Pages

Thứ Hai, 16 tháng 1, 2012

Lãnh tụ biểu tình lên lãnh đạo Ô Khảm

Ông Lâm Tổ Luyến
Ông Lâm Tổ Luyến từ vị trí lãnh đạo các
cuộc biểu tình nay chuyển sang vị trí bí thư
 đảng ủy xã Ô Khảm.
Người đứng đầu cuộc biểu tình chống lại nạn thu hồi đất ở một ngôi làng miền nam Trung Quốc vừa được chỉ định làm người đứng đầu địa phương.
Ông Lâm Tổ Luyến sẽ lãnh đạo Đảng ủy xã tại Ô Khảm và tổ chức kỳ bầu cử nhằm chọn ra ủy ban hành chính mới cho địa phương.

Người tiền nhiệm của ông hiện đang bị điều tra về cáo buộc tham nhũng.
Sự tức giận của người dân Ô Khảm quanh chuyện bị các quan chức thu hồi đất đã dẫn tới cuộc nổi dậy công khai chống lại các lãnh đạo địa phương hồi tháng 12.
Những đòi hỏi chính của dân làng, trong đó có đòi hỏi phải cách chức hai quan chức địa phương, đã được giới chức chuẩn thuận giữa lúc dư luận tỏ thái độ ủng hộ đối với người dân làng này.

Diễn biến mới đây được coi như một sự nhượng bộ hiếm hoi của chính phủ Trung Quốc.
"Bước đi quan trọng"
Hôm Chủ Nhật, ông Lâm đã thay thế chủ tịch xã Ô Khảm, một doanh nhân từng đứng đầu làng trong những thập niên qua nhưng bị dân địa phương cáo buộc tội cướp đất.
"Đây là một quyết định được toàn bộ Ô Khảm ủng hộ và đây là một bước đi quan trọng nhằm giúp xử lý cuộc tranh chấp đất đai và tài chính ở làng," một người làng nói với hãng tin AFP của Pháp.
Các cuộc biểu tình bắt đầu âm ỉ tại Ô Khảm thuộc tỉnh Quảng Đông từ hồi tháng Chín và leo thang dữ dội sau cái chết của một đại diện dân làng khi người này bị cảnh sát giam giữ.
Người làng nói các quan chức đã bán đất của dân cho các nhà phát triển địa ốc mà không bồi thường thỏa đáng.
Họ cũng kêu gọi phải điều tra về cái chết của ông Tiết Cẩm Ba, qua đời hôm 11/12/2011 khi đang bị cảnh sát giam giữ.
Phía cảnh sát nói ông chết do "bệnh đột ngột" nhưng gia đình nói ông bị đánh chết.
Hồi tháng 12, Phó bí thư tỉnh ủy Quảng Đông Chu Minh Quốc đã tiếp xúc với các đại diện dân làng và đạt được thỏa thuận nhằm chấm dứt thế bế tắc giữa hai bên.
Hàng năm, có hàng ngàn cuộc biểu tình quanh chuyện đất đai tại Trung Quốc và Ô Khảm đã trở thành biểu tượng cho sự giận dữ của dân chúng đối với tình trạng bất công chướng tai gai mắt.

Không có nhận xét nào: