Pages

Thứ Hai, 12 tháng 12, 2011

Thị trường bất động sản Sài Gòn vẫn ‘bất động’

Văn Lang/Người Việt
SÀI GÒN (NV) - Từ năm 2005 tới năm 2007, cao trào của thị trường bất động sản tại Sài Gòn lên cơn sốt cùng “nhịp bước” của thị trường chứng khoán. Từ năm 2008 tới nay, thị trường chứng khoán “xẹp,” còn thị trường bất động sản thì “bất động”.


Bảng quảng cáo của một công ty bất động sản thời kinh tế khó khăn. (Hình: Văn Lang/Người Việt)

Mới đây, khi thông đường hầm Thủ Thiêm, kết nối con đường vành đai đại lộ Ðông-Tây, cùng với con đường cao tốc Sài Gòn-Trung Lương, hy vọng về một thị trường bất động sản “liên tỉnh,” nhất là các tỉnh giáp Sài Gòn, sẽ chính thức đánh thức thị trường bất động sản sau một kỳ ngủ đông quá dài.
Sài Gòn bất động, các tỉnh sôi động
Trong khi thị trường bất động sản trong mấy năm gần đây ở Sài Gòn trở lên yên ắng, nguồn đất phát triển đã cạn, tâm lý các nhà đầu tư chờ những dự án hoàn thành như hầm vượt Thủ Thiêm, cầu vượt bến phà Bình Khánh, công trình lấn biển ở Cần Giờ, tháo gỡ tín dụng và nhiều thứ chờ khác nữa, các tỉnh lân cận tiếp tục sôi động vì nhiều dự án mới mở ra, hứa hẹn nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư.


Những công trình xây dựng dang dở vì thiếu vốn và cả người mua. (Hình: Văn Lang/Người Việt)

Gần đây nhất, dự án Happyland được mở ra tại Bến Lức, Long An, tỉnh kế cận Sài Gòn đồng thời là cửa ngõ của miền Tây. Dự án được quảng bá rùm beng khi giới truyền thông phát đi hình ảnh của “bố già” Joe Jackson, 82 tuổi, cha của ngôi sao nhạc pop huyền thoại Michael Jackson, tới thăm dự án và hứa hẹn sẽ đầu tư xây dựng khách sạn 5 sao tại khu vực. Dự án này có tham vọng là xây dựng khu giải trí tầm cỡ Disneyland của Việt Nam.
Nhưng có lẽ đình đám hơn cả là dự án xây dựng một thành phố mới tại tỉnh Bình Dương. Ngoài việc tập trung xây dựng khu vực hành chánh cho tỉnh, cái “đinh” của dự án này chính là khu phố “Chinatown,” mang tên “Ðông Ðô Ðại Phố”. Khu “Chinatown” mới này còn có kế hoạch xây một ngôi chùa bà Thiên Hậu nữa.
Xa hơn, mấy năm trước, là dự án khu Nhơn Trạch, Ðồng Nai, rộ lên việc đầu tư đất khi dự án sân bay quốc tế Long Thành, thay thế sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay, khởi công giai đoạn 1. Theo dự trù, tới năm 2020, khi hoàn tất giai đoạn 3 của dự án, sân bay quốc tế Long Thành sẽ đón 100 triệu lượt khách mỗi năm.
Dự án ‘hoành tráng’ trên giấy
Việc báo chí trong nước đưa tin, tuyên truyền cho một dự án hay giới chủ đầu tư mời các nhân vật nổi tiếng tới quảng bá cho dự án để kêu gọi đầu tư đều là lẽ thường tình trong kinh doanh. Nhưng việc mua đất, “đón gió” khi con đường, hay sân bay, khu du lịch mở ra, để rồi hưởng lợi nhuận cao theo kiểu nhà đầu tư “lướt sóng,” bây giờ đã trở thành... xưa rồi Diễm ơi! Vì là sóng “ảo” hay sóng “yêu” lướt không nổi nên các nhà đầu tư kiểu đầu cơ chết dài dài.
Ví dụ, gần đây giới truyền thông Việt Nam đưa nhiều hình ảnh về các dự án “trùm mền” ở Nhơn Trạch, Ðồng Nai. Ðó là các khu biệt thự bỏ hoang, nhiều chung cư xây rồi không có ai tới ở, nhiều khu dân cư mới đã gắn đầy đủ điện, nước, cáp viễn thông, nhưng đành tháo ra đem phục vụ công trình khác. Lý do là vì chả có ma nào bén mảng tới mua nhà để ở trong khu vực mới xây. Lúc đó giới đầu tư mới giật mình, ngẫm ra: Tâm lý dân làm ăn Việt Nam vẫn thích chen chúc trong các đô thị đông người, kẹt xe, khói bụi như Sài Gòn. Thay đổi tâm lý này một sớm một chiều quả là một điều không dễ.
Khu chung cư hạng tốt, biệt thự hạng sang ở Nhơn Trạch, Ðồng Nai, không bán được, nhà đầu tư chôn vốn, nhiều công trình dang dở, nhiều khu đất giải tỏa mà người dân chưa được lãnh đền bù, hoặc chỉ mới lãnh một ít thì nhà đầu tư đã... mất hút, để lại những dự án treo, quy hoạch treo làm dân than như bọng. Chính quyền sở tại cũng chẳng biết làm sao để liên lạc với chủ đầu tư “mất tích” mấy năm nay, đành chỉ biết gởi báo cáo lên trên chờ giải quyết.


Một văn phòng bất động sản đóng cửa im ỉm. (Hình: Văn Lang/Người Việt)

Mà không chỉ nhà đầu tư Việt Nam “mất tích,” nhiều khi giới chủ đầu tư nước ngoài cũng “mất hút” luôn. Như dự án lấn biển Cần Giờ được quảng cáo là sẽ đầu tư mấy tỉ đô la, đã đền bù giải tỏa dân, nhưng mấy năm nay vẫn chưa thấy “động dao, động thớt”. Té ra nhà đầu tư nước ngoài thực lực không bao nhiêu, chào mời các tập đoàn tài chánh bên ngoài không kết quả nên đã lặng lẽ rút êm. Năm ngoái, phía Việt Nam tiếp tục đem dự án này đi chào mời tại hội chợ quốc tế Hongkong, nhưng không thấy nhà đầu tư nào quan tâm. Thời buổi kinh tế khó khăn, khủng hoảng toàn cầu, những dự án lớn khó thu hồi vốn ít ai quan tâm.
Thành phố mới Bình Dương trong bối cảnh thị trường bất động sản khá ảm đạm hiện nay đã cố gắng đi một bước đột phá. Ðó là xây dựng “Chinatown” Ðông Ðô Ðại Phố cùng với chùa bà Thiên Hậu mới để thu hút hơn 1,000 doanh nghiệp nước ngoài nói tiếng Hoa đang làm ăn tại tỉnh Bình Dương (Ðài Loan, Hongkong, Singapore, Malaysia, Trung Quốc) cùng với 120,000 người Hoa đang làm ăn sinh sống lâu nay tại Bình Dương, cộng thêm gần nửa triệu người Hoa sinh sống tại Sài Gòn. Dự án hy vọng mở ra một cửa ngõ kinh tế với thế giới qua doanh nghiệp của giới người Hoa. Chiêu thức kinh tế của Bình Dương có thể gọi là “xây tổ cho chim về đẻ trứng”. Cũng xin nói thêm, tham vọng của Bình Dương là tới năm 2020 sẽ vươn lên “top” đô thị hàng đầu như Sài Gòn, Hà Nội.
Lối thoát nào cho ngành bất động sản?
Thời kỳ thị trường bất động sản Việt Nam còn “nóng,” hàng loạt dự án sân golf ra đời, kể cả những nơi mà người dân chưa hề thấy mặt mũi trái banh golf tròn méo thế nào. Hàng triệu nông dân mất đất cho những dự án sân golf tào lao, để sau đó giới chủ đầu tư báo cáo lỗ và xin chuyển sang bất động sản, thu lãi siêu lợi nhuận từ việc đền bù theo giá đất nông nghiệp (áp đặt), bán theo giá đất xây dựng (theo giá thị trường) vơ vét cho đầy túi tham.
Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế Việt Nam, cứ 1 mẫu đất bị “quy hoạch” thì có 10 người nông dân Việt Nam bị lâm vào cảnh thất nghiệp. Và phát triển khu công nghiệp tràn lan hầu hết các tỉnh thành làm mất đất nông nghiệp, ô nhiễm môi trường, thất thu trong ngành nuôi trồng thủy, hải sản, cũng như ngành công nghiệp không khói là du lịch.
Hiến pháp Việt Nam ghi: “Ðất đai thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước thống nhất quản lý.” Nếu luật pháp không cụ thể thì “toàn dân” chỉ là mồi ngon của giới chủ đầu tư cấu kết với giới chức chính quyền tham lam lộng hành khắp nơi. Và nếu không thực hiện được “luật hóa” nhà ở xã hội cho dân nghèo, việc phát triển “nóng” nền kinh tế sẽ càng gia tăng trầm trọng sự bất công trong xã hội.
Phát triển thị trường bất động sản bền vững trong nước dựa trên những nhu cầu có thực của người dân và thay đổi những quy định về đất đai đã lỗi thời từ thời bao cấp sang một nền kinh tế thị trường. Chính sách này phải bình đẳng giữa các thành phần sở hữu nhà đất không phân biệt trong nước, Việt kiều hay ngoại kiều. Có như vậy mới huy động được những nguồn vốn mới, làm cho bất động sản sinh lợi một cách hữu ích nhất.

Không có nhận xét nào: