Pages

Thứ Ba, 20 tháng 11, 2012

NH siết nợ, đại gia Phương Nam trắng tay


(VEF.VN) – Ông Huỳnh Phúc Quế thay mặt HĐQT Công ty CP chế biến thực phẩm Phương Nam, tại Sóc Trăng đã ký phương án tái cấu trúc lại toàn bộ doanh nghiệp để giải quyết khoản nợ 1.600 tỷ đồng. Các ngân hàng đã thống lĩnh toàn bộ thị phần của doanh nghiệp, mà không để lại một phần trăm nào cho các thành viên trong HĐQT.
Phương án tái cơ cấu
Ngày 17/11, tại UBND tỉnh Sóc Trăng vừa diễn ra cuộc họp đưa ra các phương án tái cơ cấu Công ty Phương Nam, nhằm giải quyết vấn đề nợ nần của 8 ngân hàng với tổng số tiền 1.600 tỷ đồng.
Trong tổng số dư nợ 1.600 tỷ đồng của 8 ngân hàng bao gồm: Ngân hàng Nông nghiệp (Agribank) dư nợ là hơn 498 tỷ đồng (chiếm 31,22%); Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) dư nợ hơn 340 tỷ đồng (chiếm 21,41%); Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPortBank) dư nợ gần 330 tỷ đồng (chiếm gần 21%);

Ngân hàng ngoại thương (Vietcombank) hơn 140 tỷ đồng (chiếm gần 9%); Ngân hàng Sài Gòn thương tín (sacombank) dư nợ hơn 146,7 tỷ đồng (chiếm 9,21%); Ngân hàng thương mại CP An Bình (ABbank) dư nợ hơn 81 tỷ đồng (chiêm 5,1%); Ngân hàng Việt Thái dư nợ hơn 49 tỷ đồng (chiếm 3,13%) và Ngân hàng Công thương Vietinbank dư nợ 8 tỷ đồng (chiếm 0,5%).
Nguyên nhân chính dẫn đến Công ty Phương Nam vỡ nợ lên đến 1.600 tỷ đồng là do dùng phần lớn số vốn vay ngắn, trung hạn đầu tư vào các tài sản cố định và tài sản cố định không phục vụ được hoạt động sản xuất kinh doanh.Nếu như doanh nghiệp Bianfishco chuyên sản xuất, chế biến xuất khẩu con cá da trơn thì thế mạnh chủ lực Công ty Phương Nam là con tôm. Ngoài nguồn nguyên liệu chủ yếu ở Đồng bằng sông Cửu Long, doanh nghiệp này còn mở rộng thu mua ở các tỉnh Khánh Hòa và TP.HCM.
Trong phương án tái cơ cấu Công ty Phương Nam, vấn đề xử lý nợ trước khi tái cấu trúc đối với tài sản thế chấp (trừ Nhà máy chế biến thủy sản) đang thế chấp tại Ngân hàng chủ động bán tài sản và cấn trừ vào khoản nợ. Các tổ chức tín dụng, chuyển một phần vốn vay thành vốn góp tương ứng với tài sản hàng tồn kho luân chuyển và tương ứng phần dư nợ có khả năng mất vốn.
Ngoài ra, phương án tái cấu trúc còn đề nghị các ngân hàng, tổ chức tín dụng cho khoanh nợ trong vòng 3 năm, đối với các khoản nợ sau khi đã được tái cấu trúc.
Tổng dư nợ là 1.600 tỷ đồng, trừ đi khoản thế chấp nhà máy là 200 tỷ đồng trước khi tái cấu trúc Phương Nam chỉ còn 1.400 tỷ đồng.
Riêng số vốn điều lệ mới, sẽ chuyển từ dư nợ sang tham gia góp vốn là trên 465 tỷ đồng. Trong 4 thành viên HĐQT Công ty Phương Nam, chỉ còn ông Huỳnh Phúc Quế thành viên HĐQT đang ở trong nước sẽ được đại diện một phần vốn góp do một tổ chức tín dụng nào đó ủy quyền.
Tổng dư nợ sau khi các ngân hàng tham gia góp vốn là khoảng 930 tỷ đồng, trong đó, phải trả lãi suất ngắn hạn và trung hạn là hơn 388 tỷ đồng. Khoản nợ được khoanh vùng trong 3 năm phải trả là trên 541 tỷ đồng thuộc 4 ngân hàng.
Đại gia trắng tay?
Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Hồng Lâm – luật sư của Công ty Phương Nam, cho biết, trong buổi họp các ngân hàng, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng và doanh nghiệp đều chấp thuận phương án tái cấu trúc doanh nghiệp.
Khi đề cập đến phần trăm của các thành viên HĐQT Công ty Phương Nam dường như không được đề cập trong phương án tái cơ cấu. Ông Lâm cho biết, trong các cuộc họp trước, các ngân hàng đã đồng ý “bằng miệng” để lại 5% cho ông Lâm Ngọc Khuân – Chủ tịch HĐQT. Đến nay phương án tái cấu trúc chi tiết vẫn chưa thể công bố.
Cũng theo ông Lâm, trong cuộc họp ngày 16/11 có đại diện Công ty mua bán nợ (DATC) Bộ Tài chính tham dự. Người đại diện của công ty mua bán nợ cho biết, trong trường hợp những ngân hàng nào không muốn tham gia góp vốn với Công ty Phương Nam thì có thể thương lượng với Công ty mua bán nợ để giải quyết.
Chúng tôi liên lạc với ông Trần Văn Trí – người vừa được bầu lên làm Giám đốc Công ty CP chế biến thực phẩm Phương Nam xác nhận, ông Huỳnh Phúc Quế, người đại diện HĐQT đã ký tái cấu trúc cùng các ngân hàng. Các thành viên HĐQT cũ không có phần trăm nào trong bản tái cấu trúc doanh nghiệp.

Các khoản nợ 8 ngân hàng với số tiền 1.600 tỷ đồng. Ảnh: Quốc Huy
“Quan điểm của tôi là ông Lâm Ngọc Khuân và gia đình là người tạo dựng lên thương hiệu Công ty Phương Nam, một thương hiệu mạnh về con tôm ra thị trường nước ngoài. Đó chính là mồ hôi, công sức và cả xương máu tâm huyết bao năm qua giờ chẳng lẽ trắng tay sau khi tái cơ cấu. Vậy nên, các ngân hàng phải xem xét lại phần trăm nào đó sau khi tái cấu trúc toàn diện doanh nghiệp” – trăn trở của ông Trí.
Tuy nhiên, theo luật tín dụng các ngân hàng và kể cả công ty con của ngân hàng không được góp vốn quá 11%, (theo điều 129 luật tổ chức tín dụng năm 2010). Trong trường hợp muốn tăng số phần trăm quá 11%, cần có sự chấp thuận của Thống đốc ngân hàng và Bộ Tài chính. Vậy nên, phương án tái cấu trúc toàn diện Công ty Phương Nam vẫn gặp khó khăn khi “chia miếng bánh” thị phần đại gia thủy sản bể nợ.

Không có nhận xét nào: