Pages

Thứ Bảy, 10 tháng 12, 2011

“Dân oan” tại các nước tư bản giẩy chết.

Trần Duy Huỳnh (Thành Viên của Nhóm Người Việt Vì Dân Tộc Việt)


Việc chính quyền cưỡng chế đất đai để xây dựng các công trình công cộng như đường xá, cầu cống, công trình phúc lợi thì hầu như nước nào cũng có. Khi bị cưỡng chế, người dân không còn cách nào khác là phải đưa cho nhà nước sử dụng.
Tuy nhiên, việc đưa đất của mình cho nhà nước tư bản rất nhiêu khê cho cả hai phía chứ không đơn giản, “dể chịu” như cách thức nhà nước ta làm.
Thí dụ như tại tiểu bang Victoria của Úc(1), Bộ Giao thông Vận tải muốn lấy miếng đất để mở đường, trước hết họ sẽ gởi thư thông báo cho khổ chủ ở khu vực đó, cho biết là họ sẽ tiến hành lấy đất và đồng thời cho biết mục đích lấy đất để làm gì. Trong thư, họ cũng khuyên các khổ chủ nên tư vấn luật sư, chuyên gia nhà đất về quyền lợi và giá trị căn nhà của mình.

Khi nhận được thư, khổ chủ có thể sẽ nhờ người đánh giá miếng đất theo giá thị trường cùng tất cả những gì gắn liền với miếng đất đó như cây cối, vưởn cảnh, cùng với những đặc điểm tiện ích khác thí dụ như gần trường học, v.v….quy tất cả thành tiền để tính chung vào giá trị đòi bồi thường. Khổ chủ cũng có thể nhờ luật sư của mình xem xét những quyền lợi cao nhất mà mình có thể có. Tất cả các chi phí này sau đó sẽ được trả bởi chính phủ.
Sau đó đại diện của chính phủ sẽ tiến hành thương lượng. Trong quá trình thương lượng, khổ chủ sẽ đưa ra mức giá cao nhất có thể được. Dĩ nhiên chính phủ sẽ không chấp nhận nếu giá đòi bồi thường quá cao và bất hợp lý. Tuy nhiên, nếu sau đó hai bên đồng ý với một mức có thể chấp nhận được, khổ chủ sẽ ký mọi giấy tờ sang tên cho cơ quan chủ quản đại diện chính phủ, trong đó có điều khoản nếu sau này đổi ý, khổ chủ sẽ không được kiện chính phủ, chẳng hạn như đột nhiên thấy số tiền bồi thường là chưa tương xứng.
Ở ta, thì chính quyền cũng gởi thông báo như vụ mới xảy ra ở xã Mỹ An huyện Chợ Mới tỉnh An Giang ngày 25 tháng 8 năm 2011, nhưng khác chút đỉnh.
Theo đài RFA(2), Ủy ban Nhân dân huyện gởi thông báo tiến hành công tác cưỡng chế đối với 33 hộ dân. Nhưng người dân địa phương kiên quyết không giao đất cho chính quyền làm những dự án mà họ cho là thiếu rõ ràng và tiền đền bù không thỏa đáng.
Người dân xã Mỹ An cho biết vào tháng 6 năm 2009, Ủy Ban Huyện ra quyết định thu hồi đất mà không họp dân thông báo. Chính quyền buộc họ phải lãnh tiền rồi giao đất cho nhà đầu tư, số tiền bồi thường này là 60 ngàn một mét vuông, tương đương 1 tô phở. Tuy nhiên họ cho biết, số tiền lãnh (tại sao dân lại gọi là tiền “lãnh” nhỉ? phải gọi là tiền “bồi thường” mới đúng chứ?) không thể mua lại đất thành ra không nhận.
Cũng theo RFA, một người dân tại đó cho biết họ sẽ tử thủ đến cùng nhằm bảo vệ đất đai của họ với những lý do sau đây “Chúng tôi cương quyết giữ đến hơi thở cuối cùng, bà con chúng tôi đồng lòng bảo vệ cuộc sống, giành lại sự sống bởi vì chính quyền cướp quyền lợi cuộc sống của bà con chúng tôi.
Được hỏi tại sao không đi khiếu kiện, họ nói “Chúng tôi có đi khiếu kiện đến ủy ban nhân dân tỉnh; ủy ban nhân dân tỉnh trả về huyện, huyện không giải quyết. Lên đến Quốc hội cũng trả về huyện; ‘huyện bênh huyện, phủ bênh phủ’, chúng tôi không biết nói gì. Tôi có đối thọai với ông phó chủ tịch thường trực tỉnh An Giang- Hùynh Thế Năng, với ý nếu ông ở trong trường hợp như tôi và dòng tộc tôi thì ông có lãnh tiền hay không. Ông không trả lời gì”.
Khi phóng viên RFA gọi điện hỏi thì “phía chính quyền địa phương từ cơ quan trực tiếp là Trung Tâm Phát triển Quỹ Đất của huyện Chợ Mới cho đến chủ tịch huyện đều thoái thác không muốn trả lời về những cáo buộc của người dân địa phương đối với họ”.
Chịu chết!
Còn ở các nước tư bản như Úc, nếu người dân cũng cương quyết giữ đến “hơi thở cuối cùng” thì sao?
Cũng giống như dân oan VN, “dân oan” tại Úc cũng không thể giữ đến “hơi thở cuối cùng” được, nhưng tiến trình giải quyết của bọn giẫy chết có hơi khác chút xíu.
Vì khổ chủ không chấp nhận giá bồi thường, nên trước hết, đại diện chính quyền sẽ gởi thư cưỡng chế (condemnation) cho khổ chủ , sau đó họ phải công bố trên thông báo của chính phủ (Government Gazette).
Tại Úc, quyền bồi thường thiệt hại được Hiến Pháp bảo vệ không ai có thể vi phạm được.
Lúc này, khổ chủ sẽ tìm mọi lý do chẵng hạn như, việc trưng thu đất đai đó là không hợp lý hay tiền bồi thường không thỏa đáng, v.v…Nếu có lý do chính đáng, khổ chủ sẽ kiện chính phủ hay cơ quan đại diện ra toà. Quá trình kiện tụng tại các nước giẩy chết thì rất nhiêu khê. Khi toà phán quyết thì hai bên, chính phủ và khổ chủ, sẽ phải tuân theo. Nhưng dù toà phán quyết như thế nào thì quyền lợi và quyền bồi thường cũng không thể bị mất, ngoài ra chính phủ còn có thể phải trả các thêm các chi phí, ngoài tiền bồi thường, cho khổ chủ vì đã làm khổ khổ chủ nữa.
Khổ chủ cũng có thể kêu gọi các khổ chủ khác cùng cảnh ngộ với mình biểu tình phản đối dự án của chính phủ. Tại các nước như Úc chẳng hạn, chính quyền hay chính trị gia rất ngại xâm phạm đến quyền lợi của người dân vì nó sẻ ảnh hưởng đến lá phiếu bầu cho họ sau này.
Nói cho ngay, nhà nước ta cũng có ra luật rõ ràng, đó là “Quy định trình tự, thủ tục cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai”, văn bản số 16-2010/TT-MTNMT do ông Nguyễn Mạnh Hiển ký ban hành ngày 26 tháng 8 năm 2010.
Tóm lại, trong việc trưng thu đất đai để làm các công trình công cộng, tư bản giẩy chết cũng gần giống như VN thiên đường, nhưng “dân oan” tại các nước tư bản giẩy chết được quyền đối xử với chính quyền như là chính quyền mà không phải là chính quyền, nghĩa là, khổ chủ xem chính quyền là người mua và mình là người bán, được mua thì vừa bán, không thì ra toà, ngoài ra, anh lớ mớ, kỳ sau tôi sẽ không bầu cho anh nữa.
Không phải dân Úc Miệt Dưới sướng hơn dân Việt Miệt Trên, mà bởi luật pháp của Úc công minh hơn VN. Vì sao công minh hơn?, Chịu chết!
10/12/2011
Trần Duy Huỳnh (Australia)
________________________________________________________
1) State Government Victoria, Land Acquisition and Compensation, Jan 2011.
2) RFA: Cưỡng chế đất tại Chợ Mới, An Giang, Gia Minh, biên tập viên, 2011-08-29.

Không có nhận xét nào: