Pages

Chủ Nhật, 18 tháng 11, 2012

Đại hội 18 - câu chuyện chưa hồi kết



Trong phòng khánh tiết của Đại Lễ đường Nhân dân, các hàng ghế được dẹp sang bên, quây thành vòng tròn như một sân đua ngựa khổng lồ.
Dàn lãnh đạo mới cao cấp nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc đứng lọt thỏm trong cái 'sàn đua' trải thảm đỏ ấy để ra mắt trước gần 400 ủy viên trung ương và số đại biểu còn lại.

Đại hội 18 - Thập Bát Đại như người Trung Quốc gọi - đến đây mới chính thức khép lại.
Hai ông Tập Cận Bình và Hồ Cẩm Đào dẫn nhau đi vòng quanh chào những người đồng chí của họ. Vẻ mặt cả hai đều bắt đầu tỏ ra mệt mỏi sau một ngày dài.

Đại hội khó khăn

Không rõ trong những giây phút cuối cùng của Đại hội này các vị lãnh đạo cũ và mới nghĩ gì, nhưng trông họ bỗng nhỏ bé và bất lực.
Dư luận ở bên trong Trung Quốc nói nhiều về một cuộc đấu tranh nội bộ gay gắt và tàn khốc, mà tiêu biểu là scandal Bạc Hy Lai, khi 'ngôi sao đang lên của Đảng Cộng sản' rơi không trọng lượng vào cái hố hư vô của kỷ luật Đảng.
"Đảng phải vất vả và khó khăn lắm mới tổ chức được kỳ đại hội này," nhà vận động Thiên An Môn Lưu Tô Lý nói tại nhà ông ở phía Bắc thủ đô.
Ông Lưu, nguyên là giáo sư đại học, từng tham gia cuộc biểu tình bị đàn áp đẫm máu năm 1989, và bị tù gần hai năm. Nay ông mở cửa hàng bán sách Vạn Thịnh, là nơi giới trí thức hay tụ họp.

"Mười năm trước, chúng tôi đã từng thực sự hy vọng khi Hồ Cẩm Đào lên làm tổng bí thư. "
Bành Định Đỉnh, người hoạt động xã hội
"Nhưng họp đại hội xong chưa phải là hết, cuộc chiến vẫn tiếp tục kéo dài," ông nhận định.
Chính vì những bất đồng gay gắt trong nội bộ đó, theo Lưu Tô Lý, dù lãnh đạo nào lên cũng khó có thể giải quyết được việc gì.
"Ông này ngáng đường ông kia, cuối cùng chẳng ai đưa ra được bất kỳ giải pháp nào hết."
Trong khi đó, đang có nhiều thách thức to lớn đặt ra trước Đảng Cộng sản, mà trước hết là nạn tham nhũng, bị cho là "tồi tệ hơn thời 1989 hàng trăm lần".
Không phải tinh mắt cũng có thể nhận thấy lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc đã có nhiều động thái ngay tại đại hội để chứng minh cho người quan sát rằng đảng của họ là một khối đoàn kết.
Con số ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị rút từ chín xuống còn có bảy để dễ đưa ra quyết định hơn.
Ngay cả việc Chủ tịch Hồ Cẩm Đào quyết định rút khỏi vị trí quyền lực Chủ tịch Quân ủy Trung ương sau có sáu năm nắm quyền để "về hưu toàn diện", cũng được cho là để chứng tỏ tất cả đều đồng thuận, vui vẻ.
Tất cả diễn ra dưới con mắt theo dõi chăm chú của cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân, người có mặt ngay từ phiên khai mạc.
Thường vụ Bộ Chính trị ra mắt

'Bóng ma trong nhà hát'

Thường vụ Bộ Chính trị đa phần là người của ông Giang, ngay cả người nay đã trở thành Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, Tập Cận Bình.
Ông Tập thực sự đã chiếm được cảm tình của nhiều phóng viên phương Tây vốn thiết tha tìm điều gì đó mới mẻ trong hệ thống đảng già cỗi.
Bài phát biểu, tạm gọi là ngắn gọn vì chỉ kéo dài có 15 phút, của Tập Cận Bình trước báo giới không nói về các học thuyết giáo điều mà chỉ nhấn mạnh về dân sinh và quyết tâm cải thiện hệ thống chính trị - xã hội.
Ông Tập Cận Bình, không hiểu có được phu nhân là nghệ sỹ hát dân ca tư vấn hay không, xuất hiện trước rừng ống kính một cách ung dung, tự tại, khác hẳn với người tiền nhiệm.
Phong thái của ông mang lại nhiều lời ngợi khen từ báo nước ngoài, nhưng để giành thiện cảm và uy tín với người dân trong nước, thì còn lâu mới đủ.
"Hồ Cẩm Đào, Tập Cận Bình, Lý Khắc Cường... có gì khác đâu!" - Bành Định Đỉnh, một người hoạt động xã hội ở Bắc Kinh, cảm thán.
"Tất cả đều từ trong một giỏ chui ra," ông Bành lắc đầu.
"Mười năm trước, chúng tôi đã từng thực sự hy vọng khi Hồ Cẩm Đào lên làm tổng bí thư. Thế rồi, điều gì đã xảy ra?"
"Vụ Bạc Hy Lai, khi các mạng xã hội người ta nói đầy ra, Đảng vẫn còn ra rả chối. Để rồi khi vỡ lở ra, thì nội tình mới hóa ra kinh khủng tới mức nào."
Bà Diêu Bình
Theo Bành Định Đỉnh, có quá nhiều điều đe dọa tính chính danh của Đảng Cộng sản sau mười năm vừa qua, mà ông cho là 'thập niên u ám' của xã hội Trung Quốc.
"Nếu đảng không thay đổi được, thì sẽ chẳng có Đại hội 19 nữa đâu."

Người dân thờ ơ

"Đảng Cộng sản đã trở nên quá xấu xí trong con mắt người dân," ông Lưu Tô Lý, người từng dạy môn triết học và chính trị, nói. "Thực ra, chẳng còn gì để khiến họ vỗ ngực nhận là cộng sản nữa".
"Đảng của họ, là đảng của tư bản chủ nghĩa trong biến thể suy đồi và tồi tệ nhất!".
Diêu Bình, một phụ nữ trí thức năm nay 67 tuổi, nói xã hội và nền chính trị Trung Quốc đầy rẫy lừa dối.
Bà Diêu, từng trải qua thời kỳ Cách mạng Văn hóa, nói rằng Đảng cần minh bạch hóa hoạt động và chính sách của mình.
"Thí dụ vụ Bạc Hy Lai, khi các mạng xã hội người ta nói đầy ra, Đảng vẫn còn ra rả chối."
"Để rồi khi vỡ lở ra, thì nội tình mới hóa ra kinh khủng tới mức nào. Một con người tội phạm như vậy, mà chỉ một chút nữa là ngồi trên khán đài Đại Lễ đường ngày hôm nay!"
Thực ra vẫn còn may mắn khi có những người như ông Lưu, ông Bàn hay bà Diêu, quan tâm tới đại hội.
Nhiều người Bắc Kinh nói họ không để ý tới những gì diễn ra bên trong Đại Lễ đường Nhân dân, vì "Đảng có cho chúng tôi biết đâu, tất cả là do một nhúm người quyết định".
Dưới hàng cây ginkgo vàng rực rỡ, người lái xe taxi mở cửa, thờ ơ hỏi tôi: "Thấy đường phố thông thoáng hẳn, Đại hội kết thúc rồi à?"
"Chắc là thành công tốt đẹp chứ?"

Không có nhận xét nào: