Pages

Thứ Sáu, 9 tháng 12, 2011

Mỹ hoan nghênh việc hoãn xây đập Xayaburi

Vị trí dự định xây đập Xayaburi
Vị trí dự định xây đập Xayaburi
INTERNATIONAL RIVERS
Thụy My
 
Ngày 08/12/2011, Hoa Kỳ đã lên tiếng hoan nghênh việc bốn nước Đông Nam Á nằm ở hạ nguồn sông Mêkông quyết định hoãn dự án xây dựng đập thủy điện Xayaburi tại Lào, vì sợ ảnh hưởng đến môi trường.


AFP nhận định, Lào đã thất bại trong cố gắng thông qua dự án xây đập Xayaburi trị giá 3,8 tỉ đô la, tại cuộc hội nghị ngày 08/12/2011 với các nước Việt Nam, Cam Bốt và Thái Lan. Đập thủy điện này, theo các nhà hoạt động bảo vệ môi trường có thể là tai họa cho 60 triệu người đang lệ thuộc vào nguồn nước của dòng sông Mêkông.

Ông Mark Toner, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, nhắc lại lời tuyên bố của Ngoại trưởng Hillary Clinton trong cuộc gặp gỡ với các nước thuộc Ủy hội sông Mêkông hồi tháng 7, cho rằng vấn đề này rất nghiêm trọng và có thể là một thảm họa cho môi trường. Phát biểu trước báo chí tại Washington, ông nói : « Vì thế chúng tôi thấy đây là một dấu hiệu tích cực, khi dự án trên được hoãn lại ».
Thượng nghị sĩ Jim Webb, trưởng tiểu ban Đông Á của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ vốn nhiều lần thẳng thừng chỉ trích dự án Xayaburi, cho rằng quyết định hoãn xây đập trên đây là « bước quan trọng hướng đến một chính sách với tinh thần trách nhiệm ». Ông tuyên bố : « Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế có nghĩa vụ mang tính chiến lược và phù hợp đạo lý, là bảo vệ sức khỏe và tiện nghi của những người đang lệ thuộc vào sông Mêkông trong việc mưu sinh và trong cuộc sống ».
Xin nhắc lại, trong hội nghị hôm qua tại Cam Bốt, các nước Ủy hội sông Mêkông đã kêu gọi cần phải nghiên cứu bổ sung về sự phát triển bền vững, và các tác động của dự án xây đập thủy điện đầu tiên trên hạ nguồn sông Mêkông.
Việt Nam và Cam Bốt lo ngại đập thủy điện Xayaburi có công suất 1.260 megawatt sẽ gây hậu quả tai hại cho ngành nuôi cá và khai thác thủy sản. Thái Lan thì rất nhiệt tình với con đập vì Xayaburi sẽ cung cấp 95% lượng điện sản xuất ra cho nước này.
Chính quyền Obama đã đưa ra chương trình Sáng kiến Hạ nguồn Sông Mêkông, trong đó Hoa Kỳ hợp tác với bốn nước hạ nguồn sông Mêkông, hy vọng hỗ trợ được cho môi trường, y tế và giáo dục trong khu vực đông dân cư này. Đây là một trong những nỗ lực của Mỹ nhằm xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với các nước Đông Nam Á.
Bà Ame Trandem, giám đốc chương trình châu Á của Tổ chức Sông ngòi quốc tế (International Rivers) nhận định :
«Việt Nam và Cam Bốt lo ngại về những hậu quả tiêu cực của việc xây dựng đập thủy điện này đối với cư dân. Họ đã gây áp lực trong khu vực, đòi phải có nghiên cứu kỹ hơn về dự án.
Thực ra, về cơ bản, đây là dự án của Thái Lan. 95% sản lượng điện của dự án sẽ được xuất khẩu sang Thái Lan. Chính những công ty của Thái Lan muốn xây đập thủy điện này và họ tài trợ cho dự án.
Nhưng vào năm 1995, các nước liên quan đã ký một thỏa thuận, theo đó, họ chia sẻ việc sử dụng dòng sông này và nếu xẩy ra những tác động tiêu cực thì Lào phải đền bù cho các nước láng giềng.
Hiện nay, các bên chưa nói đến việc đền bù ở mức nào, nhưng Lào sẽ phải đối mặt với những rủi ro nếu cứ tiếp tục muốn xây đập thủy điện Xayaburi. Theo một nghiên cứu của đại học Portland, thì dự án Xayaburi có thể mang lại khoảng 33 tỷ đô la, nhưng chi phí đền bù do các tác động gây ra có thể lên tới 274 tỷ đô la. Người ta thấy rõ là phần chi lớn hơn rất nhiều các khoản thu được. Trong khi đó, người dân trong khu vực hoàn toàn chống lại dự án. Họ đã từng phải hứng chịu những hậu quả tiêu cực của các đập thủy điện được xây dựng trước đây trong khu vực và thực sự lo ngại những tác động của đập thủy điện đối với cuộc sống của họ."

Không có nhận xét nào: