Không phải tự nhiên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (NTD) phải đợi đến hôm 25.11.2011 mới dám “lớn tiếng” tuyên bố “rõ ràng, không né tránh” (như nhiều báo đảng tán tụng) về vấn đề chủ quyền Hoàng Sa – mà đáng lý ra NTD đã phải nên “gào lên” trước Quốc hội, diễn đàn quốc tế, và toàn dân trước đây ít nhất là 25 năm, trước khi Trung cộng (TC) lại một lần nữa dùng vũ lực chiếm thêm một số đảo của Trường Sa. Chẳng qua đó là kế sách “Phòng Cháy” của Bộ Chính trị CSVN (BCT) để đói phó với sự sống còn của đảng, xóa vết nhơ vong bản, lòn cúi của họ. Và kế sách nầy được tung ra chỉ vừa sau khi cuộc “bái yết” của NTD với Đới Bỉnh Quốc, và tiếp theo là cuộc “bái trào” của Nguyễn Phú Trọng (NPT) với Bắc Hán triều đỏ, theo đúng như những chỉ thị TC đưa ra.
Đây mới gọi là “đúng thời điểm, đúng giai đoạn” như các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hồ hởi hoan nghênh, tán dương theo NTD. Và sau đó là hàng loạt kế hoạch khác được bàn thảo kín trước khi phát động những chiến dịch rầm rộ, hô hào toàn dân, toàn nước hưỏng ứng như:“Đưa sự kiện Hoàng Sa vào sách giáo khoa“, “Bộ Ngoại giao thu thập bằng chứng lịch sử Hoàng Sa“, “Toàn dân góp sức đòi lại Hoàng Sa“, “Giải pháp đòi lại Hoàng Sa“, v.v… Câu hỏi đáng được đặt ra là: “Thế nào mới gọi là đúng thời điểm, đúng giai đoạn?”. Nhưng chắc chắn một điều là không một đại biểu QHVN có thể giải thích hoặc lại gắn nhãn “Nhạy Cảm” để khỏi phải trả lời (dù sao những phóng viên cũng không dám hỏi ngoài những câu đã được đảng “chỉ giáo” trước).
Trở lại những 8 điều mục mà NPT đã hân hoan, hớn hở tuyên bố trước micro trong cuộc họp báo đánh dấu thành công cuộc triều bái trong “Tuyên bố chung Việt Nam — Trung Quốc“, 15/10/2011:
1- … tăng cường hơn nữa quan hệ giữa hai Đảng, hai nước trong tình hình mới, cũng như về các vấn đề quốc tế và khu vực mà hai bên cùng quan tâm, đạt được nhận thức chung rộng rãi.
2- … tin tưởng vững chắc Đảng Cộng sản Trung Quốc nhất định sẽ đoàn kết chặt chẽ và dẫn dắt nhân dân Trung Quốc thực hiện thắng lợi mục tiêu vĩ đại xây dựng toàn diện xã hội khá giả và đẩy nhanh hiện đại hóa Xã hội Chủ nghĩa, và tin tưởng vững chắc rằng, nhân dân Việt Nam nhất định sẽ thực hiện thắng lợi những mục tiêu và nhiệm vụ vụ mà Đại hội XI đã đề ra, xây dựng Việt Nam thành nước xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
3- … tôn trọng lẫn nhau, hiểu biết lẫn nhau, ủng hộ lẫn nhau, tin cậy lẫn nhau, hợp tác với nhau và khẳng định tình hữu nghị đời đời Việt-Trung là tài sản quý báu chung của hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước, cần được không ngừng củng cố, phát triển, truyền mãi cho các thế hệ mai sau.
… tăng cường hơn nữa sự tin cậy chiến lược, hợp tác chặt chẽ toàn diện, xử lý thỏa đáng các vấn đề còn tồn tại hay mới nảy sinh giữa hai nước, là phù hợp với lợi ích căn bản và lâu dài của hai Đảng.
4- (sẽ được nói đến sau)
5- Hai bên đã trao đổi ý kiến chân thành, thẳng thắn về vấn đề trên biển; Lãnh đạo hai Đảng, hai nước sẽ duy trì trao đổi và đối thoại thường xuyên về vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, từ tầm cao chính trị và chiến lược, kịp thời chỉ đạo xử lý và giải quyết thỏa đáng vấn đề trên biển.
Hai bên đánh giá tích cực việc hai nước ký kết “Thỏa thuận các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển” nhằm tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được
Hai bên thúc đẩy vững chắc đàm phán phân định khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ. Hai bên tích cực thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực như bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên biển, thăm dò khai thác dầu khí, phòng chống thiên tai…
6- Việt Nam khẳng định thực hiện nhất quán chính sách một nước Trung Quốc, phản đối hành động chia rẽ “Đài Loan độc lập” dưới mọi hình thức
7- tổ chức tốt trao đổi chính trị giữa Bộ Ngoại giao hai nước
8- chân thành cảm ơn về sự đón tiếp trọng thị, nhiệt tình và hữu nghị
Từ điều mục 1, csvn và cstc lần nữa đã khẳng định sự quan hệ giữa khối cs và khơi màu cho vấn đề chủ quyền vùng biển Đông mà họ đã đồng ý ngầm với nhau qua “đạt được nhận thức chung rộng rãi”. Trong đó, nơi đề mục 2, hai đảng cs tán tụng nhau cho sự trường tồn của chủ nghĩa- mà đáng lý ra đã chết từ 30 năm về trước nếu cứ ngoan cố, cứng đầu theo phương cách phát triển xã hội của Karl Marx–Lenin- nhờ “hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa“, một cách nói để che đậy sự thối tiến, hủ bại của chủ nghĩa cộng sản phải tự khai thông cánh cửa sắt với thế giới tự do. Đề mục 3 cũng chỉ là những lời bợ đỡ của csvn đối với “tình hữu nghị” của họ đối với Tc, và luôn kèm theo hứa hẹn “sự tin cậy” trong mọi tình hình dù cũ hay mới, hòng duy trì sự lâu dài của khối cs.
Sau khi qua những thủ tục tuyên thệ sự trung thành của đang csvn đối với Tc, điều mục 5 mới thật sự nói về vấn đề biển Đông. Bắt đầu luôn vẫn là câu màu mè khi nói đến vấn đề “cảm lạnh” nầy (“trao đổi ý kiến chân thành, thẳng thắn”) và không quên nhắc đi lại “từ tầm cao chính trị và chiến lược” mà chắc chắn là theo chủ ý của Tc. Ngoài ra, có một dòng chữ “oan nghiệt cho định mệnh VN” sau khi được ký kết là: “Thỏa thuận các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển”
Sự thoả thuận nầy được “giấu kín” và lại dán nhản “nhạy cảm”, là một chứng minh mạnh mẽ cho sự vong nô của csvn qua chỉ đạo của Tc dù NTD có tỏ ra hết sức cố gắng “bình tỉnh”, giữ cho sớ thịt no đầy trên mặt bớt căng giựt quá rõ như đã được bôi thuốc căng cứng da, và qua những màn tập dợt rất kỷ, nhiều lần trước gương “không nhìn vào văn bản và trả lời thẳng nội dung câu hỏi” mớm lời của ĐBQH Lê Bộ Lĩnh (Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường) (theo “Trả lời chất vấn trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:Khẳng định chủ quyền Hoàng Sa“, 26/11/2011). Vì cuộc nhóm hộp lần nầy là bước đầu thử nghiệm thực thi kế hoạch “Phòng Cháy” của Bộ Chính trị đảng csvn theo chỉ đạo tham mưu của Tc, nên rất cần thiết tất cả phải được chuẩn bị kỹ, từ sự lựa chọn ĐBQH nào mớm lời, và ĐBQH nào phản bác qua bài bản đã duyệt sẵn. Và điểm nóng, nổi bật nhất vẫn là NTD trong vai trò “khai mở lịch sử” theo hướng định của đảng qua việc tuyên bố chủ quyền Hoàng Sa.
Hoàng Sa đã bị Tc chiếm đóng, xây cất hệ thống canh giữ, bến tàu, và cả dự kiến cho phi trường và thành phố nổi “HongKong2″ trong ngày không xa. Tất cả vùng biển chung quanh đều được đặt trong sự kiểm soát của Tc theo quy ước quốc tế về Luật biển, nên những tàu ngư dân Việt lảng vảng trong hải phận trước đây của VN, bị xem là xâm phạm. Dù rằng điều mục 5 cũng có nói đến sự “thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực như bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên biển, …”, nhưng những con tàu bé nhỏ của ngư dân Việt vẫn bị Tc sắt đâm chìm một cách mờ ám, và bỉ ổi, bằng chứng hiển hiện là “Hai tàu cá VN lại bị “tàu lạ” đâm thủng“, 12/01/2011, trên rfa.org, chỉ trong vòng 48 tiếng. Một ngư tàu từ Quảng Ngãi bi đâm thủng ngày 29/11/20011, và từ Phú Yên, Tuy Hòa, cũng bị giống nhau vào ngày 1/12/2011. Chưa hết, kế tiếp vào ngày 2/12/2011, thêm “Tàu lạ đâm chết ngư dân trên vịnh Hạ Long” ngay khu vực Cửa Lục, Quảng Ninh.
Trong khi tất cả những con ngư tàu đó hoàn toàn còn nằm trong vùng biển VN; có nghĩa còn nằm trong hệ thống radar kiểm soát của quân đội biên phòng VN (QdBp) thì không thể không phát hiện được một tàu lạ to lớn chuyển hướng thẳng vào vùng biển VN mà QdBp không điện đàm tra hỏi và cảnh cáo. Điều nầy nói rằng QdBp chắc chắn đã phát hiện và biết rõ những con “tàu lạ” từ nước nào và cũng đã chứng kiến trên làn sóng khi “tàu lạ” với điểm chấm to ngang nhiên tiến sâu vào vùng biển VN, và đâm sầm vào điểm chấm nhỏ tí là ngư tàu VN. Và đây không phải là lần đầu tiên, trong vòng 3 ngày / 3 ngư tàu gỗ VN bị đâm thủng trước mắt QbBp, mà họ đã từng chứng kiến từ những năm trước trong im lặng như đang xem phim hành động hấp dẫn của Tàu. Thử hỏi, họ – những chiến sĩ QdBp anh hùng VN- có cảm giác gì không khi tận tường mục kích những sự kiện đó? Và có phải một trong những nhiệm vụ biên phòng là phải kiểm soát vùng biển qua hệ thống radar trong 24/24 không? Đó là chưa nói đến bổn phận của họ là phải ra tay ngăn ngừa trước khi sự kiện xảy ra, hoặc ít ra báo động toàn khu vực, kêu gọi thêm cứu viện để rượt đuổi “tàu lạ” mà không cần phải quay phim rồi tung lên youtube như vừa qua. Họ- những chiến sĩ QdBp anh hùng VN- đâu cần phải ngồi đợi ngư dân, hay thân nhân điện về kêu cứu mới biết, rồi lại diễn trò tỏ ra nóng bỏng, hối hả trong những… lời góp ý cho ngư dân để xem xét tình hình (xem tàu lạ còn đó không), trước khi kéo tàu ra… cứu vớt.
Họ- những chiến sĩ QdBp anh hùng VN, hay Hải quân anh hùng VN- đã một lần nào đó, dường như phải đứng trước nòng pháo địch, trong tay không vũ khí, để dũng cảm phải chịu hy sinh một cách bức tử, thì có lẽ không thể nói là họ hèn nhát, vô cảm khi mệnh lệnh trên cao- theo mệnh lệnh “thiên triều”- giáng rằng: ” … tôn trọng lẫn nhau, hiểu biết lẫn nhau, ủng hộ lẫn nhau, tin cậy lẫn nhau, hợp tác với nhau và khẳng định tình hữu nghị đời đời Việt-Trung để truyền mãi cho các thế hệ mai sau”.
Sự “tốt đẹp” của “tình hữu nghị đời đời Việt-Trung” là thế, và phải “truyền mãi cho cách thế hệ mai sau” thì thử hỏi làm sao QdBp anh hùng VN dám tự tiện dù có phải hỏi “tàu lạ” là ai, đang làm gì vào vùng biển VN. Có phải chăng chính đảng csvn đang bôi nhọ thanh danh anh hùng đó, và cũng chính Bộ Chính trị của đảng csvn tung lên youtube đoạn clip “tàu VN đuổi chó” vừa qua?
Và lại lần nữa, chính NTD lên tiếng ưu ái khi gọi bọn-tay-sai-đế-quốc-Mỹ bằng một danh xưng xứng đáng dù đã có từ lâu: “Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa” (VNCH), để minh chứng cho chủ quyền Hoàng Sa qua sự hy sinh dũng cảm trong chiến đấu bảo vệ vùng biển của Hạm trưởng Hải quân VNCH, Ngụy Văn Thà, trên chiến hạm Nhật Tảo. Vì Quân đội Hải quân Nhân dân Việt Nam (HqNd) anh hùng của đảng chưa bao giờ có một trận chiến đối mặt oanh liệt như vậy đối với kẻ xâm lược vùng biển, ngoài 64 tử sĩ của HqNd VN bị chết một cách oan uổng vì không thể cự địch- mà theo wikipedia, “Hải chiến Trường Sa 1988” gọi là “phương án tác chiến” với một dòng chữ dặm thêm mắm muối nhưng ngắn cụt cho sự phản công tưởng tượng trong cuộc tàn sát đó – trong khi họ thi hành nhiệm vụ xây dựng, không được mang vũ khí, với 3 con tàu chuyên dùng vận tải.
Nhưng tại sao NTD lại nhắc đến chiến tích của VNCH? Dĩ nhiên không phải để tán dương tinh thần chống trả của miền Nam đối với kẻ xâm lược Tc, giữ vững được 5 hòn đảo lớn ở Trường Sa làm căn cứ cho HqNd VN sau nầy. Mà chẳng qua là sự bắt buộc phải nói đến khi nói về Hoàng Sa. Điều nầy được thể hiện rõ ràng, vì NTD không bao giờ nói nhiều hơn ngoài bốn chữ VNCH được nhắc đến. Dù những tử sĩ đó đã nằm xuống cho quê hương, yên nghĩ trong Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa, nơi mà NTD đang muốn phá bỏ vết tích lịch sử còn lại duy nhất qua cách dân sự hóa nghĩa trang, hay trong những Nghĩa trang Quân đội khác đã bị san bằng trước đó. NTD có thực tâm tưởng nhớ đến công lao bảo vệ vùng biển của Quân đội VNCH không? Đó là câu hỏi mà NTD không bao giờ muốn chất vấn qua Đại biểu mớm lời Lê Bộ Lĩnh.
Sự thật cho thấy rằng, Bộ Chính trị csvn chỉ dùng lời tuyên bố để mỵ dân theo kế sách “Phòng Cháy” từ Bắc Kinh đưa ra. Vì trong khi “Philippines bắt 6 ngư dân Trung Quốc“, 4/12/2011, trên vnexpress.net, mới đây hay “Philippines bắt giữ tàu đánh cá Trung Quốc tại Biển Đông“, 18/10/2011 vừa qua, dù họ chỉ tận dụng những tàu chiến từ thời Đệ nhị Thế chiến của Hoa Kỳ để lại, thì csvn cố tình không hay biết gì về những con tàu ngư dân bị đâm thủng chết người đó. Chẳng qua Bộ Chính trị csvn muốn tung ra kế sách đó để nhắm vào những mục đích sau:
a- Dập tắc những cuộc biểu tình đòi hỏi sự chống đối Tc.
b- Được phủi tay trước lịch sử với gánh nợ Hoàng Sa qua những vận động hô hào về nghiên cứu lịch sử Hoàng Sa; đưa vào giáo dục học đường; tổ chức đóng góp giữ nước v.v.
c- Khỏa lấp dấu vết bức Công hàm dâng vùng biển của Phạm Văn Đồng.
d- Chuyển hướng chú ý của dư luận về những biến động thô bạo của đảng csvn đối với giáo dân Thái Hà, món nợ Vinashin, sự phá sản của nền kinh tế định hướng cs, v.v.
e- Tránh mang tiếng vong nô trong vấn đề biển đảo bằng sự lên tiếng của đảng csvn về Hoàng Sa mà mọi người dân ai cũng đã biết từ lâu là Tc đã nắm lấy chủ quyền qua xâm chiếm và ký kết.
f- Tránh cuộc nổi dậy bất ngờ của toàn dân trước áp lực của xã hội, công an, an ninh, và sự chán ghét chế độ nhu nhược, tham lam, gian xảo.
g- Nâng cao thêm biểu tượng của Thủ tướng NTD, đảng csvn nói chung, có chính nghĩa vì dân, xây dựng đất nước theo tinh thần dân chủ, công bằng (như là công nhận Luật biểu tình, Chính quyền Sài Gòn)
Nhưng trong điều mục thứ 6 có nói: “Việt Nam khẳng định thực hiện nhất quán chính sách một nước Trung Quốc” trong việc ủng hộ Tc xâm chiếm bán đảo Đài Loan. Đó là một hành động không thể nói là không sai trái qua sự tán thành mưu đồ Hán hóa của Bắc Kinh, phá hoại cuộc sống yên vui, xã hội đang phát triển của người khác. Cũng có nghĩa, csvn đã chấp nhận sự Hán hóa ngấm ngầm trong ký kết nào đó, nhưng chưa đến lúc dám công khai, và đang trên hướng kế hoạch mỵ dân từng bước để người dân dễ dàng chấp nhận khi chuyện đã rồi. Một vài bằng chứng điển hình cụ thể là “Phố người Hoa ở Việt Nam – chính sách hay tầm nhìn?“, 30/06/2011, hay lại những chiếc đèn lồng đỏ ở “TP Lào Cai: Cưỡng bức dân treo cao đèn lồng đỏ?“, 23/09/2011, như đã từng xuất hiện ở phố Tàu trên ở Ninh Bình.
Xin trở lại điều mục thứ 4 (chưa được nói) để chứng minh cho những mục đích được kể trên. Có tất cả đến 6 phần nhỏ trong điều mục nầy:
4.1- …trao đổi qua đường dây nóng, gặp gỡ tại các diễn đàn đa phương, cử đặc phái viên
4.2- … phát huy đầy đủ vai trò quan trọng của Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam – Trung Quốc trong quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện hai nước.
4.3- … thực hiện có hiệu quả “Kế hoạch hợp tác giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc giai đoạn 2011-2015 cho sự hợp tác giữa hai Ban Đối ngoạivà hai Ban Tuyên truyền hai Đảng vào thời điểm thích hợp
4.4- … đi sâu hợp tác giữa hai quân đội
4.5- … đi sâu hơn nữa hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực thi hành pháp luật và an ninh giữa hai Bộ Công an hai nước nhằm tăng cường phối hợp và ủng hộ lẫn nhautrong việc giữ gìn ổn định trong nước của mình
4.6- Thực hiện tốt “Quy hoạch phát triển 5 năm hợp tác kinh tế-thương mại Việt Nam – Trung Quốc” nhằm thúc đẩy cân bằng thương mại song phương để xây dựng khu hợp tác kinh tế biên giới và hợp tác “hai hành lang, một vành đai”
Mở rộng hơn nữa sự giao lưu, hợp tác giữa các địa phương hai nước, nhất là các tỉnh giáp biển, giáp biên giới của hai nước như Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng, Quảng Ninh, Điện Biên, Hà Giang, Lai Châu của Việt Nam với Quảng Tây, Quảng Đông, Vân Nam, Hải Nam của Trung Quốc.
Nhằm thực hiện kế sách trên một cách như trực tiếp, Tc bắt buộc csvn thiết lập “Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương” qua hệ thống đường dây nóng, và “cử đặc phái viên”, y như chiến dịch Cải cách Ruộng đất trước đây ở miền Bắc VN, hay những chiến dịch Tây Bắc, Điện Biên Phủ theo phương tiện liên lạc cho phép lúc bấy giờ. Dù hôm nay khác xưa, với hệ thống chỉ đạo gần như trực tiếp, nhưng Tc vẫn không an lòng nên phải cử đặc phái viên của họ trực tiếp giám sát, chủ động theo kế hoạch, là đủ biết tầm quan trọng trong mưu đồ của Tc như thế nào. Vì họ muốn hoàn thành phần lớn kế hoạch như dự định trong 5 năm, bắt đầu từ 2011 đến 2015, để tránh sự hiện diện mạnh mẽ, bất ngờ của Hoa Kỳ trong vùng Thái Bình Dương lần nữa. Tc muốn kết hợp toàn bộ Trung Ương của csvn mà bước đầu kế hoạch là Ban Đối ngoại, Ban Tuyên truyền, Bộ Công an, vì chúng đóng vai trò chủ chốt trong sự tuyên truyền mỵ dân, cũng như đàn áp nhằm nắm chắc toàn dân Việt xoay theo hướng Bắc Kinh định sẵn. Và dĩ nhiên Tc không sao quên bài học sụp đổ của cộng sản Liên Xô, nên phải “… đi sâu hợp tác giữa hai quân đội” để tạo “hai hành lang, một vành đai” nhằm bảo vệ chính Tc hơn là đảng csvn. Vành đai tiền phương chính là VN, là Hoàng Sa, Trường Sa mà NTD đã giả giờ lên tiếng về sự xâm chiếm chủ quyền.
Với những ký kết nầy, một lần nữa đã khẳng định sự nhìn nhận phía VN về Công hàm của Phạm Văn Đồng. Thì vấn đề Hoàng Sa mà NTD nói đến chẳng qua một đòn chính trị tạm thời trong giai đoạn của kế hoạch 5 năm trên. Đó là sự sắp xếp ổn thỏa cho cả hai phía đều được lợi: NTD được lòng dân, Tc vẫn được chủ quyền khai thác lâu dài, và trấn giữ. Tạo được sự ổn định và hoà bình trong vùng biển như chỉ thị được ký kết. Và đi xa hơn nữa, là những bước “hợp tác giữa các địa phương” nhằm tuyên truyền Hán hóa trên lãnh thổ biên giới VN như: Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng, Quảng Ninh, Điện Biên, Hà Giang, Lai Châu. Tc đã có những bước kế hoạch tiệm tiến song song trên cả hai mặt: biển và đất, qua sự hợp tác tích cực của đảng csvn.
Từ khi nắm được quyền lực, đảng csvn luôn lo sợ hai chữ “dân chủ” vì đó là bước đầu cho đa đảng, mà đảng csvn không bao giờ muốn bất kỳ đảng phái nào hiện diện tranh quyền với họ dù qua hình thức bầu cử toàn quốc trên sự chọn lựa công bằng của ý dân. Họ biết rằng quá khứ và hiện tại của họ là những vết nhơ không bao giờ xóa được, dù đã cố gắng tuyên truyền giáo dục chính trị nhân dân. Sự thất bại nầy là điều không thể tránh được trong thời đại hôm nay, vì sự thật vẫn là sự thật dưới ánh sáng mặt trời chân lý của thiên tạo, mà không phải là thứ hào quang giả tạo của thuyết Karl Marx–Lenin, hay tư tưởng gượng ép của Mao, Hồ nào đó mà Bộ Chính trị cố nặn óc viết ra.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét