Bảng chữ bằng đèn điện trên nóc nhà thờ Thái Hà. Ảnh minh họa. |
“Danh có chính thì ngôn mới thuận”, nhưng đôi khi “danh” và “ngôn” lại không đi đôi với nhau hoặc không thống nhất, không thuận. Đó là chuyện vẫn thường xảy ra ở đời. Người Việt vốn khá dễ dãi trong việc lựa chọn chuẩn mực phát ngôn. Đôi khi vô tư gán cho nhau những danh xưng cao quý không phù hợp hoặc không thật chính xác. Đó dường như là kết quả của tình cảm mến thương nhau nhiều hợn là sự tùy tiện.
Cụm từ “đấu tranh” nay chẳng còn xa lạ gì với người Việt trong nước nữa. Nhưng đấu tranh là gì? Thế nào là người đấu tranh? Thế nào là nhà đấu tranh? Thế nào là bất đồng chính kiến? Thế nào là chính trị? Thế nào là đấu tranh chính trị? Thế nào là nhà chính trị? Thế nào là dân chủ? Thế nào là nhà dân chủ? Vv… Đối với một số người, những khái niệm vừa kể vẫn còn là những câu hỏi…
Qủa thật, nếu đi sâu vào phân tích cặn kẽ theo lối hàn lâm thì người ta có thể phải viết ra hàng ngàn trang giấy mới đủ để trình bày những khái niệm trên. Vậy có lẽ chúng ta nên tạm thời chỉ tìm hiểu những khái niệm được cho là đáng quan tâm nhất đối với tình hình hiện tại, xem đấu tranh là gì? Thế nào là người đấu tranh? Thế nào là nhà bất đồng chính kiến? Và thế nào là nhà dân chủ?
Về vấn đề đấu tranh: Xã hội loài người luôn mang trong mình sự đấu tranh không ngừng nghỉ. Vì vậy đấu tranh để phát triển, để tiến bộ, để hướng tới “chân, thiện, mỹ” là điều đương nhiên. Nếu một xã hội không có đấu tranh, thủ tiêu đấu tranh, ấy là xã hội đó đang tự hủy hoại mình. Riêng nói về đấu tranh đã là một đề tài rộng lớn và rất đa dạng. Bởi vậy ta hãy chú ý vào mục đích trả lời câu hỏi: Đấu tranh chính trị là gì?
Câu hỏi trên vẫn chưa hoàn toàn đi vào trọng tâm, vì đấu tranh chính trị lại cần chia ra 2 phạm vi: Đấu tranh chính trị trong nội bộ mang tính chất xây dựng, và đấu tranh chính trị loại trừ, tức là thay đổi về căn bản nền tảng lý luận cũng như thay đổi cơ cấu của cả một thể chế chính trị. Thí dụ sự lên tiếng đấu tranh của các vị đại biểu Quốc hội như Nguyễn Lân Dũng, Nguyễn Minh Thuyết, Dương Trung Quốc vv.., với những điều bất hợp lý, thiếu minh bạch trong hệ thống công quyền Việt Nam hiện tại, ta phải hiểu đó là sự đấu tranh nội bộ. Loại hình đấu tranh này là loại hình “cải thiện”, tức là họ vẫn giữ nguyên chế độ Độc tài, nhưng mong muốn làm chúng trở nên tốt.
Chế độ Độc tài không bao giờ có thể trở nên nhân văn, dân chủ và công bằng. Vì vậy chỉ có một cách duy nhất là thay đổi chúng, không thể trông chờ vào việc chúng tự thay đổi. Trong quá trình vận động đấu tranh, những người Đấu tranh loại trừ cũng áp dụng rất nhiều biện pháp tương tự như những người Đấu tranh xây dựng, ví dụ phản biện, phê phán, chỉ trích, gửi đơn thư đề nghị, đơn thư tố cáo vv.., lên các cấp có thẩm quyền cầm quyền. Nhưng đó là những biện pháp bậc thang, chứ không hề là sự đề đạt ý kiến theo lối xin – cho.
Như vậy nhắc đến đấu tranh nghĩa là nói lên tính chất chiến đấu nhiều hơn. Khi người đấu tranh áp dụng các biện pháp ôn hòa, bất bạo động nhằm hạ bệ một chế độ Độc tài thì đó có thể gọi là đấu tranh chính trị. Đấu tranh chính trị là một cuộc chiến “trong lòng địch”, nó có thể áp dụng vô vàn những biện pháp riêng rẽ, nhằm từng bước làm suy yếu chế độ và cuối cùng chế độ phải sụp đổ bởi nhiều nguyên nhân do phe đấu tranh tạo ra.
Qua phân tích ở trên, ta dễ dàng nhận ra: Tất cả những ai ủng hộ Dân chủ, chống Độc tài bằng vũ khí bất bạo động đều chính là những người đấu tranh chính trị. Vậy thế nào là một nhà đấu tranh? Không khó xác định! Chúng ta hãy xem trong tiếng Việt, những ai được gọi là “nhà”? Đó là các nhà văn, nhà báo, nhà thơ, nhà viết kịch vv.., nói chung là các nhà trí thức. Vậy muốn trở thành nhà đấu tranh, trước hết họ phải là một người đấu tranh trước đã. Sau đó nếu họ thuộc thành phần trí thức, hoặc làm những công việc mang tính chất trí thức (mặc dù học vấn của họ có thể không cao) thì đương nhiên họ sẽ là những nhà đấu tranh.
Tuy nhiên chúng ta cũng không nên nhầm lẫn giữa những nhà đấu tranh độc lập với những nhà đấu tranh có tổ chức. Và càng không nên coi những người bất đồng chính kiến, những nhà bất đồng chính kiến là thuộc thành phần Đấu tranh loại trừ, mặc dù ranh giới của hai vị trí này rất gần nhau. Những người bất đồng chính kiến là ai? Họ là những thành phần không ủng hộ cung cách làm việc của thể chế Độc tài theo từng nhóm, hoặc đôi khi là tất cả (cơ chế cũng như chính sách). Nhưng họ chỉ lên tiếng phê phán, chỉ trích, thậm chí là chống đối chế độ, mà không đi theo con đường đấu tranh loại trừ: Xóa bỏ hoàn toàn chế độ Độc tài.
Giống như ở trên, những người được coi là nhà bất đồng chính kiến cũng buộc phải nằm trong đội ngũ trí thức hoặc họ đang làm các công việc của một trí thức. Họ bất đồng về quan điểm chính trị, họ ủng hộ Dân chủ nhưng không chống Độc tài theo phương cách loại trừ. Trong thực tế, hầu như tất cả các nhà bất đồng chính kiến trong chế độ Độc tài (từ Đông Âu, Bắc Phi, Trung Đông vv…) cuối cùng đều trở thành các nhà đấu tranh loại trừ, khi tư tưởng chính trị của họ đã thống nhất và có định hướng rõ ràng. Dẫu vậy, chúng ta vẫn không thể xếp các nhà bất đồng chính kiến vào nhóm Đấu tranh loại trừ…
Riêng đối với các nhà đấu tranh (Đấu tranh loại trừ) đẳng cấp của họ là không đồng đều, do vậy cách tốt nhất, khi cần nhắc đến tên tuổi cụ thể của một ai đó với danh xưng “nhà dân chủ” chúng ta nên thận trọng bởi tính chính danh. Cũng bởi nhà đấu tranh đồng thời là một nhà bất đồng chính kiến (nhưng không phải ngược lại), cho nên khi chưa xác định rõ ai là nhà đấu tranh (điều này rất khó phân biệt đối với những nhà hoạt động đấu tranh loại trừ dưới vỏ bọc bất đồng chính kiến), chúng ta nên gọi họ là những nhà bất đồng chính kiến là đủ. Chắc rằng chẳng có nhà dân chủ nào lại buồn lòng khi “bị” gọi là nhà bất đồng chính kiến.
Một điều dễ nhận thấy khác, đó là để trở thành một nhà dân chủ, một người đấu tranh nhất thiết phải trải qua quá trình đấu tranh trong thực tế. Đồng thời họ phải chứng minh được rằng mình đã làm những công việc mang tính trí thức áp dụng vào đấu tranh. Tuy nhiên, đó là đối với những nhà dân chủ hoạt đông công khai. Còn đối với những nhà dân chủ hoạt động hoàn toàn bí mật hoặc dưới danh nghĩa chỉ là nhà bất đồng chính kiến, những người đưa tin, làm báo, phân tích tình hình chính trị xã hội vv.., người đời rất khó xác định. Họ mới chính là những người “hát bè trầm” cho bản nhạc đấu tranh. Vì vậy tính chính danh đôi khi cũng chỉ là tương đối…
Lê Nguyên Hồng
01-01-2012
Theo Công Dân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét