Pages

Thứ Ba, 1 tháng 4, 2014

Vốn FDI vào Việt Nam giảm 50%


Ngành sản xuất vẫn thu hút nhiều vốn FDI vào Việt Nam nhất
Vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào Việt Nam trong quý một năm nay giảm gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái, báo cáo mới nhất từ Tổng cục thống kê (GSO) cho biết.

Trong thời gian này, có 252 dự án được cấp phép, với số vốn đăng ký đạt 2,045 tỷ đôla, thấp hơn 6% về số lượng dự án và thấp hơn 38,6% về số vốn đăng ký.
Theo số liệu từ GSO được Thời báo Kinh tế Sài gòn dẫn lại, tổng vốn FDI đăng ký trong ba tháng đầu năm 2014 chỉ đạt 3,334 tỉ đôla, giảm 49,6% so với mức 6,034 tỷ đôla cùng kỳ năm 2013.

'Không nên xét từng quý'

Mặc dù vậy, theo giới chuyên gia, tổng mức vốn FDI trong từng quý không đủ để đại diện cho xu hướng FDI trong cả năm.
"Tôi nghĩ nếu tính FDi theo từng quý thì khó mà chính xác được", kinh tế gia Phạm Chi Lan nói với BBC trong cuộc phỏng vấn ngày 1/4.
"Thời gian mấy năm gần đây, Việt Nam bắt đầu có những dự án FDI lớn, ví dụ như của Samsung hay của LG."
"Khi họ đầu tư tới hàng tỷ đôla thì những dự án này được cấp phép vào bất cứ quý nào cũng làm quý đó tăng trội lên, những quý khác không thể bằng được."
"Bộ Kế hoạch Đầu tư cũng đã giải thích là trong quý một, chưa có dự án lớn nào được cấp phép."
"Nếu so sánh FDI hoặc xem xét chiều hướng FDI tại Việt Nam thì tôi nghĩ là nên dùng nửa năm, hoặc cả năm," bà nói thêm.

Thách thức của VN trong việc thu hút FDI
Trả lời câu hỏi của BBC về những thách thức hiện nay mà Việt Nam đang phải đối mặt trong việc thu hút FDI, bà Lan cho rằng có ba thách thức chính:
"Thứ nhất là thể chế, nhất là các thủ tục hành chính liên quan, các chính sách thường xuyên thay đổi, gây khó khăn cho người ta."
"Thứ hai là sự thiếu vắng một nguồn nhân lực lao động có chất lượng, có kỹ năng, có năng suất lao động cần thiết."
"Thứ ba là cơ sở hạ tầng, từ điện, đường xá giao thông cho đến nhiều việc khác."
Tuy nhiên, bà cũng khẳng định "về tiềm năng, Việt Nam cũng vẫn còn đang là một địa chỉ khá thu hút đối với FDI so với xu hướng chung của các nước đang phát triển."
"Sau khi đã có những dự án lớn của các công ty lớn như Intel, Samsung, LG hoặc một số công ty Nhật trong các lĩnh vực công nghệ cao thì điều đó cũng sẽ giúp Việt Nam có thêm sức hút đối với các công ty khác," bà nói.
"Ngoài ra triển vọng của Việt Nam trong việc tham gia Hiệp định Thương mại Xuyên Thái Bình Dương với Hoa Kỳ và các nước khác cũng như hiệp định tự do thương mại sắp ký với EU và một số dàn xếp tự do thương mại khác cũng làm Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn."

'Không lâu dài'


Bà Phạm Chi Lan cho rằng những dự án hàng tỷ đôla như của Samsung tại Việt Nam sẽ không có nhiều
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy ngành công nghiệp chế biến tiếp tục là khu vực thu hút nhiều vốn FDI nhất trong quý một, với số vốn đăng ký đạt 2,33 tỷ đôla, chiếm 69,9% tổng số vốn đăng ký.
Nam Hàn tiếp tục là nhà đầu tư lớn nhất, với tổng vốn đăng ký cấp mới là 543,2 triệu đôla trong ba tháng đầu năm.
Mặc dù vậy, bà Lan nhận định: "Tôi không nghĩ những dự án như Samsung sẽ có nhiều cơ hội và sẽ tiếp tục vào Việt Nam."
"Samsung đã có quan hệ thương mại với Việt Nam 20-30 năm nay rồi và cũng đã hoạt động ở thị trường Việt Nam rất mạnh."
"Khi mà họ thấy chi phí sản xuất của Samsung ở Hàn Quốc quá cao so với lao động của Việt Nam thì họ mới chuyển vào. Sau Samsung thì đến LG làm việc tương tự để tăng khả năng cạnh tranh với Samsung."
"Tuy nhiên những dự án như vậy sẽ không có nhiều."
"Cái tôi mong đợi là Việt Nam có thể có những dự án không nhất thiết phải thật lớn về quy mô vốn, nhưng có thể tạo được những công ăn việc làm có giá trị gia tăng cao hơn hoặc sử dụng những tay nghề cao hơn của người lao động Việt Nam."
"Cho đến nay Samsung vẫn chủ yếu nhập phụ kiện từ bên ngoài vào. Tại Việt Nam, lượng lao động được dùng rất nhiều, tuy nhiên hình thức lao động lại khá giản đơn và khả năng chuyển giao công nghệ cho Việt Nam cũng rất hạn chế."
"Về lâu dài, Việt Nam cần hướng tới những dự án khác," bà nhận định.

Không có nhận xét nào: