Pages

Thứ Sáu, 11 tháng 5, 2012

Mỹ kéo đồng minh, tránh Trung Quốc




Hai tuần vừa qua, Chính quyền Obama đã triển khai một chính sách mạnh mẽ và thực chất hơn đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương, so với các hoạt động chỉ có tính chất "đề-pa" trước đó. Đáng chú ý, các hoạt động này tập trung vào việc tăng cường quan hệ với các đồng minh, thay vì chỉ tập trung đối phó trực diện với Trung Quốc.

Dồn dập Ngoại giao đồng minh
Trong gần hai tuần vừa qua, các hoạt động ngoại giao song phương với các nước châu Á đã diễn ra liên tục, sôi nổi, đi sâu vào các nội dung hợp tác cụ thể. Ngày 30/4, Tổng thống Obama tiếp Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda trong chuyến thăm đầu tiên của một lãnh đạo Nhật Bản đến Nhà Trắng trong 3 năm qua. Hai bên ra tuyên bố chung, tiếp tục khẳng định liên minh giữa hai nước là "hòn đá tảng của hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương".

Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và Bộ trưởng Quốc phòng Leon Pannetta đã đã có cuộc hội đàm với hai người đồng cấp Philippines, cuộc đối thoại đầu tiên trong lịch sử hai bên có tính chất như vậy. Tương tự như với Nhật Bản, thông qua cuộc hội đàm với Philippines, chính quyền Obama muốn củng cố "trục - nan hoa" của Mỹ với các đồng minh ở khu vực.
Cũng trong thời gian này, sau 1 năm ngày trùm khủng bố Bin Laden bị tiêu diệt (1/5/2011), Obama thực hiện chuyến thăm bất ngờ đến Afghanistan. Chuyến đi khẳng định cam kết của Mỹ giúp Afghanistan tái thiết sau khi Mỹ rút toàn bộ quân vào năm 2014, đồng thời cải thiện quan hệ căng thẳng gần đây giữa Washington và Kabul. Nhân chuyến thăm này, chính quyền Obama đã ký thỏa thuận đối tác chiến lược với chính quyền Tổng thống Karzai.
Ngày 3/5, Ngoại trưởng Hillary Clinton đến Trung Quốc tham dự Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ - Trung lần thứ IV, đồng thời cũng mở đầu cho chuyến công du 3 nước châu Á là Trung Quốc, Bangladesh và Ấn Độ. Bên cạnh việc bàn luận những vấn đề trọng tâm của quan hệ Mỹ - Trung như tỷ giá đồng Nhân dân tệ hay thâm hụt thương mại, hai bên cũng trao đổi về vấn đề Iran, Triều Tiên và một số vấn đề an ninh khác, trong đó có vấn đề an ninh không gian kỹ thuật số. Ngay sau đó, Lầu Năm Góc đón Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt. Bà Hillary cũng ghé thăm New Dehli nhằm làm ấm lại quan hệ Mỹ - Ấn sau những căng thẳng xung quanh việc New Dehli có những động thái đối với Iran trái với mong muốn của Washington.

Bao vây, khoanh rào?
Có thể thấy chính quyền Obama đã cụ thể hóa một bước chính sách tái cân bằng với khu vực châu Á - Thái Bình Dương thông qua việc tránh đối đầu trực diện với Trung Quốc trong khi tăng cường quan hệ với các đồng minh chủ chốt.
Thứ nhất, thông qua các chuyến thăm trên, chính quyền Obama muốn làm sâu sắc thêm quan hệ với các đồng minh Nhật Bản, Philippines và cải thiện với hai đối tác quan trọng khác là Afghanistan và Ấn Độ. Trên hết, Mỹ muốn tái khẳng định vai trò quan trọng của các liên minh và cam kết của Washington tại khu vực. Mạng lưới các đồng minh chủ chốt và đối tác quan trọng sẽ tiếp tục là nền tảng cho Mỹ hiện thực hóa chính sách châu Á mới.
Thứ hai, đối với "quan hệ vừa hợp tác vừa đấu tranh" với Trung Quốc, Mỹ đã hết sức khéo léo và khôn ngoan để cuộc Đối thoại chiến lược và kinh tế diễn ra suôn sẻ ngay trong thời điểm xảy ra vụ việc của luật sư Trung Quốc Trần Quang Thành, đe dọa có thể gây căng thẳng quan hệ hai nước. Một số nhận xét cho rằng Đối thoại Mỹ - Trung lần này, tuy vẫn còn nhiều bất đồng, nhưng sự gay gắt đã giảm và hai bên đã chú trọng vào mặt hợp tác nhiều hơn.
Như vậy, những hành động ngoại giao dồn dập thời gian qua cho thấy một mặt chính quyền Obama sẽ tiếp tục thúc đẩy chính sách tái cân bằng với khu vực châu Á - Thái Bình Dương (một số quan chức của Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng chính quyền Obama không muốn tiếp tục sử dụng khái niệm "xoay trục" -pivot, thay vì đó dùng khái niệm "tái cân bằng -rebalancing" để phản ánh chính xác hơn bản chất của chính sách). Mặt khác, Mỹ sẽ thực hiện chính sách đó thông qua việc tăng cường quan hệ với các đồng minh, làm yên lòng các nước này và một số nước khác trong khu vực, thay vì chỉ tập trung chĩa mũi dùi vào Trung Quốc, nhưng vẫn đạt mục đích "nhằm" vào Trung Quốc. Như một nhà phân tích của Đại học Quốc phòng Mỹ nói, chính sách "tái cân bằng" cần tránh tạo ra ấn tượng đây chỉ là "trò chơi có tổng số bằng không", nghĩa là nếu tôi được thì anh sẽ mất.

Nguồn: TVN

Không có nhận xét nào: