Pages

Thứ Năm, 15 tháng 12, 2011

Dự báo ảm đạm cho kinh tế châu Âu

Đồng tiền euro
Kinh tế châu Âu đang đối diện nguy cơ
suy thoái
Các nền kinh tế khu vực đồng euro đang đối mặt với một mùa đông ảm đạm, công ty kiểm toán Ernst & Young nhận định.
Ernst & Young dự đoán trong nửa đầu năm tới, khu vực đồng euro có khả năng rơi vào suy thoái ‘nhẹ’ và tính chung cả năm 2012 chỉ tăng trưởng ở mức 0,1%.

Ernst & Young cũng cho rằng tỷ lệ thất nghiệp của khu vực này sẽ khó có thể xuống dưới 10% trước năm 2015.
Trong khi đó, Hy Lạp, quốc gia nợ nần nhiều nhất châu Âu, nói rằng trong năm 2011 nước này đã rơi vào tình trạng suy thoái tồi tệ nhất từ trước tới nay.
Thủ tướng Hy Lạp Lucas Papademos cảnh báo hôm thứ Tư 14/12 rằng mức suy giảm của nền kinh tế nước ông có thể lớn hơn mức 5,5% được dự đoán hiện nay.

Trong năm 2010, kinh tế Hy Lạp đã giảm 4,5% khi nước này nhận khoản cứu trợ đầu tiên từ Liên hiệp châu Âu và Quỹ tiền tệ quốc tế.
Hồi tuần trước, 26 trong tổng số 27 quốc gia thành viên của Liên hiệp châu Âu đã thông qua những quy định tài chính mới để siết chặt quản lý ngân sách các nước. Anh là quốc gia duy nhất không ủng hộ việc sửa đổi hiệp ước của châu Âu.
Tuy nhiên, nhiều người lo sợ rằng thỏa thuận về liên minh tài chính chặt chẽ hơn này vẫn chưa đủ để tránh cho các nước phải tìm kiếm thêm cứu trợ.
Hôm thứ Tư 14/12, lần đầu tiên kể từ tháng Giêng, đồng euro đã giảm xuống dưới mức 1,30 đôla.
“Các cải cách được thông qua tại hội nghị thượng đỉnh ngày 9/12 là một bước đi đúng hướng và phản ứng của thị trường dường như là khá tích cực,” Ernst & Young phân tích.
“Tuy nhiên các nhà đầu tư đang rất quan ngại về mức độ cam kết và khả năng của các chính phủ khu vực đồng euro trong việc thực thi các cải cách một cách nhanh chóng.”
Ernst & Young cũng dự báo rằng tăng trưởng của khu vực đồng euro sẽ phục hồi trở lại trong mức từ 1,5% đến 2% vào năm 2013.
“Tình trạng bất an đang treo lơ lửng trên khu vực đồng euro chỉ có thể tiếp tục làm giảm nhiệt tình trong quyết định đầu tư và tuyển dụng lâu dài của các công ty châu Âu,” Mark Otty, giám đốc điều hành của Ernst & Young phụ trách khu vực châu Âu, Trung Đông, Ấn Độ và châu Phi, nói.

'Châu Âu mạnh hơn'

Trong khi đó, phát biểu trước Bundestag (Quốc hội Đức) hôm thứ Tư 14/12, Thủ tướng Đức Angel Merkel nói rằng từ trong cuộc khủng hoảng hiện nay sẽ xuất hiện một châu Âu mạnh mẽ hơn và ổn định hơn.
Thủ tướng Đức Merkel phát biểu trước Quốc hội Đức
Bà Merkel cho rằng nước Anh vẫn là đối tác quan trọng trong châu Âu dù nước này phủ quyết thay đổi hiệp ước
“Tôi tin rằng nếu chúng ta có được sự kiên trì và nhẫn nại cần thiết, nếu chúng ta không để cho sự suy thoái khuất phục chúng ta, nếu chúng ta cứ vững bước tiến về phía một liên minh tài chính và ổn định, nếu chúng ta thật sự hoàn thành liên minh kinh tế và tiền tệ… thì điều mà tôi luôn nói là mục tiêu của chúng ta kể từ lúc đầu cuộc khủng hoảng cuối cùng sẽ đạt được,” bà nói.
Bà thủ tướng nói với các nghị sỹ Đức rằng các quốc gia vi phạm quy định chi tiêu sẽ bị trừng phạt một cách tự động, và rằng Liên hiệp châu Âu phải thực thi nhiệm vụ phối hợp quy định của các quốc gia khác nhau một cách chặt chẽ hơn’.
“Tôi tiếc là nước Anh đã không thể đi cùng với chúng ta trong hành trình này,” bà nói.
“Nhưng tôi vẫn tin rằng Anh là một đối tác quan trọng trong Liên hiệp châu Âu… Anh quốc có lợi ích sống còn đối với việc khu vực đồng euro vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính của mình.”
Anh cho rằng các đề xuất thay đổi hiệp ước không giúp bảo vệ cho thị trường tài chính của họ.
Theo đó các nước châu Âu đồng ý thắt chặt các quy định nhằm ngăn chặn các quốc gia thành viên mắc nợ thêm trong tương lai.
Theo quan điểm của Đức thì cách duy nhất để thực hiện điều này là đưa kiểm soát ngân sách vào hiến pháp của từng quốc gia thành viên.
Phóng viên BBC Stephen Evans ở Berlin cho biết Thủ tướng Merkel không đưa ra nhiều chi tiết có thể thỏa mãn các thị trường trong ngắn hạn, nhưng bà chỉ ra rằng mục tiêu quan trọng bây giờ của bà là sự hội nhập chặt chẽ hơn của khu vực chủ chốt của Liên hiệp châu Âu.

Không có nhận xét nào: