Pages

Thứ Ba, 13 tháng 12, 2011

Việt Nam đối diện với khủng hoảng kinh tế?

Simon RoughneenThe Diplomat

Diên Vỹ, X-Cafe chuyển ngữ

Với nạn lạm phát tăng vụt, những nhà máy ở Việt Nam đang nhận thấy cơn đau. Liệu một loạt cải cách của chính phủ đã hơi quá trễ để ngăn chặn một cơn khủng hoảng kinh tế?
Với những ngọn đèn đường thắp bằng thứ ánh sáng yếu ớt khi hoàng hôn đang tối dần ngoài trời, Trang Hoàng Yến vẫn đẩy những chiếc áo thun vào chiếc máy may trong khi hầu hết những nhân viên của cô đã về nhà.
“Thường thì chúng tôi có nhiều công nhân hơn, nhưng năm vừa qua thì rất khó khăn trong lĩnh vực của chúng tôi,” cô nói, ngừng tay trong vài phút để trò chuyện.
Xưởng sản xuất nhỏ của Trang Hoàng Yến nằm trên một con đường nhỏ tại Thành phố Hồ Chí Minh, trước đây cũng khấm khá. Từ 30 công nhân giảm xuống còn 14 người, cô nói rằng chi phí đầu vào của công ty “đã tăng cao, và giá thành sản xuất đã tăng gấp đôi.”
Tỉ lệ lạm phát ở Việt Nam đạt đến 23% vào tháng Tám, mặc dù sau đấy đã giảm một ít xuống dưới mức 20%. Chính phủ Việt Nam đã phản ứng với một số biện pháp đối phó trong nỗ lực làm hạ nhiệt một nền kinh tế đang sôi sục. Quỹ dự trữ ngoại hối của Việt Nam đang suy giảm, và quốc gia này đang đối diện một mức nhập siêu 10 tỉ Mỹ kim trong năm 2012, theo tin từ chính phủ.

Vậy liệu những cải cách, bao gồm những giới hạn tín dụng và tăng lãi suất, sẽ đủ để hạ nhiệt? Một số nhà phân tích không nghĩ thế.
Trong phát biểu trước hội nghị các nhà tài trợ tại Hà Nội vào ngày 6 tháng Mười hai, đại diện thường trực của Quỹ Tiền tệ Quốc tế Sanjay Kalra đã nói rõ về vấn đề này, “Chính quyền cần phải hành động nhanh chóng và dứt khoát để bảo đảm sự bền vững của lĩnh vực tài chính trong khi tái thiết lập sự ổn định kinh tế vĩ mô.”
Những phát biểu khác tại hội nghị đã chú trọng vào sự cần thiết của việc cải cách lĩnh vực ngân hàng, tư nhân hoá những doanh nghiệp nhà nước và quản chế tham nhũng. Việt Nam đứng thứ 112 trên 182 quốc gia trong bảng xếp hạng tham nhũng toàn cầu sau cuộc thăm dò mới nhất của tổ chức Minh bạch Quốc tế, vừa được xuất bản tháng trước.
Một số nhà tài trợ đã nói về thành tích yếu kém của Việt Nam về nhân quyền và tự do ngôn luận, với những luật sư, blogger, nhà báo, những nhà hoạt động và những người dân đấu tranh thường xuyên bị bắt giam. Đại sứ Na Uy Stale Torstein Risa nói với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rằng nới lỏng những giới hạn về chính trị trong một quốc gia độc đảng sẽ giúp cho nền kinh tế vững mạnh hơn.
Việt Nam giờ đây dường như đang ở giữa dòng rẽ kinh tế, dường như gợi lại thời kỳ 1980s, khi quá trình đổi mới nổi tiếng được đưa ra, mở cửa kinh tế quốc gia cho đầu tư nước ngoài, đi theo con đường độc tài chính trị – giải phóng kinh tế của Trung Quốc. Việc bình thường hoá quan hệ với Hoa Kỳ vào năm 1995 đã làm sáng tỏ vị thế “ngôi sao đang lên” của Việt Nam mà điểm đỉnh là khi Hà Nội tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới vào năm 2007.
Nói chuyện tại một bữa ăn trưa dành cho các nhà đầu tư Ireland vào ngày 28 tháng Mười một, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh nói rằng có 13.450 dự án đầu tư tại Việt Nam, ông bổ sung rằng chính phủ hi vọng sẽ thu hút nhiều hơn nữa trong những năm tới.
Những thương hiệu như Intel, Honda và Nike đều đã mở những nhà máy lớn tại Việt Nam, sự hấp dẫn của nước này đối với các công ty đầu tư một phần bắt nguồn từ lực lượng lao động rẻ, được dự tính đứng thứ hai trên châu Á sau Cambodia bởi Văn phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam, và vì thế là một sức hút chủ lực đối với các nhà đầu tư trong những lĩnh vực chuyên về gia công như may mặc và giày dép.
Tuy nhiên đây chỉ là những lĩnh vực chi phí rẻ và giá thành rẻ, và vẫn còn phải chờ xem liệu nền kinh tế đang có khả năng tiến dần đến một khủng hoảng này có thể tiếp tục thu hút đầu tư và chuyển sang việc sản xuất những mặt hàng có giá trị hơn hay không.
Du lịch là một lĩnh vực có tiềm năng tăng trưởng đối với Việt Nam, với lượng du khách thăm viếng trong năm 2010 chỉ trên 5 triệu người, so với 14,15 triệu ở Thái Lan và 23,65 triệu tại Malaysia. Ngành du lịch chiếm khoảng 4% giá trị trong nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, Thái Lan và Malaysia cho phép du khách lưu trú đến một tháng không cần giấy thị thực, không như Việt Nam, vốn bắt buộc phải trình thị thực trước hoặc ngay sau khi nhập cảnh.
Dương Sinh Sơn điều hành một dịch vụ “lưu trú tại nhà” (homestay – ND) bên ngoài khu công viên quốc gia ở Thanh Hoá, khoảng ba giờ lái xe từ Hà Nội. Khung cảnh xanh tươi đầy ấn tượng của những sườn đồi và thung lũng lúa tạo ra một địa điểm du ngoạn tuyệt vời và giá rẻ cách xa những tuyến đường quá quen thuộc ở Hạ Long và Sapa.
Ngồi xếp bằng trên chiếc nhà sàn tre, Dương Sinh Sơn nói rằng anh có khoảng 200 đến 300 du khách mỗi năm kể từ ngày khai trương. Với giá 7 Mỹ kim một đêm, anh nói rằng anh hi vọng sẽ thu hút thêm nhiều du khách, nhưng điều này còn phụ thuộc vào việc Việt Nam có thể hấp dẫn nhiều du khách hơn trong môi trường cạnh tranh khu vực ngày càng căng thẳng, với việc Miến Điện đang muốn thay đổi chắc chắn sẽ nổi lên như một điểm đến mới trong những năm tới.
Bên cạnh những khó khăn và thử thách ngày càng lớn gần đây, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang tăng trưởng với mức 6,5% trong năm 2010; Ngân hàng Thế giới dự đoán chỉ sẽ giảm 1% trong năm 2012. Tuy nhiên, con số tăng trưởng là một khái niệm trừu tượng đối với những doanh nghiệp nhỏ và người dân thường đang tìm cách giật gấu vá vai, đặc biệt khi lạm phát đang đẩy người dân xuống dưới mức nghèo khổ. Với Trang Hoàng Yến, thời kỳ khó khăn có vẻ sẽ tiếp tục. Nhưng khi cô hướng đầu về bức ảnh Thánh Tâm Chúa treo bên trên khung cửa, cô nói thêm: “Cám ơn Chúa, đôi khi điều tốt vẫn xảy ra.”
Một đơn đặt hàng từ Na Uy với 5 nghìn chiếc áo thun trơn dành cho thị trường Giáng Sinh đang làm cô bận rộn – và giữ doanh nghiệp tiếp tục bất chấp những khó khăn về lạm phát. “Tôi muốn mở rộng doanh nghiệp này,” cô nói. “Nhưng việc này sẽ phải đợi cho đến khi mọi việc khá hơn.”

Không có nhận xét nào: