Pages

Thứ Ba, 6 tháng 12, 2011

Lạm bàn về sự khác biệt chính kiến

Trần Kinh Nghị
 
 
Mới đây tôi tình cờ gặp lại một ông bạn thời công tác nay cũng mới nghĩ hưu đang dạo bộ ngoài công viên. Cả hai đều rỗi rãi chúng tôi ngồi lại bên hồ nói chuyện xưa, nay… Khi câu chuyện chuyển sang lĩnh vực chính trị-xã hôi, ông bạn tôi đưa ra nhận xét rằng “Mấy ông lãnh đạo như ông A. ông B., v.v.. về hưu rồi mới lên tiếng phản bác đường lối này nọ là cực kỳ ngớ ngẫn!; sao lúc đang chức không dám nói gì?…”. Ông ta nói ra những điều đó như một chính kiến và cũng để chứng tỏ mình vẫn còn “sáng suốt” thì phải (?).
Tôi không thể tán đồng, nhất là khi ông ta có ý chê trách thậm tệ đối với nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An cùng đám cán bộ, trí thức đã về hưu mà còn tâm huyết trước tình hình đất nước. Vẫn biết có nhiều người như ông bạn này, nhưng tôi hơi ngạc nhiên vì ông ta nguyên là một cựu giảng viên môn chính trị-kinh tế học cùng trường tôi. Hồi còn đang công tác, ông ta thuộc diện hay “tranh đấu” nhưng giờ lại sinh ra chê bai những người đấu tranh trước những sai lầm, yếu kém của bộ máy công quyền. Phải chăng trước đây ông bạn tôi chỉ đấu tranh vì kèn cựa lợi ich, địa vị cá nhân nào đó; nay đã về hưu không còn gì để tranh đấu nữa nên mới thế? Đó là điều có thể hiểu được. Nhưng việc ông bài bác những người khác như thế thì thật khó hiểu. Chẳng lẽ một giảng viên đại học mà tư duy chỉ có vậy?

Tôi vặn lai: “Sao ông phê phán ông An quá mức vây? Ông không nghĩ rằng ông ấy nói rất trúng và đúng là nhờ kinh nghiệm thời công tác? Giờ về hưu có điều kiện suy ngẫm để đóng góp ý kiến như vậy có gì là sai, là muộn ?”. Nói xong tôi định bụng cáo lui ngay bằng cách viện cớ về nhà để kịp ăn cơm tối.
Không ngờ câu hỏi của tôi khiến ông bạn càng hăng lên. Ông ta kéo tay tôi và cùng đi thêm một đoạn đường, vừa đi vừa nói: “…Mấy thằng tự cho mình là trí thức đứng ra kêu gọi biểu tình này nọ đúng là “hâm”…; công an gô cổ cho cho đángđời!”. Lần này tôi thấy rất bực mình nên phản công lại không nễ nang gì nữa. Lời qua tiếng lại, ông ta bèn đem ra so sánh rằng tôi chỉ giỏi tiếng Anh nhưng không thông hiểu chính trị – kinh tế như ông ta (người đã được đào tạo chính quy ở Liên Xô cũ), cũng có ý rằng tôi còn lâu mới hiểu nỗi vấn đề mà ông ta đang nói(?)
Cảm thấy quá thất vọng về một ông bạn đồng nghiệp cũ, tôi bảo “ Ông không nghỉ rằng bằng cấp và kiến thức học ở trường chỉ bằng một cái đinh để “đóng” mỗi người vào một vị trí trong guồng máy chính trị-xã hội. Nếu không trau dồi học hỏi thì người ta mãi mãi không ra khỏi cái lỗ đinh đó? Tôi cũng nói rằng đinh có nhiều loại: đinh nhỏ- đinh to, đinh đóng guốc- đinh đóng thuyền, đinh mới-đinh rĩ…và cả “đinh tặc” rãi trên đường gây tai nạn giao thông… Ông nghĩ ông là cái đinh nào vậy?. Dù sao ông cũng cần học thêm nhiều thứ, chỉ tiếc là ông không biết tiếng Anh để có thêm những thông tin mà có lẽ ông chưa bao giờ có! Rồi tôi giật tay khỏi ông ta bỏ đi, trong khi ông ta vẫn lẩm bẩn điều gì đó.
Hiện tượng khác biệt giữa tôi và ông bạn cũ vừa kể trên đây chỉ là một trường hợp trong hàng triệu trường hợp đang diễn ra trên đất nước chúng ta ngày nay. Rõ ràng đang có một sự thay đổi rất cơ bản trong nhận thức của mỗi con người Việt Nam. Còn nhớ cách đây vài chục năm, lãnh đạo bảo gì cấp đưới và nhân dân chỉ có việc “quán triệt” và thực hiện. Không chỉ đảng viên, đoàn viên, cán bộ công chức mà cả người dân bình thường đều đã quá quen với cách tư duy như vậy. Mọi người trở nên hòan toàn thụ động, chẳng cần suy nghĩ gì, vì mọi việc đã có đảng và chính phủ lo! Đó chính là nguyên nhân của tình trạng trì trệ, chậm phát triển kéo dài của đất nước. May thay, những năm gần đây tình hình đã hoàn toàn khác. Nhờ có nhiều cơ hội tiếp cận thông tin đa dạng đa chiều, người đân nhận ra nhiều điều mới lạ. Có thể dễ dàng nhận thấy toàn xã hội đang trong quá trình chuyển hóa một cách sâu sắc, trong đó không thể tránh khỏi những sự khác biệt ý kiến và chính kiến. Nó đòi hỏi cả hai phía người dân và chính quyền phải biết học cách chấp nhận sự khác biệt, kể cả về chính kiến. Thiết nghĩ, đó là cách duy nhất để đưa xã hội tiếp tục tiến về phía trước ./.

Không có nhận xét nào: