Đọc tin tức về cái chết của ông Havel
European Pressphoto Agency
Chuyên Chế Bạo Ngược và Lãnh Đạm
Bret Stephens – PBD dịch
Thực hiện lời khuyên phải ‘sống trong sự thật’ của Václav Havel có nghĩa là phải làm gì
Xét về các trường hợp tình cờ trong đời thì khó mà không để ý là cả ông Václav Havel lẫn Kim Chính Nhật đều qua đời trong tuần lễ Hoa Kỳ rút quân ra khỏi Iraq. Công việc lớn trong đời ông Havel là vạch trần chính thể chuyên chế bạo ngược. Kim là trường hợp điển hình của một bạo chúa. Và cuộc chiến tại Iraq là bước cương quyết nhảy vọt qua khỏi bức tường lãnh đạm của thế giới đang che chở cho tất cả các chính thể chuyên chế bạo ngược.Sức mạnh của lãnh đạm là điều mà lần đầu tiên tôi hiểu được từ Havel sau khi ngồi uống bia phỏng vấn ông ta tại khu vực công cộng của Czernin Palace ở Prague. Đây là dịp có hội nghị Tháng Sáu 2007 của các nhà bất đồng chính kiến quốc tế do ông đồng chủ tọa với Natan Sharansky của Israel. Tôi hỏi ông ta về quan điểm của ông đối với cuộc chiến tại Iraq. Ông ta đã có lần ủng hộ cuộc chiến đó, nhưng nay ông ta do dự hơn. Ông ta nói rằng lý do đưa ra đã không được “phân tích rõ ràng” cho lắm. Thời điểm đưa quân vào cũng “đáng ngờ.” Cũng như trong thập niên 1960, Hoa Kỳ có thể trở thành biểu tượng của trường hợp “kiêu ngạo của sức mạnh” của William Fulbright(1).
Rồi Havel tự ngưng lời và, như ông ta có vẻ quen làm như thế, là đảo ngược giòng tư tưởng của mình. Ông ta kết luận: “Thế giới không thể lãnh đạm mãi về một kẻ sát nhân như Saddam Hussein được.”
Đây là điểm then chốt của vấn đề khi bàn đến chuyện đưa quân vào Iraq. Hãy gác qua một bên chuyện điệp viên hoặc phương tiện kỹ thuật đã cung cấp tin tức tình báo sai lầm về tình trạng vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD): Loại WMD thực sự, hay được nhiều người biết đến nhiều hơn bằng tên là Saddam Hussein, vẫn luôn luôn ẩn nấp ngay trước mắt mọi người(2). Trong suốt 25 năm, y và đồng bọn đã dùng vũ khí hóa chất để sát hại, ám sát, xả súng máy tàn sát và dùng nhiều cách khác để thủ tiêu khoảng từ một triệu đến hai triệu người. Đây là một con số lớn, tương đương với khoảng hơn chục vụ Hiroshima(3).
Nhưng vì đa số nạn nhân của y là người Kurds, Shiites, người Ả Rập đầm lầy(4), người Iran và Kuwait cho nên câu hỏi ở đây là tại sao chuyện đó lại quan trọng gì hơn đối với Tây Phương—so với những vụ khác chẳng hạn như những vụ tàn sát xảy ra tại Congo. Phía phản chiến lập luận là không có gì quan trọng: không phải là tình trạng khẩn cấp; không ảnh hưởng đến quyền lợi tối thượng của quốc gia; là nếu can thiệp nhân đạo thì cần phải can thiệp đồng nhất tại tất cả mọi nơi còn nếu không thì không tất cả. Vì không hội đủ các điều kiện này nên họ kết luận là cuộc chiến này là xuẩn động ngay từ đầu.
Tuy nhiên, nếu sự nghiệp nay được tuyên dương của ông Havel có ý nghĩa gì thì ý nghĩa đó chính là phải cẩn thận đề phòng kiểu kết luận dễ dàng như vậy. Trong bài tiểu luận đặc sắc năm 1978 của ông, “Quyền Lực của Người Bất Lực,” mà ông đã viết vào lúc sự nghiệp bất đồng chính kiến của ông vừa thực sự bắt đầu trở nên mạnh mẽ khi ông ký bản tuyên ngôn Hiến Chương 77, ông đã cảnh cáo phải đề phòng “sức quyến rũ của thái độ lãnh đạm của quần chúng” và “thái độ chung của những người thiên về tiêu thụ là không muốn hy sinh một số tiện nghi vật chất được bảo đảm về để vun bồi cho giá trị tinh thần và đạo lý của bản thân họ.” Havel sợ rằng thái độ lãnh đạm của một người đối với vấn đề tự do của những người khác cuối cùng sẽ trở thành quá quen thuộc để rồi cũng trở nên lãnh đạm luôn với vấn đề tự do của chính mình.
“Một mối nguy hiểm lớn cho thế giới chúng ta ngày nay là nỗi ám ảnh,” ông lên tiếng trước hội nghị vào ngày tôi phỏng vấn ông. “Mối nguy hiểm còn lớn hơn nữa là thái độ lãnh đạm.”
Tất cả những câu này đều là cách mà ông Havel muốn nói rằng chủ nghĩa cực đoan chính trị—dù là của những loại như Leonid Brezhnev, Kim Chính Nhật, Saddam Hussein hay Osama bin Laden—ắt sẽ lan tràn mạnh mẽ nếu số người tự do không cưỡng lại nổi cám dỗ mà nhắm mắt làm ngơ dưới danh nghĩa “hòa bình,” hoặc hòa mình theo khẩu hiệu nào khác như hãy thuận tình để thuận hòa.
Ông tin rằng một thái độ đúng mức có thể không cần phải tỏ ra hung hăng hiếu chiến, và vẫn có thể dễ dàng kết hợp được đường lối ngoại giao. Nhưng cần có phải một tinh thần trong tư thế luôn luôn sẵn sàng ứng chiến—không chấp nhận chuyện xem một chế độ như của Saddam hay Kim chỉ là một sự kiện bình thường trong cuộc sống, không nằm trong phạm vi phán xét đạo lý. Trong bối cảnh Tiệp Khắc thời Chiến Tranh Lạnh, Havel gọi đó là “sống trong sự thật.” Trong bối cảnh của các nước như Bắc Triều Tiên, Nga hay Iran, Havel nói với tôi đó cũng là vấn đề nói sự thật. “Chúng ta có thể nói chuyện với tất cả những người cai trị, “ ông nói, “nhưng trước hết là cần phải nói thật.”
Cần phải có những gì để “nói thật” theo ý của Havel? Trong trường hợp của ông thì cần rất nhiều can đảm, kể cả sẵn sàng ngồi tù nhiều năm hay làm các công việc hèn hạ mà chế độ đã tuyên án ông. Bí ẩn thực sự ở đây là tại sao, trong các xã hội tự do thì không có nhiều rủi ro để phóng viên ký giả và chính khách phải bị trả thù nhưng lại xem chừng như tương đối lại không có bao nhiêu người muốn nói sự thật. Bắc Triều Tiên là một trại Auschwitz(5) khổng lồ ngày nay. Vậy mà khi George W. Bush gọi Bình Nhưỡng là một thành phần trong Trục Ma Quỷ(6), thì chính ông Bush lại là người bị chế nhạo khắp nơi. Cứ để ý xem thì biết mức độ khinh rẻ(7) này như thế nào trong bài viết về cái chết của Kim trong tờ New York Times từ đêm Chủ Nhật:
“Tổng Thống George W. Bush gọi [Kim] là một ‘thằng lùn.’ . . . Nhưng những người đã gặp ông ta [Kim] đều ngạc nhiên trước thái độ nghiêm chỉnh và kiến thức của ông ta về các biến cố bên ngoài quốc gia khép kín thuộc quyền kiểm soát của ông ta.” Ồ, Lãnh Tụ Kính Mến bị hiểu lầm ơi, ước gì chúng tôi hiểu về ông nhiều hơn.
Trường hợp này nêu lên được phần nào về ảnh hưởng của cá tính và tư tưởng của ông Havel mà cuối cùng đưa đến đoạn kết của đời ông thật đẹp. Đó là cũng là chiến thắng của Tây Phương vì mặc dù có đủ mọi thành phần chống đối Chiến Tranh Iraq nhưng cũng đã tròng được thòng lọng vào cổ Saddam.
Nhưng tình trạng này cũng cho thấy được là Kim, nếu nói theo kiểu mọi người hay nói, chết êm thắm trên giường, nhờ một phần vào việc thế giới nhắm mắt làm ngơ, và ngay cả ủng hộ cụ thể đáng kể cho quyền cai trị của y. Đó là bằng chứng cho thấy những gì mà thái độ lãnh đạm của chúng ta vẫn góp phần tiếp tay cho nền chuyên chế bạo ngược, và đó không phải là cách tưởng nhớ Václav Havel đúng mức.
Source: Wall Street Journal (http://online.wsj.com/article/global_view.html)
______________________
Chú thích của người dịch:
(1) James William Fulbright, Thượng Nghị Sĩ Hoa Kỳ của đảng Dân Chủ từ 1945 đến 1975, là tác giả quyển The Arrogance of Power (Kiêu Ngạo của Sức Mạnh) để công kích việc chính quyền Hoa Kỳ tham gia chiến tranh Việt Nam.
(2) ý nói là sờ sờ trước mặt mọi người mà người nào cũng tảng lờ hoặc không thấy được chính nhân vật đó mới là vũ khí hủy diệt hàng loạt
(3) so với con số thương vong trong lần Hiroshima bị thả bom nguyên tử
(4) là những người Ả Rập sống tại các khu vực đầm lầy của sông Tigris-Euphrates ở miền nam và đông của Iraq và dọc theo biên giới với Iran
(5) trại tập trung Auschwitz của Đức Quốc Xã
(6) Axis of Evil
(7) đây là ý chê bai khinh rẻ ông Bush trong bài viết của tờ New York Times
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét