Pages

Thứ Ba, 8 tháng 5, 2012

Tản mạn về Hòa và Đồng

Tịt Tuốt

‘Không phải đến bây giờ, TBT Đảng mới kêu gọi chỉnh đốn Đảng. Vấn đề này đã có từ xa xưa, nhưng Đảng càng chỉnh thì càng đốn. Thế nhưng loại phê bình đó chỉ là công cụ để cai trị, công cụ để trấn áp những ai không cùng phe cánh với lãnh đạo, công cụ khai trừ những “trung ngôn nghịch nhĩ” hơn là công cụ để tìm hiểu sự thật, công cụ sửa sai, chỉnh đốn và hoàn thiện.’”
Tính thói thông thường của người đời là nghe nói hùa theo ý mình thì vui, nghe nói trái với ý mình thì giận. Nhiều người thích vui hơn là chịu nuốt hận khi ai phê bình, nên chỉ thích nghe lời nói theo ý mình, mặc kệ những điều nghe được đúng hay sai, hợp lý hay trái đạo.
Người quân tử, vốn quan niệm “chê ta mà chê đúng là thầy của ta, khen ta mà khen bậy là kẻ thù của ta”. Nghe lời chỉ trích đúng, mừng còn hơn bắt được của. Hạnh phúc gần bằng cưa được…giai nhân KD trong hang Cua.

Kẻ tiểu nhân không như vậy, nghe một lời dua nịnh, khen bậy, vuốt đuôi, mặt vui hớn hở, coi người nói như tri kỷ, nhưng thực ra chỉ là nhất thời vì quyền lợi. “Hết cơm hết gạo, hết ông tôi”
Vì thế, tiếng nói đối lập, không cùng chung với mình, là những “thế lực thù địch”, “không theo ta là chống lại ta”.
Giai thoại người xưa
Sách tả truyện có chép lại một giai thoại để cho thấy cái khác nhau giữa kẻ tiểu nhân và người quân tử.
Vua Tề Cảnh Công đi săn ở ấp Bái, cho người cầm một chiếc cung gọi viên quan Ngu Nhơn tới hầu. Ngu Nhơn không tới. Cảnh công sai bắt. Khi lính giải Ngu Nhơn tới, Cảnh Công giận dữ muốn bắt tội. Ngu Nhơn thưa:
- Xưa tiên quân đi săn, cho cầm cờ triệu Đại Phu, cầm cung gọi Sĩ Quan, cầm mũ chiến gọi Ngu Nhơn. Thần không thấy mũ chiến, không dám tới.
Cảnh Công thấy Ngu Nhơn nói đúng lẽ, phải tha.
Khi đi săn về, Cảnh Công cùng Tướng Quốc Yến Anh ngồi trên đài. Xa xa có quan đại phu Lương Khâu Cứ đang vội vàng đi tới.
Cảnh Công nói:
- Nội trong triều chỉ có Lương Khâu Cứ là hoà hợp với Trẩm.
Yến Anh nói:
- Lương Khấu Cứ chỉ “Đồng” với Bệ Hạ, chớ không “Hòa” với Bệ Hạ.
Cảnh Công hỏi:
- Hoà với Đồng khác nhau ư?
Yến Anh đáp:
- Khác chứ. Hoà thì như là bát canh. Các thứ thịt, cá, rau, muối, dấm, nước đúng cân đúng lượng, hoà hợp với nhau, ăn vào mát ruột. Đạo vua tôi cũng vậy. Trong một việc, Vua cho là phải, nếu có phần nào chưa phải, tôi cần sửa ngay. Vua cho là trái, có phần nào phải, tôi cần biết ngay. Có như thế, chính trị mới công bằng, dân mới không thấy có cái gì trái.
Quan Tướng Quốc Yến Anh còn nói thêm:
- Hoà cũng như là tiếng nhạc, năm thanh, sáu luật, phải hợp với nhau, tiếng nhạc mới hoàn hảo. Nay như Lương Khâu Cứ, điều gì Vua cho là phải, y liền tán đồng cho là phải ngay. Điều gì Vua nói là trái, cũng tán đồng cho là trái ngay. Như vậy chỉ có Đồng, chứ không phải là Hoà. Nếu canh chỉ có một chất nước mà thôi, thì sao gọi là canh; nếu đàn cầm, đàn sắt chỉ có một âm thanh, sao gọi là nhạc. Hoà khác với Đồng. Như Bệ Hạ và Lương Khâu Cứ, chỉ có Đồng mà thôi.
Hoà là đạo của người quân tử, Đồng là thói của kẻ tiểu nhân.
Khổng Tử đã nói rằng: “Quân tử Hoà nhi bất Đồng, tiểu nhân Đồng nhi bất Hoà”.
Xem như vậy người quân tử cần nghe điều đúng với lẽ phải, chân lý, hợp với đạo lý. Còn kẻ tiểu nhân, ngược lại, thích nghe những điều hợp với lỗ tai, đúng với ý thích.
Hoà và Đồng của thời nay
Người quân tử thời nay mỗi ngày một hiếm, nên chi kẻ đợi để nghe điều hay lẽ phải, để nghe những điều hợp với đạo lý, thật là khó kiếm. Còn những kẻ thích nghe những chuyện khoái cái lỗ nhỉ, mỗi ngày một nhiều, không xiết kể. Nhiều kẻ thích nghe giọng điệu vuốt đuôi, nghe riết rồi thành thói quen, hể nghe ai nói điều trái ý, lập tức đùng đùng nổi giận, cho dù rằng những điều trái ý ấy, nếu biết làm theo, sẽ ích lợi cho mình, cho công việc mình đeo đuổi biết bao nhiêu.
Ông bà ta có câu: “Cực bậy mà lại ghét người chê mình, rất dở mà lại thích người khen mình, như vậy dù muốn không dở cũng không được”.
Đã đem thân ra gánh vác việc đời, cái câu đầu tiên mà ai cũng phải học là “Nhân vô thập toàn”.
Bởi “vô thập toàn”, nên khi hành sự, tất có lúc đúng, lúc sai, có chỗ trúng, chỗ trật. Người bị mê man trong cuộc, làm sao mà sáng suốt để thấy cái sai, cái trật của mình. Muốn thấy được, ắt là phải có người đứng ngoài bảo ban, góp ý. “Nó lú, có chú nó khôn”, ông bà mình đã bảo vậy mà.
Vậy thì cớ sao, có nhiều kẻ, mình đã lú, có chú mình khôn bảo ban cho, lại không đồng ý? Chắc có điều gì ẩn ý bên trong?
Thời thế ngày nay lộn xộn, xã hội đảo điên, đại sự nào đề ra cũng đầu voi đuôi chuột, chuyện chưa xong đã xào xáo trăm bề, bên ngoài chưa thấy thành công, bên trong đã nát ngứu như tương.
Nguồn vốn vay nước ngoài mỗi năm lớn như thế, lại chỉ thòi ra được mấy cái hiệu quả vừa bé vừa nham nhở như đuôi chuột bị mèo gặm dở, còn “hiệu quả nổi bật” thì chưa hốt xong PMU18 đã thấy chình ình một bãi PCI. Chưa dọn xong PCI lại thấy lù lù một đống Vinashin…
Tình trạng đó sỡ dĩ mà có, chẳng qua vì xã hội thừa cái thói Đồng nhưng lại thiếu cái đạo Hoà, thiếu cái “công cụ” cần thiết để làm sạch xã hội.
Không phải đến bây giờ, TBT Đảng mới kêu gọi chỉnh đốn Đảng. Vấn đề này đã có từ xa xưa, nhưng Đảng càng chỉnh thì càng đốn. Trước thời kỳ đổi mới, và ngay cả hiện tại, kiểu kiểm điểm và tự phê bình cũng rất phổ thông trong các cơ quan đoàn thể kinh tế, chính trị, và xã hội.
Thế nhưng loại phê bình đó chỉ là công cụ để cai trị, công cụ để trấn áp những ai không cùng phe cánh với lãnh đạo, công cụ khai trừ những “trung ngôn nghịch nhĩ” hơn là công cụ để tìm hiểu sự thật, công cụ sửa sai, chỉnh đốn và hoàn thiện.
Cho nên không ít công dân và đảng viên lương thiện đã vì ngây thơ tin vào cái phê và tự phê, tin vào cái đạo Hoà hơn là cái thói Đồng, mà lãnh búa rìu oan nghiệt.
Nhân bàn chuyện về Hoà với Đồng, xin nhắc sơ đến cái MTTQ, một tổ chức không ít chuyện lùm xùm trong vụ bê bối Đặng Hoàng Yến mới đây.
Chức năng đúng của tổ chức “Mặt trận tổ quốc” là gì? Đó là tổ chức tổng hợp ý kiến của toàn dân, chỉ có Mặt trận mới có thể tổ chức phản biện để Đảng và Nhà nước thường xuyên nhận được phản ứng của các tầng lớp nhân dân đối với mọi chủ trương, chính sách, khen hoặc chê, đồng ý hoặc cần sửa chữa như thế nào mới hợp lòng dân, ý Đảng. Tóm lại đó là chức năng giám sát và phản biện.
Hay nói như quan Tướng Quốc Yến Anh trong tả truyện: Nếu Đảng cho là phải, nếu có phần nào chưa phải, MTTQ cần báo cáo lại để Đảng sửa ngay. Đảng cho là trái, có phần nào phải, MTTQ cần biết. Là một tổ chức đại diện cho dân mà MTTQ lại quên mất chức năng của mình, quyên mất đạo Hoà với Đồng mới sinh cớ sự, sinh lời ong tiếng ve, thật khó nghe.
Hòa hợp và Hòa giải
Hàng năm, cứ mỗi độ tháng tư về, lại rộn rã chuyện hoà hợp, hoà giải. Thế nào là hoà hợp, hoà giải?
Hoà hợp, hoà giải nghĩa là mọi thành phần dân tộc có thể cộng sinh trên tinh thần chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt của nhau. Xu thế toàn cầu hóa là hội nhập mà không tôn trọng sự khác biệt thì sao nói đến chuyện “làm bạn với tất cả”. Định làm bạn bốn phương mà ngay trong nước mình không tôn trọng lẫn nhau thì mong gì thế giới họ tiếp mình.
Hoà hợp, hoà giải chỉ có thể tồn tại và phát triển trên mảnh đất phải thật sự độc lập, tự do, công bằng, và dân chủ có nghĩa là …nó không thể sống được dù một ngày trên miền đất chỉ biết có “đồng thuận rởm”, lãnh đạo chỉ thích ngọt mà không thích đắng, chỉ thích nghe a dua nịnh bợ, chớ không thích lời thật mất lòng, không bao giờ chấp nhận quyền lợi, quyền lực của những thành phần, đảng phái khác biệt.
Cụ thể hơn, nếu không có cái đạo Hoà của người quân tử, thì chuyện hoà hợp hoà giải sẽ khó mà thực hiện được. Một xã hội thiếu cái đạo Hoà, hay cụ thể hơn nếu không có dân chủ, có thể tự sụp đổ từ bên trong, khi những mâu thuẫn nội tại tăng cao đến độ cần giải tỏa mà lại không làm gì.
Cảnh Công biết nghe lời thẳng của kẻ Ngu Nhơn nên điển lễ mới được tôn trọng, biết nghe lời phân tích của Yến Anh nên mới biết xa với Lương Khâu Cứ, nước Tề nhờ thế mà mạnh, chính sự nhờ thế mà có qui củ, dân tình nhờ thế mà ấm no, hạnh phúc.
Bài học ngày xưa của Tề Cảnh Công về Hòa và Đồng không đáng học hay sao???

Không có nhận xét nào: