Pages

Chủ Nhật, 18 tháng 11, 2012

Chính chủ và câu chuyện của cơ chế quản lý một quốc gia


Kỳ Duyên
CSGT thành phố Đà Nẵng đang làm nhiệm vụ
Câu chuyện chính chủ có lẽ đâu chỉ dành riêng cho chiếc ô tô, hay xe máy đang bon bon trên đại lộ.
Tham nhũng, giao thông và đất đai luôn là những vấn đề nóng bỏng với người dân. Bởi thế mà mới đây, Nghị định số 71 của CP quy định chế tài xử phạt người tham gia giao thông không có giấy tờ chính chủ (đối với ô tô, xe máy), giữa lúc Quốc hội khóa XIII đang kỳ họp nóng bỏng, bỗng trở thành tâm điểm dư luận.
Chính chủ và không… chính chuyên
Trước hết bởi Nghị định 71 quy định xử phạt với số tiền quá cao, so với Nghị định số 34 (cũ), so với thực tiễn đời sống người dân luôn bất ổn, khi mà xăng, ga, điện nước…, luôn tăng giảm phập phù.
Thứ hai, Nghị định 71 vừa mài sắc, lập tức “chiến” ngay, khiến người dân la vang trời.

Thứ ba, cùng một văn bản mang tính chế tài, mà ngay trong cơ quan chức năng- ngành công an, mỗi người hiểu một kiểu. Vậy hàng triệu người dân, trình độ dân trí khác nhau, sẽ hiểu để thực hiện ra sao?
Khái niệm chính chủ ngay lập tức tủm tỉm đi vào đời sống hài hước, đàm tiếu của nhân gian, của những người thích đùa. Nhà văn Nguyễn Quang Lập, còn gọi là Bọ Lập, chủ blog nổi tiếng Quê Choa, người đàn ông phong nhã hào hoa, đã có ngay bài viết hóm hỉnh Vợ chính chủ.
Bởi hôn nhân thực tế- không có giấy kết hôn, tức giấy chính chủ, không được pháp luật công nhận- ở xã hội ta chiếm tỷ lệ không nhỏ.
Bọ Lập đã phải lo lắng- vợ không chính chủ không biết có bị pháp luật…tịch thu không? Vợ không có chính chủ, biết đâu còn bị miệng tiếng xa gần, khôngchính chuyên?
Nhưng đa số người dân dở cười, dở mếu với nghị định này. Ngay đại biểu QH cũng phải kêu lên Ngồi trên trời, làm chính sách. Trong khi “dân đen” thì phải bám đất, vừa để kiếm sống, vừa loay hoay tìm cách…lách luật ra sao.
Cũng hiếm có một văn bản nào vừa định “chiến”, đã tức khắc tạm thời “đình”, như dân gian thường bảo sáng đúng, chiều sai, sáng mai lại đúng. Để tính toán lại thủ tục hành chính, xem xét lại mức phí. Cả thời gian thi hành đến thời gian hoãn lại đều đạt tốc độ “điển tích”- nhanh như vó câu qua cửa sổ.
Bình tâm suy xét, chủ trương các phương tiện tham gia giao thông phải có giấychính chủ là đúng.
Đó là thể hiện sự minh bạch, công khai chủ quyền sở hữu cá nhân của người dân với tài sản của mình. Là thái độ ứng xử của người dân với trách nhiệm quản lý đô thị của Nhà nước. Nếu biết rằng, trong thực tế, có tới 40 % số xe “trốn” phí chuyển quyền sở hữu, làm thất thoát ngân sách Nhà nước không ít.
Thế nhưng việc chính chủ đi vào thực tiễn, cho thấy từ tư duy, đến cách làm còn quá nhiều khập khiễng, khiếm khuyết:
Bởi lẽ, quản lý Nhà nước các ngành chức năng hầu như không có sự tuyên truyền, vận động để làm cho người dân nhận thức đúng một cách hành xử văn minh, trong thời hiện đại, về quyền sở hữu của mình. Nên nhớ rằng, trước đây, việc tuyên truyền đội mũ bảo hiểm đã phải kéo dài suốt hàng năm trời.
Quy định mức xử phạt không có giấy chính chủ cao ngất ngưởng (từ 6-10 triệu đồng/xe ôtô, 1 triệu đồng/ xe máy), giữa thời buổi ga châu, xăng quế khiến người dân lo sốt vó. Nhiều người nghèo còn chưa biết kiếm tiền đâu ra để thực thi quyền sở hữu tài sản của mình.
Giữa lúc đó, Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính lại quy định số tiền thu được từ xử phạt được trích một phần cho lực lượng chức năng tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông Chao ôi, khiến cả xã hội có cảm giác bị tận thu ghê quá! Hệt câu chuyện ngụ ngôn nọ, có anh nông dân mới nghĩ chuyện trồng khoai, anh láng giềng bên cạnh đã nghĩ ngay cần… nuôi ngựa.
Mặt khác, nhìn ở tầm quản lý vĩ mô, rất không công bằng nếu so sánh giữa phívà dịch vụ giao thông: Khi truy thu đến từng người dân phí sở hữu xe máy, ô tô, mà trước đó, trên lưng, họ đã phải cõng tới 9-10 loại phí tham gia giao thông, trong thực tế, người dân đã được hưởng thụ dịch vụ giao thông xứng với đồng tiền họ phải đóng chưa?
Chả lẽ, đóng tới 9-10 loại phí giao thông, đổi lại, họ luôn được hưởng cái… điệp khúc tắc đường, kẹt xe, ngày nào cũng hệt ngày nào? Làm thất thoát, lãng phí thời gian, công sức và hiệu suất lao động của hàng triệu người dân. “Phí” (lãng) đó, ngành giao thông có tính nổi?
Rất không công bằng, nếu đòi hỏi tài sản ô tô, xe máy (có khi là loại cà tàng) của người dân phải có chính chủ, trong khi tài sản lớn của toàn dân bị tham nhũng, bị thất thoát hàng nghìn tỉ đồng một cách không chính chuyên, lại không hề có…chính chủ.
Ai là chính chủ của các Vina khủng, của đại lộ Đông- Tây, của con đường nghìn tỷ TP. HCM, của các công trình chào mừng 1000 năm Thăng Long- Hà Nội (đường Lê Văn Lương nối dài, đại lộ Thăng Long, Quốc lộ 32…) đây?
Không ai cả!
Dân sẽ được quyền xử phạt lại các loại tài sản tham nhũng, thất thoát thiếu chính chủ này như thế nào?
Không ai cả!
Vẫn thiếu chính chủ
Tại kỳ họp QH lần này, an toàn của các đập thủy điện nổi lên như một trong những vấn đề trung tâm, thì vị trưởng của ngành xây dựng cũng nổi lên như một trong bốn nhân vật trung tâm- thành viên Chính phủ-  phải trả lời nhiều chất vấn của các đại biểu xung quanh vấn đề này.
Đó cũng có thể coi là một cuộc khảo thí, “thi vấn đáp”, sát hạch trình độ quản lý.
Trong thực tế, việc thực hành (quản lý Nhà nước) các công trình, dự án, các chủ trương chính sách, còn nhiều khiếm khuyết, thì nếu “thi vấn đáp” tốt, vẫn có thể gây ấn tượng tốt. Còn nếu thực hành đã chưa tốt, mà về lý thuyết lại không thuộc bài, thì dĩ nhiên, điểm tín nhiệm khó cao.
Phiên chất vấn trong hai ngày 12 và 13/11 về những sai phạm ở thủy điện Sông Đà, về độ an toàn của thủy điện Sông Tranh 2 là một phiên thi vấn đáp khá vất vả. Giám khảo- các đại biểu QH- đã cười râm ran nhiều lần. Đó cũng là một cách cho điểm… ý nhị.
Sao không cười được, khi trước chất vấn về những sai phạm của thủy điện Sông Đà, gây thất thoát lên tới 10 nghìn 676 tỷ đồng, trả lời câu hỏi: Còn bao nhiêu tổng công ty ngành xây dựng có sai phạm tương tự? ông đã có một phát ngôn hồn nhiên rất ấn tượng: Chúng tôi đã có thông tin, nhưng để quên.
Nhưng nhất là câu trả lời của ông, số tiền thất thoát 10 nghìn 676 tỷ đồng, là docó những vấn đề về nguyên tắc chứ không phải tiền thất thoát. Số tiền này không phải đã mất đi mà là do vi phạm nguyên tắc.
Một khái niệm về thất thoát cũng hơi thiếu….chính chủ, khiến hội trường lại râm ran bàn luận. Bởi về quản lý, ai cũng biết, vi phạm nguyên tắc thu chi tài chính, rất dễ dẫn đến những sai phạm.
Nhưng ông còn làm người dân theo dõi trực tiếp màn hình nhỏ ngạc nhiên lớn, khi trả lời vi phạm đó của Chủ tịch Tập đoàn Sông Đà không đến mức phải xử lý kỷ luật.
Bỗng nhớ tới Nghị định 71, chế tài xử phạt người dân  nghiêm khắc khiến dân tình hoang mang, và bất bình. Giữa “trốn phí” chuyển quyền sở hữu tài sản chỉ vài chục triệu, với lãng phí, thất thoát, sai nguyên tắc tới gần 11 nghìn tỷ đồng là một khoảng cách lỗi vi phạm quá lớn. Vậy chẳng lẽ vị trí xã hội dân thường, quan chức khác nhau, thì mức xử lý sẽ nặng, nhẹ cũng khác nhau nốt?
Sôi động nhất, hơn cả phần vấn đáp Sông Đà, là phần trả lời chất vấn về Sông Tranh 2.
Không biết có phải vì đặt trên đới đứt gãy không, mà Sông Tranh 2 thất thường hệt tính khí đàn bà. Khi an toàn thì êm ả. Khi “đến kỳ” thì bỗng nhiên liên tục rung, lắc… Khiến cho câu trả lời của ngay các nhà khoa học, nhà chuyên môn về sự ổn định, hay an toàn của Sông Tranh 2 nhiều lúc cũng …lắc, rung rất khác nhau. Người thì bảo an toàn, người thì cãi chưa, vì cứ “đến kỳ” là thấy …động!
Trong khi ấy, độ hoang mang của chính quyền cơ sở, người dân khu vực Sông Tranh 2 vẫn vẹn nguyên.
Có lẽ vì thế, mà phần vấn đáp của vị trưởng ngành xây dựng, cũng nhiều lúc… rung, lắc không ổn định.
Ông đưa ra những thông số kỹ thuật, dẫn chứng các đoàn cán bộ tư vấn Nhật Bản, Thụy Sĩ đã đến khảo sát, làm việc. Nhưng các đại biểu, người dân chỉ muốn nghe câu khẳng định chính danh từ ông với Sông Tranh 2, để yên lòng, thì chưa thể.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, sau những trả lời của ông phải nhận xét: Tôi cũng chưa yên tâm về Sông Tranh 2.
Với trách nhiệm của người đứng đầu ngành xây dựng về số phận con đập, người dân cũng sẽ chưa thể hài lòng trước câu trả lời rất chung: Các cơ quan liên quan phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Vì sao, cả nghị trường và hàng triệu người dân không thỏa mãn trước “bài thi vấn đáp” về thủy điện Sông Tranh 2?
An toàn Sông Tranh 2 là vấn đề quá khó, vượt quá năng lực kiểm soát của khoa học, kỹ thuật. Hay vì lo ngại trách nhiệm cá nhân quá lớn, khiến ông không dám tự tin trả lời dứt khoát? Mà chỉ khẳng định về trách nhiệm tập thể, dĩ nhiên, không có cá nhân nào phải chịu trách nhiệm cao nhất.
Có lẽ vì thế, mới đây, vào lúc 14 giờ 28 phút, ngày 15/11, thủy điện Sông Tranh 2 có câu trả lời hộ cho ông, trước những băn khoăn của cả nghị trường. Một trận động đất lớn nhất từ trước tới nay-  4,7 độ Richter lại vừa xảy ra, khiến người dân lại chạy hoảng loạn.
Nói theo Nghị định 71, Sông Tranh cũng đang thiếu giấy chính chủ.
Bao giờ luật lên ngôi?
Không diễn ra ở trong nghị trường nóng bỏng, nhưng có một sự kiện, trong đó vị quan chức đã nghỉ hưu- nhân vật trung tâm của sự kiện, cũng “hot” không kém, vừa diễn ra vào chiều 8/11 mới đây.
Đó là việc GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên- Môi trường, gặp mặt và đối thoại với những người nông dân Văn Giang về một chủ đề hóc búa nhất- đất đai.
Chắc chắn cuộc đối thoại này sẽ phải đi vào lịch sử của vấn đề sở hữu đất đai, như một dấu ấn riêng biệt, không thể quên. Liệu cuộc đối thoại này có đem đến cho chính quyền các cấp, cho các chuyên gia, các nhà luật pháp về đất đai những suy nghĩ gì không?
Tờ VnEconomy, ngày 09/11đã phải giật tít Tiền lệ Đặng Hùng Võ.
Cuộc gặp mặt và đối thoại của vị quan chức đã nghỉ hưu với những người nông dân Văn Giang, cuối cùng, nên coi là cái kết có hậu, làm minh bạch, sòng phẳng những nghi vấn của người nông dân với vụ việc thu hồi đất tại đây. Một vụ việc đã gây ra biết bao tâm lý căng thẳng, phức tạp, làm chia rẽ mối quan hệ giữa dân với chính quyền…
Nhưng, chính ở cuộc đối thoại sòng phẳng này, đã mở ra những thông tin cũng mang tính “tiền lệ” rất đáng sửng sốt. Mà hai văn bản ông Đặng Hùng Võ trình sai thẩm quyền và ký cấp tập trong những ngày cuối cùng khi Luật Đất đai 1993 hết hiệu lực trong dự án Văn Giang, chỉ là nằm trong hệ thống “tiền lệ” ấy.
Có quá nhiều bài viết xung quanh chủ đề này. Nhưng người viết chú ý nhất đến những trả lời phỏng vấn của ông trên Tuần Việt Nam (12/11):
Suốt 10 năm trước khi Luật Đất đai 2003 có hiệu lực, chúng ta đã không thực hiện đúng thẩm quyền, với hơn 3000 văn bản. Vụ Văn Giang nằm trong loạt các văn bản này.
Chính phủ vẫn nói rằng Chính phủ ủy quyền cho Thủ tướng nhưng sự thật lại có điều luật: Thẩm quyền giao đất, cho thuê đất thì không được ủy quyền.
Người dân chất vấn tôi, rằng đáng lẽ tôi phải trình ông này, tôi lại gửi một ông khác, thì chắc chắn, nếu xét trường hợp đơn lẻ này, tôi đã làm sai, trình trái thẩm quyền. Nói nhẹ là không đúng thẩm quyền, còn nói đằng thắng là trái luật.
Nhưng thực ra, đó không phải là cố ý làm không đúng thẩm quyền. Giai đoạn trước luật 2003 chúng ta đều làm như vậy, theo thông lệ.
… Chúng ta đã làm theo lệ chứ không phải theo luật. Câu chuyện phức tạp ở chỗ đó.
Đó là sự thừa nhận sai lầm một cách sòng phẳng của một quan chức, dẫu muộn mằn. Một sự thật buồn và cay đắng của cách làm việc theo “lệ” không theo luật.
Sai thì cũng sai rồi. Trả giá thì cả chính quyền lẫn người dân cũng đã phải trả giá rồi.
Nhưng điều quan trọng hơn, liệu cuộc nhận lỗi cá nhân này của vị cựu Thứ trưởng sẽ có dẫn đến những thay đổi lớn về nhận thức và hành động của các cấp quản lý chính quyền, từ vi mô đến vĩ mô không, trong vấn đề đất đai?
Tấc đất- tấc vàng, nên nó chứa trong đó tất cả, mồ hôi lao động, nước mắt, lòng tham, thủ đoạn, sự tàn độc…, có khi làm băng hoại cả đạo lý giữa máu mủ ruột thịt.
Liệu cuộc đối thoại có thể dẫn đến một sự thay đổi quan trọng?
Đó là sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung những văn bản luật xung quanh lĩnh vực đất đai, và quyền sở hữu?
Dẫn đến một sự thay đổi còn quan trọng hơn cả trong cung cách quản lý? Đó là luật pháp phải được tôn trọng, và hành xử thay thế cho mọi thứ lệ?
Cái sức ì của tư duy nông nghiệp lạc hậu, tiếc thay bao đời nay, vẫn đủ sức làm khổ những người nông dân, làm xã hội trì trệ, lúng túng…
Có dẫn đến việc, trình độ của cả một đội ngũ từ quan chức đến cán bộ quản lý các cấp, phải được nâng tầm, tương xứng với sự phát triển của quốc gia trong thời hội nhập?
Tiền lệ Đặng Hùng Võ liệu có phải là sự mở đầu cho nhiều cuộc đối thoại công khai, minh bạch, sòng phẳng, để nhận rõ đúng sai giữa chính quyền và người dân trong cách ứng xử dân chủ văn minh, và công bằng?
Chính trị là gì, nếu chính trị đó không phải là để vì dân, hướng tới lợi ích của người dân?
Câu chuyện chính chủ hóa ra đâu chỉ giành riêng cho chiếc ô tô, hay xe máy đang bon bon trên đại lộ.
Mà nó cũng lại là câu chuyện nhiều cay đắng, và gian truân của cơ chế quản lý một quốc gia, đang trên hành trình hội nhập.
Kỳ Duyên
————————-
Tham khảo:
http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/tuanvietnam/96437/-chinh-chu—-ai-cung-thich–nhung—.html
http://www.baomoi.com/Phat-xe-khong-chinh-chu-Ngoi-tren-troi-lam-chinh-sach/58/9744782.epi
http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/96602/that-thoat-hon-10-nghin-ty–khong-den-muc-ky-luat-.html
http://daidoanket.vn/index.aspx?Menu=1366&Chitiet=57800&Style=1
http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/tuanvietnam/96436/-san-sang-chiu-trach-nhiem-khi-da-nghi-huu-.html
Theo Tuần Việt Nam (tựa bài của HDTG)

Không có nhận xét nào: