Pages

Thứ Ba, 13 tháng 12, 2011

“QUĂNG LƯỚI BẮT… XE”: TUYỆT CHIÊU HAY CHIÊU BẤT LỰC TRONG TUYỆT… VỌNG?

Bạn đọc qúy mến!
Hẳn chúng ta từng nghe những câu vè nhân gian: “… cái lưới bắt cá, cái ná bắn chim, cái kim may áo, cái gáo múc nước”? Ngụ ý dụng cụ nào, đối tượng và công dụng đó. Mới đây, ở Việt Nam, công an Thanh Hóa (CATH) đã chuyển dụng cụ “cái lưới bắt cá” thành “cái lưới bắt… xe”! Thật là “tuyệt chiêu”!
Có hiệu qủa ngay trước mắt.
Tuyệt chiêu là CATH đã dùng lưới đánh bắt cá… quăng bắt xe trên đường như ngư dân thả luới bắt cá trên sông, trên biển. Kết qủa thật khả quan: Nhiều tay đua “cậu ấm – lạc bối gia, cô chiêu – các các” thích “phóng nhanh, vượt ẩu” đã nhanh chóng ngoan ngoãn chịu phép. Bởi vì, lưới cá quăng vào bánh xe là vật cản tốc độ hiệu nghiệm nhất. Nó chỉ đứng sau màn hết xăng hay sụp ổ voi hoặc chết… bu-ri! Những tay đùa với tử thần gây nguy hiểm cho người vô tội này, có kết qủa trên cũng cho đáng đời cho những con ông cháu cha “lắm tiền bạc, nghèo trí thức”. Chúng thích chơi ngông và mờ mắt quên câu: “Thiên đường hữu lộ, vô nhân vấn. Địa ngục vô môn, hữu khách tầm” ! Khi quái chiêu này thu được kết qủa, nó sẽ nhanh chóng được dùng… đại trà ở Việt Nam. Trong “Bình Ngô Đại Cáo“, Nguyễn Trãi từng kết tội quân xâm lược nhà Minh: “… Vét sản vật, bắt dò chim sả, chốn chốn lưới chăng… “. Chim không bị ná cao su hay súng bắn chim bắn mà phải dùng lưới để tóm cho nhiều. Đó cũng chứng minh cho thấy nguyên lý hành động của cái câu “muốn đạt được mục đích phải bất chấp thủ đoạn”. Thế nhưng… sau đó thì sao?

Sự đời ai có mắt sau lưng?
Không ai dám khẳng định rằng CA lúc nào cũng “bách ném bách trúng”? Ném không trúng thì chài nhầm người khác. Tai nạn này ai gánh? Cái dùi cui là công cụ tượng trưng cho luật pháp, ai dám nói chúng đã không bị biến thành hung khí đánh gãy cổ người dân? Võ thuật được trang bị cho CA để bảo vệ mình, bảo vệ dân và thi hành luật pháp, ai dám nói rằng nó không được dùng để hăm dọa người lương thiện hay đánh chết người khác? Tai nạn nghề nghiệp hay lợi dụng nghề nghiệp gây nạn tai? Hiện nay, chưa có tay đua nào được… hóa kiếp nhưng “máu ở lại, da đi nhé” cũng không phải là không có.
Đó là sự hoang phí…
Tốn lưới thì dân tốn tiền. Tốn công thì dân tốn của! Quăng lưới dính bánh xe xong, CA phải tốn công ngồi gỡ. Lưới hư phải tốn tiền mua cái mới. Thời gian và tiền bạc đó sao không để dành mở lớp dạy người dân học luật? Thay vì dùng lưới bắt cá để bắt người sao không đem lưới bắt cá mà tặng cho ngư dân? Ngân sách nhà nước chi ra cũng là tiền và mồ hôi nước mắt của người dân chứ chính phủ đào ở đâu ra tiền?
Phép vua thua lệ làng?
Đây có phải là biện pháp từ Bộ Công An “bật đèn xanh” hay chỉ là sáng kiến riêng của lãnh chúa Thanh Hóa? Nếu là của riêng lãnh địa này, nó nói lên rằng, mỗi một lãnh chúa có thể có những biện pháp, sáng kiến riêng không cần thông qua nhà nước?
Ngàn năm bia miệng…
Giữa đường phố đông người qua lại, hình ảnh CAVN rình rập, khom mình lấy đà… quăng lưới, người ta hỏi rằng đấy là hình ảnh gì nếu không phải là trò chơi “thần kinh” hay nói toạc móng heo là trò mèo của những tên… khùng khi chơi trò quăng lưới bắt cá trên… đường lộ? Xét lại, chiêu dùng lưới bắt cá để bắt xe đó chẳng khác nào sự bất lực của cha mẹ khi phải dạy con cái bằng roi vọt, chồng bạo hành dạy vợ bằng bạt tai, hàng xóm côn đồ dạy nhau bằng côn gậy, con người vô nhân dạy nhau bằng súng dao? Ông bà ta có nói “Dạy con từ thuở lên ba…”.
Văn minh nhân loại cần so sánh.
Ở nước Mỹ, con người và động vật hầu như được đối xử ngang nhau. Người ta ra đường tránh bầy ngỗng, bác nai, chú sóc hay thiếm chồn… Chim chóc trên trời tha hồ thẳng cánh mà bay. Cá dưới sông, hồ vễnh vây mà bơi lội. Những chuyện “tiếu lâm lùn” cười ra nước mắt quăng lưới bắt xe này chỉ có ở Việt Nam. Có lẽ vì những bộ phim kiếm hiệp của Trung Quốc, Hồng Kông có những cảnh người giang hồ chuyên dùng lưới để bắt anh hùng hay đạo tặc, thực sự ảnh hưởng tới ngành CAVN chăng? Chúng ta hoan nghênh cách dùng lưới bắt xe này nếu cái lưới này được dùng để… hốt trọn ổ những kẻ tham quan, chăng bắt trụm lụm những tay bán nước hay chài hết thảy những bọn gian thần.
Bạn đọc qúy mến!
Tính nhân bản của một chế độ được đánh giá trên những phương cách làm cho người dân nể phục hơn là hãi hùng và căm ghét. “Quăng lưới cá bắt xe” chỉ nói lên tính chất “côn đồ” và là một bản “cảnh tỉnh” đối với những chế độ nào muốn thay chế độ đẻ ra nó. Thiếu gì phương cách để bảo vệ luật pháp phải không qúy vị? Cách tốt nhất là phương pháp giáo dục. Không có giáo dục, con người hành động như động vật và giáo dục không đúng cách, con người hành động như kẻ tâm thần. Không một nhà khoa học nào dám công nhận dùng lưới bắt cá hay súng bắn lưới để bắt xe, bắt người là một biện pháp khoa học. Đó chỉ là chiêu tuyệt vọng hay nói đúng hơn là chiêu bất lực của một thể chế không lấy giáo dục làm trọng và chẳng đứng trên nền tảng nhân văn mà hành sự. Quăng lưới bắt người, thời tiền sử cũng cởi… khố chào… thua./.
Trân trọng kính chào!
Ngọc Thiên Hoa

Không có nhận xét nào: