Pages

Chủ Nhật, 15 tháng 1, 2012

Cuộc sống đang đòi hỏi sự chín chắn chứ không chỉ sự nhanh nhạy

 
Nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt

“… thời đại của chúng ta có những phương tiện để tất cả các yếu tố khôn ngoan đều được cung cấp lập tức và có những sự liên kết ngay lập tức bằng truyền thông. Tôi nghĩ nếu có thêm sự chín chắn thì hình ảnh của các bộ trưởng sẽ đẹp hơn, sẽ trọn vẹn hơn và có lẽ hiệu ứng chính trị của nó tốt hơn”
Nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt nói về hiện tượng tân bộ trưởng bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng – người được một vài tờ báo bình chọn là “nhân vật của năm 2011” – về cách giải quyết bài toán giao thông của năm 2012 và bàn luận mối quan hệ giữa phát ngôn và hành động của người lãnh đạo… Ông Bạt nói:
Việc xuất hiện một cách nhanh nhẹn hơn, một cách bộc trực hơn, bằng những lời nói quyết đoán hơn của bộ trưởng Đinh La Thăng gây cho xã hội một ấn tượng, khiến ông được một vài tờ báo bình chọn là nhân vật của năm. Nhưng tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông của năm 2011 vẫn không được cải thiện. Tôi nghĩ rằng sự nhanh nhẹn, sự thẳng thắn, sự bộc trực là một trong những phẩm chất cần thiết trong một thời đại mà người ta đòi hỏi các nhà chính trị phải có quan điểm riêng của mình, có phong cách riêng của mình.

Tuy nhiên, điều tôi muốn nói là chúng ta đang sống trong một thời đại mà cuộc sống không chỉ cần sự nhanh nhẹn, sự bộc trực, mà trước hết đòi hỏi phải chín chắn. Dân trí bây giờ cao. Dân trí cao không phải là sự thông minh của một vài cá nhân tập hợp lại, mà dân trí cao là bởi vì thời đại của chúng ta có những phương tiện để tất cả các yếu tố khôn ngoan đều được cung cấp lập tức và có những sự liên kết ngay lập tức bằng truyền thông. Tôi nghĩ nếu có thêm sự chín chắn thì hình ảnh của các bộ trưởng sẽ đẹp hơn, sẽ trọn vẹn hơn và có lẽ hiệu ứng chính trị của nó tốt hơn.
.
Tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông của năm 2011 vẫn không được cải thiện. Ảnh: Hồng Thái
Nếu cho rằng vấn đề giao thông thuộc tầm giải quyết của bộ Giao thông vận tải thì bộ trưởng Đinh La Thăng chắc hẳn đang phải chịu một cái gánh trách nhiệm quá nặng và không thể giải quyết được?
Tôi nghĩ rằng, không có vấn đề gì trong cuộc sống là thuộc về trách nhiệm một bộ. Tôi không thích một chút nào thuật ngữ “tư lệnh ngành”. Tư lệnh ngành làm biệt lập từng ngành và làm cho gánh nặng của các bộ trưởng nặng hơn.
Vấn đề giao thông là một vấn đề điển hình của sự không biệt lập của một ngành. Không có vấn đề biệt lập, và không nên chia cắt các vấn đề của Nhà nước theo cơ cấu Chính phủ, cơ cấu của Nhà nước và Chính phủ phải tuân thủ các đòi hỏi của cuộc sống.
Theo dự cảm của ông, vấn đề giao thông sẽ diễn biến thế nào trong năm 2012?
Nó sẽ hợp lý dần lên. Bản chất của bài toán giao thông là ý thức của con người về tham gia giao thông, đó là sự phát triển dân trí. Ở khía cạnh nào đó, dân trí là sự phát hiện ra lỗi lầm của chính mình. Chắc chắn nhân dân sẽ phát hiện ra lỗi lầm của chính mình khi tai hoạ đã dạy họ những bài học đủ để họ nhận thức, đấy là cái quan trọng nhất. Cái quan trọng thứ hai là chúng ta đủ tiền để đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng giao thông. Và cái đấy cũng chỉ có được khi chúng ta ý thức về đô thị hoá là gì, và tìm ra được con đường đúng đắn nhất để tiếp cận với khái niệm đô thị.
Tất cả các nước đều đi qua những giai đoạn sai lầm, bởi vì ít tiền, cơ sở hạ tầng tốt thì được đầu tư vào đô thị và nó thu hút con người đến đó. Tất cả các dòng di dân từ phương Đông sang phương Tây, từ các nước lạc hậu sang châu Âu, sang Mỹ là kết quả của đô thị hoá. Bởi vì xét trên phạm vi toàn cầu thì châu Âu và nước Mỹ là đô thị.
Quả là bài toán giao thông rất khó giải, giao thông ùn tắc, tai nạn tăng, nhân dân bức xúc, các đại biểu Quốc hội cũng bức xúc. Nhưng giải quyết bằng các biện pháp mạnh tay một chút như giảm giờ làm, phân làn cưỡng bức cũng tạo ra bức xúc?
Chúng ta không có cách gì làm ngay. Đừng đòi hỏi bộ trưởng Đinh La Thăng phải giải quyết triệt để vấn đề ùn tắc giao thông. Chúng ta đã khoác lên cổ ông ấy một gánh nặng không có khả năng giải quyết. Chắc chắn là bộ trưởng Đinh La Thăng sẽ rời khỏi bộ Giao thông trong một trạng thái không giải quyết được một cách triệt để chuyện liên quan đến ùn tắc giao thông. Tôi đã có khoảng 15 năm làm việc tại ngành giao thông, nó ùn tắc ngay từ những năm tôi còn làm việc ở đấy. Chúng ta đã từng ùn tắc xe đạp (tôi đã từng phải vác xe đạp lên đầu để cùng vợ tôi thoát ra khỏi đám đông ùn tắc), và bây giờ là ùn tắc xe máy, ôtô. Vấn đề không phải sai ở chỗ là nhiều xe quá, mà vì chúng ta càng ngày càng tập trung quá nhiều người vào đô thị, nên nhiều người quá thì nhiều xe quá. Nếu thay ôtô bằng xe máy thì chúng ta đã từng có ùn tắc xe máy, thay xe máy bằng xe đạp thì chúng ta cũng đã từng ùn tắc xe đạp.
Vấn đề nằm bên ngoài bộ Giao thông vận tải, đấy là các quan niệm của chúng ta về đô thị. Cái đó giải quyết được bằng cách kéo giãn cuộc sống ra. Đưa các trường đại học ra khỏi thủ đô, hạn chế những công trình cao tầng ở trong trung tâm… Chúng ta đã từng thảo luận về chuyện này, nhưng sau đó do sức ép của phát triển kinh tế, sức ép của kinh doanh, sức ép của đất đai mà chúng ta buộc phải tảng lờ. Bây giờ thấy tảng lờ không được thì chúng ta phải quay trở lại quy hoạch cuộc sống. Quy hoạch cuộc sống trước hết là quy hoạch mật độ tập trung dân cư. Chúng ta phải xây dựng một hệ thống quan niệm khác.
Một số chính khách trước đó cũng có những phát ngôn, đặt ra những mục tiêu ấn tượng, đưa ra những cách làm mang tính cách mạng. Nhưng kết quả không được như lời nói. Ông có thể lý giải về điều này?
Phần nhiều các nhà chính trị ít khi làm được những điều mình muốn, bởi cuộc sống nhiều khi không thuận với ý nghĩ của họ. Cho nên chất lượng của một nhà chính trị trước hết thể hiện ở chỗ có nắm bắt được cái anh định làm thì cuộc sống có ủng hộ không và tại sao cuộc sống lại ủng hộ. Tính tương thích, tính phù hợp giữa cái định làm với đòi hỏi của cuộc sống là phẩm chất quan trọng số một của một nhà điều hành, một nhà chính trị hàm bộ trưởng trở lên.
Còn nếu ý muốn của anh không thích hợp với năng lực của cuộc sống, với quyền lợi trước mắt của cuộc sống thì sẽ thất bại, mặc dù có thể cá nhân anh đúng. Lỗi cao nhất của một nhà chính trị là không đoán định được, không đánh giá được, không xấp xỉ được năng lực của cuộc sống, hay phản ánh sai cái đòi hỏi của cuộc sống.
Nhiều nhà chính trị của Việt Nam từng nói: vướng trên, vướng dưới, muốn đổi mới nhưng khó lắm. Vướng ở đây có thể là cơ chế, cấp trên, cấp dưới, rồi nhận thức của người dân cũng không dễ chấp nhận cái mới… Nếu đúng như vậy thì nhà chính trị phải làm gì?
Không ở đâu trên thế giới có nhà chính trị nào tự do. Bản chất của hoạt động chính trị, nhất là hoạt động chính trị với tư cách là nhà quản trị nhà nước, chính là giải quyết các vấn đề của cuộc sống trong sự ràng buộc và kiềm chế lẫn nhau của các lực lượng của cuộc sống. Ở những nhà nước hiện đại, sự ràng buộc và kiềm chế lẫn nhau ấy được cấu tạo trở thành quy tắc nhà nước. Vì thế cho nên đã là một nhà chính trị thì phải giải quyết các công việc của mình trong sự ràng buộc, trong sự giăng mắc, trong việc thu xếp các mâu thuẫn tự nhiên vốn có một cách chính đáng của cuộc sống.

Không có nhận xét nào: