.
Nguyễn Ngọc Già
Đoạn clip chưa đầy 3 phút về người dân Bắc Triều Tiên than khóc tiếc thương vị Chủ tịch của họ gây ấn tượng mạnh về thủ đoạn man trá của người Cộng Sản. Vì thế, tôi đã xem đi xem lại không dưới 10 lần, nhằm tìm ra những chi tiết đáng ngờ để cung cấp cho bạn đọc như là những chứng cớ của màn kịch được dàn dựng khá kỹ, nhưng không qua mắt được người xem. Mời mọi người xem lại và chú ý đoạn phim:
- Ngay những giây đầu tiên, chúng ta thấy rõ quảng trường rộng lớn, khá vắng vẻ được tiếp nối bằng hình ảnh một nhóm người không quá 100, đứng ngay ngắn xếp hàng với quần áo hầu như một kiểu, một màu (xanh đen), tiếng khóc, tiếng than không lớn lắm và họ đang cùng than khóc như nhau bằng một câu gì đấy. Sau đó, cận cảnh lia qua hình ảnh Kim Jong Il trên bia đá.
- Từ giây 0:14 đến giây 0:18, chúng ta hãy để ý đoàn người đang lũ lượt kéo về (hãy nhìn vào cuối khung hình bên tay phải, xa xa, đoàn người thật vội vã và nhanh chóng nhưng nhẹ nhàng lướt qua, lướt qua, đó cũng là lúc trước đó, người quay phim đã bỏ qua để tập trung vào chân dung Kim Jong Il và máy lia trở lại nhanh chóng với một đoàn người đông hơn nhiều lần ngay lập tức, cho thấy đoạn phim đã được dựng (editing) kỹ. Chi tiết lũ lượt kéo về một địa điểm cụ thể, có thời điểm hẳn hòi, làm chúng ta liên tưởng ngay đến tính chất “tập trung cưỡng bức”, chi tiết này không hề xa lạ với người Việt Nam đang sống trong nước. Có thể nói, nó đã được lên kế hoạch trước theo ý muốn của Nhà cầm quyền Bắc Triều Tiên.
- Từ giây 0:19 cho đến giây 0:39, đoạn phim đặc tả những người than khóc đa số là các cháu học sinh, trong đó có một cháu đầu hàng lặng lẽ với nét mặt khó gọi tên cảm xúc, bên cạnh một cháu khác (đeo kính) khóc khá to, người quay phim thật khó trong trường hợp này, vì không thể tách hai người đó ra bởi đứng quá gần nhau, hai hình ảnh trái ngược nhau không thể che giấu. Nếu bạn đọc để ý chút nữa, có cháu đưa tay lên che mặt, như vừa thể hiện sự đau buồn nhưng thật ra có vẻ che giấu nét cảm xúc trước ống kính đang hướng về mình (có lẽ vì ngại ngùng hay lo sợ thì đúng hơn là khóc).
- Từ đấy cho đến giây 0:50, tiếng khóc bỗng thoắt cái, vang trời dậy đất ngay lập tức với hình ảnh 3 người đàn ông đứng cạnh nhau trên tay là lá cờ. Nhanh chóng sau đó, người đàn ông đội mũ, đứng ngoài cùng bên phải vội quỳ thụp xuống, dùng hai tay vật vã đập xuống nền và gào thét. Hành động này được người quay phim chộp ngay và diễn đạt trong khoảng 10 giây. Điều đặc biệt là bạn không thể nhìn thấy khuôn mặt ông ấy, do đó không thể nói ông ấy đang khóc thương là thật hay đang gào thét thật to là chính.
- Từ giây 1:04 đến 1:12, bạn đọc chú ý, góc màn hình cánh trái, các cháu đồng phục, khăn quàng đỏ lần lượt xếp hàng kéo nhau đi đến và phủ phục trước thềm như đã được căn dặn trước kỹ càng.
- Từ 1:14 đến 1:26, một người đàn ông khác khóc thét và vật vã (mặc áo khoác trắng) dễ gây sự chú ý cho người xem vì tiếng hét và hành vi quá đỗi vật vã, thương tâm, nhưng không tìm thấy nước mắt và đôi mắt ông ấy thì nhắm tịt. Hình ảnh này làm người xem dễ bỏ quên ngay phía cánh phải màn hình là 4 cháu học sinh, trong đó 2 cháu đã quỳ thụp xuống, cháu đeo khăn quàng cạnh bên với bộ dạng ngơ ngác, lóng ngóng nhìn quanh những tốp người khác vẫn đang kéo về đông đúc hơn, thoáng chốc cậu bé bỗng chợt nhận ra hai bạn sát cạnh mình đã quỳ tự lúc nào, nên vội quỳ xuống theo. Ngay đây, tay quay phim đã lia máy sang chỗ khác.
- Từ đó cho đến 1:59, góc máy đặc tả các cháu gái học sinh với tóc tai gọn gàng, vẻ mặt trong sáng đang khóc tỉ tê hơn các cháu trai. Hãy nhìn vào mắt các cháu gái này, họ có nước mắt với đôi mi mọng đỏ do nước mắt. Chúng ta có thể xác định 3 -4 cháu gái này khóc thật. Con gái bao giờ cũng mau nước mắt hơn con trai. Nhớ lại ngày ông Hồ Chí Minh qua đời, sau này tôi có hỏi một người bạn gái ở Hà Nội (sau khi chị ấy vào Saigon sinh sống), lúc đó chị có ra đó và than khóc với mọi người không? Chị ấy trả lời là có. Tôi hỏi: Chị khóc thật chứ. Trả lời: Thật. Tôi hỏi: Vì sao?. Trả lời: Lúc đó, thấy chung quanh đông nghìn nghịt, ai cũng khóc, tự nhiên mình cũng khóc theo, khóc thật, không giả đâu. Có lẽ do quang cảnh chung quanh lúc đấy là thế, ai cũng mủi lòng, những đứa con gái như tôi càng dễ khóc. Chắc mọi người đồng ý với cách trả lời này? Tôi (và chắc nhiều người) đã đi dự đám tang bà con, người thân, thấy gia đình người ta than khóc vật vã, tự nhiên lúc đó nước mắt cũng ứa ra. Khóc bản năng?
- Từ giây 2:30 đến 2:40, bạn đọc sẽ thấy rõ một cháu (nam) trong bộ đồ xanh đậm đang gào thét và đấm tay thật mạnh xuống nền, cậu bé nhận rõ máy quay đang hướng về phía mình nên càng ra sức gào thét và đấm xuống nền quảng trường nhiều hơn kèm với cặp mắt (của cậu ấy) đang quan sát máy quay đang lia về phía mình.
Tựu trung, trong 2 phút 58 giây của đoạn clip, hầu như chúng ta nhận thấy tiếng hét vang trời dậy đất cùng những hành động quỳ xuống, đấm tay trên nền quảng trường, kêu la thảm thiết, có thể nói là tru tréo trước cái chết của Kim Jong Il, nhưng hãy nhìn kỹ vào đôi mắt (đa số đều không đỏ) của họ, bạn sẽ thấy rất ít người có nước mắt.
Có lẽ do vậy mà nhiều độc giả đều chung nhận định đây là màn kịch, một chủ trương của những kẻ cầm quyền. Khóc than trước cái chết của Kim Jong Il đã trở thành nhiệm vụ phải hoàn thành, kèm theo là phần thưởng sau đó, hay hình phạt cho những ai không chấp hành lệnh. Quá đáng thương cho người dân Bắc Hàn!!!
***Dù chán ngán cũng phải công nhận Kim Il Sung và Kim Jong Il đã thành công trong việc áp đặt chế độ toàn trị lên người dân Bắc Hàn bằng CÁI ĐÓI + BÓNG TỐI (CẢ NGHĨA ĐEN VÀ NGHĨA BÓNG) và đặc biệt là nỗi sợ hãi của người dân. Những hình ảnh than khóc vật vã vừa qua, cho thấy người dân Bắc Hàn vẫn đang bị nô dịch và bị cưỡng ép sống giả dối trong đất nước được gọi là bí mật nhất thế giới, khi tự những kẻ cầm quyền Bắc Triều Tiên quyết tâm tách rời khỏi thế giới văn minh, dù loài người đang ở vào thời đại toàn cầu hóa. Những kẻ cầm quyền Bắc Triều Tiên quyết đi ngược lại xu hướng tiến bộ và văn minh của nhân loại.
Từ đây cho thấy, vai trò tự do ngôn luận, tự do báo chí trở nên đặc biệt quan trọng trong một quốc gia như Bắc Triều Tiên, bởi lẽ đoạn clip than khóc chắc chắn được truyền tải rộng rãi cho toàn dân thông qua tivi nước họ. Trong khi đó, công cụ hữu hiệu có sức lan tỏa lớn là Internet hoàn toàn vắng mặt, vì thế người dân Bắc Hàn hoàn toàn mù tịt về những bình luận, nhận định, đánh giá của thế giới qua cái chết của Kim Jong Il. Thông tin trung thực, nhiều chiều đối với người Bắc Hàn trở thành quá xa xỉ, vô nghĩa khi họ còn phải loay hoay với chén cơm hàng ngày. Đó là sự tàn ác man rợ của chủ nghĩa ngu dân mà hơn 60 năm qua người Bắc Hàn gánh chịu do sự tàn ác vô độ của cha con họ Kim mang lại. Chắc chắn những thông tin như: Kim Jong Il thích món tôm hùm, rượu vang Pháp hay Hennessy VSOP loại thượng hạng hoặc sở thích dùng đũa bạc, chuộng phim Hollywood v.v… đại đa số người dân Bắc Hàn chưa bao giờ nghe nói tới.
Trong những tháng ngày sắp tới, tình hình chính trị, xã hội tại Bắc Triều Tiên có lẽ không có gì biến động lớn, bởi hầu như đa số dân bị bần cùng hóa trầm trọng và nô dịch hóa tột độ với sự kiểm soát thông tin gắt gao cùng chế độ “ngu để trị, đói để trị” như thế, trừ phi có sự ra tay của những ai đang tranh chấp quyền lực trong nội bộ Đảng lao động, cùng sự tham gia của Liên hiệp quốc, Mỹ, Nhật, nhất là Nam Hàn – người anh em của họ, chung tay giải cứu người dân Bắc Hàn. Ngược lại người dân Bắc Hàn sẽ còn phải tiếp tục sống trong tăm tối lầm than với một thời gian dài nữa, nếu những tranh chấp quyền lực trong nội bộ Đảng lao động Triều Tiên được thỏa hiệp và giải quyết suôn sẻ.
Bên cạnh đó, tính chất tôn ti trên dưới và ảnh hưởng từ việc sùng bái cá nhân theo hình thái xã hội phong kiến lạc hậu vẫn còn nặng mang trong người dân, điều này có vẻ khó trông mong gì lắm về tính tự cường vùng lên của người dân, khi hơn 20 triệu người vẫn chỉ là những cá thể rời rạc, đơn lẻ trong một chế độ khắc nghiệt không có lấy một tổ chức độc lập nào khác. Phải chăng, điều mong muốn còn lại là sự thức tỉnh của Kim Jong Un cùng cô ruột, dượng rể và những đồng chí cốt cán của ông ta tựa như những động thái của Tổng thống Miến Điện U Thein Sein? Dù sao, vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên cũng là một “lợi thế” lớn để những người cầm quyền tiếp tục có thể “mè nheo”, “mặc cả” với thế giới?!
***Kim Jong Il rất ác với đồng bào ông ta, tuy vậy ông ta còn có một chỗ dựa khả tín hơn Việt Nam, đó là Trung Quốc. Việt Nam – cho đến giờ phút này – cô đơn. Nhìn quanh quất thế giới, có bao giờ các ông CSVN tự hỏi: Bạn ở đâu? Bạn thân đâu? Ai có thể tin mình? Mình có thể tin ai?
Người Bắc Hàn khóc cho một “lãnh tụ kính yêu” vừa qua đời.
Còn người Việt Nam chúng ta đang nhỏ những:
Giọt nước mắt thương con, con ngủ me mừng
Giọt nước mắt thương sông, ấp ủ rêu rong
Giọt nước mắt thương đất, đất cằn cỗi bao năm
Giọt nước mắt thương dân, dân mình phận long đong
Giọt nước mắt thương sông, ấp ủ rêu rong
Giọt nước mắt thương đất, đất cằn cỗi bao năm
Giọt nước mắt thương dân, dân mình phận long đong
Giọt nước mắt thương mây, mây ngủ trên ngàn
Giọt nước mắt thương cây, cây ngả trên non
Giọt nước mắt thương em, khô giòng máu châu thân
Giọt nước mắt quê hương, ôi còn chảy miên man.
Giọt nước mắt thương cây, cây ngả trên non
Giọt nước mắt thương em, khô giòng máu châu thân
Giọt nước mắt quê hương, ôi còn chảy miên man.
Ôi! giòng nước mắt chảy hoài
Giòng nước mắt đời đời
Giọt nước mắt thương ai
Giòng nước mắt đời đời
Giọt nước mắt thương ai
Ôi giòng nước mắt trong tim
Chảy lai láng vào hồn
Nửa đêm gọi đến mình
Chảy lai láng vào hồn
Nửa đêm gọi đến mình
Giọt nước mắt thương chim, chim bỏ xa rừng
Giọt nước mắt thương đêm, đêm đẩy xe tang
Giọt nước mắt thương anh, trên vận nước điêu linh
Giọt nước mắt không tên, xin để lại quê hương
Giọt nước mắt thương đêm, đêm đẩy xe tang
Giọt nước mắt thương anh, trên vận nước điêu linh
Giọt nước mắt không tên, xin để lại quê hương
(Giọt nước mắt cho quê hương – Trịnh Công Sơn)(1)
Bao giờ người Việt Nam thôi nhỏ những giọt nước mắt cho phận người long đong?
Bao giờ người Việt Nam thôi khóc cho vận nước điêu linh?
Bao giờ…?
Nguyễn Ngọc Già
_______________
_______________
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét