Pages

Thứ Tư, 7 tháng 12, 2011

Quyền biểu tình của công dân Trung Quốc sẽ được tôn trọng?

Lưu Dật MinhBoxun.com.
Quốc Trung dịch

Gần đây, có hai vụ tuần hành biểu tình xảy ra ở Quảng Đông đã thu hút được sự quan tâm rộng rãi của dư luận trong và ngoài nước. Sau khi vụ việc xảy ra, truyền thông chính thức đã không còn như trước đây là lên án những vụ việc loại này là những sự kiện cộng đồng, mà quần chúng do không hiểu rõ sự thật đã bị những người có dụng ý riêng kích động, mà đã đưa ra những bản tin xác thực ngay từ giờ đầu. Rất nhiều người khi thấy phản ứng của dư luận cùng những biểu hiện khi ấy của cảnh sát, đã sôi nổi đưa ra sự khẳng định cho hiện tượng mới này.

Trung Quốc rõ ràng là một đất nước có “Hiến pháp” mà không có chính thể lập hiến, “Hiến pháp” của Trung Quốc ngoài một số ít những điều khoản không còn phù hợp với tinh thần pháp trị hiện thời, đa số những điều khoản đó, nhất là những điều khoản về quyền lợi và tự do của công dân, vẫn còn phải được khẳng định thêm. Như Điều 35 trong “Hiến pháp” đã qui định rõ: Công dân nước CHND Trung Hoa có quyền tự do ngôn luận, xuất bản, hội họp, lập hội, tuần hành, biểu tình. Có thể thấy, quyền tuần hành biểu tình là quyền lợi mà “Hiến pháp” đã trao cho công dân.
Trong phong trào dân chủ xảy ra ở Bắc Kinh cùng các thành phố khác vào năm 1989, học sinh cùng với người dân đã xuống đường yêu cầu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc thực thi dân chủ và trừng trị những quan chức hủ bại, đó có thể nói là sự thực thi quyền tuần hành biểu tình trong “Hiến pháp”. Tuy nhiên, tháng 10 năm 1989, sau vụ đại thảm sát “4 tháng 6”, chính quyền liền ban bố luôn “Luật Hội họp Tuần hành Biểu tình”, nếu xét từ một số điều khoản trong đó, thì luật này hiển nhiên là đang tước bỏ quyền tuần hành biểu tình của công dân, vi hiến một cách rõ ràng.
Khoản 1, điều 23 trong “Luật Hội họp Tuần hành Biểu tình” qui định: Không được tổ chức hội họp, tuần hành, biểu tình trong khoảng cách từ 10m đến 300m xung quanh các trụ sở Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc, Quốc Vụ viện, Ủy ban Quân sự Trung ương, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao. Đây hiển nhiên là đã ban đặc quyền cho các cơ quan quyền lực, đồng thời về cơ bản chẳng khác nào đã hạn chế quyền tuần hành biểu tình của công dân, bởi đương nhiên những cuộc tuần hành biểu tình qui mô lớn sẽ phải lan tới những cơ quan quyền lực này.
Có người thuộc giới luật cho rằng, “Luật Hội họp Tuần hành Biểu tình” chỉ nhấn mạnh đến trách nhiệm luật pháp của việc tổ chức hội họp, tuần hành, biểu tình, mà chưa nhấn mạnh đến việc bảo vệ quyền lợi và sự an toàn tính mệnh của công dân khi tổ chức hội họp, tuần hành, biểu tình ra sao. Mục đích lập pháp của luật này hiển nhiên là để bảo vệ sự an toàn cho các cơ quan quyền lực và ngăn cản công dân tuần hành biểu tình. Luật pháp cùng với cái gọi là “Luật Hội họp Tuần hành Biểu tình” như vậy thì thà rằng gọi là “Luật cấm Hội họp Tuần hành Biểu tình” còn hơn.
Ngoài ra, Điều 7 “Luật Hội họp Tuần hành Biểu tình” qui định: Tổ chức hội họp, tuần hành, biểu tình phải xin phép, đồng thời được sự chấp thuận của các cơ quan chủ quản theo quy định của luật này. Có thể thấy, chỉ cần tuần hành biểu tình mà chưa được phép thì chắc chắn sẽ bị coi là hành động phi pháp, cảnh sát có thể dùng đó làm cái cớ để bắt người. Thực ra, sau vụ “4 tháng 6” và trước khi xảy ra hai cuộc tuần hành biểu tình ở Quảng Đông lần này, ngoài một vài cuộc tuần hành biểu tình mang tính chủ nghĩa dân tộc phản đối nước ngoài được sự cho phép ngầm hoặc ủng hộ chính thức ra, cảnh sát chưa từng phê chuẩn một cuộc tuần hành biểu tình nào khác, thậm chí có rất nhiều lần, các nhà hoạt động nhân quyền đã xin phép trước, nhưng khi cuộc tuần hành biểu tình còn chưa bắt đầu, thì người tổ chức đã bị cảnh sát khống chế hoặc bắt giữ.
Chính vì “Luật Hội họp Tuần hành Biểu tình” đã hạn chế tối đa quyền lợi hội họp tuần hành biểu tình của công dân, cho nên, khi nhiều người nhìn thấy hai cuộc tuần hành biểu tình ở Quảng Đông lần này được tiến hành một cách thuận lợi, liền đua nhau vỗ tay khen ngợi động thái cởi mở này của chính quyền Quảng Đông. Theo nguồn tin được tiết lộ từ cư dân mạng, sở dĩ hai cuộc tuần hành biểu tình lần này được cho phép, là vì đã được sự phê chuẩn đặc cách của Uông Dương, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông. Tuy tin này không thể kiểm chứng, nhưng khả năng này là có thể, bởi vì trong hàng ngũ lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Uông Dương là một trong số các quan chức cởi mở ít ỏi.
Trong số hai cuộc tuần hành biểu tình lần này, điều khiến người ta chú ý nhất là cuộc tuần hành biểu tình đòi tăng lương của công nhân khu Hoa Đô, Quảng Châu, xảy ra vào ngày 18 tháng 11, cuộc tuần hành biểu tình này không những không bị cảnh sát đàn áp, mà trái lại còn được sự hỗ trợ mạnh mẽ của cảnh sát. Theo tin từ “Nam phương đô thị báo”, khoảng 12 giờ trưa ngày hôm đó, trên Kiến thiết Bắc lộ ở khu Hoa Đô có hàng trăm công nhân đi tuần hành biểu tình, miệng hô khẩu hiệu, giương cả băng rôn với các dòng chữ “Trả lại đồng tiền máu và mồ hôi cho tôi”, “Tôi muốn được ăn”… Có cả xe cảnh sát đi theo hộ tống mở đường, phân luồng giao thông, nhưng do xe buýt phải đổi hướng đi nên đã gây ách tắc giao thông mất một thời gian.
Cảnh tượng ấy quả là xảy ra lần đầu tiên, việc này vừa được truyền thông đưa tin, đã gây sốt cho cư dân mạng ngay. Không ít người bày tỏ trên mạng rằng việc cảnh sát mở đường cho công dân tuần hành biểu tình đòi tăng lương là một tiến bộ rất lớn, đã tạo dựng nên được hình ảnh tích cực của cảnh sát. Không chỉ cuộc tuần hành ở Hoa Đô lần ấy và cuộc tuần hành của nông dân phản đối việc trưng thu đất đai phi pháp xảy ra ở thôn Ô Khảm, Lục Phong, Quảng Đông ngày 21 tháng 11 đều được tôn trọng, mà cả những tin tức và hình ảnh có liên quan được cư dân mạng đưa lên blog cá nhân cũng chưa bị xóa.
Tất nhiên, có những cư dân mạng cho rằng, sở dĩ cuộc tuần hành biểu tình của công nhân lần này ở Hoa Đô được sự hỗ trợ của cảnh sát là bởi vì đối tượng công nhân chống đối không phải là chính phủ mà là chủ doanh nghiệp. Nếu chỉ có mỗi một mình vụ việc ấy, thì chúng ta hoàn toàn có thể lý giải theo kiểu này, nhưng khi xâu chuỗi với cuộc tuần hành biểu tình phản đối việc trưng thu đất đai phi pháp xảy ra ở thôn Ô Khảm tiếp sau đó, thì không thể không thán phục trước động thái dám đi trước cả thiên hạ của chính quyền tỉnh Quảng Đông. Tuy tạm thời vẫn chưa rõ hai cuộc tuần hành biểu tình lần này đã xin phép trước và được sự phê chuẩn hay chưa, nhưng nếu nhìn nhận từ cách thức xử lý của chính quyền, thì đây hiển nhiên là một tín hiệu tốt lành đang được lan truyền.
Sau khi bản “Hiến chương 08” ra đời vào cuối năm 2008, chính quyền đã ngày càng tăng cường sự khống chế đối với các hoạt động nhân quyền cùng những nhân vật nhạy cảm, đến khi Lưu Hiểu Ba được trao tặng Giải Nobel Hòa bình và xảy ra Cách mạng hoa nhài ở Trung Đông và Bắc Phi, chính quyền lại càng thêm hoang mang, hoảng loạn. Còn nhớ vào nửa đầu năm nay, rất nhiều người, dù không tuần hành biểu tình, nhưng chỉ cần tiếp cận các địa điểm Cách mạng Hoa nhài được truyền trên mạng là bị cảnh sát lôi đi. Thái độ rộng lượng của chính quyền Quảng Đông đối với hai cuộc tuần hành biểu tình lần này cùng với thái độ của chính quyền khi nổ ra Cách mạng Hoa nhài đã hình thành nên một sự đối sánh rõ nét, đây bất kể có phải là cử chỉ khoe mẽ của Uông Dương hay không, thì cũng đáng được khẳng định.
The Wall Street Journal”, bản tiếng Trung online, vào cuối tháng 9 năm nay đã trích dẫn báo cáo nghiên cứu của Giáo sư Tôn Lập Bình, thuộc Trường Đại học Thanh Hoa, cho biết, trong năm 2010, ở Trung Quốc đại lục đã xảy ra 18 vạn sự kiện cộng đồng, tăng hơn 3 lần so với 10 năm trước đó, hơn nữa các biến động xã hội lại vẫn đang mạnh lên. Sự tăng vọt của các sự kiện cộng đồng hiển nhiên không phải do dân chúng Trung Quốc chỉ lo cho thế giới được yên ổn, mà là do sự lạm quyền của các quan chức và sự bất công trong xã hội. Tuyệt đại đa số các sự kiện cộng đồng đều không có được kết cục có hậu, tuy đều bị đàn áp mạnh mẽ để đổi lấy sự ổn định tạm thời, nhưng lại đã chôn lấp một mối ẩn họa cho sự an toàn lớn hơn, chỉ cần chính quyền không chịu làm dịu đi bằng những biện pháp gần dân thiết thực hơn, thì chắc chắn sẽ có một ngày, những sự kiện cộng đồng lớn hơn và những mối xung đột quan – dân gay gắt hơn sẽ bùng phát.
Hai sự kiện tuần hành biểu tình nói trên hiển nhiên còn chưa thể được xem là hiện tượng phổ biến, nhiều nhất cũng chỉ được xem là hiện tượng Quảng Đông, song hy vọng rằng sắp tới đây, sự rộng lượng và ứng xử thiện chí đối với các cuộc tuần hành biểu tình của quần chúng sẽ không chỉ giới hạn ở một vùng Quảng Đông. Nhìn rộng ra, tất cả những sự kiện cộng đồng lớn nhỏ xảy ra ở khắp nơi trên toàn quốc trong những năm vừa qua có thể thấy, không có một sự kiện nào lấy việc lật đổ sự thống trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc làm mục đích, cho nên, quan chức và cảnh sát các cấp cần nhanh chóng vứt bỏ tư duy thù địch, coi tuần hành biểu tình là hồng thủy mãnh thú, có như vậy thì mọi mâu thuẫn xã hội mới dần dần được dịu bớt, giữa quan chức với người dân mới có thể ứng xử với nhau chân thành, xã hội mới dần dần đi vào thế hài hòa.
Nguồn: Boxun.com
Ảnh: Người dân tụ họp, chuẩn bị biểu tình ở Bắc Kinh, lấy ý tưởng từ Cách mạng Hoa lài ở Bắc Phi. Photo: AP.
Theo: http://anhbasam.wordpress.com/2011/12/08/quyen-bieu-tinh-cua-dan-trung-quoc-se-duoc-ton-trong/.

Không có nhận xét nào: