Pages

Thứ Năm, 22 tháng 12, 2011

Trung Quốc : Chính quyền đàn áp biểu tình chống ô nhiễm ở Giang Tô

Cảnh sát Trung Quốc phong tỏa đường vào Hải Môn, Giang,
ngày 22/12/2011
REUTERS
 
Theo AFP, cuộc biểu tình tại thành phố Hải Môn (Giang Tô), với hàng nghìn người tham gia, chống lại một nhà máy nhiệt điện gây ô nhiễm, diễn ra trong hai ngày, thứ ba 20/12 và thứ tư 21/12, đã chuyển thành đụng độ đẫm máu, sau khi bị chính quyền đàn áp.
Trả lời phỏng vấn của AFP qua điện thoại, những người tham gia biểu tình ở Hải Môn cho biết có 2 người thiệt mạng, gồm một thiếu niên 15 tuổi và một phụ nữ.

Còn theo đài truyền hình Oriental TV, có trụ sở tại Hồng Kông, về phía những người tham gia biểu tình, các đụng độ khiến 6 người thiệt mạng và gần 200 người bị thương. Các phương tiện truyền thông ở Hồng Kông còn phổ biến các bức ảnh một công an bị thương trong các đụng độ, và một chiếc xe của công an bị lật nhào, sau khi bị tấn công bằng gạch đá.
Một nhân chứng cho biết, ngày hôm nay, thứ năm 22/12, công an có mặt trên khắp các đường phố và chính quyền bắt đầu tiến hành các vụ bắt bớ. Một số cư dân khác ở Hải Môn thì khẳng định trên trang blog của họ rằng, « thiết quân luật » đã được thi hành trong thành phố, nhằm ngăn cản những người phản kháng tiếp tục biểu tình.
Hiện tại, AFP không có khả năng kiểm chứng được các sự kiện kể trên qua các nguồn tin độc lập.
Trong bối cảnh căng thẳng này, bộ trưởng Công an Trung Quốc Chu Vĩnh Khang, ủy viên thường trực Bộ Chính trị đảng Cộng sản, và là người quê gốc Giang Tô, đã lên tiếng yêu cầu chính quyền địa phương nỗ lực để làm dịu bớt sự phẫn nộ của dân chúng.
Ông Chu Vĩnh Khang nói : « Chúng ta phải tăng cường các cố gắng trung gian hòa giải để giải quyết các xung đột và phản kháng này ». Bộ trưởng Công an Trung Quốc nhấn mạnh : « Chúng ta vừa phải tôn trọng các chuẩn mực văn minh trong khi áp dụng luật pháp, vừa phải xử lý những sự cố do đám đông gây ra và những hành động cá nhân cực đoan theo pháp luật ».
Một người lãnh đạo cuộc phản kháng ở Ô Khảm đã được trả tự do
Liên quan đến cuộc phản kháng tại làng Ô Khảm (Quảng Đông), nơi có 13.000 cư dân sinh sống, ngày hôm qua, chính quyền đã tỏ ra nhân nhượng với việc giảm bớt sự hiện diện của công an và hứa trả tự do cho những người lãnh đạo phong trào. Như vậy, phong trào phản đối nạn tham nhũng và tước đoạt đất đại tại làng Ô Khảm đã ngưng lại.
Cũng ngày hôm nay, ông Trương Kiến Thành (Zhang Jiancheng), một trong các lãnh đạo cuộc nổi dậy ở Ô Khảm, đã được trả tự do. Nói chuyện với AFP, một người thân của ông Trương Kiến Thành cho biết, ông vừa về nhà vào buổi chiều nay. Cũng theo người nhà của ông Trương, người lãnh đạo biểu tình ở Ô Khảm chỉ được trả tự do có điều kiện, bị buộc phải giữ im lặng và không có quyền trả lời phỏng vấn.
Ông Trương Kiến Thành đã bị bắt cách đây hai tuần. Xin nhắc lại là một người lãnh đạo khác của cuộc nổi dậy là ông Tiết Kim Ba đã bị chết tại nơi giam giữ. Theo mô tả của những người thân, ông Tiết Kim Ba bị chết vì tra tấn. Cái chết của ông Tiết khiến phong trào phản kháng bùng lên mạnh mẽ.
Ngày hôm nay, báo chí chính thống tại Trung Quốc chỉ trích thái độ của chính quyền tại Ô Khảm, vì đã tiến hành phong tỏa làng này hơn mười ngày, trước khi chọn biện pháp hòa giải. Tờ Nhân dân nhật báo nhận định, chính quyền địa phương đã thất bại trong việc « đáp ứng các đòi hỏi có lý của dân làng » và điều này khiến cho « bạo lực leo thang ».
Trung Quốc gia tăng kiểm soát internet tại Quảng Đông
Liên quan đến các biện pháp khống chế dư luận trong bối cảnh các xung đột bùng nổ tại một số địa phương, chính quyền Bắc Kinh vừa mở rộng lệnh kiểm soát việc sử dụng internet tại tỉnh Quảng Đông. Lệnh này, có hiệu lực từ thứ Sáu tuần trước, buộc 7 nhà cung cấp dịch vụ internet chính của vùng này yêu cầu những người lập các trang blog mới phải sử dụng danh tính thực của họ khi đăng ký.
Cùng với các mạng xã hội, các trang blog cá nhân là nơi hình thành một công luận xã hội mới tại Trung Quốc. Theo các số liệu chính thức, số người dùng blog cá nhân tại Trung Quốc đã tăng gấp ba lần trong năm nay. Chính quyền lo ngại việc lan truyền thông tin trên các trang mạng cá nhân vượt ra ngoài tầm kiểm soát.

Không có nhận xét nào: