Pages

Thứ Ba, 20 tháng 11, 2012

Từ chức và lời nói suông



Hiệu Minh
Đọc trên mạng thấy bài của Dân Trí “Lời nói suông không lọt được tai dân” được khen hết lời. Sau nửa ngày lên mạng đã có 300 bình luận.
Anh Lê Chân Nhân, tác giả bài viết, kể cả chủ tờ báo Dân Trí được sự tôn trọng của hàng triệu bạn đọc.

Đọc cách đưa tin về chất vấn của ĐB Dương Trung Quốc và trả lời của TT Nguyễn Tấn Dũng cũng đủ biết các TBT của 700 tờ báo có bản lĩnh ra sao. Tờ đưa tin chi tiết, tờ khác cắt cúp, có tờ im lặng.
Mình hơi lạ, mấy trăm phản hồi toàn khen anh Quốc, khen bài hay, không thấy ai động đến đồng chí X.
Có thể tòa soạn xóa tới phân nửa comment liên quan đến kêu gọi từ chức. Dù thế nào thì cũng HOAN HÔ DÂN TRÍ.
Trong bài có nhắc đến văn hóa từ chức. Thật ra, nếu chức ấy do dân bầu lên, không làm được việc, lần sau không bầu nữa. Người có văn hóa mà đợi người ta không bầu thì ê mặt, chi bằng từ chức trước vẫn hơn.
Ỡ xã hội dân chủ, từ chức để tránh tai tiếng, sau này còn có cơ mà làm ăn. Có ngồi lại ghế nhân viên khinh bỉ, cấp dưới coi thường, cấp trên sỉ nhục, đi ra ngoài chẳng ai thèm tiếp. Đôi lúc do sức ép của hệ thống luật pháp, báo chí và truyền thông, dư luận lên án, không thể ôm ghế nên phải từ chức.
Mấy năm trước, trong hơn 60 năm tồn tại, lần đầu tiên có Chủ tịch WB, Paul Wolfowitz, phải từ chức vì đã chót dại tăng lương cho người tình. Nhân viên nổi đóa, nhiều cán bộ cao cấp còn thẳng thừng nói nếu Wolfowitz ở lại thì họ sẽ từ chức đồng loạt. Không thể làm việc với nhân viên khinh sếp, đồng nhiệm coi thường và phía đối tác ngầm khinh bỉ, Paul chọn cách ra đi.
Năm 1973, Tổng thống Nixon dính vụ Watergate cũng muốn giữ ghế lắm, nhưng phải đứng trước hai lựa chọn. Hoặc là từ chức vẫn được hưởng chế độ Tổng thống về vườn. Nếu tiếp tục tại vị  sẽ đưa ra Quốc hội luận tội. Nếu chứng minh là có tội sẽ bị đưa ra tòa, lúc đó sẽ vào tù và nhục hơn cả thường phạm. Nixon chọn từ chức vì luật pháp Hoa Kỳ không cho ai ngồi trên.
Nơi nào có chuyện mua quan bán chức nên tiền bỏ ra của đau con xót. Chưa kiếm đủ thì nhất định không về vườn. Từ chức là truyện cổ tích nhiều tập không có hồi kết. Chưa kể lợi ích nhóm, câu kết với nhau thành một “dây”, chết cùng chết. “Dây ăn cắp tầm quốc gia” không cho từ chức.
Chuyện đó xảy ra ở Philippines, Indonesia, Zimbabwe và nhiều thể chế độc tài, cho tới khi dân chúng vào tận dinh Tổng thống kéo đổ ngai vàng.
Một nhà toán học giấu mặt có công thức tính được cái giá của mua bán chức quyền và từ chức :) :roll: :razz: Ai có cách tính hay hơn, xin gửi vào comment.
Theo anh, bảng chữ cái A, B, C, D….Y, Z được đánh số từ 1, 2, 3, …., 25, 26.
Chữ Chức = CHUC = 3+8+21+3 = 35. Chạy chức = CHAY CHUC = 72.
Toán học và chức quyền
Xem bảng trên cũng biết Chạy chức và Giữ chức có giá ngang nhau (72). Đã trót bỏ tiền ra ít nhất cũng phải hoàn vốn. Từ chức trả giá cao hơn (76) vì thế ít người chọn nếu ở xã hội có chuyện mua chức bán quyền.
Còn Tự Trọng thì cao (115) vòi vọi. Chả ai dại gì mà từ chức vì lòng tự trọng dù đó là giá trị mà người lãnh đạo vẫn rao giảng cho sinh viên.
Bài báo trên Dân Trí có nói văn hóa từ chức tạo ra giá trị. Nhưng khi quyền lực không thể kiểm soát, hệ thống chính trị, pháp luật và truyền thông không đủ mạnh để lôi sâu chúa ra ánh sáng, thì câu chuyện về ôm ghế bằng mọi giá với những lời nói suông về văn hóa từ chức và lòng tự trọng trên bục sẽ còn mãi.
HM. 18-11-2012

Không có nhận xét nào: