Pages

Thứ Bảy, 10 tháng 12, 2011

Nhiều CSGT xem dân là nguồn thu nhập!



Đỗ Trung Quân (PhapLuatTpHCM) - Những khẩu hiệu của ngành khi tiếp xúc với dân ngày càng chỉ là khẩu hiệu. Thực tế cuộc sống đã khác hẳn. Khi nạn mãi lộ ngang nhiên hoành hành, hệ quả tất yếu là người dân không còn tôn trọng hình ảnh người CSGT nữa...
*
Xã hội mặc nhiên hình thành một hình thái giao tiếp bất cần văn hóa: Hai bên đều không coi trọng nhau.
Chúng ta có thể nhớ lại hình ảnh này xảy ra chưa lâu: Công an Thanh Hóa quăng lưới vào người sử dụng xe có hành động lạng lách, vi phạm ATGT. Hành vi không chấp hành luật giao thông rất đáng phê phán nhưng ở vị trí người thi hành luật pháp, biện pháp này không bao giờ là phương pháp tối ưu vì người bị quăng lưới cũng chính là người dân. Giáo dục ý thức tôn trọng luật pháp không đồng nghĩa với gây nguy hiểm cho dân. Vụ việc trên đưa ta tìm về nguyên nhân sâu xa dẫn đến hành vi xã hội khác trong ứng xử cộng đồng: Mày-tao, hỗn xược với dân khi hai bên phải đối diện với nhau trên đường phố hay trong trụ sở.

Những khẩu hiệu của ngành khi tiếp xúc với dân ngày càng chỉ là khẩu hiệu. Thực tế cuộc sống đã khác hẳn. Khi nạn mãi lộ ngang nhiên hoành hành, hệ quả tất yếu là người dân không còn tôn trọng hình ảnh người CSGT nữa. Ngược lại, ngành giao thông (xin nhấn mạnh không phải là tất cả) cũng nhìn người dân lưu thông trên đường phố là bọn “cứ bắt nó nhả tiền ra”, chẳng cần cái gọi là điều lệnh ngành như chào hỏi cho mất thì giờ. Xã hội mặc nhiên hình thành một hình thái giao tiếp bất cần văn hóa. Hai bên đều không tôn trọng nhau.

Ngoài chấp hành nghiêm điều lệnh, CSGT còn phải văn minh, lịch sự trong giao tiếp với dân. (Ảnh chỉ mang tính minh họa) Ảnh: HTD

Nhưng dù thế nào các CSGT cũng phải ghi nhớ điều này. Không phải người dân nào cũng có đủ ý thức hay bình tĩnh khi có va chạm, bị xét hỏi trên đường phố. Hình ảnh cô gái tát công an năm ngoái là một ví dụ. Nhưng cũng không mấy anh cảnh sát nào có đủ bình tĩnh để giải thích với người dân, kiềm chế mình không sử dụng vũ lực với dân như anh giao thông bị tát. Với người dân, không thể đòi hỏi ai cũng am hiểu luật đi đường. Cảnh sát phải là người có nghĩa vụ hướng dẫn, chỉ bảo, phải phân biệt thái độ không am hiểu với hành vi cố tình vi phạm để quyết định hướng dẫn hay xử phạt. Tiếc thay số CSGT thực sự vì dân ít gặp trên đường phố. Nhiều viên cảnh sát xem người đi đường là một nguồn thu nhập (!) và khi đã xem như thế, chắc chắn không có sự tôn trọng nào cho cả hai bên. Hệ quả của nó là CSGT sẵn sàng “mày-tao” với cả những người lớn tuổi hơn mình rất nhiều.

Nhất định phải cải thiện hình ảnh, có sự tôn trọng lẫn nhau. CSGT tôn trọng dân, dân tôn trọng sắc phục của CSGT. Cảnh sát phải vì dân, tôn trọng người dân thật sự. Khi ấy mới mong đạt được hành vi ứng xử công cộng mà nhiều nước văn minh khác đã có từ lâu giữa người dân và cảnh sát đường phố.

Nếu CSGT còn coi thường dân sẽ không có đáp án tốt đẹp về hành vi ứng xử. Cái gốc ở đấy mà thôi.



Không có nhận xét nào: