Pages

Thứ Tư, 21 tháng 11, 2012

Ðằng sau chuyến đi Ðông Nam Á của TT Obama là Trung Quốc


Chưa đầy hai tuần lễ sau khi tái đắc cử, Tổng Thống Obama đã đến ba quốc gia Ðông Nam Á trong chuyến đi được coi là thể hiện sự tiếp nối chiến lược Hoa Kỳ hướng trọng tâm tới Á Châu do chính quyền ông đã nêu ra trước đây.
Tổng Thống Obama đến thăm bà Aung San Suu Kyi tại nhà riêng ở Yangon, trong chuyến công du dài 6 giờ tại Myanmar hôm Thứ Hai. (Hình: Nicolas Asfouri/AFP/Getty Images)
Ðây là lần thứ 5 trong vòng 4 năm, Tổng Thống Obama đã đến khu vực này. Các quan sát viên nhận định rằng chuyến thăm của tổng thống Hoa Kỳ có thể hàm chứa một ý nghĩa đặc biệt vì Thái Lan, Myanmar, Cambodia là những nước bang giao thân hữu không có va chạm tranh chấp gì với Trung Quốc như những quốc gia thành viên ASEAN khác.

Hôm Thứ Hai, một bài viết trên Hoàn Cầu Thời báo, ấn bản tiếng Anh (Global Times), tờ báo khuynh hướng dân tộc cực đoan thuộc Nhân Dân Nhật Báo của đảng Cộng Sản Trung Quốc, gọi chuyến đi Ðông Nam Á của Tổng Thống Obama “có tính cách đe dọa”. Theo báo này, sự hiện diện của tổng thống Hoa Kỳ tại hội nghị ASEAN ở Phnom Penh là “sự khuấy động vai trò của tổ chức 10 quốc gia Ðông Nam Á”.
Bài viết khuyến cáo những quốc gia này không nên hy vọng là có thể dựa vào Hoa Kỳ làm đối lực với Trung Quốc và “đừng để bị lún vào trong sự tranh chấp giữa các cường quốc”, vì có thể trở thành tay sai cho những nước như Hoa Kỳ và Nhật Bản.
Tờ Hoàn Cầu Thời Báo nói thêm: “Thực tế không thể nào những nước ASEAN có thể kết hợp để chống lại Trung Quốc, đối tác mậu dịch lớn nhất của họ. Hợp tác với Trung Quốc là lợi ích căn bản và tối cần thiết hơn là chống lại ‘mối đe dọa của Trung Quốc’ theo quan niệm cũ”.
Và bài báo kết luận: “Dù cho chuyến đi của Tổng Thống Obama có mang tính đe dọa như thế nào thì cũng sẽ không thể thay đổi thực tế là Ðông Nam Á ràng buộc với Trung Quốc về mặt kinh tế. Một số các nước ASEAN trong 4 năm qua đã nhiều lần chứng kiến những ý đồ chính trị và quân sự và thấy rằng hiệu lực phai lạt dần”.
Trong buổi thuyết trình trước CSIS (Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Tế và Chiến Lược), cố vấn an ninh quốc gia Tòa Bạch Ốc Tom Donilon đã xác nhận là Hoa Kỳ theo đuổi một mối quan hệ ổn định và xây dựng với Trung Quốc. Theo lời ông, “Có những yếu tố hợp tác cũng như cạnh tranh, nhưng về lâu về dài chúng tôi vẫn tiếp tục coi nguyên tắc quan hệ ấy là ưu tiên hàng đầu trong nhiệm kỳ thứ nhì của Tổng Thống Obama đối với ban lãnh đạo mới của Trung Quốc.”
Tổng Thống Obama trước nhất đến Thái Lan, chuyến thăm của ông đánh dấu 180 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước và từ thời kỳ Chiến Tranh Lạnh đến nay vẫn là đồng minh tin cậy của Hoa Kỳ. Nhưng trong bối cảnh mới tại Châu Á khi Trung Quốc trở thành cường quốc kinh tế và quân sự hàng đầu, chắc chắn Thái Lan phải chịu những tác động. Hôm Thứ Năm tuần trước, Bộ Trưởng Quốc Phòng Leon Panetta đã đến Bangkok thảo luận về quan hệ Mỹ-Thái, trong đó có vấn đề tăng cường hợp tác quân sự và an ninh.
Hoa Kỳ đang thúc đẩy một hiệp ước hợp tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) bao gồm nhưng Thái Lan hãy còn đang cân nhắc việc tham gia, theo lời bà Thủ Tướng Yingluck Shinawatra. Lý do chính là trong tình hình ngoại thương với Hoa Kỳ và Canada giảm sút trong những năm gần đây Thái Lan buộc phải suy tính hơn thiệt nếu như việc này phương hại đến quan hệ mậu dịch với Trung Quốc.
Tổng Thống Obama đã hội đàm với bà thủ tướng Thái Lan, hội kiến quốc vương Bhumipol Aduyadej và cùng với Ngoại Trưởng Hillary Clinton vào thăm ngôi chùa nổi tiếng có pho tượng Phật nằm bằng vàng.
Một số dư luận cho rằng việc Tổng Thống Obama đến Myanmar là quá sớm vì đổi mới tại quốc gia này chưa đến mức đủ để được cổ vũ. Chính quyền của Tổng Thống Thein Sein trên căn bản xuất phát từ một chế độ độc tài quân phiệt đã nắm giữ quyền lực từ nhiều thập kỷ, chưa hoàn toàn khai phóng về mặt chính trị, ngưng đàn áp các sắc tộc thiểu số và cải thiện nhân quyền. Tuy nhiên đây không phải là sự biểu dương những thành tích dân chủ hóa, mà Hoa Kỳ muốn chứng tỏ với thế giới là khi một chính quyền độc tài quyết định mạnh bạo cải cách và trao trả cho người dân quyền có tiếng nói của họ thì cần phải được sự hỗ trợ.
Tây phương đã cô lập chính quyền quân phiệt Myanmar từ lâu khiến cho quốc gia này chỉ có mối quan hệ duy nhất với Trung Quốc và Bắc Hàn về an ninh cũng như kinh tế. Do đó điểm quan trọng nhất trong cải cách của Myanmar là để quốc gia này ra khỏi quỹ đạo của Trung Quốc và Hoa Kỳ không thể bỏ lỡ cơ hội ấy.
Trong chuyến thăm kéo dài trong 6 giờ hôm Thứ Hai, Tổng Thống Obama chỉ đến Yangon, thủ đô cũ của Myanmar, không tới Naypyidaw, thủ đô mới do chính quyền quân phiệt đã lập nên đồng thời với việc đổi tên nước từ Burma thành Myanmar trước đây. Tổng Thống Thein Sein đã đi 320km từ Naypyidaw xuống Yangon và tiếp Tổng Thống Obama trong tòa nhà lập pháp. Biểu lộ sự hiểu biết và bằng nghi thức ngoại giao, Tổng Thống Obama đã dùng tên Myanmar trong cuộc gặp gỡ Tổng Thống Thein Sein, thay vì Burma.
Mặt khác, mặc dù như ghi nhận của các phóng viên, khi ở Bangkok, Tổng Thống Obama hai lần đọc sai tên của bà Aung San Suu Kyi, nhưng ông đã dành cho nhà lãnh đạo đấu tranh dân chủ này tất cả mọi sự đối xử với vinh dự đặc biệt. Ông và Ngoại Trưởng Hillary Clinton đến thăm bà tận nhà riêng, trong lúc nói chuyện với các phóng viên trước cửa nhà, Tổng Thống Obama đã khoác vai bà Suu Kyi, người đã từng được giải thưởng hòa bình Nobel như ông, và khẳng định rằng con đường dân chủ hóa của Myanmar là không thể nào khác.
Nói chuyện tại trường đại học Yangon, Tổng Thống Obama cho biết muốn đem đến đây niềm hy vọng để duy trì và tiếp tục động lực cải cách đất nước Myanmar. Tại quốc gia mà Phật Giáo là tôn giáo chính, tổng thống và Ngoại Trưởng Hillary Clinton cũng đến thăm ngôi chùa nổi tiếng Shwedagon, hai người bỏ giầy đi chân không vào chùa và tổng thống đã rót nước theo nghi lễ trước bàn thờ Phật.
Chặng chót trong chuyến công du 4 ngày của Tổng Thống Obama là Cambodia để tham dự hội nghị ASEAN. Khác với những đám đông dân chúng hàng chục ngàn người vui mừng chào đón tại Myanmar, tại Phnom Penh chỉ có những nhóm nhỏ rải rác đứng hai bên lộ trình đoàn xe của tổng thống từ phi cảng về tới phủ thủ tướng.
Thủ Tướng Hun Sen, 60 tuổi, đã nắm chính quyền từ khi Tổng Thống Ronald Reagan ở Tòa Bạch Ốc và cho biết sẽ giữ chức vụ cho đến khi 90 tuổi. Các bình luận gia cho rằng Hun Sen là nhà lãnh đạo thủ đoạn nhất ở Châu Á và các đối thủ của ông hoặc bị lưu đầy hoặc chết trong tù.
Cuộc hội đàm giữa Tổng Thống Obama và Thủ Tướng Hun Sen được mô tả là căng thẳng, hoàn toàn không có không khí thân mật như ở Thái Lan và Myanmar. Tổng Thống Obama nhấn mạnh đến mối quan tâm của ông về tình trạng nhân quyền ở Cambodia và Tòa Bạch Ốc đưa ra một thông cáo khẳng định rằng Hoa Kỳ hoàn toàn chưa có ý định ủng hộ Cambodia. Không có cuộc họp báo chung giữa tổng thống Hoa Kỳ và thủ tướng Cambodia sau cuộc hội đàm.
Cambodia càng ngày càng trở thành đồng minh và lệ thuộc vào viện trợ Trung Quốc, được coi như một trở lực trong ASEAN khi muốn có sự đồng thuận. Và đây là lần thứ nhì tại hội nghị ASEAN, Cambodia đã tìm cách ngăn cản việc đưa vấn đề biển Ðông ra thảo luận giữa ASEAN để làm theo ý Trung Quốc chỉ muốn có thảo luận song phương giữa hai nước thay vì với toàn khối.
Theo dự tính, Tổng Thống Obama sẽ có những cuộc thảo luận riêng với thủ tướng Trung Quốc và thủ tướng Nhật Bản bên cạnh hội nghị ASEAN. (H.C.)

Không có nhận xét nào: