Nguyễn Quang Lập
Mình vào Sài Gòn đã hơn một năm, chẳng biết Hội Nhà văn thành phố ở chỗ mô, mà Hội Nhà văn Thành phố cũng chẳng biết mình là thằng nào, nên cái hội thảo “30 năm phát triển văn học TP.HCM” đọc báo mình mới biết. Có lẽ mình thuộc diện “chạy lòng vòng bên ngoài” như bác Trần Thanh Đạm đã nói trong tham luận “Chung một bóng cờ” 15 trang cực oách của bác.
Không được nghe cả bản tham luận của bác Đạm, chỉ đọc phần lược trích đăng trên báo SGTT thôi cũng đã phục bác quá trời luôn. Đến thế kỉ 21 rôi mà bác Đạm còn say sưa đả phá văn học vị nghệ thuật và cổ xúy cho văn học vị nhân sinh, thật là vui. Bác nói: “Một xu hướng tiêu cực của sáng tác văn nghệ ở trên thế giới cũng như ở nước ta trong thế kỷ trước và thế kỷ này là ngày càng tăng xu hướng nghệ thuật vì nghệ thuật”. Sau khi lòng vòng hết chủ nghĩa thoát ly, chủ nghĩa tự kỷ đến chủ nghĩa Narcisisme (chủ nghĩa tự si*), bác Đạm khẳng định: “Đó là một trong những nguyên nhân làm cho “văn học lâm nguy” và hội chứng này từ văn học lây sang các ngành nghệ thuật khác. Có thể gọi hội chứng này trong văn học nghệ thuật là hội chứng “sợ sự thật, sợ chân lý, sợ tri thức” một hội chứng của bệnh lười biếng của trí tuệ và tâm hồn trong văn học nghệ thuật, có người gọi đó là chủ nghĩa ngu dân (obicurentisme), nghệ thuật của bóng tối trong khi sứ mệnh của văn học nghệ thuật qua mọi thời đại đều là sứ mệnh khai sáng (khai minh), sứ mệnh của thần Prometheus mang lửa của thần linh đến soi sáng cho nhân loại”.
Nghe mà thất kinh. Chả hiểu “sự thật”, “chân lý”, “tri thức” của bác Đạm là cái gì mà nghệ thuật vị nghệ thuật sợ đến thế. Hay là sự thật ngợi ca, chân lý chuyên chính vô sản và tri thức Mác Lê Nin? Cái này chỉ có bác Đạm nói ra mới biết, tuy nhiên cũng đoán ra được nhờ cái tiêu đề “Chung một bóng cờ” và kết luận vô cùng hào hùng của bác: “Hội Nhà văn TP.HCM là con đẻ của sự nghiệp giải phóng Sài Gòn – Gia Định; là con nòi của sự nghiệp giải phóng miền Nam. Chúng ta tự hào vì 30 năm qua, hội Nhà văn TP.HCM đã rất xứng đáng với sự nghiệp của nó, xứng đáng với truyền thống mà tôi xin mượn một câu hát, đó là: “vai sát vai chung một bóng cờ”. Cho nên, chúng ta phải giữ cho được ngọn cờ mà chúng ta đang vai sát vai đứng ở dưới đó”. À hiểu rồi hiểu rồi, bác Đạm đang nói đến văn học cách mạng, tức văn học hiện thực XHCN, tức thứ hiện thực phải đạo như bác Hoàng Ngọc Hiến đã nói. Té ra cái “sự thật”, ” chân lý”, “tri thức” mà “bọn” Nghệ thuật vị nghệ thuật sợ chính là “sự thật”, “chân lý”, “tri thức” của văn học phải đạo, à quên quên, văn học Hiện thực XHCN mà bác Đạm đang ra sức cổ xúy.
Chứ còn gì nữa! Không nghe bác Đạm nói đây này: “TP.HCM có những công trình nổi tiếng quốc tế. Nhà văn TP. HCM cũng có thể sáng tạo ra những tác phẩm xứng đáng khu vực. Tôi đã đọc những nhà văn nổi tiếng thế giới, thậm chí được giải Nobel, tôi thấy họ chỉ giỏi quảng bá mới được biết đến như thế. Còn nhà văn TP. HCM sở dĩ chưa được thế giới biết tới là vì chúng ta chưa biết quảng bá. Chúng ta có nhiều tài năng nhưng chúng ta còn ham chơi. Nếu chúng ta lao động có chất lượng thì sẽ rất vẻ vang cho bản thân, vẻ vang đất nước và vẻ vang cho thành phố”.
Bravo! Bravo! Nhớ nhé! Nhớ nhé! Nếu cứ đi theo văn học phải đạo, à quên quên, văn học cách mạng, thì chỉ cần chăm chỉ và biết quảng bá thì các nhà văn Thành phố nhất định nổi tiếng thế giới, nhất định đoạt giải Nobel.
Chung một bóng cờ bác Đạm đang giương cao, mau mau bà con ơi tiến lên, chúng ta sắp nổi tiếng thế giới đến nơi rồi!
Ặc ặc!
…..
* Chủ nghĩa tự si: Bác Đạm nghiện tiếng Tây nên mới dùng chữ Narcisisme. Chữ này có gốc từ tên gọi nhân vật Narcis trong thần thoại Hy Lạp. Narcis nhìn bóng mình trong nước thấy mình đẹp nên mê man tới mức chết đuối luôn. Hi hi cũng giống như bác Đạm mê Hội nhà văn Thành phố của bác vậy.
N. Q. L.
Nguồn: quechoa.info
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét