Trang Thư
Báo cáo năm 2011 của VNR500 cho thấy tỷ suất lợi nhuận của khối DN tư nhân trong nhóm 500 DN hàng đầu Việt Nam liên tục giảm. Chúng tôi đã trao đổi với chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan để lý giải hiện tượng này.
PV: Thưa bà, theo số liệu của VNR500, số lượng doanh nghiệp tư nhân trong bảng xếp hạng VNR500 tăng liên tục từ năm 2007 tới 2011 từ 118 lên 188 doanh nghiệp. Tuy vậy, tỉ suất lợi nhuận của khối doanh nghiệp này lại giảm liên tục, thể hiện ở hai chỉ số đánh giá hiệu quả kinh doanh. ROA của doanh nghiệp tư nhân giảm từ 3,1% năm 2007 xuống còn 2,4% năm 2011, ROE giảm từ 34,9% năm 2007 xuống 16% năm 2011, bà đánh giá thế nào về mức giảm liên tục này trong 5 năm qua của khối doanh nghiệp tư nhân?
Bà Phạm Chi Lan: Từ năm 2009, 2010, một số đơn vị nghiên cứu như Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng đã có báo cáo đánh giá về các ngành công nghiệp và các khu vực doanh nghiệp. Các bản báo cáo này đều cho thấy tỉ suất lợi nhuận của các khu vực doanh nghiệp giảm liên tục trong những năm gần đây. Tôi nghĩ xét trong bối cảnh kinh tế những năm gần đây, việc tỉ suất lợi nhuận của doanh nghiệp tư nhân giảm là không có gì lạ.
PV: Bà có thể giải thích rõ lý do tại sao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân lại giảm như vậy?
Bà Phạm Chi Lan: Chỉ nhìn trên kinh tế vĩ mô từ 2008 tới nay, lạm phát gia tăng rất nhanh. Cùng với đà tăng của lạm phát, lãi suất ngân hàng liên tục tăng cao, khiến giá vốn của doanh nghiệp cũng tăng nhanh. Hầu hết DN tư nhân không có nhiều tài sản để thế chấp, nên giá vốn đối với họ còn cao hơn các DN khác. Năm nay, nhà nước chủ trương kiềm chế tăng trưởng tín dụng để kiềm chế lạm phát, giá vốn đối với nhiều DN nhỏ và vừa trở nên không thể chịu nổi, và hơn 50.000 DN đã phải ngừng hoạt động như Bộ KH-ĐT công bố .
Mặt khac, thị trường bất động sản phát triển rất nóng trong vài năm gần đây. Giá đất bị đẩy lên ghê gớm, năm nay dù khó khăn nhưng bong bong bất động sản còn đó chưa vỡ. Đất đai tích tụ rất nhanh và rất cao vào tay một số doanh nghiệp kinh doanh bất động sản và những DN có quan hệ với các giới quyết định phân bổ nguồn lực đất đai. Đông đảo doanh nghiệp tư nhân không có được “lợi thế” đó, phải thuê lại đất từ những người có đất và chịu giá thuê đất, thuê mặt bằng, thuê cửa hàng tăng lên hàng năm.
Riêng trong năm 2011, giá đất của nhà nước lại còn tăng lên ở hàng loạt các địa phương kể cả Hà Nội, mức tăng khá cao tới 30% – 50%. Chính quyền địa phương tăng giá đất như vậy không ảnh hưởng bao nhiêu tới lợi ích của giới đầu cơ, giới kinh doanh địa ốc, mà chỉ có doanh nghiệp phải thuê lại đất là khổ. Đất đai là một nhân tố lớn đóng góp vào mức tăng chi phí của doanh nghiệp dẫn tới tỉ suất lợi nhuận giảm.
Rồi hàng loạt các yếu tố đầu vào khác cũng tăng liên tục như điện, xăng dầu. Sự tăng này đẩy giá các mặt hàng nguyên vật liệu và các chi phí dịch vụ khác tăng theo. Điều chỉnh tỷ giá cũng làm các DN sử dụng đầu vào nhập khẩu phải trả giá cao hơn, mà ở nước ta thì hầu như trong lĩnh vực hoạt động nào cũng phải dùng đầu vào nhập khẩu, không ít thì nhiều. Đầu vào của các doanh nghiệp do vậy chịu mặt bằng giá cao hơn và tăng liên tục trong mấy năm gần đây. Đó cũng là một nhân tố lớn làm chi phí tăng.
Thứ tư là giá nhân công, tiền lương cho công nhân viên buộc phải tăng. Trong bối cảnh lạm phát như thế này, nhà nước chưa yêu cầu tăng lương cho nhân công thì nhiều doanh nghiệp đã phải tự phải tăng, nếu không người lao động không đủ sống sẽ bỏ đi. Chi phí nhân công đắt đỏ lên ở Việt Nam trong những năm gần đây khiến ngay cả những nhà đầu tư nước ngoài cũng đang kêu.
Thứ năm, trong điều kiện hiện nay, chi phí giao dịch đang tăng đáng kể, kể cả chi phí hoa hồng, “bôi trơn”. Tất cả những yếu tố đó đều dội vào doanh nghiệp.
Điều đáng buồn cho các doanh nghiệp là, trong khi các chi phí đều tăng thì thị trường lại trở nên cạnh tranh hơn và họ không thể bán với giá cao hơn. Đặc biệt với các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh hàng tiêu dùng là khu vực DN tư nhân tham gia nhiều nhất, người tiêu dùng cả trong và ngoài nước trong điều kiện khó khăn đều không sẵn sàng chấp nhận giá cao hơn.
Chính vì thế, tỉ suất lợi nhuận giảm là điều dễ hiểu.
Các doanh nghiệp nằm trong bảng xếp hạng VNR500 tuy có khá hơn đông đảo DN nhỏ và vừa, nhưng cũng không thể thoát ra khỏi quy luật chung của các doanh nghiệp khác, nghĩa là cũng phải chịu sức ép giá đầu vào tăng lên. Đặc biệt, các doanh nghiệp lớn này còn phải chịu chi phí trung gian nhiều bởi phải qua nhiều khâu cung ứng trung gian chứ không thể làm từ A tới Z được. Hầu hết các doanh nghiệp đều làm khâu cuối cùng, còn các sản phẩm trung gian phải nhập từ bên ngoài hoặc dựa vào các đại gia cung cấp. Sự phụ thuộc này khiến khi chi phí đầu vào tăng cao, lợi nhuận còn lại của họ đương nhiên thấp đi.
Nói chung đối với các DN chừng nào còn lợi nhuận họ vẫn làm, thậm chí có thể tạm chấp nhận hòa và lỗ trong một thời gian nhất định để tồn tại, nhưng điều đó chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn. Quá mức đó, họ sẽ rơi vào số 50,000 doanh nghiệp hoặc hơn nữa phải đóng cửa trong năm nay.
PV: Số liệu của VNR500 cũng cho thấy, hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước có xu hướng giảm nhưng ổn định hơn. Chỉ số ROA thậm chí còn tăng từ mức 3,7% năm 2007 lên mức 5,2% năm 2010, sau đó mới giảm xuống còn 2,7% năm 2011. Bà nhận định thế nào về xu hướng này?
Bà Phạm Chi Lan: Doanh nghiệp nhà nước đỡ hơn bởi họ có một số lợi thế. Thứ nhất, họ có đất đai, họ không phải thuê mà được nhà nước giao đất hoặc cho thuê với giá cố định trong một thời gian dài. Đất đai, mặt bằng nhiều khi đã được khấu hao hết, đất đai dư thừa họ còn cho thuê lại với giá cao. Lời từ cho thuê đất còn bù đắp cho nhiều hoạt động kinh doanh khac của họ.
Thứ nữa, có thể kể đến ưu đãi vay vốn tín dụng. Nguồn vốn của doanh nghiệp nhà nước có những phần không phải vay ngân hàng mà đến từ vốn ngân sách và vốn ODA nhà nước cho vay lại thấp hơn lãi suất bình thường. Điều kiện vay vốn tín dụng của các doanh nghiệp nhà nước cũng thuận lợi hơn rất nhiều, do họ có sẵn tài sản, đất đai, lại có bóng dáng nhà nước ở sau lưng. Vì vậy đối với doanh nghiệp nhà nước, yếu tố chi phí vốn có thể thấp hơn nhiều so với tư nhân.
Tiếp nữa, họ được độc quyền ở một số ngành kinh doanh khiến cho họ có thể tăng giá mà khách hàng vẫn phải chấp nhận. Thậm chí không có độc quyền doanh nghiệp thì vẫn có hiện tượng độc quyền nhóm khiến họ có thể tăng giá. Chưa kể DNNN có quyền kinh doanh rộng lớn hơn nhiều so với DN tư nhân, nhất là những lĩnh vực “ngon ăn”. Khi DNNN được đa dạng hóa ngành nghề, họ tran ra đến đâu là chèn DN tư nhân đến đấy, không hẳn vì DNNN giỏi giang hơn mà trước hết là vì họ có lợi thế áp đảo về nguồn lực và họ có quyền kinh doanh mà chẳng cần lời lãi!
PV: Có người cho rằng không thể căn cứ vào các chỉ số này để kết luận hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân đang trên đà giảm mạnh bởi doanh nghiệp tư nhân hay tìm cách giấu lợi nhuận để trốn thuế. Bà đánh giá như thế nào về nhận định trên?
Bà Phạm Chi Lan: Đúng là trong nhiều thảo luận giữa các nhà nghiên cứu, đã có ý kiến cho rằng tư nhân thường có xu hướng giấu lãi, khai man để tránh thuế. Nhưng tôi cho rằng việc giấu lãi tồn tại ở mọi loại hình doanh nghiệp kể cả tư nhân lẫn nhà nước và FDI, chứ đâu chỉ mình DN tư nhân! Tuy nhiên tôi không cho đây là chuyện quá lớn, bởi ngành thuế làm việc khá ngặt nghèo đối với DN tư nhân, chứ họ không dễ dàng trốn thuế được. DNNN và FDI có hệ thống các công ty mẹ-con, trong cùng tập đoàn hoặc tổng công ty lớn, sân trước sân sau, nên nhà nước không dễ dàng kiểm soát sự chuyển giá nội bộ của họ, trong khi đa số DN tư nhân ở qui mô nhỏ hơn và độc lập với nhau.
Tôi nghĩ cần nhìn việc giảm hiệu quả kinh doanh của DN tư nhân thể hiện ở đây như một xu hướng đáng báo động. DN tư nhân là khu vực tạo nhiều việc làm nhất cho xã hội. 50.000 DN đóng cửa có nghĩa là cả triệu người lao động không có việc làm và giảm hoặc mất nguồn thu nhập. Khó khăn trước mắt của các DN tư nhân đi cùng với khó khăn chung của cả nền kinh tế suốt 4 năm nay, và khu vực này rõ ràng đang phải chịu hậu quả nặng nề hơn các khu vực DN khác do thân phận nhỏ nhoi của họ.
Và dù cho những năm tới điều kiện kinh tế vĩ mô có được cải thiện dần, thì sự phát triển của DN tư nhân cũng sẽ vẫn không dễ dàng do môi trường kinh doanh bất bình đẳng mà họ còn phải gánh chịu. Vì vậy điều quan trọng nhất cho sự phát triển của cả nền kinh tế nói chung và khu vực DN tư nhân nói riêng vẫn là cải cách mạnh mẽ về thể chế, tạo lập môi trường kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng cho mọi DN hoạt động trên đất nước ta.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét