Pages

Thứ Hai, 21 tháng 4, 2014

Tiền xây đập Tam Hiệp đi về đâu ?

Đập Tam Hiệp trên sông Dương Tử - REUTERS /STRINGER SHANGHAI
Chính quyền hứa hẹn lượng điện do đập Tam Hiệp sản xuất có thể « chiếu sáng phân nửa đất nước Trung Quốc ». Và một khi đi vào hoạt động, nhà máy thủy điện khổng lồ này sẽ giúp người dân được xài điện với giá rẻ hơn.Tuy nhiên khi thủy điện Tam Hiệp hoàn thành vào năm 2013, số lượng điện mà công trình này đóng góp vào mạng lưới quốc gia chỉ chiếm có 1,6% mà thôi. Còn về lời hứa giảm giá điện thì vẫn là lời hứa hão, trong khi lợi nhuận của tập đoàn phụ trách xây dựng đập tăng lên vùn vụt.


Tờ Courrier International số ra tuần này có bài viết mang tựa đề « Tiền từ đập Tam Hiệp đi về đâu ? » dịch từ Đông Phương Tảo Báo (Dongfang Zaobao) xuất bản ở Thượng Hải, cho biết việc thay đổi nhiều nhân sự quan trọng trong ban giám đốc Tam Hiệp đã làm dấy lên trở lại những câu hỏi về tài chính của công trường này, cùng với hệ quả trực tiếp của nó lên giá thành một kilowatt điện.
Đập Tam Hiệp hiện nay lại trở thành trung tâm tranh cãi dữ dội, với những vấn đề được đặt ra từ nhiều năm trời vẫn chưa có câu trả lời.
Ngày 12/10/2009, một người dân Bắc Kinh tên là Nhâm Tinh Huy (Ren Xinghui) đã đòi hỏi Bộ Tài chính Trung Quốc công khai tất cả các thông tin liên quan tới những nguồn thu chi của Quỹ xây dựng đập Tam Hiệp (QXDDTH), theo như luật pháp cho phép. Bộ này trả lời là do ông Nhâm Tinh Huy không phải là người chịu ảnh hưởng trực tiếp nên không thể tham khảo thông tin. Đến 28/12/2009, công dân này khiếu nại nhưng bị Bộ Tài chính gạt sang một bên. Nhâm Tinh Huy bèn kiện lên tòa án Bắc Kinh hôm 26/01/2010. Hai tháng sau, tòa bác đơn của ông.
Song song đó, tuần báo Liêu Vọng (Liaowang) của Nhà nước đã nhiều lần xin phỏng vấn về Quỹ xây dựng đập Tam Hiệp nhưng luôn bị Bộ Tài chính từ chối. Còn tập đoàn phụ trách xây dựng đập này là CTGPC (China Three Gorges Project Corporation) trả lời : « Quỹ này là một quỹ đặc biệt được ghi trong ngân sách Nhà nước, tập đoàn chúng tôi chỉ là một trong những tổ chức được quỹ tài trợ mà thôi. Thế nên chúng tôi thấy rằng không thích hợp với yêu cầu phỏng vấn của tòa soạn ». 
Rõ ràng là không thể có được một lời giải thích nào, cho dù yêu cầu đến từ một công dân hay một phương tiện truyền thông lớn của Nhà nước.
Quỹ xây dựng đập Tam Hiệp được phép nhận tài trợ, qua một thông tư do bốn bộ trong đó có Bộ Tài chính cùng ban hành ngày 30/12/1992. Việc thành lập một quỹ chính phủ cho một công trình xây dựng là điều hết sức hiếm hoi, cả ở Trung Quốc lẫn ở nước ngoài.

Những lời hứa hão huyền

Nếu quyết định trên được nhân dân chấp nhận, đó là vì chính quyền đã hứa hẹn ngay trước khi dự án được hoàn tất, lượng điện do đập Tam Hiệp sản xuất có thể « chiếu sáng phân nửa đất nước Trung Quốc » (Nhân dân Nhật báo ngày 11/06/2003). Và một khi đi vào hoạt động, nhà máy thủy điện khổng lồ này sẽ giúp người dân được xài điện với giá rẻ hơn.
Tuy nhiên khi thủy điện Tam Hiệp hoàn thành vào năm 2013, số lượng điện mà công trình này đóng góp vào mạng lưới quốc gia chỉ chiếm có 1,6% mà thôi (84,7 terawatt/giờ trên tổng số 5.245,1 terawatt/giờ). Còn về lời hứa giảm giá điện thì vẫn là lời hứa hão, với những nguyên nhân không rõ ràng như lạm phát và chi phí bảo trì lưới điện. Ngược lại, các thần dân nhận thấy lợi nhuận của tập đoàn phụ trách xây dựng đập tăng lên vùn vụt.
Thoạt đầu, thông tư quy định được trích 0,3 nhân dân tệ trên một kilowatt/giờ cho Quỹ xây dựng đập Tam Hiệp, cùng với một sắc thuế cố định. Nhưng sau đó số tiền trích cho quỹ được nâng lên 0,9 nhân dân tệ, thậm chí 1,5 nhân dân tệ ở một số nơi. Trong quãng thời gian mà Nhâm Tinh Huy chạy tới chạy lui từ cơ quan này sang cơ quan khác để đòi hỏi sự minh bạch, công trường xây dựng đập Tam Hiệp đã hoàn thành. Người ta tin tưởng một cách rất lô-gic là nhà máy xây xong thì việc trích nộp sẽ chấm dứt, nhưng thông tư khẩn cấp trên lại không ghi thời điểm kết thúc.
Đến ngày 31/12/2009, chính quyền công bố « các biện pháp tạm thời liên quan đến cung ứng, sử dụng và quản lý quỹ xây dựng các công trình thủy điện lớn của quốc gia », bắt đầu từ ngày 01/01/2010. Như vậy trên thực tế đã lập ra một quỹ mới để thay thế quỹ cũ, giúp kéo dài việc đánh thuế cho đến ngày 31/12/2019.
Dân chúng kêu rêu rất nhiều về cách làm này, nhưng không thể nào khiến chấm dứt được việc trích quỹ. Và thực ra, khi một quy định liên quan đến thuế được áp dụng ngay hôm sau khi được công bố, thì chính quyền không chừa cánh cửa nào cho đối thoại.
Courrier International trích lời bình của một blogger trên trang web của Tân Hoa Xã, cho rằng vấn đề tài chính của đập Tam Hiệp chỉ là phần nổi của tảng băng. Hồi tháng Hai, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng đã chỉ trích sự mập mờ trong việc gọi thầu và bổ nhiệm các thành viên tập đoàn CTGPC. Đến tháng Ba, Tổng giám đốc Tào Quảng Tinh (Cao Guangjing) và Phó tổng giám đốc Trần Phi (Chen Fei) đã bị đổi đi nơi khác. Cùng lúc đó, báo chí Trung Quốc tố cáo nhiều ca tham nhũng liên quan đến đập Tam Hiệp, dẫn đến việc nhiều quan chức của tỉnh Hồ Bắc bị cách chức.

Không có nhận xét nào: