“… Trên thực tế, trong các chế độ chính trị đang tồn tại hiện nay trên thế giới (không tính thời gian trước đây), chỉ có các đảng cộng sản đương quyền (Việt Nam, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Cuba…) là thành công nhất trong việc thực hiện chuyên chính toàn diện thông qua việc nắm trọn 5 quyền cơ bản, kể cả quyền chi phối về kinh tế của xã hội…”
Theo quan điểm phổ biến hiện nay trên thế giới, có 5 thực thể sau đây đại diện cho các quyền lực cơ bản của xã hội loài người hiện đại. Đó là:
1- Hệ thống lập pháp;
2- Hệ thống hành pháp;
3- Hệ thống tư pháp;
4- Hệ thống truyền thông và báo chí;
5- Hệ thống các tổ chức xã hội dân sự.
Dưới chế độ chuyên chính vô sản, hay bất cứ một chế độ chuyên chế nào, nếu muốn đảm bảo đảng cầm quyền lãnh đạo được một cách “tuyệt đối, trực tiếp và toàn diện” thì nền chuyên chế đó phải biết nắm trọn cả 5 quyền nói trên, trong đó “quyền quyết định chính trị” (tức quyền quyết định đối với 3 hệ thống quyền lực đầu tiên) là có vai trò chi phối tất cả các quyền còn lại; nếu không như thế thì sự chuyên chính của đảng cầm quyền sẽ không được hoàn chỉnh và trọn vẹn.
Đảng Cộng sản Việt Nam đã lĩnh hội hết sức thấu đáo ý nghĩa này, cho nên đã nắm trọn hết cả 5 quyền đó của xã hội; hơn nữa, tuy trong lý thuyết không nói trực tiếp đến “quyền lực của hệ thống kinh tế” – cho dù quyền này cũng là một trong những quyền cơ bản của xã hội loài người – nhưng chủ nghiã “Mác-Lênin” cũng đã đòi hỏi tư liệu sản xuất, nhất là các tư liệu sản xuất cơ bản và chủ yếu của xã hội – như đất đai, hầm mỏ, công xưởng v.v. – cũng phải được công hữu hóa, tức phải được nhà nước của đảng cầm quyền chi phối và quyết định trực tiếp. Bởi vì thực chất yếu tố kinh tế là nền tảng của xã hội và có vai trò quyết định đối với chính trị; chi phối được kinh tế sẽ chi phối được chính trị. Cho nên Đảng ta đã luôn xác định, luôn củng cố và luôn hỗ trợ cả về vật chất lẫn về phương diện chính trị để xác lập vai trò chủ đạo của thành phần kinh tế do nhà nước quản lý (tức thành phần kinh tế quốc doanh) đối với nền kinh tế quốc dân. Từ việc quốc doanh hóa 5 quyền cơ bản của xã hội và quốc doanh hóa cả các tư liệu và công cụ sản xuất cơ bản của xã hội, Đảng ta đã nắm trọn quyền chi phối toàn xã hội, không chừa một quyền nào cho bất cứ ai, kể cả cho người dân. Đó là cách lĩnh hội thấu đáo và triệt để nhất của Đảng ta về tinh thần, về cốt lõi của chuyên chính vô sản để xây dựng thành công “Chủ nghĩa xã hội” trên đất nước ta, lý tưởng và mục tiêu chính trị cao nhất của Đảng. Trên thực tế, trong các chế độ chính trị đang tồn tại hiện nay trên thế giới (không tính thời gian trước đây), chỉ có các đảng cộng sản đương quyền (Việt Nam, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Cuba…) là thành công nhất trong việc thực hiện chuyên chính toàn diện thông qua việc nắm trọn 5 quyền cơ bản, kể cả quyền chi phối về kinh tế của xã hội.
Chủ nghĩa “Mác-Lênin” cũng đã khẳng định, trong giai đoạn đầu của “Chủ nghĩa xã hội” thì chuyên chính vô sản là linh hồn, là cốt lõi, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt của chủ nghĩa “Mác-Lênin”, là chuẩn mực cơ bản nhất để đánh giá tính đảng, tính giai cấp, tính cộng sản của một đảng mệnh danh là đảng “mácxít-lêninnít” và của người đảng viên cộng sản. Do đó, nếu đã là một đảng “mácxít-lêninnít” mà không đứng vững trên những nguyên tắc này thì không phải là một đảng “Mác-Lênin” đích thực; đảng viên nào không đứng vững và kiên định trên lập trường này thì không phải là đảng viên cộng sản đích thực.
Có kiên định với quan điểm chuyên chính vô sản thì mới đủ kiên quyết để chống lại âm mưu diễn biến hòa bình của những phần tử đang đấu tranh cho mục tiêu vì “quyền tự do chính trị”, đòi trả lại “quyền phúc quyết chính trị” cho toàn dân, đòi ban hành luật biếu tình, đòi tự do ngôn luận, tự do lập hội… Họ há không biết rằng dân trí của người dân lẫn của những người cầm quyền đều còn rất thấp (dân nào chính phủ ấy), nếu cho tự do biểu tình, tự do ngôn luận, tự do lập hội thì xã hội này có mà loạn, làm sao Đảng và Nhà nước giữ được sự độc quyền lãnh đạo? Họ đòi cấu trúc lại nền kinh tế theo xu hướng kinh tế tự do và phi quốc doanh hóa, họ há không biết vai trò chi phối xã hội của kinh tế và không biết thế nào là đặc quyền, đặc lợi? Họ đòi quyết liệt phải phục hồi tinh thần dân chủ của Hiến pháp do Chủ tịch Hồ Chí Minh dự thảo và được Quốc hội khóa đầu tiên năm 1946 thông qua mà tinh thần cốt lõi của đòi hỏi này là xóa bỏ điều 4 của Hiến pháp hiện hành về quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội; họ há không biết rằng, nếu xóa bỏ điều 4 trong Hiến pháp hiện hành thì làm sao Đảng còn quyền quyết định đối với hành pháp, lập pháp và tư pháp, làm sao Đảng lãnh đạo được Quốc hội? Họ há không biết rằng xóa bỏ điều đó chẳng khác nào một hành động tự phủ định, chẳng khác nào là hành động tự sát của Đảng?
Rõ ràng lập trường và đòi hỏi của những phần tử tự cho mình là “những người khát khao với tự do và dân chủ” này đã chứng minh tinh thần của họ là chống đối mục tiêu “xã hội chủ nghiã” của Đảng ta hiện nay. Đảng cần phải kiên quyết trước những đòi hỏi và luôn đề cao cảnh giác với mọi động thái của họ thì mới bảo về được sự độc quyền lãnh đạo Nhà nước và lãnh đạo xã hội mà Đảng đang nắm chắc trong tay.
“Tự do về chính trị” là điều kiện tiên quyết để một công dân có thể trở thành một công dân tự do.
Ngược lại, “chuyên chính vô sản” là điều kiện tiên quyết để thực hiện mục tiêu xây dựng chủ nghiã xã hội, mục tiêu chính trị tối thượng của Đảng.
Tùy lý tưởng của mỗi người mà người ấy sẽ lựa chọn “Tự do chính trị”, hay “Chuyên chính vô sản”.
Chúng ta tin tưởng vững chắc rằng, với tương quan lực lượng hiện nay, với lập trường kiên định và sự lãnh đạo chặt chẽ của Đảng ta đối với Quốc hội, cũng như trình độ (cái tâm, cái tầm) của những “đại biểu của dân” đã thể hiện lồ lộ trong các cuộc thảo luận và đề xuất vừa qua thì các đòi hỏi của các phần tử tự cho mình là “những người khát khao với tự do và dân chủ” sẽ bị vô hiệu hóa và nền chuyên chế của Đảng ta không những sẽ được giữ vững mà còn được củng cố và nâng cao hơn nữa.
Thử hỏi lực lượng tự cho mình là “những người khát khao với tự do và dân chủ” này sẽ làm gì được khi Đảng ta nắm trọn các quyền, không chừa cho người dân một chút quyền gì, kể cả quyền kêu khổ, kêu oan qua truyền thông và báo chí, qua hội họp và biểu tình, qua làm thơ và viết văn…?
Chỉ khổ cho dân thôi hỡi Đảng ta ơi, hỡi “…đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”… của ta ơi!
Chỉ khổ cho dân thôi hỡi Quốc hội và Nhà nước “của dân, do dân và vì dân” của ta ơi!
Sống không có một chút quyền gì sao bảo là “Tự do và hành phúc”?
Sống không có một chút quyền gì sao bảo là “Chế độ ta dân chủ gấp vạn lần so với dân chủ tư sản…” (Báo Nhân Dân ngày 5/11/2011), hỡi bà giáo sư, tiến sĩ Phó Chủ tịch nước của ta?
H.Dz.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét