay cả khi nếu các cuộc biểu tình được vận động hoặc nổ ra một cách tự phát trong quần chúng thì chính phủ vẫn luôn có các phương cách hiệu quả để quản lý chúng. Trong các cuộc biểu tình chống Nhật tương tự nhưng có quy mô lớn hơn nổ ra vào mùa xuân năm 2005, khi cảm thấy sự phản đối đông người đã đi quá tầm kiểm soát, chính phủ liền huy động các nguồn lực để chấm dứt chúng. Bộ công an đưa ra bản tuyên bố ngày 21/4/2005 cấm quần chúng tham gia vào các cuộc biểu tình sau này.(tuyên bố này đã được phát trên sóng của đài truyền hình quốc gia CCTV News Link). Các tin nhắn và lời kêu gọi tiếp tục các cuộc biểu tình chống Nhật trên mạng di động và Internet đã bị chặn. Hành động của chính phủ đã không gây nên phản ứng dữ dội từ phía nhân dân và tình cảm chống Nhật đã được làm cho lắng xuống một cách hiệu quả trong vòng có một tuần.
Trong một đất nước mà thiếu vắng truyền thông tự do thì ý kiến độc lập của quần chúng hiển nhiên chỉ là chuyện hoang đường. Bởi lẽ ở Trung Quốc thông tin mà quảng đại quần chúng nhận được và các cuộc thảo luận sau đó đều được quyết định trước, được tô vẽ và định hướng bởi chính quyền các cấp cho nên rất khó để khẳng định rằng tình cảm phát sinh của công chúng không phải là một phần sản phẩm do chính phủ tạo ra.
Cũng giống như đối với mọi chính phủ, kêu gọi lòng yêu nước luôn là cách dễ dàng nhất để lấy điểm trước công chúng. Điều này lại đặc biệt đúng với Trung Quốc, nơi mà đa phần xã hội còn mang vết thương tâm lý do nhiều thế kỷ trước đây bị ngoại bang đô hộ. Một phần nữa cũng còn do thiếu vắng sự tái khẳng định có tính định kỳ tính chính danh của những người được nhân dân ủy quyền lãnh đạo thông qua các cuộc bầu cử, cho nên chính phủ luôn cần phải có nhiều phương cách tái khẳng định tính chính danh của mình trong con mắt quần chúng.
Động thái này có thể mang lại hiệu quả bên ngoài : kích động dư luận xã hội trong nước sẽ giúp cho Bắc Kinh củng cố quan điểm chính trị mạnh mẽ trên trường quốc tế và là đòn bẩy trong đàm phán để buộc các chính phủ nước ngoài phải nhượng bộ. Bởi vậy, mối quan hệ nhân quả theo mọi cách đánh giá cần được nghiên cứu kỹ càng khi cho rằng dư luận xã hội là động lực của chính sách đối ngoại Trung Quốc.
Phạm Gia Minh dịch

Không có nhận xét nào: