Pages

Thứ Năm, 1 tháng 12, 2011

Tâm sự với bạn trẻ về Thư ngỏ của Công nghị TGP Sài Gòn


Nhưng rất tiếc là Công nghị chỉ nói đến nguyên tắc, không đi vào cuộc sống hôm nay của Giáo hội Công giáo trong chế độ cộng sản vô thần duy vật, toàn trị để giúp giáo dân ý thức hơn và hăng say hoạt động.
Người giáo dân cần những phân tích cụ thể, phải làm gì cho Giáo hội, cho đất nước, cho con người. Nói nguyên tắc tốt đẹp chưa đủ.
Các bạn trẻ thân mến, hôm Chúa nhật 27.11.2011, Chúa nhật I mùa vọng, hình như trong các nhà thờ có đọc thư ngỏ của Tổng Giáo phận Sài Gòn. Được một cha hạt trưởng biếu thư ngỏ đó, tôi đọc kỹ và suy nghĩ nhiều. Không biết các bạn trẻ có nghe đọc lá thư ngỏ đó chăng. Hôm nay tôi muốn chia sẻ với các bạn về lá thư đó.

Công nghị TGP Sài Gòn
Đại hội Dân chúa (21-25 tháng 11 năm 2010) và vừa rồi Công nghị Tổng Giáo phận Sài Gòn (20-26 tháng 11 năm 2011) đã đưa ra những vấn đề muôn thuở “để tạo cơ hội cho mọi người tham gia công cuộc xây đắp gia đình giáo phận, theo định hướng Giáo Hội mầu nhiệm – hiệp thông – sứ vụ, theo đường lối của Tin Mừng, nhằm loan báo Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô cho mọi người”.
Trước hết, Công nghị xác định: “Giáo hội là gia đình của Thiên Chúa Ba Ngôi do Chúa Kitô thiết lập” để kêu gọi mọi người “đi chung với nhau để xây đắp mối hiệp thông hiếu thảo với Ba Ngôi Thiên Chúa, xây đắp mối hiệp thông hợp nhất trong gia đình Giáo hội”. Do đó Công nghị kêu gọi mọi thành phần trong giáo phận đổi mới để hiệp thông và chu toàn sứ vụ loan báo Tin Mừng”. Sau đó Công nghị đề cập đến Lời Chúa và các bí tích là con đường đầu tiên dẫn ta đi sâu vào mối hiệp thông với Thiên Chúa. Tiếp đó Công nghị đề cập đến “sự hiệp thông trong gia đình hạt nhân, gia đình giáo xứ cũng như trong gia đình giáo phận”. Công nghị đề cập tới việc “thực hành sứ vụ, được cụ thể hóa bằng việc xây đắp nền văn minh tình thương và văn hóa sự sống”. Công nghị cũng đòi hỏi giáo dân “phải có mặt trên mọi nẻo đường cuộc sống, để trở thành tiếng nói của những người không có tiếng nói, trái tim và bàn tay của Thiên Chúa chăm sóc mọi người, cách riêng là những người chưa được yêu thương”. Đồng thời, Công nghị cũng yêu cầu giáo dân “tích cực dấn thân cho công lý và hòa bình, xây dựng và bảo vệ môi trường sống tự nhiên và tinh thần đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, tích cực có mặt trong môi trường giáo dục và y tế, kinh tế và xã hội, truyền thống và văn hóa”.
Trên đây là những lời dạy của Công nghị cho chúng ta. Đó là những nguyên tắc cao đẹp để hướng dẫn ta. Nhưng rất tiếc là Công nghị chỉ nói đến nguyên tắc, không đi vào cuộc sống hôm nay của Giáo hội Công giáo trong chế độ cộng sản vô thần duy vật, toàn trị để giúp giáo dân ý thức hơn và hăng say hoạt động. Người giáo dân cần những phân tích cụ thể, phải làm gì cho Giáo hội, cho đất nước, cho con người. Nói nguyên tắc tốt đẹp chưa đủ.
Ví dụ như khi đề cập đến “đổi mới trong giáo phận để hiệp thông và chu toàn sứ vụ loan báo Tin Mừng”. Chúng ta ước gì Công nghị phân tích cho ta biết tình trạng Đảng Cộng sản áp đặt chủ thuyết duy vật vô thần cho toàn dân, đặc biệt áp đặt cho giới trẻ trong các trường trung học, đại học. Trong tình hình này, Giáo hội Việt Nam, Giáo phận Sài Gòn chúng ta phải làm gì để Tin Mừng của Chúa đến với mọi người. Mà căn bản Tin Mừng là nhận biết có Thiên Chúa tạo thành vũ trụ và con người. Và con người có bổn phận thờ Người, cám ơn Người, yêu mến Người… Tiếp đó là giúp người khác nhận biết Chúa Giêsu không chỉ là một con người, mà là Thiên Chúa làm người để cứu độ ta. Ta phải làm gì cho giới trẻ Công giáo trước sự áp đặt của chế độ. Ta phải làm gì để giúp dân Việt Nam nhận biết Thiên Chúa và Chúa Giêsu? Ta dùng tiền bạc để xây nhà thờ nguy nga, tổ chức mừng lễ hội tốn kém mà không bỏ một đồng để in sách biếu không cho người ngoài Công giáo để họ có cơ hội biết Chúa và Giáo hội. Đó là những vấn đề loan báo Tin Mừng cụ thể. Đàng khác, trong các giáo xứ có đủ mọi hội đoàn đạo đức, nhưng không có một nhóm nào được đào tạo đặc biệt để đi truyền giáo, không phải truyền giáo nơi xa xôi mà truyền giáo cho lương dân đang sống trong xứ đạo của mình? Đó là những vấn đề cụ thể cần được Công nghị nêu ra, phân tích, đưa ra kế hoạch thực hành.
Chế độ Cộng sản là chế độ dối trá. Người giáo dân sống trong chế độ dối trá, ta làm gì để giúp tín hữu sống trung thực, cách riêng giới trẻ.
Nhà văn Trần Mạnh Hảo đã vạch cho ta sự dối trá đó: “Đạo đức trong giáo dục Việt Nam hôm nay đồng nghĩa với dối trá. Thầy dối trá thầy, trò dối trá trò. Quản lý giáo dục báo cáo láo cốt lấy thành tích, nạn mua bán bằng, bán đề thi, mua quan bán tước đang là đại họa của nền giáo dục. Hầu hết sách giáo trình, sách giáo khoa là sách đạo văn. Cán bộ có chức có quyền đua nhau làm thạc sĩ, tiến sĩ, lấy bằng thật nhưng học giả. Nạn dùng tiền mua bằng cấp, mua học hàm học vị đang diễn ra công khai trong cái chợ trời giáo dục Việt Nam. Nhiều ông cán bộ cao cấp có học vị tiến sĩ nhưng chưa có bằng tốt nghiệp đại học, thậm chí có vị chưa có bằng tốt nghiệp cấp hai vẫn lấy được học vị tiến sĩ. Việc chính trị hóa môn văn, môn lịch sử, môn triết học, chính trị hóa nền giáo dục, để tạo cơ sở cho sự dối trá làm bá chủ đất nước. Giáo dục như thế làm sao có thể đào tạo ra những công dân chân chính? Đây là dấu hiệu suy vong lớn nhất của dân tộc do nền giáo dục thiếu tính nhân văn, thiếu tính chân thật gây ra.
Những quả bom B52 tinh thần là nền giáo dục đi chệch hướng chân, thiện, mỹ đang rải thảm lên tinh thần dân tộc thì ai là người phải chịu trách nhiệm trước lịch sử đây”. (Tham luận trong đại hội nhà văn – Chỉ có sự thật mới giải phóng con người, giải phóng văn học và đất nước).
Đứng trước sự dối trá đó, chúng ta cũng mong Công nghị tìm giải pháp để giúp người Kitô hữu tránh khỏi những quả bom B52 tinh thần đó, cách riêng giúp giới trẻ, tương lai của đất nước và của Giáo hội.
Công nghị đề cập đến nền văn hóa tình thương và văn hóa sự sống. Nhưng Công nghị chưa phân tích xã hội hôm nay của chế độ Cộng sản đã tha hóa con người như thế nào, đã chủ trương phá thai như thế nào, để Giáo hội, nhờ tín hữu cụ thể xây dựng nền văn minh tình thương và văn hóa sự sống. Nhà văn Phạm Minh Tâm đã đề cập đến tệ nạn xã hội như sau:
“Đạo đức xã hội ngày nay băng hoại với việc phá thai nằm trong chính sách; tuyệt đại đa số dân nghèo bị bỏ mặc bên ngoài hệ thống y tế công cộng, hàng trăm ngàn trẻ em bị đưa đi xuất cảnh cho thị trường ấu dâm ở các nước lân cận; cũng hàng trăm ngàn cô gái bị bán đi làm một thứ nửa vợ hờ, nửa mãi dâm cho những người có tiền ở khắp nơi trên thế giới; biết bao nhiêu thanh niên thiếu nữ bị các văn phòng dịch vụ làm môi giới buôn sức lao động và họ như thời xa xưa buôn bán nô lệ qua sự khuyến khích của Sở Lao động Thương binh và Xã hội là nên đi lao động nước ngoài để cải thiện đời sống và đã bị ngược đãi đến bỏ mạng ở xứ người. Rồi đất đai của cha ông bị cắt dâng ngoại bang như vụ việc thác Bản Giốc, quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Tệ hại hơn nữa là việc khai thác bauxite độc hại làm lụy đến khối dân vốn đã và đang bị ô nhiễm môi sinh, môi trường…” (Diễn đàn giáo dân 12.2009).
Công nghị “đòi hỏi người Kitô hữu cần có mặt trên mọi nẻo đường cuộc sống, để trở thành tiếng nói của những người không có tiếng nói, trái tim và bàn tay của Thiên Chúa chăm sóc mọi người”. Đây là ngôn ngữ mới và hy vọng là quyết tâm mới: “Kitô hữu phải trở thành tiếng nói của những người không có tiếng nói”. Nếu Kitô hữu phải là tiếng nói của những người không có tiếng nói, thì chúng ta mong rằng, từ nay Giáo hội Công giáo sẽ lên tiếng mạnh mẽ để bênh vực con người, bênh vực tôn giáo, không còn phải đau lòng nghe cha Nguyễn Ngọc Tỉnh than thở: “Trong suốt năm 2007, khi phong trào dân oan đi đòi công lý rộ lên từ Bắc chí Nam, từ nông thôn đến thành thị, Giáo hội Công giáo làm thinh. Khi nổi lên vụ khai thác bauxite, các nhà trí thức công khai bày tỏ ý kiến, yêu cầu nhà nước ngừng triển khai dự án, Giáo hội Công giáo làm thinh. Khi những người mạnh dạn tố cáo tham nhũng, khi các nhà đấu tranh cho tự do dân chủ lần lượt theo nhau vào tù, Giáo hội Công giáo làm thinh. Khi đi biểu tình chống Trung Quốc chiếm Hoàng Sa, Trường Sa, nhiều học sinh, sinh viên hay thường dân bị bắt, bị bỏ tù, Giáo hội làm thinh. Thế thì câu hỏi đặt ra là trong những hoàn cảnh bức thiết đến như vậy, bi đát đến như vậy, trong khi những cá nhân, bất chấp bao phiền toái cho bản thân, bất chấp nguy hiểm cho tính mạng, dám can đảm để đòi công lý, dám hiên ngang bày tỏ lập trường, mạnh mẽ nói lên lòng yêu nước, một niềm gắn bó với tiền đồ dân tộc, thì Giáo hội Công giáo, bắt đầu từ những người lãnh đạo, xem như chẳng có chi liên quan đến mình để mình phải bận tâm”. (Thắp một ngọn nến cho Thái Hà, trang 152-253). Mong rằng những lời khẳng khái của công nghị sẽ mang lại cho Giáo hội một tinh thần mới, một hoạt động mới, để sẵn sàng đấu tranh cho con người, cho dân tộc, cho Giáo hội.
Tôi đã mong Công nghị cử hành một lễ sám hối vì Giáo hội chưa làm những gì cần làm để trở thành tiếng nói của những người không có tiếng nói. Nhưng tiếc là không có lễ sám hối đó.
Tính tôi bộc trực, nghĩ sao nói vậy, không màu mè. Nếu những lời giải thích của tôi cho bạn trẻ làm phiền lòng ai, tôi xin lỗi. Vì yêu Giáo hội, yêu đất nước, yêu con người, nên có khi ăn nói ngổ ngáo, xin mọi người thứ tha.
Phần các bạn trẻ, tôi mong rằng với lá thư ngỏ của công nghị và những giải thích cụ thể của tôi, các bạn sẽ hăng say dấn thân đấu tranh cho đất nước, cho con người, cho tôn giáo.
Lm. Chân Tín
01.12.2011
Phụ lục:Thư Ngỏ của Công nghị TGPSG (Nguồn TGP Thành phố Hồ Chí Minh)
Đổi Mới Để Hiệp Thông
Và Chu Toàn Sứ Vụ Loan Báo Tin Mừng
“Anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em, và phải mặc lấy con người mới.”
(Ep 4, 23-24)

Kính thưa cộng đoàn Dân Chúa Tổng Giáo phận TPHCM,
1. Theo lời kêu gọi của Đức Hồng y Tổng Giám mục Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, và Đức cha Phụ tá Phêrô Nguyễn Văn Khảm, chúng tôi, 178 đại biểu gồm 51 linh mục giáo phận, 15 linh mục tu sĩ, 29 tu sĩ, 83 giáo dân, đã họp Công Nghị Giáo Phận từ ngày 20 đến 26 tháng 11 năm 2011 tại Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận.
Cách đây đúng một năm, Chúa Thánh Thần đã hướng dẫn Giáo Hội tại Việt Nam cử hành Đại Hội Dân Chúa (21-25/11/2010). Chúng tôi tin rằng cũng một Thánh Thần ấy đã thúc đẩy các mục tử của chúng ta quyết định triệu tập Công Nghị Giáo Phận ngay sau khi Đại Hội này kết thúc, để tạo cơ hội cho mọi người tham gia công cuộc xây đắp gia đình giáo phận, theo định hướng Giáo Hội mầu nhiệm – hiệp thông – sứ vụ, theo đường lối của Tin Mừng, nhằm loan báo Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô cho mọi người.
2. Để chuẩn bị cho Công Nghị, từ nhiều tháng qua, cộng đoàn Dân Chúa trong các giáo xứ, giáo hạt, dòng tu và đoàn thể tông đồ đã cầu nguyện, thảo luận, chọn lựa các ý kiến và đề cử đại biểu tham gia Công Nghị.
Công nghị đã khai mạc với thánh lễ mừng Chúa Kitô là Vua vũ trụ, Đấng đã đến khai mở và dẫn chúng ta vào “Vương quốc của Sự thật và Tình yêu, Công chính và Bình an”.
Mỗi ngày, trong năm buổi sáng, dưới sự chủ tọa của Đức Hồng y hay của Đức cha Phụ tá, sau khi cùng nhau dâng thánh lễ hay đọc giờ Kinh Sáng, chúng tôi lắng nghe các bài tham luận, rồi họp tổ thảo luận và chia sẻ kết quả cho nhau trong giờ đúc kết.
Công nghị bế mạc với thánh lễ phong chức linh mục cho ba phó tế như biểu tượng của hồng ân được sai đi rao giảng Tin Mừng cho muôn dân.
3. Xác tín rằng, Giáo Hội là Gia Đình của Thiên Chúa Ba Ngôi do Chúa Kitô thiết lập, chúng ta được mời gọi đi chung với nhau để xây đắp mối hiệp thông hiếu thảo với Ba Ngôi Thiên Chúa, xây đắp mối hiệp thông hợp nhất trong gia đình Giáo Hội, mở rộng mối hiệp thông đồng cảm chia sẻ trong gia đình nhân loại. Vì thế, mọi thành phần trong giáo phận được kêu gọi đổi mới để hiệp thông và chu toàn sứ vụ loan báo Tin Mừng.
4. Trong ngày thứ nhất của Công Nghị, chúng tôi khám phá lại con đường đầu tiên dẫn chúng ta đi sâu vào mối hiệp thông với Thiên Chúa là Lời Chúa và các Bí Tích. Tuy nhiên, trong thực tế, chúng ta chưa quan tâm đủ đến tầm quan trọng của Lời Chúa trong đời sống Kitô hữu. Vì thế, cần đem Lời Chúa vào cuộc sống bằng việc lắng nghe Lời Chúa và chia sẻ sức sống của Lời ấy cho nhau trong thánh lễ của giáo xứ, trong giờ kinh tối gia đình, trong các giờ giáo lý và trong các nhóm nhỏ. Lời Chúa được đón nhận trong tâm thế cầu nguyện, dưới ánh sáng của Thánh Thần Chân lý, có sức mạnh đổi mới con tim, chính là chủ lực của sự hiệp nhất.
5. Qua ngày thứ hai, chúng tôi quan tâm đặc biệt đến việc xây dựng sự hiệp thông trong gia đình cũng như giáo xứ, trong cộng đoàn dòng tu cũng như trong gia đình giáo phận. Muốn được như thế, cần đổi mới các tương quan giữa giám mục và linh mục, giữa linh mục với nhau, giữa linh mục với tu sĩ và giáo dân, và giữa giáo dân với nhau, trong gia đình cũng như giáo xứ. Theo tinh thần Phúc Âm, những mối tương quan này, cần được vun đắp bằng tình yêu thương, sự tôn trọng lẫn nhau, đồng cảm và tinh thần đồng trách nhiệm.
Chúng tôi cũng mong muốn thúc đẩy sự hiệp thông trong các hội đồng mục vụ giáo xứ, giữa các giới và đoàn thể, cũng như giữa các ban mục vụ trong giáo phận.
Tác động hiệp thông và hiệp nhất để thi hành sứ vụ của các ban mục vụ và các giáo xứ sẽ rất phong phú nếu có được sự nối kết trong đối thoại và hợp tác, trong một kế hoạch chung hằng năm của giáo phận, cũng là nền cho mọi kế hoạch khác của giáo xứ và dòng tu.
6. Như Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã nói: “Hiệp thông là chìa khóa để thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng”, vì thế, trong ngày thứ ba và thứ tư, Công Nghị đã tập trung vào việc thi hành sứ vụ, được cụ thể hóa bằng việc xây đắp nền văn minh tình thương và văn hóa sự sống.
Chúng tôi xác tín rằng: ngày nay “việc loan báo Tin Mừng phần lớn tùy thuộc nơi giáo hội tại gia” (Tông huấn Gia đình, số 65). Gia đình là cộng đoàn sự sống và tình yêu đã được Thiên Chúa sáng tạo khi liên kết người nam với người nữ thành tế bào căn bản của xã hội và Giáo Hội. Vì thế, cần cấp bách có kế hoạch chăm sóc mục vụ cho mọi gia đình, nhất là các gia đình trẻ và gia đình tân tòng, hôn nhân khác đạo, các gia đình di dân, để sự hiệp thông ngày càng lớn mạnh giữa người nam và người nữ, giữa cha mẹ và con cái cũng như giữa các thế hệ với nhau.
7. Chúng tôi vui mừng khi chứng kiến sự lớn mạnh của các giới cũng như các đoàn thể giáo dân hiện nay đã có mặt trong nhiều lãnh vực đời sống xã hội. Công cuộc loan báo Tin Mừng ngày nay đòi hỏi người Kitô hữu phải có mặt trên mọi nẻo đường cuộc sống, để trở thành tiếng nói của những người không tiếng nói, trái tim và bàn tay của Thiên Chúa chăm sóc mọi người, cách riêng là những người chưa được yêu thương. Vì thế, cần đưa giáo huấn xã hội của Giáo Hội đến với mọi thành phần Dân Chúa để soi sáng và chỉ đường cho linh mục, tu sĩ và giáo dân thấy được các dấu chỉ thời đại, tích cực dấn thân cho công lý và hòa bình, xây dựng và bảo vệ môi trường sống tự nhiên và tinh thần đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, tích cực có mặt trong môi trường giáo dục và y tế, kinh tế và xã hội, truyền thông và văn hóa.
8. Tất cả các ý kiến của Công Nghị đã được ban thư ký tổng hợp thành những đề nghị và đệ trình Đức Hồng y Tổng Giám mục, để ngài cứu xét và đưa ra những quyết định hậu Công Nghị.
Chúng tôi tin rằng, Thiên Chúa sẽ hoàn tất mọi việc Ngài đã khởi sự trong Công Nghị này. Và dưới tác động của Chúa Thánh Thần, Công Nghị sẽ đem lại sức sống mới cho đời sống giáo phận, nếu chúng ta luôn hiệp thông với Thánh Thần và Giáo Hội, với nhau và với mọi người. Chúng ta hãy hân hoan ngợi khen Thiên Chúa “đã làm cho giáo phận bao việc kỳ diệu” mặc dầu chúng ta yếu kém và còn nhiều thiếu sót.
Chúng tôi chân thành cám ơn sự tích cực đóng góp ý kiến, hiệp thông cầu nguyện và hy sinh của cộng đoàn Dân Chúa trong toàn giáo phận từ nhiều tháng qua, đặc biệt trước và trong Công Nghị.
Nguyện xin Mẹ Maria giúp chúng ta “Xin Vâng” trước lời Thiên Chúa kêu gọi và “Xin Dâng” trước mọi thử thách của cuộc đời. Nguyện xin các thánh Tử Đạo Việt Nam cho chúng ta được can đảm làm chứng cho Tin Mừng tình thương và sự sống, trong mọi hoàn cảnh cuộc đời.
Làm tại Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận TP. HCM, ngày 26.11.2011
Đã thông qua,
TM Ban Tổ Chức
GM Phêrô NGUYỄN VĂN KHẢM
Trưởng Ban
LM Phêrô NGUYỄN VĂN HIỀN
Thư Ký Công Nghị

Không có nhận xét nào: