Pages

Thứ Bảy, 26 tháng 11, 2011

Dân sẽ được tự do biểu tình bày tỏ lòng yêu nước?


20111125102708_0.jpg
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất vấn ở Quốc hội ngày 25/11/2011

Hôm nay, 25/11, Thủ tướng Dũng, lần đầu tiên trong lịch sử trong nghị trường ở xứ ta đã trả lời khá thẳn thắn "Phải làm Luật biểu tình"! (*)
Xin trích:
"Ý kiến thứ ba về căn cứ đề nghị xây dựng Luật Biểu tình, thái độ, chủ trương của Chính phủ khi dân bày tỏ lòng yêu nước.

Căn cứ mà Chính phủ đề nghị QH đưa vào chương trình xây dựng Luật biểu tình, có mấy căn cứ Chính phủ thảo luận, đề nghị:

Thứ nhất, thực hiện Hiến pháp. Hiến pháp điều 69 quy định công dân được quyền biểu tình theo pháp luật. Nhưng chúng ta chưa có luật biểu tình. Như vậy chúng ta nên bắt tay nghiên cứu xây dựng luật biểu tình. Tôi muốn nói ngắn gọn là căn cứ thực hiện Hiến pháp.




Thứ hai, trên thực tế, các vị đại biểu Quốc hội ngồi đây đều chắc thấy rõ một thực tế trong cuộc sống của chúng ta đã có nhiều cuộc đồng bào ta tụ tập đông người, biểu tình, bày tỏ ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị với chính quyền. Có thực tế như thế. Nhưng chúng ta chưa có luật để quản lý, điều chỉnh vấn đề này. Do đó, cũng khó cho người dân khi thực hiện quyền mà được Hiến pháp quy định và cũng khó cho quản lý của chính quyền. Đã khó như vậy sẽ nảy sinh những lúng túng trong quản lý, từ đó xuất hiện những biểu hiện mất an ninh trật tự, đã xuất hiện những việc lợi dụng để kích động xuyên tạc gây phương hại xã hội.

Thứ ba, trước thực trạng như thế, Chính phủ đã có báo cáo kiến nghị với Quốc hội khóa trước, Quốc hội khóa trước đã ban hành nghị định để quản lý, điều chỉnh hiện tượng này. Chính phủ đã ban hành nghị định số 38 để quản lý, điều chỉnh hiện tượng này nhưng Nghị định của chính phủ hiệu lực thấp chưa đáp ứng yêu cầu, tầm vóc như hiến pháp quy định và cũng chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tế cuộc sống đang đặt ra.

Chính phủ mới thấy phải kiến nghị đưa vào chương trình xây dựng luật để chúng ta có bộ luật, một luật biểu tình. Luật đó phù hợp Hiến pháp, phù hợp đặc điểm lịch sử, văn hóa, điều kiện cụ thể của Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế và đảm bảo quyền tự do dân chủ của người dân theo đúng quy định của hiến pháp và pháp luật, đồng thời luật đó có yêu cầu ngăn chặn những việc làm, hành vi gây xâm hại an ninh trật tự, lợi ích của xã hội, nhân dân.

Với tinh thần đó, chúng tôi đề nghị Quốc hội xem xét ý kiến của Chính phủ.

Đại biểu muốn hỏi về thái độ và chủ trương của Chính phủ về việc người dân biểu thị lòng yêu nước, chủ quyền. Chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước và chính phủ là luôn trân trọng, biểu dương, khen thưởng xứng đáng đối với tất cả hoạt động, việc làm của mọi người dân thực sự vì mục tiêu yêu nước, thực sự vì mục tiêu bảo vệ chủ quyền quốc gia. Những hoạt động vì mục tiêu, mục đích đó đều được hoan nghênh và khen thưởng thích đáng. Nhưng đồng thời cũng không hoan nghênh và buộc phải xử nghiêm theo pháp luật với những hoạt động, hành vi với động cơ lợi dụng danh nghĩa lòng yêu nước, lợi dụng danh nghĩa bảo vệ chủ quyền để thực hiện mục tiêu, mục đích gây phương hại cho đất nước và xã hội. Tôi nghĩ với chủ trương nhất quán như vậy, đồng chí đồng bào cử tri cả nước sẽ ủng hộ."

(Hết trích)
Như vậy, nếu thực lòng, ông Dũng đã ghi điểm son trước các đối thủ chính trị của ông khi ông khẳng định trước bá quan văn võ và đông đảo bàn dân thiên hạ rằng: "Chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước và chính phủ là luôn trân trọng, biểu dương, khen thưởng xứng đáng đối với tất cả hoạt động, việc làm của mọi người dân thực sự vì mục tiêu yêu nước, thực sự vì mục tiêu bảo vệ chủ quyền quốc gia. Những hoạt động vì mục tiêu, mục đích đó đều được hoan nghênh và khen thưởng thích đáng". Điều này hoàn toàn phủ định những gì mà Đài truyền hình Hà Nội (HTV) đã đưa tin vu cáo một cách vô căn cứ khi cho rằng, những người đi biểu tình yêu nước là do bị các thế lực phản động xúi dục. Cũng như phủ định những gì mà ông Nghị Hoàng Hữu Phước và những kẻ a dua a tòng phát biểu hôm 17/11, khi cho rằng "từ khởi thủy và cho tới tận ngày nay, biểu tình là để chống lại chính phủ". Từ đó ông đưa ra những ngộ nhận võ đoán là "đa số công dân sẽ không ủng hộ Luật biểu tình vì bản chất dễ bị tổn thương và dễ bị lợi dụng gây ra biến loạn ... làm ô danh đất nước". Rồi đi đến kết luận áp đặt: "cái gọi là quyền biểu tình ấy có lớn hơn quyền được kiếm sống của người dân, quyền được ra đời của con cái của người dân, quyền được sử dụng công lộ của người dân, quyền được mưu cầu hạnh phúc của người dân”. Và: “Đề nghị Quốc hội loại bỏ Luật lập hội và Luật biểu tình khỏi danh sách dự án luật”.
Tôi vốn dĩ không có nhiều cảm tình với ông Dũng cho lắm. Với nhiều lý do. Trong đó nổi lên là các đại ngôn của ông về quyết tâm chống tham nhũng (đánh trống bỏ dùi). Về việc theo đuổi bằng được dự án khai thác Bô-xít Tây Nguyên bất chấp hậu qủa. Hay sự yếu kém của ông trong trực tiếp chỉ đạo các tập đoàn kinh tế nhà nước (như Vinashin là ví dụ). Nay với phần trả lời chất vấn của ông trên diễn đàn Quốc hội, tuy có một vài chỗ còn hơi ngắc ngứ hoặc có sự nhầm lẫn chữ Trường Sa với chữ Hoàng Sa (**). Nhưng ở góc độ của lời nói vo, mọi người đều thể tất cho những sơ suất nhỏ đó. Ai cũng biết giữa lời nói và việc làm cụ thể chắc chắn cũng còn những khoảng cách. Song dù sao sự công tâm của ông trong nhận định về sự kiện biểu tình yêu nước của người dân ở Hà Nội và Sài Gòn trước hành động gây hấn của ông láng giềng Phương Bắc như vậy chính là sự công nhận một thực tế khách quan từ một người lãnh đạo cấp cao nhất của Chính phủ.
Là người dân thấp cổ bé miệng, tôi xin hoan nghênh ông. Mong rằng quan điểm của ông cũng sẽ là quan điểm của tất cả tập thể lãnh đạo đảng và nhà nước. Để người dân không còn bị ngược đãi như thời gian qua nữa, mỗi khi bày tỏ thái độ một cách ôn hoà trong các cuộc biểu tình nói riêng và trong việc thực thi các quyền cơ bản của mình được ghi trong Hiến pháp, bất luận đã được cụ thể hoá bằng luật ở Quốc hội hay chưa?
Mong lắm thay!
Gocomay
(*) Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất vấn [Phần 2 - Luật biêu tình]

(**) Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất vấn [Phần 1 - v/đ biển Đông]

Không có nhận xét nào: