Pages

Thứ Tư, 7 tháng 12, 2011

Hồ Hởi Sảng rồi Hốt Hoảng Bậy!

http://phamdinhtan.files.wordpress.com/2011/12/ob-qu821_andyst_g_20111130163950.jpg?w=300
Nguyễn Xuân Nghĩa - dainamax tribune
“Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài”
Sự mù lòa của trí tuệ
“Các chú mà không chặn được thì cứ ném ngược bóng vào khung thành của mình!”
Năm 1975, khi Việt Nam đã đổi vận và “tiến nhanh tiến mạnh lên xã hội chủ nghĩa”, Paris đã có một hội nghị của “Quốc tế Xã hội Chủ nghĩa” – International Socialisme. Biểu hiệu hội nghị là đoá hồng đỏ, tham dự hội nghị là nhiều khuôn mặt sáng của chính trường và giới hàn lâm thiên tả, từ lãnh tụ Francois Mitterrand của Pháp đến các giáo sư Đại học Anh, Pháp, Mỹ, Đức….
Đây là tổ chức của các đảng Xã hội hay Lao động, theo khuynh hướng “Đệ nhị Xã hội”, khác xu hướng “Đệ tam” của Cộng sản. Tại Hội nghị năm đó, biến cố Việt Nam là nguồn cổ võ lớn.
Khi đã chứng kiến “cách mạng” tại Việt Nam trong hiện thực mà lại theo dõi những phát biểu tại hội nghị trên, chúng ta có cảm giác… siêu hiện thực.
Tham dự hội nghị có một khuôn mặt lớn là giáo sư Paul Sweezy (1910-2004), kinh tế gia Mác xít, tốt nghiệp Harvard và London School of Economics, giảng dạy tại Harvard từ 1938 trở về sau. Ông hoạt động trong các phong trào thân cộng tại Mỹ và triệt để chống lại chiến tranh Việt Nam. Thế rồi, sau khi ngợi ca việc “giải phóng Việt Nam”, Paul Sweezy hừng chí phát biểu tiếp: “tôi là chuyên gia về Trung Quốc vì đã thăm nước Tầu trong năm ngày, và có thể xác nhận với quý vị rằng đấy là lý tưởng xã hội chủ nghĩa của chúng ta!”
Nghĩ lại thì vẫn rùng mình.
Vì vào năm 1975, “Cách mạng Văn hoá Vô sản Vĩ đại” của Mao Trạch Đông còn hoành hành sau hàng loạt chiến dịch hoang tưởng khiến mấy chục triệu thường dân bị tàn sát, chết oan, kể cả chết “cơ hoang“: có gặt hái mà vẫn chết đói, vì “Bước nhảy vọt vĩ đại”. Vậy mà một đại trí thức “cấp tiến” của Hoa Kỳ vẫn khơi khơi khoác áo chuyên gia mà nói nhảm. May là nhiều người Việt đang bị “cải tạo” lại không được đọc những lời phát biểu ấy để thêm một ngậm ngùi về sự lầm than của trí tuệ.
Chuyện ấy ăn nhậu gì đến mục “Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài” mà quý độc giả đang đọc ở đây?
***
Thưa rằng có.
Mùng một Tháng 12, trang xã luận của tờ Wall Street Journal có đăng một bài của Andy Stern với tựa đề rất nổi: “Ưu điểm của Mô hình Trung Quốc”. Tác giả là lãnh tụ nghiệp đoàn, nguyên Chủ tịch Nghiệp đoàn Công nhân ngành Dịch vụ Quốc tế, SEIU, một người tích cực ủng hộ và yểm trợ tài chánh cho chính quyền Barack Obama và đảng Dân Chủ.
Nhắc lại bài viết trên tờ Business Week năm ngoái của Andy Grove, sáng lập viên và nguyên Tổng quản trị hãng Intel, Andy này ngợi ca Andy kia, là sáng suốt nhìn ra ưu thế nổi bật của kinh tế thị trường so với kinh tế kế hoạch mà “cũng thấy nhiều hiển nhiên của thực tế là mình còn có thể cải tiến được kinh tế thị trường.”
Không ai phủ nhận được sự thể khách quan này: kinh tế thị trường hay chủ nghĩa tư bản là một tiến trình cải cách thường xuyên nên vẫn tồn tại mà cũng biến đổi theo không gian, ở từng nước, và thời gian, vào từng giai đoạn…. Nhưng Andy Stern lại mắc vào “hừng khí Paul Sweezy” mà ngợi ca mô hình kinh tế Trung Quốc.
Trong khi dư luận Hoa Kỳ hoài nghi về giá trị của kinh tế tự do và những ác tắc của chính trị dân chủ, một nhân vật có ảnh hưởng trong xã hội Mỹ lại đề cao chiến lược chủ động phát triển hiện nay của Trung Quốc, với nhiều minh chứng hời hợt.
Mà không chỉ có Andy Stern.
Bỉnh bút Thomas Friedman của tờ New York Times cũng là người sốt ruột về tiến trình quyết định nhiêu khê của xã hội Mỹ và nhiều lần ngợi ca giải pháp tích cực và chủ động của Trung Quốc. Một thí dụ được nhắc đến không chỉ một lần là việc bảo vệ môi sinh, hoặc phát động cuộc “cách mạng xanh”. Kinh hoàng nhất, tác giả này còn phê phán nhược điểm của chế độ dân chủ!
Trước khi có Andy Stern hay Tom Friedman, một người thuộc thế hệ Paul Sweezy cũng lý luận tương tự, đó là nhà nhân khẩu học Alfred Sauvy của Pháp. Hơn nửa thế kỷ trước, ông ngợi ca mô hình Xô viết khi khẳng định rằng Liên Xô có tổ chức kinh tế khả dĩ sản xuất thừa bánh mì để… phát không cho mọi người!
Một sinh viên kinh tế nhập môn cũng có thể biết khi sản lượng bánh mì tăng thì giá sẽ giảm và nếu thừa bánh mì thì người ta sẽ… lấy mì nuôi thịt: làm thức ăn cho gia súc để cải tiến bữa ăn của con người. Làm sao có chuyện phát bánh miễn phí?
Nếu không bị các thầy loà như Sweezy hay Sauvy dẫn vào lầm lạc thì sinh viên môn kinh tế sử đều biết rằng nông nghiệp Xô viết đạt thành tích kỳ diệu là gieo hạt tại Ukraine mà gặt lúa tại Canada hay Hoa Kỳ. Và “mùa gặt thảm khốc”, nạn đói trong các nước xã hội chủ nghĩa, không là độc quyền của Liên Xô mà còn là thành tích của Mao, chuyện “cơ hoang” đã nói ở trên….
(Thành thật khai báo: chữ “mùa gặt thảm khốc” là mượn từ cuốn “Harvest of Sorrow” của sử gia người Anh Robert Conquest viết năm 1986 về trận đói gọi là Holodomor làm cho từ hai triệu đến gần chục triệu dân Ukraine thiệt mạng do vụ cải cách ruộng đất có chủ đích khủng bố của Stalin vào các năm 1929-1931. Thời đó cả thế giới chỉ nói đến vụ Tổng khủng hoảng kinh tế 1929-1933.)
***
Trở lại “Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài“, chúng ta đều có thể biết rằng người dân của quốc gia rất trẻ này thường có phản ứng dễ hiểu là cứ lạc quan tếu rồi hốt hoảng bậy.
Lạc quan vì tin rằng cái gì cũng có thể làm được, kể cả đưa người lên cung trăng. Hốt hoảng vì sau khi hồ hởi sảng lại bàng hoàng phát giác loại vấn đề quá mới mà lịch sử quá mỏng của họ chưa từng gặp. Càng khó gặp và khó hiểu khi xã hội lại tập trung chú ý vào chuyện bên trong của một thế giới quá lớn và quá phức tạp là nước Mỹ.
Trong hoàn cảnh đó, giới trí thức có hiểu biết sâu rộng hoặc các “lò trí tuệ” think tank, có thể chỉ dẫn cho những khiếm khuyết hay lẽ tương đối của từng loại vấn đề. Khốn nỗi, và đây là vấn đề, khi thành phần ưu tú này lại chỉ mở có một mắt, con mắt bị cận thị, mà diễn giải sai về thực tế ở nơi khác, quần chúng sẽ là nạn nhân.
Năm 1979, một giáo sư cũng từ Harvard, là Ezra Vogel đã viết sách ngợi ca mô hình phát triển Nhật Bản (“Nhật Bản là Số Một: Những bài học cho Hoa Kỳ”).
Sau đó, quả là doanh nghiệp Nhật bỏ tiền mua các tài sản đầu tư có thế giá cho uy tín Hoa Kỳ, từ phim trường ở miền Tây đến trung tâm Rockefeller tại miền Đông. Dân Mỹ lại hốt hoảng, có kẻ ngợi ca tư bản chủ nghĩa kiểu Nhật với vai trò chủ động can thiệp của nhà nước. Thời ấy, người ta tiên báo là Nhật sẽ vượt Mỹ thành bá chủ. Y như thời nay, người ta tiên báo rằng Trung Quốc sẽ qua mặt Hoa Kỳ, chính xác vào năm 2016 này!
Vì vậy, Mỹ nên học theo Tầu….
Các đại trí thức này quên hẳn phó sản của chủ nghĩa tư bản này là hiện tượng “tư bản thân tộc” crony capitalism, là nạn tham nhũng, hay bong bóng đầu cơ, làm nhiều người không hiểu vì sao sau đó Nhật Bản bị khủng hoảng. Năm 1995, tổ hợp Mitsubishi đã từng mua Rockefeller Center đành khai báo vỡ nợ – mất toi hai tỷ đô la trong vụ đầu tư đầy khí thể biểu kiến đó.
Nhưng khủng hoảng Nhật khởi sự từ năm 1990, và còn tiếp diễn, lại bị khỏa lấp trong sự sụp đổ của Đế quốc Xô viết. Khi ấy lại một học giả khác, Francis Fukuyama đã hồ hởi tiên đoán theo kiểu Hegel “sự cáo chung của lịch sử” và lẽ tất thắng của chủ nghĩa tư bản và dân chủ chính trị. Cho đến sự hốt hoảng gần đây khiến người ta lại đi tìm gương sáng tại Trung Quốc! Hay là để nhà nước chủ động can thiệp và cải tiến sự vận hành hoang dại của thị trường?
Hình như Lenin có một tên gọi cho thành phần này, “bọn ngu xuẩn hữu ích” – useful idiots. May mà xã hội Mỹ lại cởi mở và không chấp nhận cho cứ bất ai được độc quyền chân lý, nên thành phần này chỉ ngu được một thời.
http://dainamaxtribune.blogspot.com/2011/12/ho-hoi-sang-roi-hot-hoang-bay.html

Không có nhận xét nào: