Pages

Thứ Năm, 8 tháng 12, 2011

Mỹ trấn an là liên minh quân sự tại châu Á không nhằm chống Trung Quốc

Đối thoại Quốc phòng thường niên quân sự Mỹ - Trung, Bắc Kinh, 7/12/2011.
Đối thoại Quốc phòng thường niên quân sự Mỹ - Trung, Bắc Kinh, 7/12/2011.
REUTERS/Andy Wong/Pool
Đức Tâm
 
Trong cuộc họp báo ngày hôm nay, 08/12/2011, tại Bắc Kinh, kết thúc cuộc đối thoại quốc phòng thường niên Mỹ-Trung, thứ trưởng bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, bà Michele Flournoy khẳng định, việc Washington tăng cường các liên minh quân sự tại châu Á không nhằm mục đích « ngăn chặn » Trung Quốc.
Bà Flournoy, nhân vật số 3 bộ Quốc phòng Mỹ đã đưa ra lời trấn an này sau cuộc hội đàm với tướng Mã Hiểu Thiên, tổng tham mưu phó quân đội Trung Quốc, ngày hôm qua. Bà nói : « Chúng tôi đã bảo đảm với tướng Mã và phái đoàn Trung Quốc rằng Hoa Kỳ không tìm cách ngăn chặn Trung Quốc. Chúng tôi không coi Trung Quốc là đối thủ ».

Cuộc đối thoại quốc phòng Mỹ-Trung lần này diễn ra trong bối cảnh vào giữa tháng 11 vừa qua, tổng thống Mỹ Barack Obama đã công du châu Á, thăm Indonesia và Úc, dự Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, có nhiều sáng kiến và động thái để mở rộng ảnh hưởng của Hoa Kỳ trong khu vực, như dự án thành lập khu vực tự do mậu Xuyên Thái Bình Dương – TPP, gạt Trung Quốc ra bên ngoài. Washington còn cô lập Bắc Kinh trong hồ sơ tranh chấp ở Biển Đông.
Trung Quốc lo ngại là sau khi giảm bớt gánh nặng chiến tranh tại Afghanistan và Irak, Mỹ tập trung chú ý trở lại châu Á-Thái Bình Dương và bằng chứng cụ thể nhất là việc Hoa Kỳ triển khai 2500 thủy quân lục chiến tại một căn cứ ở phía bắc Úc, tăng cường quan hệ quân sự với các đồng minh ở châu Á là Nhật Bản, Philippines, thậm chí cả với kẻ thù cũ là Việt Nam.
Về sự hiện diện của lính Mỹ tại Úc, thứ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ giải thích là việc này không nhằm vào Trung Quốc mà chỉ có mục đích tăng cường liên minh quân sự với Canberra. Chính quyền Washington muốn tái khẳng định sự hiện của mình trong khu vực để đối phó với các loại thách thức, đặc biệt là những thách thức phi truyền thống.
Đây không phải là lần đầu tiên, Mỹ đưa ra giải thích với phía Trung Quốc. Theo giới quan sát, nhiều chính trị gia và nhóm tướng lãnh « diều hâu » ở Bắc Kinh vẫn nghĩ rằng các động thái nói trên của Mỹ là nhằm ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc. Thái độ nghi ngờ và hằn học của họ thể hiện rõ qua các phát biểu, bài viết đăng trên các phương tiện truyền thông chính thống của Trung Quốc.
Thực ra, tại Hoa Kỳ, cũng có nhiều lãnh đạo chính trị, nghị sĩ ủng hộ những thay đổi chiến lược của Washington nhằm kìm hãm thái độ quyết đoán và hung hăng của Bắc Kinh.
Điều đáng chú ý là một ngày trước khi mở ra đối thoại quốc phòng thường niên giữa hai nước, chủ tịch Hồ Cẩm Đào, hôm thứ Ba, 06/12, đã kêu gọi hải quân Trung Quốc sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ an ninh tổ quốc.
Bộ Quốc phòng Mỹ đã đáp lại rằng Trung Quốc « có quyền » củng cố sức mạnh quân sự, nhưng phải hành động một cách minh bạch. Cho đến nay, Trung Quốc vẫn giữ bí mật về các chương trình quân sự, trong lúc ngân sách quốc phòng tăng liên tục hàng năm.
Các chuyên gia quân sự cho rằng Bắc Kinh đang nỗ lực đầu tư cho bộ máy quân sự nhằm giảm bớt khoảng cách thua kém so với Washington và Matxcơva và thúc đẩy hiện đại hóa các lực lượng không quân, lục quân, hải quân, gây lo ngại cho nhiều nước láng giềng.
Theo AP, trong cuộc đối thoại Quốc phòng ở Bắc Kinh lần này, Mỹ và Trung Quốc không đề cập đến việc phát triển công nghệ quân sự, cho dù trong thời gian gần đây, Trung Quốc đã có một số bước tiến trong lĩnh vực chế tạo tên lửa và hải quân Trung Quốc đã tiến hành chạy thử chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên. Trưởng đoàn Hoa Kỳ cho rằng, việc Trung Quốc có hàng không mẫu hạm là điều đã được dự báo từ trước. Washington hy vọng Bắc Kinh sẽ minh bạch hóa mục đích sử dụng chiếc tàu này trong tương lai.

Không có nhận xét nào: