Những mũi khoan sâu
Reuters 26.12 dẫn lời một quan chức COSL, đơn vị dịch vụ dầu khí chuyên biệt của tập đoàn dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC), cho biết đất nước tiêu thụ năng lượng hàng đầu thế giới này sẽ sớm đưa tàu khảo sát nước sâu đầu tiên của mình, Ocean Oil 708, đến vùng Biển Đông.
Một giàn khoan nước sâu đang trong quá trình hoàn thiện ở Thượng Hải. Ảnh: TL |
Theo truyền thông Trung Quốc, tàu Ocean Oil 708 có thể chịu được gió giật cấp 12. COSL cho biết tàu Ocean Oil 708 sẽ được sử dụng trong giai đoạn thăm dò ban đầu, như thám hiểm địa chất, nhưng từ chối tiết lộ chính xác địa điểm hoạt động cụ thể trên Biển Đông.
Trong khi đó, sau khi lỡ hẹn gần nửa năm, tập đoàn CNOOC đang chuẩn bị khoan mũi đầu tiên tại khu vực phía bắc Biển Đông vào những ngày đầu năm 2012, bằng giàn khoan Ocean Oil 981, được mệnh danh là “Hàng không mẫu hạm dầu khí trên biển” của Trung Quốc. Theo lời một quan chức tập đoàn dầu mỏ đã khẳng định trên Reuters hôm 6.12, “Ocean Oil 981 sẽ bắt đầu khoan vào cuối tháng này hoặc đầu tháng giêng năm 2012”.
Quan chức CNOOC không cung cấp thông tin địa điểm khoan chính xác, nhưng những nhà địa chất Trung Quốc cho biết trong những năm gần đây, hoạt động thăm dò ngoài khơi của nước này, chủ yếu diễn ra ở bồn trũng nằm giữa quần đảo Hoàng Sa (Việt Nam) và đảo Hải Nam (Trung Quốc), và lưu vực cửa Châu Giang, đã xác định những “cấu trúc dầu khí lớn” tại đây.
Trang web Chính phủ Trung Quốc (www.china.org.cn) cho biết CNOOC đã dành đến 6 tỉ NDT (tương đương 922,37 triệu USD) để phát triển giàn khoan Ocean Oil 981 nặng 31.000 tấn, có thiết kế đặc biệt chuyên phục vụ cho lĩnh vực khai thác dầu khí nước sâu tối đa 3.000m, độ sâu giếng khoan 12.000m. Tuy nhiên, Ocean Oil 981 chỉ là một phần trong dự án 15 tỉ NDT phát triển đội tàu thăm dò nước sâu để tăng cường khai khoáng và chế xuất nguồn tài nguyên trên biển, theo báo cáo của Oriental Outlook.
Ông Lin Boqiang, giám đốc trung tâm Nghiên cứu kinh tế năng lượng tại đại học Xiamen khẳng định với Global Times rằng, Ocean Oil 981 là ván bài đầu tiên trong các cuộc cạnh tranh nguồn tài nguyên không tái tạo thuộc vùng biển tranh chấp. Khả năng khoan sâu tiên tiến là yếu tố khác biệt mà Việt Nam và Philippines chưa thể cạnh tranh.
Ông Song Ân Lai, chủ tịch hội đồng giám sát của CNOOC đã phát biểu với tạp chí Oriental Outlook rằng, các nước láng giềng tăng cường khai khoáng trong những năm gần đây đã gây ra tổn thất 20 triệu tấn dầu mỗi năm cho Trung Quốc. Năm ngoái, tổng sản lượng dầu khí ngoài khơi của Trung Quốc đứng ở mức 50 triệu tấn, báo cáo từ CNOOC.
Trung Quốc dự kiến đến năm 2020 sẽ duy trì ổn định sản lượng 50 triệu tấn/năm tại khu vực khai thác gần bờ và nâng sản lượng ở khu vực nước sâu lên 40 – 50 triệu tấn/năm.
Đến giữa năm 2010, 180 giếng dầu khí tự nhiên và hơn 200 mỏ địa tầng đã được tìm thấy ở Biển Đông, hầu hết ở độ sâu từ 500 – 2.000m. Trung Quốc nói rằng công tác khai thác dầu mỏ của nước này vẫn còn chậm mặc dù một lượng khoáng sản lớn được phát hiện.
Mở rộng ra ngoài
CNOOC và các đối tác, bao gồm công ty Husky Energy của Canada và tập đoàn Chevron của Mỹ cũng sẽ đẩy mạnh công tác thăm dò vùng nước sâu ở Biển Đông trong những năm tới. Kế hoạch sản xuất lớn đầu tiên là dự án Liwan 3-1 lớn nhất và sâu nhất của Trung Quốc, khánh thành năm 2009 với chi phí 35 tỉ NDT (tương đương 5,53 tỉ USD). Dự án này dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2014, sản lượng dự kiến đạt 14,2 triệu m3 trong năm 2015.
Ông Jin Xiaojian, giám đốc bộ phận kỹ thuật và xây dựng của CNOOC nói với tờ nhật báo Thông tin Kinh tế ở Bắc Kinh rằng nước này sẽ tiếp tục xây dựng giàn khai thác dầu khí nước sâu thứ hai và thứ ba để không ngừng hỗ trợ hoạt động khai khoáng này.
Ngoài tham vọng chinh phục các giếng dầu ở Biển Đông, CNOOC cũng hướng tới việc đưa thiết bị khoan dầu nước sâu ra nước ngoài, khi tập đoàn này đã mua một số mỏ dầu khí ở Nam Mỹ, theo thông tin từ tạp chí Oriental Outlook.
Học giả Zhao Ying thuộc viện Hàn lâm khoa học xã hội Trung Quốc cũng nhận định trên Global Times rằng những giàn khoan mới là chiến lược trọng yếu của quốc gia hơn 1 tỉ dân này. Công nghệ sẵn có sẽ giúp Trung Quốc khai thác lẫn bảo vệ các hoạt động khai thác.
Tuyết Hạnh (Reuters, China.org, Global Times, Oriental Outlook)
http://sgtt.vn/Quoc-te/157497/Trung-Quoc-Nhung-gian-khoan-sau-o-Bien-Dong.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét