Nhân Bùi và Hiếu Bùi
Ngày tết đến trong trái tim tôi, ngàn hoa xuân khoe sắc nơi nơi, vì trong tim tôi muốn nói: được vui xuân bên gia đình.
Mẹ còn nhớ, ngày còn bé Tết là cảm giác thích thú được khoe áo mới.
Mẹ còn nhớ, tết với mình là được thức khuya, tận 12h đêm để nghe tiếng pháo nổ. Và cho dù có buồn ngủ quá, chợp mắt thiu thiu ngủ thì mình cũng bị tiếng pháo giao thừa đánh thức. Ngày tết 3 con đi lượm pháo lép, đêm đến gom lá khô lại đốt, quăng viên pháo lép vào đám lá khô đang cháy, tàn lửa bay lên đẹp lắm cứ như là đốt pháo hoa.
Mẹ còn nhớ, tết là con được nếm cảm giác ngọt lịm nơi đầu lưỡi vị ngọt mát của miếng dưa hấu. Chỉ có tết con mới hay ăn dưa hấu, và cũng bởi có Tết mới hay mua dưa hấu mà hay.
Mẹ còn nhớ, tết là con được ăn thật nhiều canh măng thịt kho. Chỉ có tết mẹ mới làm canh măng, mứt bí, mứt me. Chỉ có tết con được ăn hạt dưa đến khản cả giọng.
Những cái tết ngày xưa đó, dù xa quá nhưng ngày ấy mẹ con quây quần bên nhau thật hạnh phúc. Tết ngày xưa có tiếng cười vang cùng tiếng pháo nổ đì đùng.
Rồi con lớn , con đi học xa nhà, những cái tết xa quê thật đáng sợ. Con nhớ năm nào con phải ở lại Sài Gòn, không về quê ăn tết. Con cuộn mình trong chăn, không biết tết đi đâu giữa nơi phố thị đông người. Ngày thường, phố thị đông lắm, người và xe đông như nêm. Thế mà sáng mùng 1, đường vắng như con đang đi trên đường lúc 12h đêm. Hàng quán đóng cửa im ỉm, trước hiên nhà những chậu hoa khoe sắc làm nên sự khác biệt: đường phố ngày xuân. Tết xa quê, con đi viếng chùa, lễ phật, trở về nhà xem tivi, nấu cơm . Con mong chờ cho Tết qua mau vì con nhớ nhà, nhớ quê. Xem tivi nhìn cảnh gia đình sum họp bên mâm cơm ngày tết, con khóc như mưa. Chưa bao giờ con sợ Tết đến thế.
Ngày tết, con có một niềm vui không gì đánh đổi được là niềm vui ngày tết thắp nhang cho tổ tiên xong, con được nhận tiền lì xì từ tay mẹ. Ngày còn bé anh và con quan tâm số tiền lì xì lắm vì vui thôi. Cầm tiền mẹ lì xì xong, anh chở con trên chiếc xe đạp, 2 anh em đi hội chợ mua bong bóng to thật to. Giờ lớn rồi, tiền lì xì là may mắn mẹ dành cho anh em mình, con để bao lì xì vào ví như yêu thương của mẹ luôn theo con. Gần tết rồi, em lại lấy tiền lì xì ra sài, và mong chờ Tết lại về nhà, mẹ lại lì xì cho con bao lì xì mới.
Ngày tết, niềm vui của em là được sum vầy bên mâm cơm gia đình, có mẹ, có anh , có gia đình. Được ăn cơm mẹ nấu, được quây quần kể chuyện một năm qua ai đã làm gì, được gì, được nhìn nụ cười của mẹ, nụ cười bình an hạnh phúc, với con đó là TẾT.
Mẹ biết không, con ở quê chỉ mong đến Tết, vì chỉ có tết con mới được gặp đầy đủ anh chị. Chỉ có Tết anh và chị mới hay về với mẹ. Mẹ giờ có 1 đứa cháu, mẹ cũng làm bà ngoại rồi đấy chứ, thế chưa Tết nào mẹ nựng cháu mẹ nhỉ ?
Vậy là anh và con đã lớn rồi đấy! Con cái mẹ ngày càng lớn, trong thâm tâm con chỉ muốn bé con của con biết háo hức đón tết dù rằng con chẳng có cảm giác mong chờ ngày tết như con ngày nào. Bởi vì cuộc sống của con quá đầy đủ, con chẳng cần đợi tết đến mới có áo quần mới. Con cũng chẳng cần chờ đến tết mới có bánh mứt, dưa hấu. Nhưng con vẫn nói cho con biết chỉ có Tết, cả nhà mình mới được sum vầy .
Không khí xuân đang về trên muôn nơi, con lại nghe văng vẳng bên tai lời ai hát: “Nếu con không về chắc mẹ buồn lắm”. “Tết lại về, mẹ già ở quê lại mong chờ một cái tết sum vầy”. Con biết mẹ buồn lắm khi nghe chuyện anh. Nhưng con cũng nhớ mẹ vui lắm khi nghe tin anh vào đại học như thế nào. Bao nhiêu năm mẹ mong chờ cái tết có đầy đủ các con quây quần bên mẹ, bù đắp lại những ngày tháng chia xa không con cái nào về bên mẹ.
Nhưng 7 năm rồi, sau cái tết sum vầy đó, năm nào mẹ cũng hồi hộp, mẹ luôn mong chờ…
Mẹ luôn mong 1 ngày như 7 năm trước
Mẹ ơi! Mỗi mùa xuân sang mẹ lại già thêm một tuổi, mỗi mùa xuân sang ngày con xa mẹ càng gần, chẳng biết đời này con còn bên mẹ được bao lâu, cuộc sống ngắn ngủi lắm,
Tết sau con mong tặng quà mừng tuổi mẹ là một cái Tết sum vầy mẹ nhé!
Tết này xa mẹ thật rồi !
Nhưng năm nay con sẽ không khóc và sợ Tết nữa đâu mẹ nhé !
Năm nay con lớn rồi .
Con của mẹ - Nhân Bùi
http://nguoibuongio1972.multiply.com/journal/item/490/490
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét