John Yi – Nguyễn Tâm dịch
Một ấn bản gần đây do một số viện nghiên cứu chính sách thực hiện, có tựa đề “Cùng chia sẻ mục tiêu, hướng đến lợi ích chung: Kế hoạch hợp tác Mỹ – Úc – Ấn trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương”, có vẻ như là nguồn gốc của sự thay đổi lập trường rõ rệt của Ngoại trưởng Úc Kevin Rudd.
Đồng phát hành bởi Viện Lowy của Úc, Quỹ Observer Research Foundation của Ấn Độ, và Viện Heritage của Mỹ, các tác giả kêu gọi thiết lập hiệp ước phòng thủ ba bên giữa Mỹ, Úc và Ấn Độ trong một thế giới mà “sự trỗi dậy của Trung Quốc…đang đặt ra sự thách thức hết sức nghiêm trọng đối với thế thượng phong của quân đội Mỹ ở Châu Á trong nửa thế kỷ tới”.
Trong khi vẫn chưa có các cuộc đàm phán chính thức liên chính phủ về hiệp ước phòng thủ đặc biệt này, thì vào ngày 30 tháng 11, phát ngôn nhân của văn phòng Ngoại trưởng Rudd cho xuất hiện bản tin với dáng vẻ tích cực, tuyên bố:
“Ý tưởng hợp tác ba bên giữa Ấn Độ, Mỹ và Úc là một suy nghĩ chín chắn, đáng được nghiên cứu thêm. Chúng ta là những đối tác hết sức hợp lý, và dựa trên cơ sở lợi ích của cả ba nước nhằm tiếp tục mở rộng sự tham vấn và hợp tác”.
Hơn nữa, trong cuộc phỏng vấn với tờ Australian Financial Review, ông Rudd được dẫn lời cho hay, Ấn Độ “thật sự tỏ ra rất tích cực” về khả năng hình thành một thỏa thuận phòng thủ ba bên.
Tuy nhiên, ngay đúng ngày hôm sau, Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã đưa lên website của họ một tuyên bố hoàn toàn bác bỏ điều ông Rudd mô tả về lợi ích của New Delhi về một hiệp ước ba bên.
“Chúng tôi đã xem các tin tức của giới truyền thông, về những bình luận của Ngài Kevin Rudd, Ngoại trưởng Úc, về khả năng một hiệp ước an ninh và kinh tế ba bên giữa Mỹ, Úc và Ấn Độ. Chúng tôi không biết đến bất cứ đề xuất nào như vậy”.
Và ngay trong ngày, Canberra đã nhanh chóng đính chính những thông tin mâu thuẫn mang tính đối đầu công khai và trực tiếp nhắm vào Bắc Kinh. Cao ủy Úc đã đưa ra một tuyên bố rằng, nước này “không đề xuất thỏa thuận ba bên như vậy”, và rằng “việc mô tả quan điểm của Ấn Độ về cuộc đối thoại an ninh ba bên giữa Ấn Độ, Úc và Mỹ có nội dung không đúng”. Ông Rudd cũng thẳng thừng bác bỏ điều cho rằng Canberra có tham vọng kiến tạo một thỏa thuận an ninh đa phương trong khu vực.
Vẫn chưa rõ là liệu sai lầm này chỉ là do giải thích sai lời nói của ông Ngoại trưởng hay do sự cố truyền đạt thông tin nội bộ của Bộ Ngoại giao [Úc]. Tuy nhiên, sự cố này phản ảnh khuynh hướng ngày càng tăng của Úc và các đối tác châu Á khác có những bước đi thận trọng trước các vấn đề tăng cường an ninh do sự phát triển về kinh tế và quân sự không minh bạch của Trung Quốc trong khu vực.
“Hiện thực Trung Quốc” của Úc
Trong tình hình hiện nay, quan hệ Úc-Trung rất phức tạp. Một mặt, tăng trưởng thương mại giữa hai nước phát triển rất nhanh trong những năm gần đây. Trong khi phần lớn các nước trên thế giới phải hứng chịu cơn khủng hoảng tài chính toàn cầu, nhưng do nhu cầu năng lượng vô tận của Trung Quốc, Úc đã thật sự gặt hái được thành quả tăng trưởng kinh tế. Từ năm 2009, Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Úc, kim ngạch song phương đạt 105 tỷ USD. Đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng, Trung Quốc là nhà nhập khẩu chính nguồn tài nguyên thiên nhiên của Úc, điều này thúc đẩy bùng nổ kinh tế ở một nửa đất nước, miền Tây nước Úc.
Tuy nhiên, ảnh hưởng từ sự gia tăng thương mại của Trung Quốc tại Úc cũng là nguồn gốc của quá trình tăng trưởng kinh tế mất cân đối. Việc xuất khẩu tài nguyên tăng lên không ngừng đã làm đồng đô la Úc tăng giá, gia tăng chi phí lao động khi các công nhân có tay nghề tham gia vào lĩnh vực khai thác tài nguyên, đẩy các ngành sản xuất của Úc vào thế mất khả năng cạnh tranh. Trong hai năm qua, ước tính có gần 100.000 việc làm trong ngành sản xuất đã biến mất. Và trong khi lãnh vực khai khoáng và khai thác tài nguyên tiếp tục tăng trưởng, thì các lãnh vực khác của nền kinh tế Úc, như du lịch, lại trong tình trạng tồi tệ.
Bên cạnh quan hệ kinh tế mất cân bằng, Úc còn đối mặt với những quan ngại an ninh gia tăng, qua lập trường ngày càng hung hăng của Trung Quốc, liên quan đến các tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông. Nằm ở phía Bắc của Úc, Bắc Kinh không ngần ngại ám chỉ việc đe dọa sử dụng sức mạnh quân sự để khẳng định chủ quyền của mình tại các vùng biển tranh chấp. Và trong khi Mỹ nhắc lại cam kết của mình về sự hiện diện quân sự và cam kết với các đồng minh trong khu vực, thì những mối đe dọa triền miên của Quốc hội [Mỹ] về những khoản cắt giảm lớn ngân sách quân sự đã làm dấy lên những nghi ngờ ở Châu Á về mức độ vững chắc của sức mạnh quân sự Mỹ trong khu vực.
Do vậy, trong lúc ông Rudd dứt khoát phủ nhận triển vọng hiệp ước phòng thủ ba bên, người ta không khó hình dung Canberra đang ấp ủ những ý tưởng phía sau các cánh cửa đóng kín.
Ứng phó thận trọng của Úc
Trong nỗ lực tăng cường an ninh trước tình hình Trung Quốc, Canberra đã khởi sự chương trình hiện đại hóa quốc phòng trị giá hàng tỷ đô la, bao gồm trang bị mới hàng loạt trực thăng, xe tăng và các tàu ngầm mang tên lửa tầm xa.
Tháng 8, chính phủ Úc đã phê duyệt bốn chương trình quốc phòng chủ lực, bao gồm mua sắm trên 950 xe huấn luyện mới, nâng cấp hệ thống tên lửa Standard Missle-2, nâng cấp các tên lửa Sea Sparrow và hiện đại hóa năng lực của các vệ tinh quân sự. Chỉ tính riêng chi phí hoàn tất toàn bộ những dự án này, ước tính khoảng 3 tỷ USD.
Ngoài việc nâng cấp hệ thống vũ khí, Úc bắt đầu hợp tác quân sự với các nước láng giềng trong khu vực. Tháng 6 năm nay, Ủy ban Tham vấn An ninh Nhật-Mỹ đã thông qua mục tiêu chiến lược nhằm tăng cường hợp tác phòng thủ Mỹ-Nhật-Úc. Và vào tháng sau đó, ba nước đã tiến hành tập trận quân sự chung lần đầu tiên ngoài khơi Brunei.
Có lẽ động thái gây tranh cãi nhất của Canberra diễn ra trong tháng qua, khi Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Úc Julia Gillard đồng ý thiết lập một căn cứ Mỹ ở phía Bắc nước Úc, nơi đóng quân của 2.500 lính thủy quân lục chiến [Mỹ]. Như dự đoán, Bắc Kinh đã phản đối bước đi này, tố cáo Mỹ đang lao vào “não trạng thời chiến tranh lạnh”.
Mặc dù tiến hành tất cả những biện pháp nói trên, Úc, một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ trong khu vực, đang đi một bước khéo léo trong nỗ lực kiên quyết chống lại sự gây hấn quân sự của Trung Quốc, trong khi không tỏ ra khiêu khích đối tác thương mại lớn nhất của mình.
Mở rộng khả năng đa phương hóa
Khi Canberra tiếp tục có những động tác cân bằng, Washington có thể sớm nhận ra rằng chính mình như vị khách bên ngoài cuộc chơi, khi tham gia như một đối tác song phương, thậm chí là đối tác ba bên trong khu vực để làm đối trọng với Bắc Kinh. Thực vậy, các tổ chức quốc tế ngày càng trở thành phương tiện được ưa chuộng để đương đầu với Bắc Kinh. Điều này đặc biệt đúng trong khu vực biển Đông, nơi khối ASEAN đóng vai trò đầu tàu khi đại diện cho nhiều bên có lợi ích liên quan. Các nước như Việt Nam và Philippines đã trở thành những nước có tiếng nói chỉ trích mạnh nhất đối với những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc, và đang gây áp lực để khối ASEAN phải có những bước đi mạnh mẽ hơn nhằm ứng phó với Bắc Kinh. Gần đây, Philippines đã đưa ra kế hoạch giải quyết tranh chấp, và đang thúc đẩy ASEAN thực hiện.
Và trong khi ông Rudd tỏ ra phản đối bất kỳ hiệp ước quân sự nào nhằm chống Trung Quốc, thì ông ấy cũng đề nghị bất kỳ liên minh nào nên là một phần của một tập hợp đa phương rộng lớn hơn:
“Bộ Quốc phòng [Úc] cũng không muốn dính líu vào bất cứ cấu trúc an ninh đa phương nào trong khu vực, ngoại trừ những liên minh dưới ngọn cờ Liên Hiệp Quốc, hoặc các diễn đàn rộng rãi như Hội nghị các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) và Diễn đàn An ninh khu vực ASEAN (ARF)”.
Hiện giờ, Mỹ có đủ khả năng tập trung vào các thỏa thuận song phương với các đối tác khu vực, chẳng hạn như thỏa thuận cho phép triển khai lực lượng thủy quân lục chiến [Mỹ] ở phía Bắc nước Úc. Tuy nhiên, Washington nên ý thức rằng tình hình đang bắt đầu thay đổi, với các thỏa thuận và diễn đàn đa phương ngày càng trở thành cách tiếp cận được ưa chuộng của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đối với những vấn đề gai góc.
John K. Yi là nghiên cứu sinh Chương trình Alfa, hiện đang sống tại Moscow, Nga. Ông nhận bằng Thạc sỹ về Nghiên cứu Á-Âu, Nga và Đông Âu tại Đại học Georgetown, chuyên nghiên cứu về chính sách đối ngoại của Nga tại Đông Á và trong các cuộc đàm phán sáu bên.
Nguồn: The Diplomat
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét